Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm u nguyên bào võng mạc
Chẩn đoán u nguyên bào võng mạc thường xác định bằng phương pháp soi đáy mắt. Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ có thể thực hiện nhỏ thuốc làm giãn đồng tử hoặc khám mắt dưới gây mê.
Để tìm kiếm các khối u khó nhìn thấy hoặc các khối u tương ứng trong não, các xét nghiệm hình ảnh học có thể được thực hiện bao gồm:
- Siêu âm: Hình ảnh siêu âm có thể cho thấy sự tích tụ canxi thường gặp ở u nguyên bào võng mạc.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): U nguyên bào võng mạc thường liên quan đến sự tích tụ canxi, cũng có thể nhìn thấy trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính.
- Quét cộng hưởng từ (MRI): Đây là phương pháp tốt nhất để có được hình ảnh chi tiết về các mô và cấu trúc của cơ thể. Quét MRI có thể được thực hiện để đánh giá mức độ lan rộng cũng như di căn của khối u.
- Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET): Đây là xét nghiệm hình ảnh học đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện di căn.
Điều trị u nguyên bào võng mạc
Điều trị u nguyên bào võng mạc là sự kết hợp của nhiều ngành khác nhau bao gồm nhi khoa, ung thư, nhãn khoa, gia đình và các chuyên gia y tế liên quan. Các phương thức điều trị khác nhau được sử dụng trong u nguyên bào võng mạc là:
- Hoá trị: Đây là phương pháp điều trị chủ yếu, dùng thuốc để tấn công trực tiếp vào tế bào ung thư. Các thuốc được sử dụng trong khoảng thời gian khác nhau tùy thuộc vào mức độ của u nguyên bào võng mạc. Sau khi hoá trị có thể sử dụng liệu pháp áp lạnh hoặc nhiệt để tối đa hoá khả năng kiểm soát khối u.
- Xạ trị: U nguyên bào võng mạc có thể rất nhạy với xạ trị. Tuy nhiên xạ trị ít khi được sử dụng vì các tác dụng phụ lâu dài như đục thuỷ tinh thể, bệnh lý thần kinh do bức xạ, bệnh võng mạc do bức xạ.
- Các liệu pháp tập trung (áp lạnh, nhiệt, laser): Các liệu pháp được sử dụng để tập trung tiêu diệt trực tiếp các tế bào khối u.
- Phẫu thuật:Phẫu thuật có thể được chỉ định khi u nguyên bào võng mạc có nguy cơ lan rộng, điều này giúp hạn chế u lan rộng hơn.