In đậm lên mình một nền văn hóa lâu đời, đến với vùng đất kinh kì, bạn sẽ có cơ hội khám phá ẩm thực Việt Nam từ cổ truyền cho đến hiện đại với các món ăn ngon, đặc trưng của đất Bắc đã lưu giữ trái tim của biết bao tín đồ yêu ẩm thực Việt Nam.
Ẩm thực miền Bắc toát lên sự tinh tế, nhẹ nhàng thanh tao cũng giống như những người con của Hà Nội vậy. Dân dã, dung dị nhưng vẫn đủ tinh tế để tạo ấn tượng sắc nét về một nền ẩm thực của đất kinh kì trên bản đồ ẩm thực Việt Nam.
Nét đặc trưng phải kể đến trong ẩm thực miền Bắc chính là sự hài hòa trong cảm quan, hương vị rất vừa phải, không quá chua, quá cay, quá mặn hay quá nồng. Ẩm thực miền Bắc đề cao sự thanh tao, đạm bạc nhưng vẫn tôn lên được những hương vị tinh túy của những món ăn.
Không giống với ẩm thực miền Trung về độ cay nồng trong những món ăn hay nước chấm, không đậm đà và mặn mòi như ẩm thực miền Nam trong cách nêm nếm để chế biến món ăn, các món ăn của miền Bắc chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, nhiều loại rau củ và thủy hải sản nước ngọt dễ kiếm như tôm, cua, cá, hến,…
Nói đến miền Bắc, điển hình là thủ đô của Việt Nam - Hà Nội lại không thể không nhắc đến món ăn làm say lòng biết bao du khách dừng chân, Phở Hà Nội. Phở đối với các bậc cha ông sống trước đây không chỉ đơn thuần là một món ăn, hơn cả thế phở chính là món ăn đại diện cho cả một nền văn hóa từ lâu đời của nước Việt. Phở là mùi hương thơm lừng cả góc phố cổ của nồi nước lèo đang sôi trên bếp, là húp sì sụp của những cô chú, anh chị vào những buổi sớm tinh mơ, phở ẩn chưa bên trong là cả một miền ký ức không thể nào quên đối với người Hà Nội xưa.
Bắt nguồn từ sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, đặc biệt hơn sự khéo léo ấy lại càng được thể hiện rõ nét hơn trong những mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Bắc. Những mâm cao cỗ đầy, mỗi mâm đều phải có bốn bát bốn đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương được chế biến công phu, cầu kì, sặc sỡ nhưng rất đỗi ngon miệng và bắt mắt. Bốn bát gồm có bát miến, bát chim hầm, bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, bát canh bóng thả nấm. Bốn đĩa bao gồm có đĩa nem rán, đĩa thịt gà luộc, đĩa xôi gấc, đĩa giò lụa/ đĩa thịt nấu đông.
Ngoài mâm cỗ thịnh soạn ngày Tết ra, các món ăn mỗi ngày ở hàng quán hay các món ăn gia đình hằng ngày của người Bắc cũng không bao giờ là qua loa cho qua bữa.
Ẩm thực miền Bắc còn nổi tiếng với các món ăn ngon trứ danh như bún chả, bún ốc, bún thang, bún đậu,… với những hương vị đặc trưng của thủ đô như tinh dầu cà cuống, mắm tôm, rau hung,… Tất cả đều được kết hợp một cách khéo léo để tạo nên hương vị tổng thể rất đỗi tuyệt vời.
Ngoài ra càng không thể không kể đến về ẩm thực miền Bắc là các món chả nem(chả giò), một món ăn truyền thống xuất hiện trong các ngày họp mặt gia đình, những dịp đặc biệt như Lễ, Tết.
Đặc trưng hơn của ẩm thực miền Bắc chính là những món bánh. Bánh ở miền Bắc không chỉ đơn thuần là thức quà hằng ngày mà hơn cả thế đây còn là “thức quà” ký ức, những kỉ niệm đẹp đẽ trong tuổi thơ của những người con đất Bắc, tuy dân dã, mộc mạc nhưng lại ngập tràn niềm vui, những cảm xúc khó quên.
Những chiếc bánh gai nâu xanh sẫm cho đến bánh đúc lạc trắng tròn được gói trong những mảnh lá chuối xanh, hay là tiếng rao bánh giò, bánh khúc ở các góc phố, con ngõ của miền Bắc đã trở thành một phần kí ức của nhưng người con đã đang sống nơi đây.
Sặc sỡ là thế, nhưng dân dã cũng là thế, nhưng ẩm thực miền Bắc luôn mang đến cho người thưởng thức một cảm xúc tràn đầy, trọn vẹn như một tác phẩm nghệ thuật.
Mong rằng bài viết trên của TASTY Kitchen đã giúp bạn có những khoảnh khắc tuyệt vời khi tìm hiểu về ẩm thực miền Bắc.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/do-an-thuc-uong-co-ban-cua-nguoi-kinh-o-mien-bac-la-a67367.html