Ung thư da giai đoạn muộn không phải u hắc tố ác tính có thể điều trị triệt căn. Tuy nhiên quá trình điều trị kéo dài, tốn thêm nhiều chi phí và nguy cơ để lại sẹo cao hơn so với việc can thiệp điều trị ung thư da giai đoạn sớm. Ngược lại, ung thư hắc tố giai đoạn muộn có tiên lượng sống thêm sau 5 năm khiêm tốn, chỉ khoảng 32%. (1)
Ung thư da giai đoạn muộn là gì?
Ung thư da được chia thành 2 nhóm chính để điều trị và theo dõi, bao gồm ung thư da không hắc tố và ung thư da hắc tố. Ung thư da không hắc tố giai đoạn muộn không phải ung thư da giai đoạn cuối như nhiều người lầm tưởng. Thuật ngữ ung thư giai đoạn cuối (hay dùng trong dân gian) để ám chỉ giai đoạn bệnh không thể kiểm soát được bằng các phương pháp điều trị. Trong khi đó, một số bệnh ung thư giai đoạn muộn có thể kiểm soát điều trị được. Tuy nhiên bệnh nhân ung thư da hắc tố giai đoạn muộn thường có tiên lượng điều trị và phục hồi kém khả quan do tế bào ung thư ác tính di căn đến các cơ quan xa của cơ thể. (2)
Các loại ung thư da không phải khối u ác tính gồm sarcoma mạch, u lympho tế bào B và T ở da, sarcoma xơ bì, sarcoma Kaposi, ung thư biểu mô tế bào Merkel và ung thư biểu mô tuyến bã nhờn. Trong đó ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) và ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC) rất phổ biến, chiếm tỷ lệ cao các trường hợp chẩn đoán ung thư da.
Ung thư da giai đoạn muộn không hắc tố là tình trạng khối u đã lan rộng đến các mô lành xung quanh khối u nguyên phát. Tế bào ung thư có thể xâm lấn hạch bạch huyết, mô và xương. Cụ thể như sau: (3)
- Ung thư có kích thước bất kỳ, có thể lan rộng đến xương hoặc mô bao phủ dây thần kinh bên dưới lớp hạ bì hoặc bên dưới mô da.
- Ung thư có thể xâm lấn hạch bạch huyết cùng phía với khối u, có kích thước dưới 3cm, tế bào ung thư lan đến lớp vỏ ngoài của hạch bạch huyết.
- Hoặc ung thư ảnh hưởng đến một hạch bạch huyết cùng phía với khối u, kích thước lớn hơn 3cm nhưng không quá 6cm, tế bào ung thư chưa lan rộng qua lớp vỏ ngoài của hạch bạch huyết. (4)
- Hoặc ung thư xâm lấn hạch bạch huyết phía đối diện khối u hoặc ở cả hai bên, các hạch bị ảnh hưởng có kích thước dưới 6cm và chưa lan rộng ra lớp ngoài của vỏ hạch.
Ung thư có thể di căn cơ quan xa như phổi hoặc đáy hộp sọ.
Xem thêm: 5 giai đoạn ung thư da: Cách đánh giá và chẩn đoán chi tiết.
Triệu chứng ung thư da giai đoạn muộn
Triệu chứng của bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào vảy (SCC), ung thư biểu mô tế bào đáy (BCC) và ung thư biểu mô tế bào Merkel có thể không giống nhau. Thậm chí cùng một loại ung thư, biểu hiện ung thư giữa những người bệnh cũng có sự khác biệt. Một số trường hợp bệnh nhân ung thư da không phải u hắc tố ác tính không có bất kỳ triệu chứng nào.
Ở giai đoạn muộn ung thư da, các triệu chứng ung thư có thể rõ ràng, mức độ nghiêm trọng cao hơn. Một số biểu hiện của ung thư da không phải u hắc tố ác tính gồm:
Biểu hiện ung thư biểu mô tế bào đáy:
- Vết lở loét hở, rỉ nước hoặc máu, đóng vảy và kéo dài sau vài tuần;
- Mảng da nổi, ửng đỏ, có thể đóng vảy hoặc ngứa nhưng ít khi gây đau đớn;
- Vết sưng tấy màu hồng lõm giữa và có vảy, đường viền nhô cao;
- Vùng da như vết sẹo, màu trắng, tái nhợt, vàng hoặc sáp, không có đường viền rõ ràng.
Triệu chứng ung thư biểu mô tế bào vảy:
- Vết tổn thương da đóng vảy, có thể chảy máu
- Nốt da sần như mụn cóc
- Vết lở loét da kéo dài nhiều tuần không khỏi
- Nốt tổn thương da lớn, bề mặt gồ ghề và lõm ở trung tâm
Dấu hiệu ung thư tế bào Merkel phổ biến gồm:
- Nổi cục không đau, sờ vào rắn chắc, bề mặt da sáng bóng.
- Khối u màu đỏ, hồng hoặc xanh.
Ung thư da giai đoạn muộn sống được bao lâu?
Ung thư da không phải u hắc tố ác tính rất ít khi di căn các cơ quan khác trong cơ thể nên tiên lượng điều trị và phục hồi rất tốt, trên 95%. Tuy nhiên điều trị ung thư da giai đoạn muộn đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí hơn, nguy cơ để lại vết sẹo sau điều trị cao so với điều trị can thiệp ung thư da giai đoạn sớm. Sau điều trị, ung thư cũng có khả năng tái phát cao hơn. Theo thống kê, trong 5 năm đầu tiên sau chẩn đoán ung thư da không phải u hắc tố ác tính, có khoảng 30-50% bệnh nhân sẽ phát triển một loại ung thư da khác không phải u hắc tố ác tính. (5)
Một số đặc điểm liên quan đến khả năng tái phát của ung thư da bao gồm kích thước khối u lớn (hơn 2cm hoặc độ sâu lớn), ranh giới khối u không rõ ràng, vị trí khối u nằm ở đầu hoặc cổ, hệ miễn dịch bị giảm sút, khối u xâm lấn dây thần kinh, khối u xuất hiện tại vị trí xạ trị trước đó…
Nhìn chung, hầu hết bệnh nhân ung thư da giai đoạn muộn (không phải ung thư hắc tố) đều có thể sống thêm sau 5 năm sau chẩn đoán ung thư.
