Có phải tất cả sinh tốt nghiệp Đại học sẽ được làm thẳng Tiến sĩ khi có đề tài tốt ?
Ở UK, chỉ riêng trong nghiên cứu Y-Sinh học và Khoa học Sự sống, học sinh ở cấp ĐH có thể được học thẳng lên Tiến sỹ mà không cần qua Thạc sỹ. Tuy nhiên phần lớn học sinh vẫn sẽ học qua thạc sỹ. Vì nghiên cứu là ngành xem trọng thực hành, vì thế để có thể học thẳng từ ĐH lên PhD, thì học sinh nhất đinh phải có kinh nghiệm làm trong phòng lab từ trước, và nhất định phải có xác định mục tiêu và đam mê (điều này sẽ được quyết định trong lúc phỏng vấn, nếu người phỏng vấn nhận thấy bạn chưa đủ đam mê thì họ chắc chắn sẽ không nhận).
Để chuẩn bị, trong quá trình học ĐH, bạn phải luôn luôn chủ động tìm tòi các cơ hội được thực tập và làm việc trong lab. Email hỏi thầy cô trong trường để có thể volunteer trong lab, hoặc apply vào các học bổng mùa hè (đây là cả 2 cách mình đã làm để có thêm kinh nghiệm). Càng nhiều kinh nghiệm càng tốt.
Nếu bạn đăng kí học chương trình ĐH 4 năm, trong đó có 1 năm được làm việc ở một công ty dược phẩm hoặc một lab nào đó (cái này gọi là Year in Industry) thì bạn sẽ có 1 năm kinh nghiệm, tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ kéo dài thời gian ĐH ra 1 năm (hoàn toàn tùy thuộc vào bạn nếu bạn nghĩ Year in Industry sẽ cho bạn khả năng cao hơn được nhận vào PhD, bản thân mình không làm Year in Industry).
Cùng với đó, bạn phải có một bảng điểm tốt. Thông thường để có thể apply PhD, bạn cần có bằng ĐH ít nhất là 2:1 (tương đương với bằng giỏi) hoặc 1st class (tương đương với bằng xuất sắc ở VN). Tuy nhiên, phần lớn học sinh được nhận vào đều có bằng 1st class vì tính cạnh tranh là cực kì cao (bạnsẽ phải cạnh tranh với không chỉ các sinh viên ĐH xuất sắc khác, mà còn cả các sinh viên Thạc sỹ khác nữa).
Cuối cùng, bạn phải có đam mê cho ngành nghiên cứu của bạn, cực kì quan trọng! Các giáo sư phỏng vấn bạn sẽ biết được bạn có thực sự mong muốn được làm việc cho họ hay không, vì thế đừng giả bộ! Còn rất nhiều thứ khác mà các bạn có thể chuẩn bị cho bộ hồ sơ của mình, chẳng hạn như extra curriculum, personal statement, thư giới thiệu (ít nhất là 2 thư giới thiệu, vì thế xin đi thực tập trước là cực kì quan trọng).
Bạn nên chuẩn bị kĩ càng, càng sớmcàng tốt. FindAPhD.com là một website phổ biến để cho bạn có thể tìm được PhD phù hợp. Họ luôn cập nhật các PhD mới nhất ở tất cả các ngành học và thường advertise khoảng tầm tháng 10 hằng năm. Mình bắt đầu chuẩn bị cho application của mình 6 tháng trước khi mình submit.
Nếu định học ngành của em : Bio-Chemistry sẽ cần chuẩn bị những gì ở ĐH ? Khó khăn khi học ngành này là gì ? Thời gian ở phòng lab nhiều hơn hay tự học nhiều hơn ? có thời gian đi chơi không hay hy sinh tất cả ?
Biochemistry (hay tiếng việt là Hóa Sinh học) là một ngành trực thuộc Khoa học Y-Sinh. Biochem là một ngành rất rộng, bao hàm toàn bộ các quá trình sống từ cấp độ phân tử (protein, DNA) cho đến cấp độ tế bào và mô (sinh học tế bào, sinh học phát triển). Chính vì sự rộng rãi này mà sinh viên ngành Hóa Sinh có thể đi vào bất cứ chuyên ngành nào trong Khoa học Y-Sinh đều được, từ Dược lý cho đến Miễn Dịch học. Biochem là một ngành khoa học vì thế kĩ năng thực tập là cực kì quan trọng.
Ở ĐH, tùy vào trường mà bạn học, bạn dành khoảng 6-8 tiếng thực hành 1 tuần, còn lại là học lý thuyết. Ở UK, thời gian trên lớp không nhiều, nhưng mỗi lecture chứa rất nhiều thông tin cô đọng, vì thế khi về, bạn sẽ phải tự nghiên cứu và tìm hiểu hơn để có thể hiểu hơn về topic trên lớp.
