TÌM HIỂU VỀ TÁC NHÂN GÂY UNG THƯ (CARCINOGEN)

Tácnhân gây ung thư và mối liên hệ của chúng với ung thư

Ung thư là kết quả của những thay đổi trong DNA - những phân tử mang thông tin di truyền quy định hoạt động của tế bào. Một số biến đổi này là do di truyền. Một số khác có thể do sự tiếp xúc với các yếu tố bên ngoài, thường được gọi là các yếu tố môi trường. Các yếu tố môi trường có thể bao gồm nhiều loại, chẳng hạn như:

· Các yếu tố về lối sống (dinh dưỡng, sử dụng thuốc lá và rượu, ít vận động, v.v.)

· Phơi nhiễm tự nhiên (tia cực tím, khí radon, tác nhân lây nhiễm, v.v.)

· Điều trị y tế (bức xạ và thuốc bao gồm hóa trị liệu, thuốc hormone, thuốc ức chế miễn dịch, v.v.)

· Phơi nhiễm tại nơi làm việc

· Phơi nhiễm tại hộ gia đình

· Ô nhiễm (không khí, nước, đất, v.v.)

Tác nhân gây ung thư tác động vào DNA của tế bào

Nguồn hình ảnh: https://www.mdpi.com/1422-0067/18/10/2212/htm

Một số tác nhân gây ung thư bằng cách biến đổi (hay gây ra đột biến) DNA của tế bào. Một số không ảnh hưởng trực tiếp đến DNA, nhưng có thể là nguyên nhân sản sinh ung thư theo những cách khác nhau. Ví dụ, chúng có thể khiến các tế bào phân chia với tốc độ nhanh hơn bình thường, điều này có thể làm tăng khả năng xảy ra những đột biến ở DNA.

Tác nhân gây ung thư không phải lúc nào và với ai cũng gây ung thư. Một số tác nhân rõ ràng làm tăng nguy cơ mắc một hoặc nhiều loại ung thư. Tuy nhiên, ngay cả tác nhân mạnh nhất cũng không làm tăng nguy cơ mắc tất cả các loại ung thư.

Các chất được dán nhãn là tác nhân gây ung thư có thể có khả năng gây ung thư ở các cấp độ khác nhau. Một số có thể làm tăng nguy cơ ung thư chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc, nhưng một số khác có thể chỉ gây ung thư sau khi phơi nhiễm với nồng độ cao và kéo dài. Đối với mỗi người nguy cơ phát triển thành bệnh ung thư phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cách họ tiếp xúc với một tác nhân gây ung thư, cường độ, thời gian phơi nhiễm và cấu tạo gen của người đó.

Làm thế nào để các nhà nghiên cứu xác định một tác nhân gây ung thư?

Việc kiểm tra để xem một chất có thể gây ung thư hay không thường rất khó. Việc kiểm tra bằng cách để người tham gia nghiên cứu tiếp xúc với chất đó và xem liệu họ có bị ung thư hay không là vi phạm đạo đức. Thay vào đó, các nhà khoa học phải sử dụng các phương thức khác, chẳng hạn như thử trên động vật và nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm, hoặc nghiên cứu dịch tễ học bằng quan sát trên các quần thể dân cư. Tuy nhiên những loại nghiên cứu này không phải lúc nào cũng đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Quyết định chất nào cần kiểm tra

Do có quá nhiều chất (cả tự nhiên và nhân tạo), các nhà khoa học phải sử dụng các thông tin sẵn có về cấu trúc hóa học, kết quả từ phòng thí nghiệm, mức độ phơi nhiễm của con người và các yếu tố khác để bước đầu “sàng lọc” và lựa chọn chất để kiểm tra. Ví dụ, họ thường có thể phỏng đoán liệu một chất có thể gây ra ung thư hay không bằng cách so sánh nó với các chất có cấu tạo tương tự đã được nghiên cứu.

Những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm có thể cho kết quả như thế nào?

Các nhà khoa học có thể thu được nhiều dữ liệu từ các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trên đối tượng nuôi cấy tế bào và động vật.

Tuy nhiên các nghiên cứu này không phải lúc nào cũng có thể dự đoán được tác động gây ra trên người. Mặc dù vậy, hầu hết tất cả các chất gây ung thư đều được thử nghiệm và được phát hiện là gây ung thư ở động vật thí nghiệm trước, sau đó mới được phát hiện khả năng gây ung thư ở người.

Những nghiên cứu dịch tễ học (nghiên cứu ở người) có thể cho thấy gì?

