Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ chuyên khoa Sản -Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sự ra đời của em bé là niềm hạnh phúc to lớn cho cả gia đình. Tuy nhiên, để sinh em bé thì người mẹ chịu khá nhiều ảnh hưởng về thể chất. Một trong những căn bệnh thường gặp là hậu sản sau sinh.
1. Hậu sản sau sinh là gì?
Theo y học hiện đại, hậu sản sau sinh là giai đoạn 6 tuần kể từ ngày em bé ra đời. Thời gian 6 tuần được xác định là vì: Khi có thai, các cơ quan sinh dục của người phụ nữ phát triển để thích nghi với việc mang bầu. Sau khi sinh con được 6 tuần, trừ vú vẫn phát triển để nuôi con thì các cơ quan sinh dục sẽ dần trở lại bình thường như trước khi sinh.
Như vậy, bất kỳ người phụ nữ sau sinh con nào cũng sẽ bước vào giai đoạn hậu sản. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ không được chăm sóc đặc biệt trong giai đoạn sinh con thì dễ mắc một số bệnh lý. Nhóm bệnh này được gọi là bệnh hậu sản sau sinh.
Những nguyên nhân dẫn tới bệnh hậu sản gồm:
Thai phụ không được chăm sóc tốt trong thời kỳ mang thai nên cơ thể bị thiếu chất dinh dưỡng, suy nhược cơ thể;
Trước khi sinh, thai phụ bị mệt mỏi, căng thẳng kéo dài, cơ thể không hấp thu được các chất dinh dưỡng dẫn đến kiệt sức, tăng nguy cơ mắc bệnh hậu sản;
Khi chăm sóc con, người mẹ khó tránh khỏi những áp lực gây ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe nói chung;
Không kiêng cữ sau khi sinh con, gần gũi chồng quá sớm cũng có thể gây tổn thương cho cơ quan sinh dục, khiến cơ thể dễ mắc bệnh.
2. Một số lưu ý khi chữa hậu sản sau sinh
Vậy cách chữa bệnh hậu sản sau sinh như thế nào? Sau đây là một số biến chứng hậu sản thường gặp và cách điều trị hữu hiệu:
2.1. Nhiễm trùng hậu sản
Nhiễm trùng hậu sản xảy ra ở sản phụ trong khoảng 6 tuần đầu sau sinh, gồm các nhiễm trùng xuất phát từ âm đạo, cổ tử cung, tử cung,... Các hình thái nhiễm trùng hậu sản thường gặp là:
Nhiễm khuẩn tầng sinh môn, âm đạo, âm hộ;
Viêm tử cung;
Viêm niêm mạc tử cung;
Viêm quanh tử cung;
Viêm phúc mạc tiểu khung;
Nhiễm trùng huyết;
Viêm phúc mạc toàn bộ;
Viêm tắc tĩnh mạch,...
Đây là các biến chứng sản khoa xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng sản phụ.
Triệu chứng nhận biết nhiễm trùng hậu sản sau sinh gồm: Sản dịch có mùi hôi, có thể bị sốt, tử cung co chậm và đau,...
Lưu ý khi điều trị nhiễm khuẩn hậu sản gồm:
Không quan hệ vợ chồng nay sau khi sinh nếu sức khỏe chưa hồi phục. Nguyên nhân bởi việc quan hệ quá sớm dễ gây tổn thương cho âm đạo và cơ quan sinh sản, dẫn tới nhiễm trùng, nhiễm khuẩn;
Giữ vùng kín luôn khô ráo, sạch sẽ. Nên vệ sinh vùng kín bằng nước sôi để ấm, không thụt rửa sâu trong âm đạo để tránh tổn thương;
Tránh đi lại nhiều, không vận động sớm trong vòng 1 tháng sau sinh;
Thường xuyên giặt, thay mới chăn, ga, gối, đệm;
Thay quần lót liên tục để giữ cơ quan sinh dục luôn khô ráo, tránh nhiễm khuẩn sau sinh;
Nếu thấy sản dịch đổi màu, có mùi hôi, sưng tấy và đau rát bộ phận sinh dục thì sản phụ nên báo ngay cho bác sĩ. Đồng thời, sau khi sinh 2 tuần, sản phụ nên chủ động thăm khám lại để phòng ngừa nhiễm khuẩn sau sinh, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe và có phương án xử trí kịp thời.
