Nội thần kinh gồm những bệnh gì? Khi nào nên khám nội thần kinh?
Khám thần kinh là một quá trình kiểm tra nhằm mục đích phát hiện sự rối loạn của hệ thần kinh. Trong đó, chuyên khoa nội thần kinh là một lĩnh vực nội khoa có chức năng khám nội thần kinh. Khi thần kinh gặp vấn đề hoặc có biểu hiện rối loạn, bệnh nhân nên thực hiện khám nội thần kinh để sớm phát hiện và điều trị bệnh nếu có. Để giải đáp thắc mắc nội thần kinh gồm những bệnh gì? Bạn đọc hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!
Nội thần kinh gồm những bệnh gì?
Khoa nội thần kinh là chuyên khoa khám và điều trị các bệnh lý thần kinh có thể điều trị bằng thuốc. Vậy nội thần kinh gồm những bệnh gì? Dưới đây là một số bệnh lý được thực hiện chẩn đoán và điều trị tại khoa nội thần kinh bao gồm:
Chứng bệnh đau đầu: Các bệnh lý như đau đầu, đau nửa đầu, đau đầu mạn tính hàng ngày, đau đầu căn nguyên mạch máu…
Bệnh đau vai gáy: Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thoái hóa cột sống cổ…
Đau vùng thắt lưng - hông: Đây là triệu chứng của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, thoái hóa cột sống thắt lưng, viêm khớp cùng chậu…
Chứng rối loạn tiền đình.
Tình trạng chóng mặt do thiếu máu não.
Tình trạng bệnh lý gây rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ lâu ngày, mất ngủ cấp tính hoặc mãn tính.
Bệnh lý gây liệt dây 7 ngoại vi: Viêm dây thần kinh sọ não và các dây thần kinh ngoại vi khác (gồm đau vai khuỷu tay do chơi thể thao, hội chứng ống cổ tay…).
Đột quỵ não gây liệt nửa người.
Các bệnh lý gây sa sút trí tuệ: Suy giảm trí nhớ, Alzheimer, suy giảm nhận thức nhẹ, sa sút trí tuệ sau đột quỵ, sa sút trí tuệ nguyên nhân mạch máu.
Bệnh Parkinson hay bệnh gây rối loạn vận động.
Khám, theo dõi và điều trị các bệnh lý gây động kinh ở cả trẻ em và người lớn.
Bệnh viêm đa dây thần kinh, viêm não tủy, nhược cơ, xơ não tủy rải rác, xơ cột bên teo cơ, bệnh gây thoái hóa hệ thần kinh…
Các bệnh lý gây nhiễm trùng thần kinh: Viêm tủy, viêm não màng não…
Bệnh lý có liên quan đến hệ thần kinh ngoại biên: Viêm đa rễ dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh, hội chứng Guillain-Barre, thần kinh liên sườn, các bệnh rễ và đám rối dây thần kinh, liệt các dây thần kinh sọ…
Rối loạn chuyển hóa gây nên các bệnh lý thần kinh.
Đây là các bệnh lý thần kinh thường gặp nằm trong danh sách “Nội thần kinh gồm những bệnh gì?”. Để chẩn đoán và điều trị chính xác, các bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh cần phải có kinh nghiệm phong phú và tay nghề vững chắc. Dùng song song hỗ trợ cho việc chẩn đoán của bác sĩ là các phương tiện cận lâm sàng như điện cơ, điện não, MRI, CT Scan, các chẩn đoán miễn dịch học, huyết học…
Khi nào nên khám nội thần kinh?
Hệ thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển các hoạt động và hành vi của con người, đồng thời nó cũng có chức năng tiếp nhận, xử lý và phản ứng với các thông tin. Do đó, khi hệ thần kinh bị ảnh hưởng sẽ gây ra những tác động không tốt đối với khả năng vận động và sức khỏe con người. Vì vậy, khám nội thần kinh là điều kiện cần thiết ngay khi bạn có những triệu chứng bệnh bất thường có liên quan đến suy nghĩ và hành vi như sau:
Thường xuyên đau đầu hoặc đau nửa đầu mà không rõ nguyên nhân, đôi khi cơn đau kèm theo cảm giác buồn nôn.
