Zona thần kinh liên sườn là bệnh lý phổ biến chủ yếu tập trung ở người lớn trên 65 tuổi và những người suy giảm hệ miễn dịch. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể đối mặt với nhiều hệ lụy nguy hiểm như biến chứng phá hủy tế bào thần kinh cột sống, rối loạn chức năng truyền tín hiệu từ da gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Chính vì vậy, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, người bệnh cần đi khám và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng nguy hiểm và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
BS Nguyễn Văn Quảng, Quản lý Y khoa vùng 4 khu vực miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ: “Zona thần kinh liên sườn là bệnh lý lành tính, các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi trong vòng 2-3 tuần. Ngược lại, nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như tế bào thần kinh cột sống bị phá hủy, chức năng truyền tín hiệu từ da bị rối loạn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống”.Bệnh zona thần kinh liên sườn là gì?
Bệnh zona thần kinh liên sườn là tình trạng đau dây thần kinh ở ngực và phía trước ngực (còn gọi là hội chứng tổn thương các rễ thần kinh liên sườn) chủ yếu tập trung ở người lớn trên 65 tuổi và người suy giảm miễn dịch. Dấu hiệu đặc trưng là cơn đau nhức chỉ xảy ra một bên cơ thể (trái hoặc phải) xuất phát từ ngực rồi lan ra mạn sườn và kéo dài đến phía sau cột sống. Đồng thời, vùng da này cũng tăng nhạy cảm bởi các cơn đau, rát tăng lên rõ rệt khi ấn, sờ vào, cơn đau có thể liên tục hoặc gián đoạn và dữ dội nhất là vào ban đêm. Đối với những trường hợp nặng, cơn đau nhức có thể khiến người bệnh suy giảm chức năng vận động và suy nhược cơ thể, từ đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Bị zona thần kinh liên sườn có nguy hiểm không?
Zona thần kinh liên sườn về bản chất không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các cơn đau nhức dữ dội và liên tục có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của người bệnh, làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Chình vì vậy, nếu phát hiện thấy bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc zona thần kinh liên sườn, người bệnh cần nhanh chóng thăm khám và điều trị sớm, đồng thời tuân thủ hướng dẫn chăm sóc của bác sĩ để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm và nhanh chóng phục hồi.
Nguyên nhân gây bệnh zona thần kinh liên sườn
Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân gây bệnh zona thần kinh liên sườn là do sự tái hoạt động của virus Varicella-Zoster (VZV). Sau khi gây bệnh thủy đậu, virus VZV không bị tiêu diệt mà tồn tại âm thầm trong hạch thần kinh thời gian dài. Người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu hay thường xuyên lo lắng, căng thẳng, suy nhược cơ thể,… sẽ là điều kiện lý tưởng để virus VZV tái hoạt động và gây ra bệnh zona thần kinh liên sườn.
Khi virus VZV thức giấc, chúng bắt đầu tấn công và làm tổn thương hệ thần kinh khiến xung điện thần kinh bị rò rỉ. Đây chính là lý do khiến người bệnh có cảm giác đau nhức dữ dội và liên tục, cơn đau được miêu tả như điện giật, kim châm khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc tìm cách giảm đau.
Nhìn chung, zona thần kinh liên sườn là bệnh lý lành tính, các triệu chứng sẽ thuyên giảm và khỏi trong vòng 2-3 tuần. Ngược lại, nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như tế bào thần kinh cột sống bị phá hủy, chức năng truyền tín hiệu từ da bị rối loạn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Biểu hiện đau thần kinh liên sườn sau zona
Zona liên sườn cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để hạn chế các biến chứng nguy hiểm và nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Các biểu hiện đau thần kinh liên sườn sau zona thần kinh sẽ khác nhau ở từng giai đoạn, cụ thể ở cường độ đau và biểu hiện ngoài da. Do đó, ngay khi phát hiện thấy những cơn đau nhức bất thường ở vùng ngực, bụng hoặc xương sườn, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, kiểm tra và điều trị kịp thời.
1. Giai đoạn cấp tính
Nếu người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn cấp tính, các cơn đau sẽ xuất hiện một cách đột ngột tại một bên sườn cụ thể. Trong vài ngày, tại vùng da tổn thương này sẽ dần phát ban đỏ và hình thành các bọng nước chứa nhiều dịch, có hình bầu dục hoặc hình tròn mọc thành từng cụm như chùm nho.