2.2. Bế sản dịch sau sinh
Bế sản dịch là tình trạng sản dịch bị ứ đọng trong tử cung, không thoát ra được. Nếu can thiệp muộn thì bệnh hậu sản sau sinh này có thể dẫn tới rối loạn đông máu, chảy máu khó cầm, gây nguy hiểm tới tính mạng.
Lưu ý dự phòng tình trạng bế sản dịch sau sinh:
Phụ nữ sau sinh bắt buộc phải được kiểm tra cổ tử cung để phát hiện xem có dấu hiệu bất thường nào hay không;
Bác sĩ thực hiện nong cổ tử cung để đẩy sản dịch bên trong ra ngoài. Đây là phương pháp an toàn, đơn giản nhưng cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín, có điều kiện vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng và di chứng về sau;
Khi nằm ngủ, sản phụ không nên nằm vắt chéo chân vì điều này dễ khiến sản dịch bị ứ đọng lại trong buồng tử cung, không thể chảy hết ra ngoài;
Sản phụ nên nghỉ ngơi hợp lý, vận động nhẹ nhàng để giúp tử cung co hồi tốt hơn, tống hết sản dịch ra ngoài. Với sản phụ sinh mổ, nên kiêng cữ hợp lý, nghỉ ngơi trong ngày đầu tiên rồi đứng dậy tập đi lại, vận động nhẹ nhàng để giúp dạ con co lại nhanh chóng, đẩy hết sản dịch ra ngoài.
2.3. Băng huyết sau sinh
Sản phụ được xác định bị băng huyết sau sinh nếu lượng máu tiếp tục chảy trên 500ml sau sinh ngả âm đạo hoặc trên 1.000ml sau khi mổ lấy thai. Băng huyết sau sinh hay gặp ở phụ nữ sinh con nhiều lần, nạo thai nhiều lần, thai to, có vết mổ ở tử cung,... Đây là nguyên nhân gây tử vong ở sản phụ, thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh.
Triệu chứng cảnh báo nguy cơ băng huyết sau sinh: Người bệnh có dấu hiệu sốc (mệt, da tím tái, xanh xao, khát nước, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt thấp); chảy máu ồ ạt từ tử cung ra ngoài âm đạo, ra máu với nhiều mức độ và hình thái khác nhau, có trường hợp máu chảy đọng lại trong buồng tử cung hoặc tạo thành khối huyết tụ,...
Lưu ý khi điều trị băng huyết sau sinh:
Sử dụng Oxytocin truyền tĩnh mạch (thuốc co hồi tử cung);
Nếu không có sẵn đường truyền Oxytocin hoặc không đáp ứng điều trị bằng thuốc này thì sử dụng Ergometrin đường tĩnh mạch, phối hợp Oxytocin + Ergometrin hoặc dùng thuốc Prostaglandin;
Ưu tiên truyền các dung dịch đẳng trương trước khi dùng dung dịch keo trong quá trình hồi sức ban đầu cho phụ nữ bị băng huyết sau sinh;
Sử dụng Acid tranexamic để điều trị băng huyết nếu Oxytocin và thuốc tăng co hồi tử cung khác không cầm máu được hoặc nếu nghi ngờ chảy máu do nguyên nhân chấn thương;
Xoa bóp tử cung;
Trường hợp sản phụ không đáp ứng điều trị bằng các thuốc tăng co hồi tử cung thì dùng bóng chèn lòng tử cung nếu băng huyết do đờ tử cung;
Nếu các biện pháp khác thất bại, có thể sử dụng phương pháp thuyên tắc động mạch tử cung nếu băng huyết do đờ tử cung;
Nếu đã áp dụng các biện pháp dùng thuốc tăng co hồi tử cung và can thiệp thủ thuật xoa bóp tử cung, bóng chèn lòng tử cung nhưng không hiệu quả thì có thể phẫu thuật;
Chèn tử cung bằng 2 tay có thể sử dụng tạm thời để chờ tới khi có biện pháp xử lý thích hợp khác trong trường hợp băng huyết do đờ tử cung sau sinh thường;
Có thể chèn động mạch chủ bên ngoài để trị băng huyết do đờ tử cung sau sinh thường (là biện pháp tạm thời cho tới khi có phương pháp thích hợp hơn);
Chèn gạc buồng tử cung điều trị băng huyết do đờ tử cung sau sinh thường;
Trường hợp nhau thai không xổ tự nhiên, sử dụng Oxytocin 10Ui tiêm tĩnh mạch, có thể phối hợp với kéo dây rốn có kiểm soát.