Một cách quan trọng khác để xác định các tác nhân gây ung thư là thông qua các nghiên cứu dịch tễ học - nghĩa là xem xét các “nhóm” người khác nhau để xác định yếu tố nào có thể liên quan đến ung thư. Những nghiên cứu này có thể cung cấp thông tin hữu ích, tuy nhiên còn nhiều hạn chế. Con người không sống trong một môi trường được kiểm soát chặt chẽ, mỗi ngày, chúng ta có thể tiếp xúc với rất nhiều chất khác nhau tại bất kỳ thời điểm nào, ở nơi làm việc, trường học, ở nhà; hoặc trong thức ăn và ngay cả trong không khí mà chúng ta hít thở. Hơn nữa, các chất này và việc tiếp xúc với chúng còn thay đổi theo thời gian. Điều này khiến việc xác định yếu tố nào trong các nhân tố trên có thể liên quan đến ung thư là rất khó khăn.

Bằng cách kết hợp dữ liệu từ cả hai loại nghiên cứu, các nhà khoa học có thể đưa ra đánh giá mang tính tính giáo dục về việc liệu một chất có thể gây ung thư hay không.

· Khi bằng chứng được xác nhận hoặc chứng thực, một chất hoặc sự phơi nhiễm sẽ được dán nhãn là tác nhân gây ung thư.

· Khi có bằng chứng thuyết phục nhưng chưa/không được chứng thực, kết luận rõ ràng, chất hoặc sự phơi nhiễm có thể được dán nhãn là tác nhân có khả năng cao gây ung thư.

· Khi các bằng chứng đưa ra hạn chế, chưa thể kết luận, chất hoặc sự phơi nhiễm có thể được dán nhãn là tác nhân có khả năng gây ung thư.

Trong một số trường hợp, có thể không có đủ thông tin để phân loại chắc chắn một chất thuộc nhóm nào.

Các Tổ chức/ Cơ quan Quốc tế nào phân loại tác nhân gây ung thư?

Một số cơ quan, tổ chức quốc gia và quốc tế xem xét các bằng chứng hiện có để xác định khả năng gây ung thư của các chất khác nhau.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC)

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) là một phần của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một trong những mục tiêu chính của IARC là xác định các nguyên nhân gây ung thư. Hệ thống phân loại tác nhân gây ung thư của IARC là hệ thống được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay. Trong vài thập kỷ qua, IARC đã đánh giá khả năng gây ung thư của hơn 1.000 nhân tố và xếp chúng vào một trong các nhóm sau:

· Nhóm 1: Gây ung thư cho người

· Nhóm 2A: Có khả năng cao gây ung thư cho người

· Nhóm 2B: Có khả năng gây ung thư cho người

· Nhóm 3: Không phân loại được về khả năng gây ung thư ở người

Do khó có thể kiểm tra một chất có gây ung thư trên người hay không, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các chất được liệt kê là ở nhóm 2A, 2B hoặc nhóm 3. Chỉ có hơn 100 tác nhân được xếp vào Nhóm 1, là "gây ung thư cho người."

IARC công bố các phát hiện kèm bằng chứng chi tiết trong các chuyên luận riêng. Danh sách đầy đủ các phân loại của IARC có thể được tìm thấy trực tuyến tại https://monographs.iarc.fr/agents-classified-by-the-iarc/ .

Hướng dẫn về phân loại carcinogen của IARC

Chương trình Độc chất học quốc gia Hoa Kỳ (NTP)

Chương trình Độc chất Quốc gia (NTP) được thành lập từ các bộ phận của một số cơ quan chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm Viện Y tế Quốc gia (NIH), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA). NTP cập nhật Báo cáo về Chất gây ung thư (RoC) vài năm một lần.

Các Báo cáo về tác nhân gây ung thư xác định 2 nhóm chính

· Được biết đến là tác nhân gây ung thư ở người

· Được dự đoán một cách hợp lý là tác nhân gây ung thư ở người

Phiên bản hiện tại của RoC bao gồm khoảng 250 chất và sự phơi nhiễm, được liệt kê ở https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/general-info/known-and-probable-human-carcinogens.html. RoC mới nhất, bao gồm hồ sơ tóm tắt cho từng chất được liệt kê, có thể được tìm thấy trực tuyến tại https://ntp.niehs.nih.gov/pubhealth/roc/index-1.html.

Ngoài ra còn có các cơ quan và tổ chức khác thuộc chính phủ các quốc gia.

Nguồn: Dịch từ www.cancer.org Hiệp hội Ung thư Hoa kỳ

Đường dẫn:https://www.cancer.org/cancer/cancer-causes/general-info/determining-if-something-is-a-carcinogen.htm

Biên dịch: DS. Điều Thị Ngọc Châu - Khoa Dược, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.

Hiệu đính: ThS.BS. Nguyễn Thanh Hằng - Phòng HTQT-NCKH

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/carcinogen-la-gi-a43207.html