Dưới tác động của nhiều yếu tố kinh tế - xã hội cả trong nước và quốc tế, đòi hỏi nền kinh tế Việt Nam cần phải có sự thay đổi, vận động sang một trạng thái mới, hiệu quả hơn, đây là cơ sở ra đời của một loạt các chính sách liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế (CCLNKT).
CCLNKT là quá trình sắp xếp lại với quy mô lớn hơn và tốc độ nhanh hơn để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế. Cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư công. Cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”1.
CCLNKT, đổi mới mô hình tăng trưởng là chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta với quan điểm: “Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là: (1) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; (2) Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài; (3) Cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; (4) Cơ cấu lại đầu tư công; (5) Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; (6) Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng; (7) Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công; (8) Cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công”2.
Từ những quan điểm, định hướng cụ thể trên, trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, CCLNKT đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện và đạt được kết quả bước đầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý. Mô hình tăng trưởng từng bước chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện.
Kết quả thực hiện CCLNKT giai đoạn 2016 - 2020 được đề cập trong Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể: “Cơ cấu lại các lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế được thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực”3.
Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy mạnh, thực chất hơn, số lượng được thu gọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, hiệu quả hoạt động được cải thiện. Tính đến tháng 8/2020, đã có 177 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443,5 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 207,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến tháng 8/2020 là 25,7 nghìn tỷ đồng, thu về 172,9 nghìn tỷ đồng4.
Cơ cấu lại đầu tư công được chú trọng. Pháp luật về đầu tư công được sửa đổi, hoàn thiện; kỷ luật, kỷ cương trong các hoạt động đầu tư công được nâng cao; dần khắc phục đầu tư dàn trải, vốn đầu tư nhà nước tập trung nhiều hơn vào các công trình quan trọng, thiết yếu để đẩy nhanh tiến độ, đi vào khai thác. Đầu tư công đã phát huy tốt vai trò trong những giai đoạn kinh tế khó khăn và là động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, có tác động lan tỏa lớn, nhất là đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng.
Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống. Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng từng bước được hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đặc biệt là về cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu5. Số lượng các tổ chức tín dụng có quy mô nhỏ, hoạt động yếu kém giảm dần, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống tỷ lệ nợ xấu giảm còn dưới 3%6. Bên cạnh đó, tổng nợ xấu chưa xử lý của toàn hệ thống tín dụng đến 31/12/2021 giảm 17% so với năm 2017. Tổng số nợ xấu được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trước 8/2017. Tính từ cuối năm 2018 đến ngày 31/5/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 361,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Lũy kế từ 15/08/2017 đến 31/5/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 293,88 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/NQ14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng7.
Cơ cấu lại các thành phần kinh tế cũng có nhiều kết quả tích cực, kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả. Kinh tế tư nhân đạt tốc độ tăng trưởng khá, nhất là các lĩnh vực du lịch, đô thị, sản xuất ô tô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử, dịch vụ. Môi trường kinh doanh được cải thiện, thuận lợi hơn; đã cắt giảm trên 50% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký, tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi.
Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành, nghề và nội bộ từng ngành cũng đạt kết quả khả quan. Tỷ trọng ngành Nông nghiệp trong GDP giảm xuống trong khi tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng lên. Cụ thể, tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 18,9% năm 2010 xuống còn 13,1% năm 2020. Sự sụt giảm tỷ trọng của ngành Nông nghiệp trong GDP kéo theo sự dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Cơ cấu lại ngành Công nghiệp trong giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng công nghiệp khai khoáng giảm dần trong khi tỷ trọng lĩnh vực chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ cao tăng lên. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong giá trị sản phẩm công nghệ cao tăng mạnh từ 26,9% năm 2010 lên 78,3% năm 2020. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo máy trong GDP tăng từ 13,4% năm 2016 lên 16,7% năm 2020. Trong khi đó, tỷ trọng lĩnh vực khai khoáng giảm từ 8,1% năm 2016 xuống còn 5,55% năm 20208. Công nghiệp hỗ trợ từng bước được hình thành và phát triển. Ngành Xây dựng tăng trưởng khá, đặc biệt tăng trưởng nhanh giai đoạn 2016 - 2019.
Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng ngày càng cao. Ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được nhiều thành tựu đáng quan trọng, trở thành ngành có đóng góp đáng kể vào kinh tế đất nước, thu ngân sách và tạo việc làm. Cụ thể, đến cuối năm 2019, du khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 18 triệu khách, du khách nội địa khoảng 80 triệu khách, lượng khách nội địa tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất nghiêm trọng đến ngành Du lịch và các dịch vụ liên quan như vận tải, ăn uống, giải trí…, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam giảm mạnh. Năm 2020 khách du lịch quốc tế đạt 3,8 triệu lượt, giảm 78,7% so với năm 20199. Đến nay, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng rất nhanh. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng từ thứ 90/189 quốc gia, vùng lãnh thổ năm 2016 lên thứ 70/190 quốc gia, vùng, lãnh thổ năm 201910.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình CCLNKT giai đoạn 2016 - 2020 vẫn còn một số hạn chế.