2.4. Tắc tia sữa
Tắc tia sữa là hiện tượng sữa không thoát ra ngoài được hoặc thoát ra với lượng rất nhỏ khi trẻ bú (do lực bú không đủ, sự chèn ép bên ngoài,...). Nếu không xử trí kịp thời, bệnh hậu sản sau sinh này có thể dẫn tới áp xe vú hoặc hình thành xơ tuyến vú, gây nhiễm trùng. Tắc tia sữa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào trong suốt thời gian cho con bú, đặc biệt là trong những ngày đầu sau sinh.
Triệu chứng tắc tia sữa gồm: Bầu vú căng tức, đau nhức; sờ vào ngực thấy có 1 hoặc nhiều cục cứng; sữa không tiết hoặc tiết ra rất ít; sản phụ có thể bị sốt,...
Lưu ý khi điều trị tắc tia sữa:
Duy trì việc cho con bú để giảm tắc tia sữa hoặc dùng máy hút sữa nhằm làm thông tia sữa. Nên cho bé bú bên ngực bị đau trước vì lúc này con sẽ bú với lực mạnh nhất, giúp khai thông các tia sức bị tắc;
Nhẹ nhàng massage bầu vú trong khi cho trẻ bú hoặc khi hút sữa bằng máy;
Sản phụ nên nghỉ ngơi nhiều hơn, uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm tăng cường sức đề kháng để tiết sữa nhiều hơn;
Chườm ấm quanh bầu ngực để thông tắc, giúp sữa chảy ra đều hơn;
Cho bé bú với tư thế nằm xuống để giúp sữa được hút hết ra ngoài.
2.5. Áp xe vú
Một trong những bệnh hậu sản sau sinh là áp xe vú. Đây là hiện tượng xuất hiện các ổ viêm sâu bên trong tuyến vú, chủ yếu gây ra bởi liên cầu khuẩn và tụ cầu khuẩn.
Triệu chứng của áp xe vú gồm: Sản phụ bị sốt cao, rét run; vùng vú bị sưng, nóng, đỏ, đau, khám thấy có các nhân mềm, có ổ chứa dịch; hạch nách ấn đau, sữa lẫn mủ màu vàng; áp dụng các biện pháp siêu âm, xét nghiệm cho kết quả có vi khuẩn,...
Lưu ý khi điều trị tình trạng áp xe vú:
Sản phụ nên nghỉ ngơi nhiều hơn và không cho trẻ bú ở bên vú bị áp xe để tránh bé bị nhiễm khuẩn;
Người mẹ nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng để sớm phục hồi sức khỏe;
Massage vú nhẹ nhàng, chườm nóng và vắt bỏ sữa để làm thông tuyến sữa;
Sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ. Nếu uống thuốc không đỡ, bên vú bị áp xe có thể được trích rạch để loại bỏ mủ (chỉ thực hiện với vùng áp xe nông). Sau khi tháo mủ sẽ đặt ống dẫn lưu bơm rửa ổ dịch bằng dung dịch sát khuẩn và sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân.
2.6. Đại tiện, tiểu tiện không tự chủ
Tiểu tiện, đại tiện không tự chủ là tình trạng hậu sản sau sinh khá thường gặp. Tiểu tiện không tự chủ, đặc biệt khi cười, ho hoặc căng thẳng có thể là do sự kéo giãn của đáy bàng quang khi mang thai, sinh nở. Phụ nữ bị tiểu tiện không tự chủ nên sử dụng băng vệ sinh để đối phó. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý tới hiện tượng đau nhức, nóng rát hoặc khó chịu khi đi tiểu vì đây có thể là biểu hiện của nhiễm trùng bàng quang.
Việc đại tiện không tự chủ thường do suy yếu cơ xương chậu, rách đáy chậu, tổn thương thần kinh tại các cơ vòng quanh hậu môn khi sinh. Tình trạng này phổ biến ở phụ nữ sinh thường, có thời gian chuyển dạ kéo dài.
Để khắc phục, bạn chỉ cần chờ thêm một thời gian để đưa cơ bắp trở lại bình thường, kết hợp thực hiện các bài tập phù hợp (theo ý kiến bác sĩ). Trường hợp tiểu tiện, đại tiện không tự chủ kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
2.7. Lên máu hậu sản
Lên máu hậu sản là tình trạng cao huyết áp sau sinh. Nếu sau khi sinh trên 12 tuần mà huyết áp không trở lại bình thường thì được xác định là cao huyết áp. Đa phần các trường hợp tăng huyết áp là vô căn, không xác định được nguyên nhân. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, cao huyết áp sau sinh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: Giãn thất phải, dày thất trái, bệnh mạch vành, suy tim, tai biến mạch máu não, suy thận, bệnh lý ở võng mạc, tiểu đạm, bệnh lý mạch máu ngoại biên,...
