Bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có niên đại hơn 450 triệu năm, hồ Ba Bể thuộc vườn quốc gia Ba Bể, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là một trong 100 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, là điểm đến kỳ thú với cảnh sắc huyền ảo, nguyên sơ, thấm đẫm vẻ đẹp của vùng rừng núi.
Kỳ thú sự tích Hồ Ba Bể
Tương truyền, thuở xa xưa, ở vùng Bắc Kạn, mỗi năm dân làng Nam Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá. Vào dịp này, dân chúng khắp nơi đều tề tựu lại rất đông. Lễ Vô Giá năm ấy, giữa lúc khắp làng nô nức người đi lễ Phật, bỗng nhiên, xuất hiện một bà cụ ăn mày không biết từ đâu đến. Trông bà thật gớm ghiếc, thân thể gầy còm, lở loét, mùi hôi thối xông ra rất khó chịu. Bà cụ chỉ thều thào mấy tiếng: “Tôi đói lắm, các ông, các bà ơi” rồi chìa tay ra bốn phía cầu xin. Nhưng đến đâu bà cụ cũng bị xua đuổi. Lê bước khỏi đám hội, vào nhà nào bà cũng bị hắt hủi. May sao đến ngã ba, bà gặp mẹ con nhà kia vừa đi chợ về. Thấy bà lão ăn xin tội nghiệp, người mẹ thương tình đưa về nhà, lấy cơm cho ăn, rồi mời nghỉ lại qua đêm.
Hồ Ba Bể (Ảnh: Internet)Đến giữa khuya, hai mẹ con bỗng thấy chỗ bà cụ nằm sáng rực lên. Nhưng lạ thay, ở đấy không còn bà lão ăn xin già yếu, lở loét nữa mà có một con giao long to lớn đang cuộn mình, đầu gác lên xà nhà, đuôi thò xuống đất. Mẹ con bà goá rụng rời kinh hãi, đành nhắm mắt nằm im, phó mặc cho số phận.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, họ chẳng thấy giao long đâu cả, lại thấy bà lão ăn xin già đang sửa soạn ra đi. Bà nói: “Vùng này sắp có lụt lớn. Ta cho hai mẹ con chị gói tro này, nhớ rắc ngay xung quanh nhà mới tránh được nạn”.
Người mẹ nghe vậy lấy làm lạ, bèn hỏi: “Thưa bà, vậy làm sao để cứu mọi người khỏi chết chìm?”. Bà cụ suy nghĩ giây lát rồi nhặt một hạt thóc, cắn vỡ ra, đưa vỏ trấu cho hai mẹ con và bảo: “Hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp mẹ con nhà chị làm việc thiện”.
Nói rồi, vụt một cái, đã không thấy bà lão đâu nữa. Hai mẹ con vội làm theo lời dặn rồi đi báo cho mấy người gần đó biết. Họ đều bật cười, cho đó là chuyện bâng quơ.
Tối hôm ấy, lễ hội đang náo nhiệt, mọi người đang sì sụp lễ bái, bỗng có một cột nước từ dưới đất phun lên, mỗi lúc một mạnh. Đất xung quanh lở dần. Lúc đó. mọi người đều kinh hoảng, chen nhau chạy tháo thân. Nhưng không còn kịp nữa. Đất dưới chân họ rung chuyển. Một tiếng ầm dữ dội nổi lên, nhà cửa, người và vật đều chìm sâu dưới nước.
Trong khi tất cả đều ngập trong biển nước thì ngôi nhà nhỏ của hai mẹ con người đàn bà goá lại không hề ảnh hưởng gì, nước dâng đến đâu, ngôi nhà cũng dâng cao đến đó. Nhìn cảnh mọi người vật lộn trong dòng nước lớn, hai mẹ con đều rất xót xa, thương cảm. Nhớ lời bà lão ăn xin dặn, hai mẹ con đem hai mảnh vỏ trấu ra. Vừa đặt xuống nước, vỏ trấu hoá thành hai chiếc thuyền lớn. Thế là mặc gió mưa, họ chèo thuyền đi khắp nơi, cố sức vớt những người bị nạn.
Sau này, vùng đất bị sụt sâu xuống trở thành một cái hồ lớn, người dân địa phương gọi là Slam Pé - nghĩa là Ba Bể (3 hồ nhỏ hợp thành Hồ Ba Bể lớn là Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng). Còn nền nhà nơi hai mẹ con bà góa ở, nổi lên giữa hồ thành một hòn đảo nhỏ, gọi là gò Bà Goá.
Lung linh viên ngọc giữa núi rừng
Hồ Ba Bể huyền ảo trong sương sớm (Ảnh: Internet)Được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi có niên đại hàng trăm năm, Hồ Ba Bể (xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dày hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra Hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.
