Phượng hồng rưng rưng...

Không biết tự bao giờ, tạo hóa đã ưu ái dành riêng cho tuổi học trò một màu hoa thật đẹp. Màu hoa thắm đỏ hồn nhiên được gọi bằng cái tên giản dị, tri âm của tiếng lòng thổn thức, cưu mang bao vui buồn kỷ niệm, trở thành biểu tượng của mối tình mười tám dại khờ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Phượng chọn mùa thi để đơm bông, thay lá. Phượng gối đầu lên trang sách học trò. Phượng ngủ hiền trong trang lưu bút khi hóa thân thành những cánh bướm nhỏ xinh, mềm mại. Và cũng chính phượng, chính cái sắc đỏ nhói lòng kia đã lấy đi của học trò biết bao nước mắt buổi xa trường.

Bởi thế, màu hoa ấy nghiễm nhiên trở thành một phần không thể thiếu trong hành trang nỗi nhớ về một thời cắp sách, để rồi không ít người đã dành cho phượng những xúc cảm ngọt ngào qua từng trang viết. Vậy nhưng, có lẽ, sẽ còn rất lâu nữa hoặc không bao giờ có một bài ca học trò nào hay hơn, đẹp hơn, xúc động hơn, đủ sức thay thế “Phượng hồng” - tác phẩm của mối giao cảm thơ nhạc tuyệt mỹ.

Cuộc gặp gỡ đầy duyên nợ giữa nhà thơ Đỗ Trung Quân và nhạc sĩ Vũ Hoàng đã hôn phối thành một “Phượng hồng” như thế, đắm đuối, nồng nàn và lay động mãnh liệt. Phải dành cho tuổi học trò một tình cảm thật đặc biệt, một cảm hứng đủ lớn thì mới có thể viết được những câu thơ tự nhiên, giàu sức gợi đến vậy: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu/ Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng - mối tình đầu…”.

Bao nhiêu hình ảnh, bấy nhiêu kỷ niệm và vô vàn những cung bậc cảm xúc riêng có của tuổi học trò đã được khái quát và ghi lại đầy đặn trong “Chút tình đầu” (thơ Đỗ Trung Quân): “Mối tình đầu của tôi có gì/ Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp/ Là áo người trắng cả giấc ngủ mê/ Là bài thơ cứ còn hoài trong cặp/ Giữa giờ chơi mang đến lại mang về”. Ấy còn là mối tình đầu khờ khạo của chàng trai tuổi mười tám tội nghiệp, trộm nhớ vụng thương người bạn gái áo lụa tóc mềm, khi thời gian vội vã chở tuổi học trò đi qua mùa phượng cuối, mới bồi hồi tiếc nuối, ngọng nghịu không nói nên lời, mà chỉ biết “Khắc nỗi nhớ vào cây”.

Phượng vô tư thắp lửa giữa mùa thi, càng khiến cho những tâm hồn trắng trong thêm luyến lưu, chộn rộn. Trên cái nền thắm đỏ của màu hoa lộng lẫy mà đượm buồn ấy, những mối tình câm cứ bịn rịn nương vào. Cái dang dở lưng chừng của rung cảm ban sơ rõ ràng là rất đẹp, rất nên thơ, để những tháng năm sau, mỗi khi bất chợt nhớ về, ta có thể mỉm cười mãn nguyện bởi ta đã từng gửi lại một khoảng trời đẹp nhất. Khoảng trời trong trẻo, hồn nhiên, nơi có cái nắm tay run rẩy buổi ban đầu, hỏi mấy ai dễ gì quên được: “Mối tình đầu của tôi có gì/ Chỉ một cây đàn nhỏ/ Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm/ Ai cũng hiểu - chỉ một người không hiểu/ Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm”.

Có lẽ, phượng sinh ra chỉ để dành riêng cho tuổi học trò. Phượng làm sứ giả cho mối tình đầu hồn nhiên, trong trẻo. Phượng lưu dấu một miền hoài niệm đẹp, đượm buồn, để những nhớ thương, luyến lưu tìm về nương náu. “Chút tình đầu” của Đỗ Trung Quân cộng hưởng cùng tài năng và sự nhạy cảm, tinh tế của Vũ Hoàng đã dành tặng riêng cho học trò một “Phượng hồng” không thể ngọt ngào và lắng đọng hơn.

Bài ca học trò ấy đã minh chứng bằng một sức sống bền bỉ, lay động mãnh liệt, có khả năng chạm đến những ngõ ngách sâu kín nhất của những tâm hồn đa cảm tuổi mới lớn. Để rồi, cứ mỗi mùa hạ về qua, ta lại nghe ai đó thổn thức ngâm nga những câu hát chạnh lòng, đầy vơi xúc cảm: “Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu…”.

NGÔ THẾ LÂM

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/ai-cung-hieu-chi-mot-nguoi-khong-hieu-a69212.html