2.8. Sản giật
Sản giật là biến chứng của những rối loạn tăng huyết áp trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Triệu chứng sản giật gồm: Nhiễm độc thai nghén nặng (phù, protein niệu, tăng huyết áp,...); hội chứng tiền sản giật (nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt, nôn, đau thượng vị,...); xuất hiện cơn sản giật (qua 4 giai đoạn là xâm nhiễm, co cứng, co giật giãn cách, hôn mê). Biến chứng xuất huyết não có thể xảy ra khi lên cơn co giật, sản phụ bị hôn mê sâu kéo dài, tử vong.
Lưu ý khi điều trị chứng sản giật:
Sản phụ đang lên cơn giật cần được đặt nghiêng cơ thể về 1 bên, tránh tình trạng hít phải đờm dãi, đảm bảo lưu thông máu tới nhau thai. Bác sĩ sẽ đặt 1 mảnh ngáng lưỡi mềm hoặc ống dẫn khí bằng nhựa vào giữa 2 hàm răng; hút dịch hoặc thức ăn ra khỏi thanh môn, khí quản;
Có thể cắt cơn giật bằng tiêm tĩnh mạch magie sulfat 4g hoặc diazepam 5 - 10mg trên 4 phút hoặc tới khi cơn giật ngừng. Nếu bệnh nhân có suy giảm chức năng thận đáng kể thì tiêm truyền magie sulfat tĩnh mạch liên tục, sau đó bắt đầu với tốc độ 3g/giờ. Sau đó, cứ cách 4 - 6 giờ thì kiểm tra nồng độ magie huyết 1 lần, điều chỉnh tốc độ truyền để giữ nồng độ magie cần thiết. Cần kiểm tra phản xạ gân xương sâu, nhịp và độ sâu hô hấp, lượng nước tiểu bài tiết hàng giờ để theo dõi tình trạng nhiễm độc magie. Có thể giải độc bằng gluconat calci;
Theo dõi thai, nhóm máu và phản ứng chéo. Nên đặt thông tiểu để theo dõi sự bài tiết nước tiểu, xét nghiệm máu, đếm tiểu cầu, men gan, acid uric, creatinin, ure, điện giải đồ. Nếu sản phụ tăng huyết áp với huyết áp tâm trương trên 110mmHg thì cần dùng thuốc hạ áp để giảm huyết áp tâm trương xuống còn 90 - 100mmHg;
Sử dụng oxytocin để thúc đẩy chuyển dạ. Có thể gây tê vùng hoặc gây mê. Mổ lấy thai được chỉ định nếu cần thiết;
Tiêm truyền magie sulfat tiếp tục tới khi hết sản giật để giải quyết hậu sản sau sinh. Việc tiêm truyền có thể kéo dài 1 - 7 ngày.
2.9. Trĩ và táo bón sau sinh
Trĩ và táo bón là tình trạng có thể xuất hiện trong thời kỳ hậu sản hoặc khi phụ nữ mang thai. Tình trạng này có thể trầm trọng hơn do tăng kích thước tử cung, tạo áp lực lên các tĩnh mạch ở bụng dưới. Cách chữa hậu sản sau khi sinh hiệu quả đối với trĩ và táo bón là: Dùng thuốc mỡ, thuốc xịt, kèm chế độ ăn nhiều chất xơ và chất lỏng. Sản phụ không sử dụng thuốc nhuận tràng, thuốc đạn hay thụt nếu chưa được chỉ định.