Ung thư da giai đoạn muộn có chữa được không?
Ung thư da giai đoạn muộn không phải u hắc tố ác tính có thể chữa khỏi. Tuy nhiên thời gian điều trị dứt điểm có thể kéo dài và tốn kém hơn so với điều trị ung thư ở giai đoạn sớm. Sau điều trị có thể để lại sẹo.
Đối với các trường hợp mắc ung thư da giai đoạn muộn là ung thư hắc tố, tiên lượng điều trị và phục hồi tương đối kém khả quan do tế bào ung thư đã di căn cơ quan xa. Các phương pháp điều trị ung thư da giai đoạn cuối đối với khối u hắc tố thường tập trung vào giảm nhẹ các triệu chứng, kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Cách điều trị ung thư da giai đoạn muộn
Các phương pháp điều trị ung thư da giai đoạn muộn không phải ung thư hắc tố bao gồm:
1. Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật có thể được chỉ định đối với bệnh nhân ung thư da giai đoạn muộn. Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u, các liệu pháp bổ trợ có thể được áp dụng như hóa-xạ trị nhằm triệt căn tế bào ung thư còn sót lại. Bệnh nhân ung thư da tái phát hoặc ung thư hắc tố giai đoạn sớm cũng được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Sau phẫu thuật, nếu vùng da lớn bị cắt bỏ, một phần da ở những vị trí ít nhìn thấy hơn như mông, bụng, lưng… được ghép vào vùng hở lớn để giảm nguy cơ nhiễm trùng và đảm bảo thẩm mỹ.
2. Xạ trị
Phương pháp xạ trị được sử dụng để giảm kích thước khối u, kiểm soát các triệu chứng của người bệnh trong trường hợp bệnh nhân không đủ điều kiện tham gia phẫu thuật. Bệnh nhân có thể trải qua một hoặc nhiều đợt xạ trị.
3. Thuốc nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch
Thuốc nhắm mục tiêu có tác dụng ngăn chặn khối u phát triển, làm chậm quá trình tế bào ung thư nhân rộng. Thuốc điều trị miễn dịch giúp kích thích hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể để chúng phát hiện các tế bào lạ, tiêu diệt tế bào ung thư.
Hai phương pháp này có thể được chỉ định trong điều trị ung thư hắc tố không thể can thiệp phẫu thuật, đã xâm lấn các hạch bạch huyết vùng và di căn cơ quan xa. Trước khi chỉ định sử dụng thuốc nhắm mục tiêu trong điều trị khối u ác tính, bác sĩ có thể làm xét nghiệm kiểm tra một số gen nhất định để đánh giá bệnh nhân có thể tham gia điều trị hay không.
4. Hóa trị
Trong trường hợp bệnh nhân ung thư không thể tham gia điều trị phẫu thuật, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng trong điều trị u hắc tố ác tính giai đoạn tiến triển. Dù hóa trị không đạt hiệu quả điều trị tốt như phương pháp điều trị nhắm mục tiêu và liệu pháp miễn dịch, hóa trị vẫn có thể làm chậm quá trình tế bào ung thư phân chia, nhân rộng, giảm các triệu chứng ung thư da giai đoạn muộn.
Chăm sóc bệnh nhân ung thư da giai đoạn muộn
Một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân ung thư da giai đoạn muộn bao gồm:
- Chăm sóc, vệ sinh làm sạch vùng da bị tổn thương mỗi ngày.
- Thoa kem dưỡng chấm thấm nước có chứa vitamin A và D, giữ làn da khô thoáng tự nhiên.
- Tránh nhiệt quá nóng hoặc quá lạnh ở vùng da bị tổn thương.
- Mặc quần áo mỏng nhẹ, thoải mái, tránh cọ xát vào vùng da tổn thương.
- Sử dụng thuốc và tham gia các chương trình điều trị theo phác đồ đã bác sĩ chuyên khoa ung bướu lên trước đó.
- Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF tối thiểu 30 mỗi ngày. Thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ và 1 giờ nếu đổ nhiều mồ hôi hoặc bơi lội.
- Theo dõi các tác dụng phụ nếu có như phát ban, ngứa rát, nóng sốt… và thông báo ngay đến bác sĩ điều trị để được theo dõi.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, có thể tham khảo bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để thiết kế tháp ăn uống phù hợp.
- Tái khám theo kế hoạch điều trị.
Để hạn chế ung thư da giai đoạn muộn, mỗi người, đặc biệt là nhóm đối tượng nguy cơ cao mắc ung thư da nên tầm soát ung thư da mỗi năm ít nhất một lần. Để đặt lịch tư vấn và sàng lọc ung thư da tại BVĐK Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua thông tin sau:
Ung thư da giai đoạn muộn không phải ung thư da giai đoạn cuối như dân gian lầm tưởng và một số trường hợp vẫn còn khả năng điều trị, tuy nhiên do phát hiện muộn, quá trình phẫu thuật loại bỏ khối u và tế bào ung thư da có thể kéo dài và tốn kém chi phí nhiều hơn. Do đó người bệnh cần kiên trì, theo dõi và thực hiện trong phác đồ điều trị ung thư da đã được bác sĩ lên kế hoạch.