Các nghiên cứu cho thấy, cơn đau zona liên sườn được mô tả như điện giật, kim châm kèm theo cảm giác bỏng rát, ngứa ngáy và sẽ tăng cảm giác đau nếu người bệnh có bất kỳ sự va chạm nào vào vùng da này hoặc có sự tiếp xúc với với bề mặt của quần áo. Bên cạnh đó, người bệnh có thể mệt mỏi, uể oải, sốt trong giai đoạn cấp tính.
2. Giai đoạn di chứng
Ở giai đoạn di chứng (còn gọi là giai đoạn mạn tính), các tổn thương trên da đã lành lặn nhưng cảm giác đau nhức, nóng rát và châm chích vẫn còn tiếp diễn. Cảm giác này thường kéo dài vài tháng, chủ yếu xảy ra ở người bệnh lớn tuổi làm ảnh hưởng đến tâm lý, rối loạn giấc ngủ và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh zona thần kinh liên sườn có lây không?
CÓ THỂ! Về bản chất, zona thần kinh nói chung hay zona thần kinh liên sườn nói riêng không phải bệnh truyền nhiễm vì bệnh zona không thể lây nhiễm từ người này sang người khác. Tuy nhiên, người mắc bệnh zona liên sườn có mang mầm bệnh là virus VZV và có thể truyền virus qua người tiếp xúc trực tiếp với chất dịch từ bọng nước bị vỡ, khiến họ mắc bệnh thủy đậu. Đặc biệt những người chưa từng có miễn dịch với bệnh thủy đậu hoặc chưa từng tiêm vắc xin phòng ngừa thủy đậu là những đối tượng có nguy cơ cao mắc thủy đậu nếu có tiếp xúc với người mắc bệnh zona liên sườn.
Biến chứng bệnh zona thần kinh liên sườn
Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, zona thần kinh liên sườn có thể khiến người bệnh đối mặt với nhiều biến chứng như phá hủy tế bào thần kinh cột sống và chức năng truyền tín hiệu từ da bị rối loạn làm ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày, khó tập trung, suy giảm chất lượng giấc ngủ.
Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh zona liên sườn, người bệnh cần nhanh chóng đến các bệnh viện hoặc trung tâm y tế có chuyên khoa để được thăm khám, kiểm tra và điều trị đúng phương pháp nhằm ngăn chặn sự tàn phá của dây thần kinh và giảm thiểu cảm giác đau nhức, khó chịu.
Điều trị bệnh đau thần kinh liên sườn do zona
Chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho người mắc bệnh zona thần kinh liên sườn. Chuyên gia cho biết, phần lớn các phương pháp điều trị hiện nay đều tập trung làm suy yếu khả năng hoạt động của virus VZV, đồng thời kiểm soát và ngăn chặn các cơn đau nhức do zona thần kinh liên sườn. Một số phương pháp khoa học được các chuyên gia áp dụng để điều trị bệnh zona thần kinh liên sườn bao gồm:
1. Điều trị bệnh đau thần kinh liên sườn do zona bằng thuốc giảm đau
Nhằm hỗ trợ người bệnh cải thiện tình trạng đau nhức dữ dội và liên tục do zona liên sườn, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc giảm đau Paracetamol. Paracetamol là loại không có hoạt chất chống viêm nhưng giúp giảm đau, đặc biệt là các cơn đau dai dẳng và dữ dội do zona thần kinh liên sườn rất tốt. Đặc biệt, paracetamol kết hợp cùng codeine sẽ giúp tăng hiệu quả giảm đau (từ nhẹ đến trung bình) khi các loại thuốc giảm đau thông thường như paracetamol hay ibuprofen (đơn độc) không có hiệu quả.
Lưu ý: Đây là loại thuốc giảm đau gây nghiện, do đó người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc dùng liều lượng cao để nhanh chóng giảm đau vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến gan. Trong quá trình dùng thuốc, nếu phát hiện thấy có những biểu hiện bất thường cần nhanh chóng thông báo đến bác sĩ điều trị để được can thiệp kịp thời.
2. Điều trị bệnh đau thần kinh liên sườn do zona bằng các loại thuốc nhóm NSAID
NSAID là nhóm thuốc chống viêm không steroid có tác dụng giảm đau, chống viêm, không gây nghiện rất hiệu quả, trong đó aspirin, ibuprofen, diclofenac, naproxen là những loại thuốc tiêu biểu được sử dụng rộng rãi để điều trị bệnh đau thần kinh liên sườn. Tuy nhiên, các loại thuốc nhóm này không nên sử dụng quá 10 ngày vì có thể gây một số tác dụng phụ hại dạ dày hoặc làm xuất hiện cơn hen suyễn. Do đó, người mắc zona thần kinh liên sườn có tiền sử bệnh dạ dày thường không được chỉ định sử dụng nhóm thuốc này.