Lưu ý khi điều trị táo bón sau sinh:
Hạn chế sử dụng thuốc trị táo bón vì thuốc sẽ đi vào sữa mẹ, khiến trẻ bị dùng thuốc bị động, gây nhiều ảnh hưởng không tốt;
Bổ sung thêm rau, hoa quả tươi, có tác dụng nhuận tràng như chuối, lê, táo, cam, bưởi,... vào thực đơn ăn uống hằng ngày. Các bà mẹ có thể ăn thêm sữa chua để bổ sung thêm các lợi khuẩn kích thích tiêu hóa;
Hạn chế thực phẩm khó tiêu như đồ chiên rán, thức ăn nhiều dầu mỡ, súp đặc, thức ăn nhanh, chất kích thích;
Ăn đúng giờ, nên chia nhỏ bữa ăn, chọn thức ăn dạng lỏng, tránh thức ăn rắn và khó tiêu;
Uống nhiều nước và giữ tinh thần thoải mái vì tình trạng căng thẳng có thể gây táo bón;
Tập thể dục, vận động thích hợp;
Đi vệ sinh đúng giờ, không nhịn đại tiện, không ngồi lâu trong nhà vệ sinh.
Lưu ý khi điều trị bệnh trĩ ở phụ nữ sau sinh:
Ưu tiên điều trị nội khoa bảo tồn, sử dụng thuốc phù hợp và an toàn với phụ nữ đang cho con bú. Nếu bệnh quá nặng, gây chảy máu cấp tính, không hiệu quả khi điều trị bảo tồn, thuyên tắc hay hoại tử búi trĩ thì cần can thiệp phẫu thuật;
Sử dụng các thuốc điều trị trĩ gồm: Thuốc co mạch và tăng tính bền thành mạch, giảm kích thước búi trĩ, giảm chảy máu; thuốc chống viêm giảm đau, giảm sưng nề búi trĩ, chống co thắt cơ vòng hậu môn, làm mềm phân tránh táo bón;
Phẫu thuật cắt trĩ chỉ định cho các trường hợp trĩ hỗn hợp, trĩ nội sa biến chứng nghẹt, trĩ có biến chứng tắc mạch;
Ngâm hậu môn với nước muối ấm khoảng 15 phút/ngày, rửa nước sạch sau mỗi lần đi đại tiện, ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi, uống đủ nước, hạn chế ăn đồ cay nóng hoặc chất kích thích, luyện tập thể thao đều đặn, tránh làm việc nặng hoặc đứng/ngồi quá lâu.
2.10. Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là một bệnh hậu sản sau sinh thường gặp. Đây là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, luôn có suy nghĩ tiêu cực, buồn chán, mệt mỏi, lo lắng nhiều vấn đề,... Bệnh có biểu hiện ở mức nhẹ, vừa hoặc nặng, tự khỏi hoặc không tự hết nếu không được can thiệp kịp thời.
Triệu chứng trầm cảm sau sinh gồm: Suy nhược cơ thể, lo lắng, đau dữ dội ở nhiều vị trí trên cơ thể mà không rõ nguyên nhân, hoảng hốt, căng thẳng, cảm giác bị ám ảnh, mất tập trung, rối loạn giấc ngủ, mất ham muốn tình dục,...
Lưu ý khi điều trị trầm cảm sau sinh:
Tâm lý trị liệu: Trò chuyện về tình trạng của sản phụ và những vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần, hỗ trợ tinh thần và giúp bạn hiểu về cảm xúc của mình, xác định rõ các vấn đề để tìm cách giải quyết tốt nhất. Các bà mẹ có thể tham gia nhiều hội nhóm hỗ trợ trầm cảm sau sinh để chia sẻ kinh nghiệm, cách ứng phó với những suy nghĩ tiêu cực;
Tập thể dục: Sau khi phục hồi thể chất sau sinh, chị em nên cố gắng tập thể dục mỗi ngày (chọn bài tập phù hợp với thể trạng) để nâng cao tinh thần, gia tăng cảm giác hạnh phúc, yêu đời;
Sử dụng men vi sinh đặc hiệu psycho-biotic để tương tác giữa não bộ và đường ruột, cải thiện sức khỏe đường ruột và giảm triệu chứng căng thẳng, mệt mỏi, lo lắng, đau đầu;
Sử dụng thuốc điều trị trầm cảm sau sinh như: Sertraline, paroxetine, nortriptyline và imipramine;
Trường hợp bà mẹ bị loạn thần sau sinh, có ý định tự tử hoặc sát hại con thì cần được đưa nhập viện ngay để điều trị đặc hiệu.
Để phòng ngừa biến chứng hậu sản sau sinh, cần chú ý chăm sóc sức khỏe của các sản phụ. Việc chăm sóc cẩn thận giúp sản phụ mau chóng hồi phục, tránh được những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, khi có các bệnh hậu sản, cả người bệnh và gia đình đều cần theo dõi kỹ các triệu chứng, thực hiện điều trị đúng theo chỉ định của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.