Đây là hoạt động văn hóa đầu tiên được tổ chức tại Tòa nhà di sản 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài, tòa biệt thự có kiến trúc Đông Dương vừa được thành phố trùng tu để trở thành trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ của Hà Nội.
Triển lãm trưng bày 52 tác phẩm hội họa với 2 chủ đề chính là “Người Hà Nội” và “Qua miền Tây Bắc” của 20 họa sĩ, trong đó có nhiều họa sĩ tên tuổi như: Công Quốc Hà, Lê Anh Vân, Bùi Hữu Hùng, Hồng Việt Dũng, Trần Tuyết Mai, cùng các họa sĩ đương đại Nguyễn Văn Cường, Mai Xuân Oanh, Lê Bá Cầu, Nguyễn Huyền, Nguyễn Thế Dung, Nguyễn Minh, Lê Trần Hậu Anh…
Ở góc nhìn của mỗi họa sĩ, Hà Nội hiện lên một vẻ đẹp khác nhau. Nếu như “Chợ hoa đêm Quảng An” của họa sĩ Công Quốc Hà cho thấy một Hà Nội rực rỡ, rộn ràng đón mùa xuân đến, thì Hồng Việt Dũng lại khai thác vẻ đẹp thơ mộng và dịu dàng của Hà Nội với tác phẩm “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời”; bức “Hoài niệm Ô Quan Chưởng” của họa sĩ Nguyễn Thế Dung đậm chất suy tư khiến người xem tranh có nhiều suy ngẫm; 3 bức “Chuyện phố 1, 2 và 3” của Nguyễn Minh, “Hồ Tây vào thu” của Lê Đức Tùng, “Thiếu nữ” của Nguyễn Văn Cường, “Hà Nội mùa thu” của Trần Tuyết Mai… là những nốt nhạc đẹp trong bản hòa ca về Hà Nội, miêu tả những cung bậc cảm xúc của đời sống và con người Hà Nội.
Nổi bật trong các tác phẩm về vẻ đẹp Tây Bắc có bức sơn dầu “Vùng cao” của họa sĩ Lê Anh Vân bởi chất hội họa hiện đại với một vần điệu riêng. Bức sơn mài khổ lớn “Qua miền Tây Bắc” của họa sĩ Bùi Hữu Hùng miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc hiện lên rực rỡ với sắc đỏ của son thu hút mạnh mẽ người xem. Ở góc nhìn của Nguyễn Văn Đức, thiên nhiên Tây Bắc hiện lên bình dị nhưng vô cùng lãng mạn với tác phẩm “Nậm Nghiệp mùa xuân về”, còn Lê Thế Anh tập trung diễn tả vẻ đẹp trong sáng, tự nhiên của em bé vùng cao trong tác phẩm “Nhìn những mùa thu đi”…
Triển lãm mở cửa đến hết ngày 10-6-2024.
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm.