Kinh doanh hàng nhập lậu, Nhà sách Bảo Anh bị lực lượng QLTT Hà Nội xử phạt

LTS: Tạp chí Thương hiệu & Công luận là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động cung cấp những thông tin nhanh chóng, kịp thời, hữu ích về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng hóa vị phạm sở hữu trí tuệ, trốn thuế… ; bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Nhà sách Bảo Anh kinh doanh hàng lậu

Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã ghi nhận thực tế và đăng tải bài viết “Nhà sách Bảo Anh: Bày bán hàng hóa không tem nhãn phụ Tiếng Việt theo quy định” và “Đại diện nhà sách Bảo Anh thừa nhận: “Nhiều hàng hoá nhập khẩu không thể dán hết nhãn phụ Tiếng Việt””, phản ánh thực trạng đang diễn ra tại hệ thống này kinh doanh hàng hóa là đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, quà tặng, đồ lưu niệm, đồ chơi,thực phẩm vi phạm quy định nhãn hàng hóa.

Ngay sau đó, phóng viên đã liên hệ với đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội, để phối hợp xác minh và cung cấp kết quả kiểm tra tại hệ thống nhà sách Bảo Anh nhằm đảm bảo minh bạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có công văn chính thức thông tin về quyết định xử phạt đối với 5 cơ sở thuộc hệ thống Nhà sách Bảo Anh về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với tổng số tiền 19,5 triệu đồng.

Cụ thể, qua kiểm tra tại Nhà sách Bảo Anh cơ sở số 154 Trần Bình, Nam Từ Liêm (Hà Nội), Đội Quản lý thị trường số 6 đã phát hiện: 17 chiếc bình đựng nước trên nhãn có chữ Happy Children's Day; 9 chiếc hộp bút hình ô tô trên nhãn có chữ XIAO LÎNGJING; 5 chiếc hộp bút trên nhãn có chữ JUST FOR YOU; 4 bình đựng nước trên nhãn có chữ NEW WAVE. Toàn bộ số hàng hóa này, do nước ngoài sản xuất, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ kèm theo. Tổng trị giá số hàng hóa trên là 3.300.000 đồng.

Nhà sách Bảo Anh cơ sở số 154 Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 6 đã phát hiện 17 chiếc bình đựng nước trên nhãn có chữ Happy Children
Nhà sách Bảo Anh cơ sở số 154 Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Đội Quản lý thị trường số 6 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ là hàng nhập lậu (không có tem nhãn phụ) trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại cơ sở số số 74 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân (Hà Nội), Đội Quản lý thị trường số 12 đã tiến hành kiểm tra và ghi nhận Nhà sách Bảo Anh đang bày bán một số mặt hàng là đồ chơi trẻ em nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp, không cùng lô sản xuất, không dán tem hợp quy, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Cụ thể, gồm: 16 hộp đồ chơi trẻ em hình kính bơi (nhãn chữ nước ngoài); 10 hộp đồ chơi trẻ em hình mũ bơi Quick; 9 hộp đồ chơi trẻ em hình búp bê (nhãn chữ nước ngoài); 13 hộp đồ chơi hình con thú (nhãn chữ nước ngoài); 4 hộp đồ chơi trẻ em dụng cụ khám bệnh (nhãn chữ nước ngoài); 2 chiếc đồ chơi trẻ em hình khẩu súng (nhãn chữ nước ngoài); 26 chiếc đồ chơi trẻ em hình ô tô (nhãn chữ nước ngoài); 4 hộp đồ chơi trẻ em hình máy bay điều khiển LH1302. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm: 20.270.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 12 đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hộ kinh doanh với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu (đồ chơi trẻ em); tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước: 8.000.000 đồng, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.

Ngày 16/5, Đội Quản lý thị trường số 5 đã kiểm tra Nhà sách Bảo Anh tại địa chỉ số 173 Đại La, Hai Bà Trưng (Hà Nội), do ông Hoàng Văn Vân là đại diện hộ kinh doanh. Kết quả cho thấy, nhà sách đang kinh doanh hàng hóa là 140 sản phẩm là đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ kèm theo, chưa qua sử dụng, không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại cho sức khỏe con người là hàng nhập lậu. Trị giá hàng hóa vi phạm là 4.400.000 đồng.