Hồ Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, cách Hà Nội khoảng 240 Km, nằm trong vườn quốc gia Ba Bể. Mặt hồ rộng lớn với diện tích 650ha, độ sâu trung bình 20 - 25m, chạy dài hơn 8km. Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và giá trị to lớn về đa dạng sinh học.
Hoàng hôn trên Hồ Ba Bể (Ảnh: Internet)Các nhà khoa học trong và ngoài nước đã phát hiện trong lòng hồ có nhiều loài cá nước ngọt đặc trưng của vùng đông bắc Việt Nam, trong đó có các loài quý hiếm như cá chép kính, rầm xanh, anh vũ và cá lăng. Về cảnh quan, địa chất, đây là khu vực thể hiện rõ rệt dấu ấn lịch sử của các thời kỳ hình thành vỏ trái đất. Về địa chất địa mạo, đây là vùng đá vôi cổ rộng lớn, có đặc điểm kiến tạo rất đặc biệt. Vài năm gần đây, Viện địa chất phối hợp với Hội địa chất Bỉ đã tiến hành nghiên cứu vùng đá vôi Hồ Ba Bể. Họ khẳng định đây là vùng đá vôi có niên đại 450 triệu năm. Ðiều kỳ thú là trong quá trình biến đổi địa chất, đá vôi đã biến thành những mảng đá hoa cương. Theo các nhà địa chất thì việc đá vôi trở thành đá hoa cương là điều vô cùng độc đáo và hiếm thấy. Giữa một vùng núi đá vôi lại có một cái hồ lớn, thật kỳ diệu. Đáy hồ có một lớp đất sét dày tới 200 mét bịt kín, chính địa tầng sét này không cho nước thoát xuống và hồ được hình thành như vậy.
Thuyền độc mộc trên Hồ Ba Bể (Ảnh: Internet)Vẻ đẹp của Hồ Ba Bể tựa như một bức tranh thủy mặc làm say lòng người. Mặt nước hồ quanh năm phẳng lặng, xanh trong như một tấm gương in đậm bóng núi, mây trời. Ven hồ, những chiếc xuồng xếp cạnh nhau, trông xa tựa như vài ba chiếc lá rơi trên mặt nước. Gữa hồ, gò bà Góa, đảo An Mã hiện lên với màu xanh của cây cối.
Những buổi sáng sớm khi sương mù còn giăng khắp núi rừng, Hồ Ba Bể ẩn hiện, thấp thoáng như nàng tiên đang bay lượn với tấm váy trắng tinh khôi. Vào những buổi hoàng hôn, những tia nắng rực rỡ chiếu sáng mặt hồ, đôi ba chiếc thuyền độc mộc xuôi nhẹ theo dòng nước. Trên thuyền, những cô gái Tày trong bộ đồ màu đen tay khua nhẹ mái chèo, tiếng đàn Tính hòa cùng điệu hát Then dìu dặt, tựa như hơi thở núi rừng, vừa trầm ấm, lại vang xa, sâu thẳm, in sâu vào tâm trí. Xa xa, thấp thoáng giữa những mái nhà sàn yên bình. Bóng người, bóng thuyền đổ trên mặt nước lấp loáng, giữa ánh chiều tà, quả thực khiến lòng người mê đắm, khó rời.
Không chỉ thưởng ngoạn cảnh sắc nên thơ, trữ tình, đến với nơi đây, du khách còn được khám phá các nét văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc vùng Hồ. Cùng với câu hát then, cây đàn tính là nét đặc sắc trong văn hóa dân tộc Tày - Nùng, du khách còn có cơ hội trải nghiệm nếp sinh hoạt của đồng bào dân tộc trong mái nhà sàn truyền thống, nhấp chén rượu ngô cay nồng, thưởng thức món thịt lợn, thịt trâu gác bếp, thưởng ngoạn các lễ hội truyền thống như hội Lồng tồng, hội xuân, đua thuyền độc mộc, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ... Tất cả tạo nên ấn tượng độc đáo của vùng hồ Ba Bể mà không nơi nào có được.
Bản Pác Ngòi yên bình bên bờ Hồ (Ảnh: Internet)Độc đáo hệ thống hang động
Nằm trong khu vực Vườn quốc gia Ba Bể, dòng sông Năng chảy xuyên qua dãy núi đá vôi Lung Nham đã hình thành nên một động đẹp có tên là động Puông.
