NGUYÊN LIỆU THUỐC LÁ
Sản xuất thuốc lá nguyên liệu là khâu quan trọng trong ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá. Nguyên liệu chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu chi phí sản xuất, có tác động lớn đến chất lượng, giá cả và tính cạnh tranh của sản phẩm thuốc lá. Để tạo ra những sản phẩm thuốc lá ổn định về chất lượng, phù hợp với thị hiếu người sử dụng cần có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định.Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá.
Nguyên liệu thuốc lá qua dây chuyền chế biến được tách cọng, loại bỏ tạp vật, loại bỏ lá thuốc không còn giá trị sử dụng và những lá thuốc không đạt yêu cầu chất lượng cho công thức phối chế thuốc điếu. Việc sấy thuốc lá ở nhiệt độ cao giúp hạn chế sự phát triển của các loại vi sinh vật có hại trên lá thuốc, tăng độ an toàn vệ sinh của sản phẩm.
Thuốc lá là một loại nông sản được làm khô bằng cách sấy hoặc phơi đến độ ẩm có thể bảo quản được. Trong điều kiện bảo quản bình thường, nguyên liệu thuốc lá vẫn còn xảy ra các phản ứng sinh hóa làm thay đổi các vật chất bên trong lá thuốc, làm lá thuốc chuyển màu và làm tăng/giảm chất lượng. Khi được đưa vào chế biến, ngoài việc tách cọng, thành phẩm được đóng thùng và lưu trữ ở độ ẩm và nhiệt độ thích hợp, W: 12,5 - 13,5% đối với thuốc lá Vàng sấy; W: 14 - 15,5% đối với Burley, Nâu phơi ; nhiệt độ đóng kiện: 40 - 46oC. Với điều kiện này, thành phẩm thuốc lá chế biến tách cọng có thể bảo quản được lâu dài đến vài năm và tạo điều kiện cho quá trình lên men tự nhiên diễn biến, tạo ra sự cân đối các tỷ lệ thành phần nicotin, đường hoà tan, este, phenol,… và đồng thời tạo thêm hương vị, giảm độc hại và độ nóng sốc khi hút. Qui cách đóng kiện thùng carton làm thuận lợi và tiết kiệm chi phí cho khâu vận chuyển, bốc dỡ và sắp xếp trong kho bảo quản.
Các dây chuyền sản xuất sợi thuốc lá hiện đại thường chỉ sử dụng nguyên liệu đã chế biến tách cọng để việc phối trộn được đảm bảo yêu cầu chất lượng nguyên liệu đầu vào tốt và ổn định về hương vị, kích cỡ lá, tỷ lệ cọng, độ ẩm, tạp vật,…
Có nhiều cách phân loại khác nhau, trong đó cách phân loại dựa trên các đặc tính kinh tế kỹ thuật được sử dụng rộng rãi nhất, theo đó nguyên liệu thuốc lá được chia làm các loại: Virginia, Oriental, Burley và thuốc lá Nâu.
Sản xuất nguyên liệu thuốc lá tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam
Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc canh tác thuốc lá nên cây thuốc lá đã được trồng ở nước ta từ rất lâu. Tuy nhiên, qui mô sản xuất, năng suất và chất lượng chưa ổn định. Diện tích trồng thuốc lá trong nước giai đoạn 5 năm trở lại đây có xu hướng giảm mạnh, ước tổng diện tích đầu tư chỉ còn khoảng 10.000 ha đến 12.000 ha, diện tích giảm do nhiều nguyên nhân trong đó tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn và sự cạnh tranh không lành mạnh tại các vùng trồng là nguyên nhân chính dẫn tới diện tích đầu tư giảm.
Theo đánh giá chung thì thuốc lá nguyên liệu Việt Nam chưa có nhiều bản sắc. Bên cạnh sản lượng, cần phải tìm ra các biện pháp khai thác triệt để ưu thế nội địa, cạnh tranh với quốc tế. Đây không chỉ là câu hỏi cho ngành nguyên liệu thuốc lá nói riêng, mà cũng là vấn đề chung của nông nghiệp Việt Nam.
Để giải quyết bài toán chất lượng, cần phải có giống thuốc lá thích ứng với biến đổi khí hậu như giống chịu hạn, chịu sâu bệnh, giống cho năng suất cao, chất lượng tốt. Đặc biệt cần phải áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật khác như trồng xen, ứng dụng cộng nghệ tưới tiết kiệm, quản lý sau bệnh hại… Những giải pháp đó sẽ giúp canh tác thuốc lá thích ứng với biến đổi khí hậu thành công.
Hiện nay, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam thông qua các đơn vị sản xuất nguyên liệu đang triển khai trồng cây thuốc lá tại 7 tỉnh thành trong cả nước, trong đó: Phía Bắc gồm Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn; Phía Nam gồm Gia Lai, Đăk Lăk, Ninh Thuận và Tây Ninh. Trong những năm qua, thông qua mô hình đầu tư gắn kết với trách nhiệm xã hội, phương thức đầu tư nguyên liệu của Tổng công ty đã góp phần xây dựng và phát triển các vùng trồng nguyên liệu trong nước theo hướng tập trung, chuyên canh, đưa cây thuốc lá trở thành cây đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân, trở thành cây xóa đói giảm nghèo trong chương trình quốc gia, dạy nghề người nông dân.
Với quan điểm định hướng chiến lược của Tổng công ty về phát triển nguyên liệu thuốc lá: Củng cố các vùng nguyên liệu đã có, loại bỏ các vùng trồng có chất lượng kém, tăng qui mô đầu tư ở các vùng trồng có chất lượng cao, điều kiện canh tác tốt; Cải thiện chất lượng nguyên liệu nội địa để phù hợp hơn với yêu cầu sử dụng của các nhà máy thuốc điếu, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu; Nâng cao chất lượng nguyên liệu để chuyển dần từ loại nguyên liệu làm đầy (filler) sang một phần đáp ứng cho các mác thuốc từ trung đến cao cấp. Để thực hiện được mục tiêu đó, Tổng công ty xây dựng nhóm giải pháp đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu. Khảo sát, đầu tư tăng qui mô diện tích đầu tư tại các vùng có điều kiện canh tác tốt, thời tiết khí hậu thuận lợi cho chất lượng nguyên liệu. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng thuốc lá nguyên liệu. Chú trọng định hướng chất lượng nguyên liệu để sản xuất các mác thuốc trung đến cao cấp, thay thế dần những loại nguyên liệu phải nhập khẩu.
Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam hiện có 3 đơn vị thành viên chuyên sản xuất nguyên liệu thuốc lá là: Công ty cổ phần Ngân Sơn, Công ty cổ phần Hòa Việt và Công ty liên doanh BAT - Vinataba.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/de-the-hien-vung-trong-thuoc-la-cua-nuoc-ta-co-the-su-dung-phuong-phap-a43031.html