Có biểu hiện nhạy cảm đối với mùi hương, ánh sáng hoặc âm thanh.
Cơ thể có những cảm giác lạ, khó chịu như tê buốt, châm chích, kiến bò…
Gặp vấn đề trong việc giữ thăng bằng cơ thể hoặc khi thực hiện các động tác yêu cầu sự phối hợp.
Nhiều bộ phận của cơ thể có biểu hiện tê, yếu liệt.
Các giác quan như thính giác, thị giác, khứu giác gặp bất thường.
Đột nhiên bị nói lắp, nói khó.
Chóng mặt thường xuyên hoặc bất tỉnh đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.
Các phương pháp áp dụng trong khám nội thần kinh
Bên cạnh việc tìm hiểu nội thần kinh gồm những bệnh gì, bạn nên tham khảo những phương pháp y khoa được sử dụng khi khám nội thần kinh hay quy trình khám bệnh. Khi thăm khám nội thần kinh, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, bệnh nhân phải trả lời và miêu tả những triệu chứng bệnh. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và kiểm tra toàn diện các chức năng bao gồm vận động, cảm giác, trương lực cơ, phản xạ, cơ lực, các dây thần kinh sọ đến hoạt động của hệ tự trị và cả chức năng tâm trí.
Một số xét nghiệm chẩn đoán có thể được thực hiện nhằm đưa ra kết quả chính xác như:
Xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc các chất dịch khác của cơ thể.
Xét nghiệm di truyền: Nhằm mục đích xác định người bệnh có tiền sử gia đình mắc bệnh thần kinh không, cơ thể có mang gen có khả năng gây rối loạn hay không?
Điện não đồ: Mục đích theo dõi hoạt động điện của não thông qua hộp sọ. Điện não đồ là một biện pháp thường được áp dụng trong việc chẩn đoán các rối loạn chuyển hóa, co giật, viêm hoặc nhiễm trùng gây ảnh hưởng đến hoạt động của não.
Điện cơ (EMG): Dùng trong chẩn đoán các rối loạn thần kinh và cơ. EMG có khả năng ghi lại các hoạt động điện trong cơ bắp, từ đó phát hiện những tổn thương thần kinh hoặc cơ.
Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh áp dụng trong khám nội thần kinh như:
Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Biện pháp này sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh hai chiều rõ nét của các cơ quan, mô và xương, đặc biệt là hiển thị vùng não có dấu hiệu bị ảnh hưởng.
Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đây là một phương pháp sử dụng sóng vô tuyến do máy tính kết hợp với từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh giải phẫu não hoặc tủy sống.
Chụp cắt lớp phản xạ positron (PET): Bằng cách đo các đồng vị phóng xạ được tiêm vào máu, PET cho phép cung cấp hình ảnh hai chiều hoặc ba chiều về các hoạt động của não. PET có khả năng phát hiện các mô bệnh, khối u và cho hiển thị về lưu lượng máu, đo chuyển hóa mô và tế bào.
Khoa nội thần kinh là một trong những chuyên khoa tốt nhất về chẩn đoán và điều trị các bệnh lý có liên quan đến hệ thần kinh. Bệnh lý thần kinh gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoạt động, trí não và sức khỏe của con người. Do đó, ngay khi có những dấu hiệu bệnh liên quan đến hệ thần kinh, bạn nên thực hiện thăm khám nội thần kinh ngay để sớm phát hiện và điều trị bệnh nếu có. Để việc khám nội thần kinh đạt kết quả tốt và chính xác nhất, bạn nên đến những cơ sở y tế được trang bị đầy đủ thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm dày dặn về chuyên khoa nội thần kinh. Trên đây là những thông tin do Nhà thuốc Long Châu chia sẻ về chủ đề “Nội thần kinh gồm những bệnh gì?”. Chúc bạn đọc có một sức khỏe tốt và đừng quên theo dõi ngay trang web của Nhà thuốc Long Châu để nhận thông báo sớm nhất về những bài viết liên quan đến sức khỏe nhé!