Động Puông tạo thành do dòng sông Năng xuyên qua dãy núi Lung Nham (Ảnh: Internet)Là một hang thông hai đầu, động Puông có chiều dài 300 mét, cao hơn 30 mét với các vách đá đứng và nhiều nhũ đá có nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau, được hình thành khi con sông Năng chảy xuyên qua bên dưới núi đá vôi Lũng Nham tạo nên một cảnh quan đá vôi rất ngoạn mục với lối vào ra thông thoáng cho dòng sông Năng tự do lưu chuyển. Cửa động nơi đây vút đứng và khá phẳng, tưởng như ai đó đã buông một nhát chém ngọt ngào vào khối đá mềm từ hàng triệu năm trước. Do có nhiều ánh sáng mà từ phía bên ngoài động đã lộ hiện những mảng đá hoa cương từng bị che lấp bởi những thảm rêu xanh theo thời gian. Bên trong động, những dải thạch nhũ hình thù kỳ lạ rủ xuống soi bóng lung linh trên dòng nước. Càng vào sâu bên trong, tuy lòng động khá tối nhưng vẫn đủ sức hấp dẫn du khách bởi trên vòm động là nơi trú ngụ của 23 loài dơi với số lượng hàng vạn con.
Ở phía Nam Hồ Ba Bể, bên bờ sông Lèng thuộc địa phận xã Quảng Khê, huyện Ba Bể, ngọn núi Cô Đơn sừng sững nằm giữa khu Lèo Pèn (Rừng Ma) cây cối xanh rì, rậm rạp. Giữa lưng chừng núi, với độ cao khoảng 350m so với mặt nước biển có một hang động lạ ăn sâu vào lòng núi chạy theo hướng Đông - Nam quanh năm u tịch. Người dân địa phương gọi là hang Lèo Pèn - Động Hua Mạ. Động Hua Mạ có chiều dài tới hơn 700m, trần động có chỗ rộng và cao tới 40 - 50m, chứa đựng nhiều vách, nhũ đá lung linh kỳ vĩ. Bước chân vào động, không gian thoáng đãng do lòng hang rộng và thông nhau đã tạo cho du khách cảm giác mát mẻ, dễ chịu. Trong động có rất nhiều nhũ đá đẹp với hình thù độc đáo như: Tượng Phật bà Quan Âm trên tòa sen, hình ảnh thầy trò Đường Tăng đi lấy Kinh, khu ruộng bậc thang, rèm đá, cổng đá...
Động Hua Mạ chứa đựng truyền thuyết kỳ bí (Ảnh: Internet)Theo lời kể của những người dân sinh sống nơi đây thì Rừng Ma xưa kia là nơi ma quỷ ngự trị. Cứ vào buổi chiều tà, tiếng kêu hú từ phía hang động Hua Mạ vọng ra gây chấn động cả một vùng cho đến tận đêm khuya, dân chúng trong vùng không ai dám đi lại trong thời điểm đó.
Ngày đó có một vị tướng triều đình đi tuần tiễn qua đây, khi đến bờ sông Lèng thì trời đã gần tối. Đoàn người ngựa định sang bản bên để nghỉ lại, nhưng lạ thay, khi qua sông Lèng, cứ xuống đến nước thì ngựa lại quay đầu trở lại, hí vang như báo hiệu một điều gì đó không bình thường. Cùng lúc đó từ phía hang Lèo Pèn, tiếng hú, tiếng oan hồn kêu khóc vọng ra. Thấy sự việc lạ, quan quân cho gọi dân làng đến hỏi thì được biết tiếng kêu đó là những oan hồn của dân binh cố thủ trong hang, bị bọn giặc bít cửa hang nên chết mà linh hồn không được siêu thoát.
Hiểu rõ sự tình, quan quân liền hạ trại ngay cạnh bờ sông Lèng và mổ ngựa, lấy đầu ngựa làm lễ tế trời đất. Lạ thay khi lễ tế vừa xong thì tiếng oan hồn trong động cũng im dần rồi mất hẳn, nơi đó qua năm tháng đã mọc lên những khối nhũ đá rất đặc biệt kỳ vĩ, có chỗ như bông hoa đá, lại có nơi như đức Quan âm bồ tát đưa tiễn thầy trò Tam Tạng đi lấy kinh, có nơi lại như một thủy cung, hoàng cung trong “Buổi thiết triều”. Từ đó người ta gọi sơn động “Lèn Pèn” là động Hua Mạ hay tiếng địa phương gọi là hang Đầu Ngựa, để ghi nhớ một sự tích kỳ bí và huyền thoại của mảnh đất và con người nơi đây.
Với cảnh quan độc đáo, cùng những giá trị nổi bật về địa mạo, địa chất, năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN. Năm 2011, Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là Khu Ramsar thứ ba của Việt Nam. Hiện nay, Hồ Ba Bể cùng với Vườn Quốc gia Bể Bể thực sự là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước./.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/ho-ba-be-nam-o-tinh-nao-a43865.html