Ly Na
BPO - Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 năm nay kéo dài đến 4 ngày, ngoài kế hoạch cho những chuyến đi chơi xa thì nhiều gia đình đã thiết kế chuyến đi tại những địa điểm trong tỉnh. Và đập tràn ở xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước là một trong những lựa chọn hấp dẫn. Hiện địa chỉ này không chỉ thu hút người dân trong tỉnh mà nhiều du khách ở các tỉnh, thành lân cận biết đến, tìm về vui chơi.
Đập tràn ở xã Tân Lập được xây dựng năm 2017, là điểm cuối của một chân đập trên lòng hồ Suối Giai, rộng khoảng 30m, chiều dài khoảng 300m; khi tích đủ trên thân đập thì nước sẽ tự tràn qua đoạn mương lớn này. Thời điểm nước tràn hằng năm không cố định mà phụ thuộc vào lượng mưa của từng năm.
Anh Phí Văn Nam, người kinh doanh thời vụ tại khu vực đập tràn này cho biết: “Thường bắt đầu vào mùa mưa là nước về, tầm khoảng tháng 6, 7, có năm vào dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 đã có nước tràn qua. Năm nay, tôi thấy nước tràn qua đập trễ hơn so với mọi năm, nước mới về vào nửa đầu tháng 8. Các năm trước, nước tràn đến tết mới hết, năm nay chưa biết thế nào”.
Niềm vui của du khách khi hòa mình vào làn nước mát lành ở đập tràn Tân Lập, huyện Đồng Phú - Ảnh: Từ Huy
Hai bên bờ đập khá mát mẻ vì được bao phủ bởi những rừng cây cao su, rất lý tưởng cho các hoạt động dã ngoại, cắm trại, trải nghiệm. Vài năm trở lại đây, khu vực này là điểm đến không chỉ hấp dẫn người dân địa phương, mà du khách từ các tỉnh, thành khác cũng tìm về để vừa tự phục vụ đồ ăn vừa vui chơi, tận hưởng bầu không khí trong lành, mát mẻ. Không gian nơi đây thích hợp cho nhiều thế hệ thành viên trong gia đình thỏa thích vui đùa cùng nhau.
Các gia đình có thể chuẩn bị thực phẩm để tự phục vụ bữa ăn - Ảnh: Từ Huy
Đập tràn cũng là địa điểm check-in lý tưởng - Ảnh: Từ Huy
Bạn Nguyễn Nhàn cùng gia đình gần 10 người ở xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi biết tin đập có nước tràn về đã tranh thủ tổ chức một chuyến dã ngoại tại đây. “Loanh quanh ở Vũng Tàu mãi cũng chán. Năm ngoái, nghe bạn mình giới thiệu nhiều về địa điểm này nên năm nay, mình cùng gia đình quyết định đến trải nghiệm. Mình thấy ở đây không khí mát mẻ, môi trường sạch sẽ, gia đình vui chơi rất thoải mái” - Nhàn chia sẻ.
Thu gom rác để giữ gìn vệ sinh chung cho khu vực đập tràn - Ảnh: Từ Huy
Làn nước mát, mực nước khi tràn qua lòng mương chỉ từ 10-25cm và phần nền bên dưới nhám, không trơn trượt nên nơi đây khá an toàn cho trẻ em và người lớn khi chơi đùa và tổ chức nhiều hoạt động dưới nước. Ngoài vui chơi, thư giãn, ăn uống thì nơi đây còn là địa chỉ check-in lưu lại những bức ảnh đẹp cùng bạn bè và người thân.
Chị Nguyễn Thị Bích Vân không giấu được sự hồ hởi khi vừa hoàn thành một album hình ở đây cùng người thân của mình: “Tôi đến từ thị trấn Đắk Mil, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, cả nhà đi từ sáng sớm để tới đập tràn vui chơi, dã ngoại. Lần đầu tiên gia đình tôi đến đây, nơi này gợi lại cho tôi nhiều ký ức về tuổi thơ, cảm thấy rất tuyệt vời”.
Để giữ gìn vệ sinh chung cho khu vực đập tràn, một số người kinh doanh dịch vụ nơi đây luôn xử lý rác xung quanh, bỏ rác vào thùng được họ trang bị gần đó. Đồng thời nhắc nhở du khách đến tham quan, vui chơi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nhằm giữ gìn giá trị địa điểm tham quan, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp tự nhiên thú vị đối với không chỉ người dân trong tỉnh mà còn du khách ngoài tỉnh.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/dap-suoi-giai-a57984.html