Đội Quản lý thị trường số 5 đã lập biên bản và tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên. Dự kiến, mức phạt hành chính: 1.500.000 đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định pháp luật.

Tại Nhà sách Bảo Anh cơ sở KĐT Goldmark (Hà Nội), qua thẩm tra, xác nhận có dấu hiệu vi phạm, Đội QLTT số 22 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm gồm 201 bộ đồ chơi trẻ em các loại nhập lậu (thẻ bài hình nhân vật, bộ bài UNO, miếng dán đính đá, bộ sổ tô màu nước ma thuật), tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 7.085.000 đồng, để xử lý theo quy định của pháp luật. Dự kiến, mức phạt hành chính: 3.000.000 đồng.

Ngày 17/5/2023, Đội Quản lý Thị trường số 22 kiểm tra Nhà sách Bảo Anh (tại địa chỉ: Liền kề C02 dự án khu nhà ở thấp tầng A1TT1 đường Nguyễn Văn Huyên, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), thuộc Công ty TNHH Thương mại Bảo Anh.

Kết quả kiểm tra, phát hiện, cơ sở có kinh doanh hàng hóa là đồ chơi trẻ em, đồ dùng học tập do nước ngoài sản xuất, nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa là hàng hóa nhập lậu gồm 246 bộ đồ chơi trẻ em các loại (thẻ bài hình nhân vật, miếng dán hình siêu nhân); 137 sản phẩm đồ dùng học sinh (hộp bút, bút bi, gọt bút chì). Tổng trị giá hàng hóa vi phạm 6.815.000 đồng.

Một vài sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ được phóng viên Thương hiệu và Công luận ghi nhận vào ngày 12/4 tại nhà sách Bảo Anh cơ sở LK C02 Embassy Garden Xuân Tảo,
Một vài sản phẩm được sản xuất tại nước ngoài không rõ nguồn gốc xuất xứ được phóng viên ghi nhận vào ngày 12/4 tại nhà sách Bảo Anh cơ sở LK C02 Embassy Garden Xuân Tảo

Đội Quản lý thị trường số 22 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên để xử lý theo quy định của pháp luật. Đội dự kiến, mức phạt hành chính là: 7.000.000 đồng...

Chưa đủ sức răn đe vi phạm

Kết luận của Cục Quản lý thị trường Hà Nội thể hiện, xử phạt 19.500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa vi phạm của Nhà sách Bảo Anh.

Tuy nhiên, trong bài viết “Đại diện Nhà sách Bảo Anh thừa nhận: “Nhiều hàng hoá nhập khẩu không thể dán hết nhãn phụ Tiếng Việt” - ông Nguyễn Xuân Khánh - đại diện Nhà sách Bảo Anh cũng khẳng định với phóng viên là hoá đơn chứng từ đầy đủ.

Thế nhưng, khi cung cấp giấy tờ xác thực cho phóng viên, ông Khánh chỉ cung cấp một số hoá đơn giá trị gia tăng của Công ty Đầu tư thương mại dịch vụ Thái Hưng với mặt hàng như gôm, bút sáp màu, bút bi, bút lông, bút gel, bút chì gỗ, cặp học sinh, cặp tài liệu, giấy phân trang.

Tiếp đó là hoá đơn của Công ty TNHH Thương mại Long Á với các mặt hàng dao rọc giấy, túi bút, bút chì, cặp học sinh, cặp tài liệu, giấy nhắn, cốc rửa cọ, giấy nghệ thuật; hoá đơn của Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Con Ong Xanh với các mặt hàng chì màu khô, bút sáp dầu, bút lông màu, cọ vẽ, bút thư pháp; hoá đơn của Công ty CP Thương mại quốc tế VN plus với các mặt hàng bút lông, màu nước, chì màu, bút sáp, keo khô, nhãn vở, thước kẻ, túi bút, dạ màu 18 này, lõi chỉ kim.

