Hướng dẫn bứng và chăm sóc cây mai vàng mới bứng vào chậu

Đào và bứng mai vàng vào chậu tưởng chừng như đơn giản nhưng thật ra rất khó và đòi hỏi người trồng cần phải có kĩ thuật, phải chọn được thời điểm bứng cây để cây khi trồng vào chậu vẫn khỏe mạnh, phát triển tốt. Chỉ cần một vài sơ xuất có thể khiến chúng ta tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc để mua lại cây mới. Hôm nay, Yeumaivang.com sẽ chia sẻ đến các bạn cách bứng mai vào chậu chơi tết và chăm sóc cây mai vàng mới bứng vào chậu hợp lý nhất. Cùng theo dõi nhé!

bứng cây mai vàng
Hướng dẫn bứng cây mai vàng vào chậu

Thời điểm để bứng cây mai hợp lý

Khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm là khoảng thời gian được xem là tốt nhất để bứng mai vàng, vì lúc này cây đã tạm ngừng sinh trưởng. Bộ lá của cây đã già, cây không còn ra tược non được, cũng không thể phát sinh thêm rễ cám, toàn bộ chất dinh dưỡng của cây đều sẽ được “rút về” dự trữ hết trong thân cây.

Thứ hai, vì cây mai vàng là loại cây phát triển tốt nhất trong thời tiết khí hậu nóng ẩm, vào thời điểm này trời cũng đã hết mưa nên rất phù hợp để các bạn tiến hành bứng mai vàng.

Thời gian sau tết, đa số cây mai vàng đều khoát lên mình bộ lá non, nên phải chờ lúc bộ lá của cây chuyển hết sang màu xanh đậm hơn và dày hơn lúc đó mới bứng cây được.

Nếu các bạn muốn bứng mai vàng vào các tháng còn lại trong năm thì cần có chế độ chăm sóc đặc biệt hơn, chu đáo hơn nhưng tỉ lệ rủi ro cũng sẽ cao hơn. Vì vậy mà thời điểm thích hợp nhất để bứng mai vàng tốt nhất là vào khoảng tháng 10 âm lịch hằng năm.

Cách bứng cây mai vàng vào chậu

1. Chú ý hướng mọc của cây mai

Trước khi bứng mai các bạn cần phải chú ý hướng mọc của cât để bứng thuận chiều, không làm ảnh hưởng đến các vấn đề sinh học của cây mai. Nếu các bạn bứng sai hướng, cây mai sẽ dần khô héo, có thể dẫn đến chết cây.

2. Cắt, tỉa cành lá cây mai

Sau khi đã xác định được hưóng cây và dáng thế của cây, cần cắt bỏ hết các đọt non, lá non rồi tỉa bớt lá, cắt bỏ hết cành, nhánh thừa so với dáng thế của cây mai. Việc này giúp giữ đươc lượng nước trong thân cây mai, nước sẽ không bị mất qua lá, đảm bảo cây được khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, việc cắt, tỉa cành lá còn giúp bạn không cần bứng bầu quá to, mà vẫn đảm bảo được sự sống của cây mai. Quá trình bứng sẽ trở nên dễ dàng vá ít tốn chi phí vận chuyển, đồng thời cũng giúp hạn chế tình trạng bể bầu đất.

Sau khi cắt tỉa, các bạn dùng keo liền sẹo bôi vào chỗ vừa cắt hoặc dùng túi nylong sạch bao lại để tránh bị nhiễm khuẩn do các tác nhân bên ngoài, tình trạng mất nước, khô da của cây mai.

chăm sóc mai vàng mới bứng
Bôi keo liền sẹo cho cây mai

3. Đào, cắt bỏ rễ cây mai và làm bầu

Xung quanh gốc kẻ một vòng tròn, đường kính vòng sẽ phụ thuộc vào độ to và dáng thế của cây mai, nếu như cây cao 1m - 2m thì đường kính sẽ nhân 4 lần đường kính của thân cây tính từ cổ rễ cây mai.

Kẻ tiếp một vòng tròn thứ 2 cách vòng tròn đầu 4cm - 6cm hướng ra ngoài, phần đất cần đào để bứng cây là khoảng giữa 2 vòng tròn.

Dùng dụng cụ đào đất thật bén và đã khử trùng. Khi đụng đến các rễ to, phủi bỏ hết phần đất xung quanh rễ rồi cắt nhanh thật ngọt, sau đó dùng keo bôi vào để nhanh khô vết sẹo. Nếu gặp các rễ to chia ra làm 2 hay rễ nhỏ nhiều thì cắt ra phía ngoài một chút để lấy luôn nơi ngã rẽ, vết cắt sẽ trở nên nhỏ hơn, vết cắt nếu càng nhỏ thì rễ sẽ dễ dàng ra rễ cám.

Cứ như thế các bạn đào đất và cắt bỏ hết phần rễ. Cần xác định được bộ rễ cái sâu đến đâu, để đào xéo hết phần đất dưới bầu vào từ từ, cho đến khi chỉ còn khoảng 1cm nữa là giáp mí bên kia thì ngưng lại, để cây mai không bị ngã.

Sau khi keo liền sẹo đã khô, thì các bạn bó bầu đất bằng loại bao tải nông nghiệp và các dây cao su, quấn dây chặt tay để bầu đất không bị vỡ ra trong lúc di chuyển.

Nên giữ lại bầu đất vừa phải, vì nếu bầu quá to sẽ dễ bị vỡ bầu trong lúc di chuyển, nếu cây lớn chỉ cần giữ lại bầu đất xung quanh rễ với bán kính nằm khoảng 40 - 50cm.

