Quả na là thứ quả ngon, có giá trị dinh dưỡng cao và được nhiều người thích ăn. Trong y học cổ truyền, loại quả này còn được sử dụng lá, hạt và quả na bị điếc để làm thuốc. Vậy công dụng của lá na và các bộ phận khác của cây na là gì?
1. Tác dụng của lá na, hạt na và quả na là gì?
Cây na là loại trái cây được trồng ở nhiều trên nước ta. Quả na còn được gọi là mãng cầu ta, mãng cầu gai... Loại quả này khi chín ăn vừa ngon, bổ lại dễ tiêu hóa. Do đó quả na thích hợp với nhiều người nhất là người mới ốm dậy, người già, trẻ em.
Trong quả na có chứa 72% glucoza; 14,52% sacaroza; 1,73% tinh bột và 2,7% protit. Ngoài ra, chúng còn có một số vitamin và muối khoáng, vi lượng cần thiết khác. Theo nghiên cứu y học hiện đại, quả na có tác dụng như sau:
Cải thiện chức năng tim: Nhờ sự cân bằng giữa natri và kali trong quả na giúp điều chỉnh mức huyết áp và nhịp tim. Đồng thời hàm lượng chất chống oxy hóa tự nhiên và vitamin C phong phú trong quả na có thể giúp ngăn ngừa các gốc tự do tác động các chất béo và do đó ngăn chặn được các cholesterol của cơ thể trở thành có hại. Vitamin C còn có tác dụng tăng sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh. Tất cả các yếu tố này đều tác động tích cực đến tim và cải thiện chức năng tim.
Giảm táo bón: Một quả na chứa nhiều chất xơ rất có lợi cho việc tiêu hóa và bài tiết thức ăn trong cơ thể, ngăn ngừa chứng khó tiêu và giảm thiểu tình trạng táo bón một cách hiệu quả. Hàm lượng chất xơ cao trong quả na còn giúp làm giảm cholesterol trong máu, nhờ ngăn chặn sự hấp thu cholesterol trong ruột. Đồng thời nó còn cản trở sự hình thành của các tế bào gây ung thư trong ruột già và bảo vệ niêm mạc ruột tránh phải tiếp xúc với các chất độc hại.
Tốt cho não bộ: Trong quả na có lượng vitamin B6 khá nhiều. Vitamin B6 kiểm soát mức độ chất GABA có tác dụng loại bỏ sự căng thẳng, làm dịu thần kinh và thậm chí điều trị trầm cảm. Ngoài ra, vitamin B6 còn được coi là có khả năng giảm bớt nguy cơ mắc bệnh parkinson.
Phòng bệnh ung thư: Trong quả na có một số chất chống oxy hóa như một số polyphenol, asimicin và bullatacinare... được cho là có thể giúp phòng chống các bệnh ung thư, bệnh sốt rét và bệnh giun rất hiệu quả.
Tốt cho mắt: Quả na là một nguồn cung cấp vitamin A, C, riboflavin, vitamin B2 giúp ngăn ngừa sự hình thành các gốc tự do dẫn đến các bệnh về mắt. Qua đó giúp bạn có một đôi mắt sáng, khỏe mạnh.
Theo y học cổ truyền, quả na có vị ngọt, chua, tính ấm, đi vào kinh tỳ vị, có tác dụng hạ khí tiêu đờm. Loại quả này được dùng để chữa đi lỵ, tiết tinh, bệnh tiêu khát. Quả na xanh được dùng để chữa lỵ và ỉa chảy. Quả na điếc được dùng để điều trị mụn nhọt, đắp lên vú bị sưng.
Hạt na thường được dùng để diệt côn trùng, trừ chấy rận. Tác dụng lá na là để trị sốt rét cơn lâu ngày, mụn nhọt sưng tấy, ghẻ. Rễ na và vỏ cây na được dùng trị ỉa chảy và trục giun.
2. Bài thuốc chữa bệnh từ na
Chữa bệnh lỵ: Dùng vài quả na tươi còn ương, bỏ vỏ và hạt, sắc phần thịt quả uống nước và ăn cái.
Chữa sốt rét lên cơn: Sử dụng từ 15-20 lá na tươi, rửa sạch giã nhỏ, thêm nước rồi vắt lấy nước cốt, chia uống 2-3 lần trong ngày.
Chữa mụn hạch, sưng đau: Dùng từ 7-10 lá na già rửa sạch nhai hoặc giã nhỏ, cho thêm vài hạt muối đắp lên mụn, hạch.
Chữa đầu có chấy: Dùng từ 20-30 hạt na giã nát pha ít rượu, bôi lên chân tóc khoảng 15 phút, sau đó gội đầu.
Chữa phụ nữ bị sưng đau viêm tắc tia sữa: Dùng quả na điếc sao tồn tính, sau đó đắp lên vú.
Trị rận rệp: Dùng hạt na giã nát, pha nước ngâm với quần áo theo tỷ lệ một bộ quần áo cho 30 - 50g hạt na.
Trị giun: Sử dụng quả và rễ cây na 30-50g, sắc nước uống vài lần.
3. Những lưu ý khi sử dụng các bộ phận của cây na
Na là loại quả lành tính nhưng chúng có thể gây ra nhiều vấn đề cho hệ tiêu hóa khi sử dụng sai cách. Dưới đây là một số lưu ý khi ăn quả na mà bạn nên biết:
Chỉ ăn những quả na đã chín, quả na chưa chín có vị chát và khi ăn có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa.
Hạt na có độc do đó không được uống, tránh để nước hạt na chảy vào mắt khi dùng để chữa chấy rận. Nhưng nếu sơ ý nuốt phải hạt na khi ăn quả thì không sao, vì vỏ hạt dày và rất cứng bao bọc, ngăn không cho nhân hạt tiếp xúc với hệ thống tiêu hóa.
Nếu bạn mắc bệnh tiểu đường thì cũng không nên ăn nhiều quả na bởi nó có hàm lượng đường tương đối cao.
Tóm lại, quả na chứa hàm lượng dinh dưỡng cao phù hợp với người bệnh mới ốm dậy, người già và trẻ em. Tuy nhiên, tác dụng lá na có thể gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa khi sử dụng sai cách. Do đó, bạn nên thận trọng khi ăn và áp dụng loại trái cây này làm vị thuốc điều trị bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.