Bên cạnh đó là một số hợp đồng nguyên tắc với Công ty TNHH MTV TM và DV Văn hoá Minh Long với sản phẩm là sách; Công ty TNHH Rebel Việt Nam với nhãn hiệu Qman, Keepley, QY TOYS, Enlighten, BMB, AOYI, Mideer, XWIN, BOWA, Dream Bay; Công ty CP XNK và Thương Mại Tân Đức Anh với sản phẩm văn phòng phẩm, đồ dùng học sinh..., nhưng không thể hiện cụ thể sản phẩm gì trên hợp đồng.

Nhà sách Bảo Anh cơ sở Trần Bình kinh doanh nhiều hàng hóa nước ngoài không có tem nhãn phụ tiếng Việt như pháp luật quy định
Nhà sách Bảo Anh cơ sở Trần Bình kinh doanh nhiều hàng hóa nước ngoài không có tem nhãn phụ Tiếng Việt như pháp luật quy định

Trên thực tế, tại nhà sách này, còn bày bán rất nhiều mặt hàng như đồ chơi trẻ em, mũ, một số mỹ phẩm, túi ví, sticker dán cho trẻ em, bình nước, đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn, pin, máy tính học toán, lọ hoa, cốc nước, cây giả, đồ trang trí để bàn, móc treo tường, sổ, kẹo cho trẻ em, kính bơi trẻ em, tất… nhưng không được phía Nhà sách Bảo Anh liệt kê ra thể hiện trên hợp đồng, hoá đơn chứng từ gửi cho phóng viên?

Trong những hàng hóa được sản xuất từ nước ngoài mà phía Nhà sách Bảo Anh không thể cung cấp được hóa đơn, chứng từ trên dường như vẫn thiếu sót trong danh sách mà Cục Quản lý Thị trường Hà Nội cung cấp với Tạp chí Thương hiệu và công luận.
Nhà sách Bảo Anh còn bày bán rất nhiều mặt hàng như đồ chơi trẻ em, mũ, một số mỹ phẩm, túi ví, sticker dán cho trẻ em, bình nước, đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn...

Có thể thấy, trong những hàng hóa được sản xuất từ nước ngoài mà phía Nhà sách Bảo Anh không thể cung cấp được hóa đơn, chứng từ trên - dường như vẫn thiếu sót trong danh sách mà Cục Quản lý thị trường Hà Nội cung cấp cho phóng viên.

Dư luận băn khoăn, liệu rằng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội xử phạt hành chính 19.500.000 đồng đối với Nhà sách Bảo Anh, có phải quá nhẹ tay?

Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cần nâng cao tính cảnh giác, chỉ chọn địa chỉ uy tín, đáng tin cậy để mua sắm. Mặt khác, người dân khi phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức có hành vi gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thì cung cấp các thông tin cho cơ quan chức năng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường.

Nhà sách Bảo Anh hoạt động từ năm 2012, tại số 154 Trần Bình là cơ sở đầu tiên. Tới nay, nhà sách đã có 5 cơ sở là 154 Trần Bình; 74 Vũ Trọng Phụng; 173 Đại La; Khu đô thị Goldmark 136 Hồ Tùng Mậu; LK C02 Embassy Garden Xuân Tảo.

Quy định của pháp luật là vậy, nhưng thực tế, tại hệ thống Nhà sách Bảo Anh, đã và đang bày bán rất nhiều hàng hoá nước ngoài, vi phạm quy định về tem nhãn. Không chỉ vậy, điều này cũng khiến người tiêu dùng khó khăn khi tìm hiểu về sản phẩm, không rõ thành phần sản phẩm, công dụng ra sao, cách sử dụng như thế nào?

Đáng chú ý, đây lại là những sản phẩm dành cho lứa tuổi mầm non, học sinh các cấp…

Hồng Nhung - Trúc Mai

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/nha-sach-bao-anh-ngoai-giao-doan-a68340.html