Sau khi bó bầu, vận chuyển cây về thì xử lý cây bằng thuốc kích thích rễ như N3M, Bio Root… Phun định kỳ mỗi lần cách nhau 7 - 10 ngày.

Với những cây mai có kích thước lớn, khi tạo bầu rễ to sẽ bị cắt khá nhiều, để lại nhiều vết thương, nên cần giữ nguyên bầu đất ít nhất 1 - 2 tháng để vết cắt rễ lành rồi mới tiến hành xả bầu, trồng mai vào chậu mới.

Tham khảo thêm một số cách ghép mai vàng vào thân đơn giãn và hiệu quả nhất

Hướng dẫn xử lý cây mai vàng mới bứng và trồng vào chậu

Cây mai vàng đem về đặt ở nơi thoáng mát, không được tưới nước vào bầu đất, chỉ xịt nước vào thân cây cho mát cây.

Để vệ sinh thân cây mai, bạn dùng các vật liệu không thấm nước bọc kính hết bầu đất lại, xịt nước sạch toàn thân cây rồi chà rửa sạch sẽ, đồng thời loại bỏ hết nấm bệnh, và kích thích những mắt ngủ trên cây mai phát triển.

Sau khi vệ sinh thân xong thì tiến hành xử lý bộ rễ,hạ thấp lớp đất xuống còn nửa rễ, phần trên lưng lộ ra trên mặt đất, nửa phần rễ còn lại sẽ nằm trong đất, chỉ ở 1/3 chiều dày của bộ rễ từ trong thân ra, 2/3 còn lại của cây phải được nằm hoàn toàn phía dưới đất. Loại bỏ rễ dư, rễ nhỏ chồng chéo, sau đó xịt nước ướt đều rồi chà rửa phần lưng của rễ.

hướng dẫn bứng cây mai vàng
Vệ sinh rễ cây mai

Sau khi thân cây đã ráo nước, bạn sửa lại vết cắt cho đẹp, tự nhiên bằng đục bén đã sát trùng, sau đó dùng thuốc kích thích tái tạo tế bào và chất chống thấm bôi lên trên bề mặt cắt, rồi dùng giấy bạc bọc kín để giúp che mát, chống thấm và giúp mặt cắt được nhanh lành.

Tiếp theo mở dây và bao bó bầu ra, đục gọn lại vết cắt đầu rễ để ra rễ cám dễ dàng hơn. Khoảng 5 đến 10 giờ sau, đợi cho đầu rễ khô rồi lấy mụn dừa phủ kín hết bầu đất đến cổ rễ của cây, để giữ cho bầu đất được ẩm.

Giai đoạn này không được tưới nước vào bầu đất mà chỉ phun lên thân giúp làm mát thân cây mai thôi. Sau 7 - 15 ngày thì trồng cây mai vào chậu. Phải để từ 15 - 30 ngày nếu bạn bứng cây mai vào mùa mưa.

Cây mai vàng cần đất có độ tơi xốp vừa, không nén quá chặt, thoát nước tốt, giàu dinh dưỡng và không có mầm bệnh gây hại. Lót một lớp viên đất nung (sỏi nhẹ) ở phía dưới đáy chậu để tránh gây ngập úng rễ cây mai và làm tăng khả năng thoáng khí. Sau đó cho đất trồng mai vào nữa chậu rồi đặt cây mai vào và tiến hành bỏ đất cho đến khi đầy chậu. Cuối cùng nén nhẹ để cây mai đứng vững. Đặt cây ở nơi thoáng mát, khi cây mai đã hồi phục thì đưa cây ra nắng từ từ để cây thích nghi.

Chăm sóc cây mai vàng mới bứng vào chậu

Sau khi đã trồng cây mai vào chậu, bạn dùng khoảng 2g thuốc kích rễ mai + 2ml Vitamin B1 pha cùng với 1 lít nước sạch rồi phun đều lên toàn bộ cây và tưới vào gốc cây, vừa tưới vừa nén nhẹ nhàng để gốc cây không lung lay là được. Cứ định kỳ 7 ngày sẽ tưới thuốc kích rễ 1 lần.

Khoảng 2 - 3 ngày bạn tưới nước cho cây mai một lần. Nên dùng nước sạch để tưới gốc mai mới trồng, có thể dùng nước mưa, nước ao, hồ… Nếu các bạn dùng nước máy, nên dùng nước được xả ra ít nhất 3 ngày, để cho chất Clo bốc hơi hết.

Đặt chậu mai ở những nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào cây để tránh làm cho cây mất nước, khô đầu cành mới cắt và đặc biệt là gây nóng bộ rễ dẫn đến cây mai bị khô héo không ra rễ con.

Bạn cần đóng trụ giữ cây cố định để cây không bị ngã khi thời tiết xấu, giúp rễ cây phát triển ổn định hơn.

Không nên dùng phân bón cho cây trong khoảng một tháng đầu sau khi trồng lại vào chậu, vì cây mới vừa bứng đang bị tổn thương mà lúc này chúng ra bón phân thì cây sẽ bị xót rễ, hư rễ.

Chỉ với một vài kỹ thuật thì các bạn đã có thể chọn được thời điểm bứng và chăm sóc cây mai mới bứng vào chậu rồi, chúc các bạn sẽ có một cây mai vàng tuyệt vời để chơi trong dịp tết này nhé.

Các bạn có thể xem thêm: Bí quyết chăm sóc mai vàng sau tết đơn giản nhưng không phải ai cũng biết

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/cach-cham-soc-cay-mai-moi-bung-vao-chau-a58616.html