Đào tạo xử trí trường hợp huyết thanh giang mai dương tính

Vừa qua, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM tổ chức chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ chủ đề “Xử trí trường hợp huyết thanh giang mai dương tính” cho các bác sĩ, điều dưỡng toàn bệnh viện.

xử trí huyết thanh giang mai dương tính

Đây là chương trình sinh hoạt khoa học định kỳ, được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Tâm Anh (TAMRI) phối hợp với các khoa phòng, trung tâm của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội và TP.HCM luân phiên tổ chức nhằm đào tạo, cập nhật thông tin y khoa cho cán bộ nhân viên toàn bệnh viện. Buổi đào tạo y khoa được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, liên quan đến các kiến thức về bệnh giang mai cũng như quy trình xử trí khi phát hiện ca bệnh huyết thanh giang mai dương tính.

bác sĩ long chia sẻ
Bác sĩ Long chia sẻ các thông tin về diễn biến tự nhiên của bệnh giang mai với đồng nghiệp.

Báo cáo viên, bác sĩ nội trú Phan Sơn Long, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, chia sẻ thông tin sơ lược về bệnh giang mai, các loại huyết thanh giang mai và cách tiếp cận bất thường huyết thanh giang mai.

Cụ thể, giang mai là bệnh lý tổn thương hệ thống, tổn thương đa cơ quan. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường máu (quan hệ tình dục, dùng chung dụng cụ tiêm chích/vệ sinh cá nhân, truyền qua mẹ sang con). Bệnh do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Nguyên nhân thường gặp của bệnh giang mai là quan hệ tình dục không an toàn.

Diễn tiến tự nhiên của giang mai trải qua 3 giai đoạn với các biến đổi lâm sàng khác nhau. Khi bệnh nhân tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ thì thời gian ủ bệnh có thể từ 9-90 ngày. Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 1 với các đặc trưng lâm sàng là nổi săng ở nơi tiếp xúc đầu tiên, không đau và triệu chứng tự khỏi sau 3-6 tuần.

Nếu không điều trị, bệnh chuyển sang giang mai thời kỳ 2 với đặc trưng là nổi ban đào giang mai ở nhiều vị trí toàn thân. Nổi bật nhất là triệu chứng hồng ban tróc vảy ở lòng bàn tay, bàn chân và có thể kèm theo rụng tóc, hạch to, tổn thương mắt.

bác sĩ nội trú phan sơn long khoa da liễu
Báo cáo viên, bác sĩ nội trú Phan Sơn Long, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.

Nếu tiếp tục không điều trị, bệnh sẽ tự thoái lui và chuyển sang giai đoạn giang mai tiềm ẩn - giai đoạn 3. Giang mai tiềm ẩn có hai loại là giang mai tiềm ẩn sớm (mắc bệnh trước 12 tháng) và giang mai tiềm ẩn muộn (mắc bệnh sau 12 tháng).

Từ lúc bệnh nhân bắt đầu mắc giang mai tiềm ẩn cho đến xuất hiện triệu chứng của giang mai thời kỳ 3 có thể từ 10-30 năm. Theo một số thống kê, khoảng ⅔ trường hợp mắc giang mai không chuyển qua giai đoạn 3. Họ sẽ chung sống suốt đời với giang mai tiềm ẩn. Triệu chứng đặc trưng của giang mai giai đoạn 3 là nổi gôm với các u loét, thâm nhiễm ở da, xương, nội tạng, biến chứng tổn thương tim mạch, mắt, hệ thần kinh.

nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia
Nhiều bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên hệ thống Bệnh viện ĐK Tâm Anh hai đầu cầu TP.HCM và Hà Nội tham gia buổi sinh hoạt khoa học.

Để chẩn đoán giang mai, các bác sĩ vừa thăm khám lâm sàng, vừa xét nghiệm cận lâm sàng. Trong đó, thăm khám lâm sàng gồm khai thác tiền sử, bệnh sử, các yếu tố nguy cơ, khám các triệu chứng lâm sàng tùy theo tình trạng bệnh.