Biochem là một ngành khó, cả về lý thuyết lẫn thực hành, vì thế bạn dành phần lớn thời gian ở nhà tự học và nghiên cứu. Tất nhiên, bạn cũng phải biết cân bằng giữa học tập và vui chơi, vì thế chẳng hạn như mình cũng dành ra vài tiếng một tuần ra ngoài đi chơi chụp ảnh, để thư thái đầu óc thì học mới vào được chứ ☺.
Ở UK, các ngành khoa học đều được chú trọng cực kì, hơn hẳn ở VN. Tất nhiên tình hình kinh tế bất ổn cũng ảnh hưởng, nhưng so với VN thì khoa học ở UK vẫn như là một trời một biển. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được, bạn phải biết tận dụng cơ hội, và phải think outside the box, tích lũy kinh nghiệm.
Nếu bạn là một nhà khoa học ở UK, bạn được tôn trọng cực kì. Điều này cho thấy người dân Anh rất hiểu khoa học là thế mạnh và cần phải được duy trì và phát triển, rằng khoa học là ngọn nguồn của tất cả những phát minh cũng như các tiến tiến trong Y học ngày nay.
Qua kỳ thực tập ở Sing và nơi em đang học, em thấy nghiên cứu của họ khác biệt thế nào so với VN và UK ? bằng cách nào mà ngành này của họ lại phát triển nhanh đến vậy ? có phải Sing có nhiều sinh viên và giáo sư giỏi không ? hay chính phủ đầu tư hay nước ngoài đầu tư vào Sing ? Vn cần làm gì để theo kịp ?
Nghiên cứu ở Sing thực tế mang phong cách phương tây rất cao. Chính phủ Sing rất đầu tư về nghiên cứu, họ đổ rất nhiều tiền vào cung cấp cho nghiên cứu và xây dựng rất nhiều các hệ thống phòng lab cũng như tài trợ các nguồn học bổng để thu hút sinh viên trong và ngoài nước về với Sing.
Sing cộng tác với các nước tiến tiến khác như Anh và Mỹ, tạo ra nhiều các quỹ học bổng liên quốc gia chẳng hạn như quỹ học bổng PhD Warwick-NUS (cộng tác giữa ĐH Warwick-Anh và ĐH Quốc Gia Singapore), NUS-UCL, NUS-Yale, vân vân. Chính phủ Sing đã nhấn mạnh rằng giáo dục là ưu tiên hàng đầu của họ, và rằng nghiên cứu là mũi nhọn mà Sing sẽ đầu tư toàn tâm toàn sức cho nó.
Đầu tư cho nghiên cứu ở Sing cao hơn nhiều so với ở UK, vì họ muốn thu hút nhân tài khắp nơi, một hướng đi rất giống với ở Mỹ. Việt Nam mình cũng cần phải bắt đầu thiết lập các mối quan hệ như vậy thì mới mong phát triển được, đầu tư hơn về giáo dục khoa học vì một lần nữa Khoa học là cốt lõi của mọi sự phát triển!
Mình nhận thấy khoa học ở VN dường như chưa được coi trọng, cả về ý thức con người lẫn môi trường học tập. Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa để cho thấy sự thu hút và hấp dẫn của khoa học đến với mọi học sinh.
Y học là quan trọng, các trường Y ở VN rất được đầu tư, vậy tại sao Nghiên cứu khoa học lại bị bỏ bê? Nếu khoa học không tồn tại, chúng ta sẽ luôn luôn chỉ đi copy những thành tựu nước ngoài để bê về nước mình, mà không thể tự tạo ra được một thành tựu cho riêng mình. Lối đi như vậy là không ổn định và rất trở ngại.
Triển vọng ngành Y- Sinh ở UK ra sao ?
Đối với mình, giữa Sing và UK thì mình vẫn thích cách làm việc của UK hơn. Có lẽ mình hơi thiên vị nhưng mình cảm thấy cách làm việc của người phương tây thân thiện và cởi mở hơn. Tuy nhiên đây hoàn toàn là ý kiến cá nhân, vì thế bạn phải tự tìm hiểu và xem xem ở đâu thì phù hợp cho mình hơn
LÊ HOÀNG ANH
Hiện đang làm nghiên cứu sinh về chống ung thư của Viện Beatson - nằm trong đại học Glasgow, Anh Quốc, là cựu sinh viên khoá Dự bị đại học của Bellerbys College London, sau đó được nhận học khoá Sinh Hoá đại học Bristol và tiếp tục nhận học bổng toàn phần cho chương trình tiến sĩ, mỗi kỳ nghỉ em đều được mời thực tập trả lương tại Singapore.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/biochemistry-la-gi-a59211.html