3. Điều trị bệnh đau thần kinh liên sườn do zona bằng thuốc giảm đau thần kinh
Bên cạnh các loại thuốc giảm đau, chống viêm, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định thêm một số loại thuốc giảm đau dây thần kinh liên sườn, phổ biến nhất là nhóm thuốc gabapentin. Thực tế, gabapentin là loại thuốc được chỉ định để chống co giật, kiểm soát cơn động kinh nhưng với bệnh zona thần kinh liên sườn, kết hợp gabapentin với các loại thuốc giảm đau, chống viêm khác sẽ mang lại hiệu quả giảm đau sau zona rõ rệt.
Trong quá trình sử dụng thuốc gabapentin, người bệnh có thể trải qua một số tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, cảm giác mệt mỏi, uể oải, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón, nhức đầu, tức ngực, khô miệng, mất thăng bằng, phát ban, tức ngực khó thở,… Do đó, người bệnh cần tuân thủ quy hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ để hạn chế tối đa các tác dụng phụ.
Lưu ý: Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc dùng liều lượng cao để nhanh chóng giảm đau vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến gan. Trong quá trình dùng thuốc, nếu phát hiện thấy có những biểu hiện bất thường cần nhanh chóng thông báo đến bác sĩ điều trị để được can thiệp kịp thời.
4. Điều trị bệnh đau thần kinh liên sườn do zona bằng cách phong bế dây thần kinh liên sườn
Phong bế dây thần kinh liên sườn là phương pháp giúp giảm các cơn đau ở ngực do đau dây thần kinh sau zona bằng cách giảm viêm và kích ứng ở dây thần kinh liên sườn. Những người bệnh không thể đáp ứng với các phương pháp điều trị khác sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp phong bế dây thần kinh liên sườn. (1)
Zona thần kinh liên sườn có tái phát không?
CÓ! Các nghiên cứu cho thấy phần lớn các trường hợp mắc zona thần kinh nói chung hay zona thần kinh liên sườn nói riêng đều tập trung ở người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch (bạch cầu, ung thư hoặc HIV/AIDS hoặc đang dùng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch), người có bệnh nền mạn tính (bệnh máu ác tính, bệnh tự miễn, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp) hoặc tiền sử mắc bệnh thủy đậu trước đó. Trong đó, tuổi tác là yếu tố hàng đầu khiến zona thần kinh liên sườn có nguy cơ tái phát cao, đặc biệt nếu người bệnh nằm trong độ tuổi từ 51-70 tuổi. Điều này cho thấy tuổi càng cao, các chức năng trong cơ thể suy yếu, các bệnh nền mạn tính khiến hệ miễn dịch bị suy giảm và tạo điều kiện cho virus VZ tái hoạt động và tiếp tục gây bệnh.
Cách phòng ngừa zona thần kinh liên sườn
Bên cạnh các phương pháp khoa học trên, để phòng ngừa zona thần kinh liên sườn người bệnh cần:
- Tuyệt đối không chạm, gãi vào vùng da tổn thương để hạn chế các bọng nước bị vỡ. Che chắn kỹ các bọng nước để tránh lây nhiễm sang người khác.
- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Cố gắng giữ vùng da bị tổn thương luôn khô ráo, tránh nhiễm trùng.
- Mặc quần áo rộng rãi được làm từ chất liệu mềm, mỏng, thoáng mát để tránh cọ xát mạnh, gây vỡ các bọng nước.
- Không sử dụng chung đồ cùng cá nhân với các thành viên khác trong gia đình.
- Tránh tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trẻ em, người lớn tuổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, phụ nữ mang thai bởi đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm virus VZV và phát triển thành bệnh thủy đậu, dễ gặp các biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
- Xây dựng và duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, lành mạnh và bổ sung thêm vitamin nhóm B như B1, B6, B12.
- Khi phát hiện thấy các biểu hiện nghi ngờ bệnh zona thần kinh liên sườn, cần thăm khám và điều trị đúng phương pháp để hạn chế biến chứng và mau phục hồi sức khỏe.
- Chủ động tiêm vắc xin để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc bệnh thủy đậu và tránh được zona thần kinh liên sườn.
Tóm lại, zona thần kinh liên sườn không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, suy giảm chức năng vận động, suy nhược cơ thể, từ đó ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Chính vì vậy, chủ động phòng ngừa zona liên sườn bằng việc tiêm vắc xin đầy đủ và thực hiện các phương pháp khoa học giúp ngăn chặn căn bệnh này cũng như giảm thiểu nguy cơ gặp các biến chứng nặng do bệnh gây ra.