Các xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng, gồm: tìm xoắn khuẩn (soi tìm xoắn khuẩn từ các mẫu bệnh phẩm từ các tổn thương như săng, niêm mạc, sẩn, hoặc hạch trên kính hiển vi nền đen); xét nghiệm phản ứng huyết thanh giang mai, gồm phản ứng không đặc hiệu hoặc phản ứng đặc hiệu. Tùy theo dấu hiệu, triệu chứng của từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các loại xét nghiệm cụ thể.

Bác sĩ Long cho biết, khi đã xác nhận bệnh nhân dương tính giang mai (tức là mắc bệnh), tùy theo thời kỳ mắc bệnh sẽ có các phác đồ điều trị phù hợp.

Chủ tọa buổi đào tạo, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, cho biết năm Giáp Thìn 2024 trong quan niệm dân gian là năm Rồng - rất đẹp để sinh con. Nhiều cặp vợ chồng chủ động tới các khoa sản phụ khoa, nam khoa, da liễu, hỗ trợ sinh sản… để khám sức khỏe tiền sản, nhằm chủ động kế hoạch sinh con, hoặc làm IVF (thụ tinh ống nghiệm). Từ đó, bệnh viện phát hiện và tiến hành điều trị giang mai cho nhiều trường hợp người chồng hoặc vợ, hoặc cả hai vợ chồng mắc giang mai trong quá trình thăm khám.

bác sĩ bích cho biết
Bác sĩ Bích cho biết, đầu năm 2024, bệnh viện phát hiện và tiến hành điều trị giang mai cho nhiều trường hợp đến khám tiền sản hoặc định làm IVF với mong muốn sinh “Rồng con” năm Giáp Thìn.

Ngoài ra, giang mai cũng là một bệnh lây truyền qua đường tình dục thường gặp. Người mắc bệnh thường e ngại, ít đi khám khi có triệu chứng, có thể tự mua thuốc uống rồi lầm tưởng rằng bệnh đã lành, trong khi bệnh có diễn tiến âm thầm chuyển qua giang mai tiềm ẩn cho dù không điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ. Chỉ khi nào đi hiến máu, đi tầm soát sức khỏe… thì kết quả xét nghiệm máu cho thấy có huyết thanh giang mai dương tính.

Theo bác sĩ Bích trên thực tế, các trường hợp phát hiện huyết thanh giang mai dương tính đều không còn biểu hiện lâm sàng, không có sang thương da. Chỉ một số ít trường hợp khách hàng đến khám khi có hành vi nguy cơ và được làm xét nghiệm. Các kết quả xét nghiệm giang mai này cần phải biện luận dựa vào bệnh sử, xem xét các yếu tố nguy cơ… để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị thích hợp.

bác sĩ bích chia sẻ trao đổi
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da đưa ra các tình huống cụ thể để đồng nghiệp thảo luận, trao đổi.

Để cụ thể hóa các tình huống xét nghiệm chẩn đoán bệnh, bác sĩ Bích đã đưa ra 5 tình huống là các ca bệnh cụ thể, với các thông tin bệnh sử, dấu hiệu lâm sàng và xét nghiệm cơ bản để các bác sĩ thảo luận người bệnh đó có nguy cơ mắc giang mai hay không. Từ đó đưa ra hướng xử trí cho các tình huống khi phát hiện người bệnh có huyết thanh dương tính với giang mai.

bác sĩ quét mã qr
Các bác sĩ quét mã QR tham gia thảo luận về các tình huống trong buổi trao đổi.
bác sĩ mỹ châu khoa nội tổng hợp
BS.CKI Lê Thị Mỹ Châu, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đặt câu hỏi thảo luận với bác sĩ Bích.
thạc sĩ thẩm thị thu nga
TS‌ ‌Thẩm‌ ‌Thị‌ ‌Thu‌ ‌Nga‌, Trưởng LAB Trung tâm Tế bào gốc, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cũng trao đổi một số thông tin với chủ tọa và các đồng nghiệp trong buổi sinh hoạt khoa học lần này.

bác sĩ bích trao đổi thêm với đồng nghiệp

bác sĩ bích giao lưu thêm với đồng nghiệp
Bác sĩ Bích trao đổi thêm với các đồng nghiệp bên lề buổi sinh hoạt khoa học.

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/truyen-co-giao-thao-bai-hoc-tinh-yeu-a60325.html