Một là, quá trình cơ cấu lại DNNN còn chậm tiến độ, chỉ mới tập trung vào việc sắp xếp, thu gọn số lượng; hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được giao; quản trị của một số DNNN còn yếu kém. Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so với kế hoạch đề ra. Theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì giai đoạn 2017 - 2020 phải hoàn thành thoái vốn 403 doanh nghiệp, đến nay mới chỉ đạt 21,8% kế hoạch đề ra. Xét tổng thể thời gian qua, mặc dù đã có tới hơn 95% DNNN được cổ phần hóa nhưng tổng số vốn nhà nước được bán ra mới khoảng 8%.
Hai là, cơ cấu lại đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, tỷ lệ giải ngân ở một số bộ, ngành và địa phương còn rất thấp. Tình trạng lãng phí, chất lượng công trình thấp, chưa được giải quyết triệt để. Chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn thấp so với thông lệ của thế giới. Theo Khung đánh giá thể chế quản lý đầu tư công của IMF, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công của Việt Nam chỉ đạt trung bình 0,7 điểm (trung bình là 1 điểm, cao nhất là 2 điểm); một số chỉ tiêu có điểm số thấp như chỉ tiêu về thẩm định dự án, lựa chọn dự án, tính thống nhất và toàn diện của ngân sách, và giám sát tài sản công. So với thông lệ quốc tế, chất lượng thể chế quản lý đầu tư công của Việt Nam vẫn còn khoảng cách, nhất là khâu lập, thẩm định, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án đầu tư. Hơn nữa, lựa chọn dự án đầu tư công hiện nay vẫn dựa nhiều vào các chỉ tiêu định tính trong đánh giá, sắp xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn dự án.
Ba là, cơ cấu lại tổ chức tín dụng nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn, thách thức. Năng lực cạnh tranh của các tổ chức tín dụng trong nước còn nhiều hạn chế. Xử lý nợ xấu tại các ngân hàng yếu kém vẫn bị ngưng trệ do liên quan đến vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Bốn là, phát triển nông nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững, tăng trưởng chưa vững chắc. Đổi mới tổ chức sản xuất còn chậm; đa số doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động hiệu quả chưa cao, việc sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp hiệu quả thấp. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tích tụ ruộng đất còn khó khăn, thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định.
Năm là, phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thiếu tính bền vững; chưa tạo ra được ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh cao, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị gia tăng.
Sáu là, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Phát triển du lịch còn một số hạn chế, chưa bảo đảm tính bền vững; chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu.
Những hạn chế nêu trên do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Cụ thể:
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa đầy đủ, hiện đại, hội nhập, chưa theo kịp sự phát triển. Công tác chỉ đạo, điều hành trên một số lĩnh vực còn hạn chế, phản ứng chính sách còn chậm, chưa tạo động lực mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển.
Phương thức lãnh đạo quản lý kinh tế nhiều nơi, nhiều lĩnh vực chưa thực sự phù hợp, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp trên một số lĩnh vực chưa thực sự đồng bộ, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đối với DNNN nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại. Đồng thời, kiểm tra, giám sát chặt chẽ không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước. Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ trang trại trong nông nghiệp.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn mạnh, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động và tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện các trách nhiệm xã hội. Nâng cao hiệu quả các dự án đối tác công - tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Dựa trên nền tảng của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó tập trung vào các ngành, như: công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính ngân hàng; thương mại điện tử; nông nghiệp số; du lịch số; y tế, giáo dục và đào tạo. Phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng như: công nghiệp năng lượng, cơ khí chế tạo, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu. Ưu tiên phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, như: công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, trí tuệ nhân tạo, sản xuất robot, công nghiệp ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chú trọng phát triển công nghiệp xanh. Nâng cao năng lực thiết kế, thi công xây lắp, quản lý xây dựng theo hướng tiên tiến, hiện đại, từng bước mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam ở nước ngoài. Phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, thông minh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch; nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ, ưu tiên những ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao. Phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục, viễn thông, công nghệ thông tin và logistics. Xây dựng và định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với hình ảnh độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ ba, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Xác định rõ mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Phải nâng cao năng lực nội tại mới có thể hội nhập thành công, tránh lệ thuộc vào một đối tác, một thị trường như đã và đang diễn ra hiện nay. Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ, giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối chiến lược phát triển kinh tế của đất nước; phát triển kinh tế Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế.
Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế.
Thứ tư, tập trung cơ cấu lại các lĩnh vực có tác động lớn đến nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới. Tập trung cơ cấu lại công nghiệp theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại… Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành Công nghiệp theo hướng tăng các ngành có công nghệ, giá trị gia tăng cao và dịch chuyển lên các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị của từng ngành Công nghiệp.
Tập trung phát triển một số ngành Công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất… Ưu tiên phát triển một số ngành Công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao… Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ và hình thành cụm ngành công nghiệp trong một số ngành công nghiệp ưu tiên… Phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, thực sự trở thành một mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.
Thứ năm, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ. Dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và công nghệ thông tin, logistics và vận tải, phân phối. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế; bảo đảm DNNN là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn; nâng cao hiệu quả hoạt động, sử dụng vốn của các DNNN. Thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước. Xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/co-cau-kinh-te-cua-nuoc-ta-hien-nay-a68135.html