Văn phòng Tín Phát (266 Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội)
Tại buổi làm việc, trước câu hỏi về giấy tờ pháp lý của đơn vị, ông Ngô Lâm Trí - phụ trách văn phòng, đồng thời cũng là giám đốc Công ty TNHH TD.BID Việt Nam (Công ty BID) giải thích: “Văn phòng Tín Phát không có chức năng xuất lao động, chỉ là văn phòng tư vấn cho những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Văn phòng chúng tôi liên hệ với rất nhiều công ty để liên kết, đào tạo và tạo nguồn cho các đơn vị. Văn phòng là trung gian tư vấn và làm thủ tục cho người lao động, trong quá trình liên kết chúng tôi có ký hợp đồng đầy đủ…”.
Hợp đồng hợp tác được ký giữa 2 bên
Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Trí cho PV xem bản Hợp đồng hợp tác được ký dưới hình thức “Cung ứng nguồn lao động” với Công ty TNHH Hợp tác lao động Quốc tế Hải Việt (Công ty Hải Việt), đại diện là ông Lê Quang Huy - Phó giám đốc công ty (bên A). Còn bên B là Công ty TNHH TD.BID Việt Nam, đại diện là ông Ngô Lâm Trí - Giám đốc, hợp đồng được ký có nội dung rõ ràng và đóng dấu đỏ cả 2 bên.
Tuy nhiên, khi trao đổi với bà Lê Như Hoa - Giám đốc Công ty Hải Việt, thì bà Hoa lại khẳng định “Hợp đồng này không phải của bên tôi, anh Huy cũng không được quyền ký đóng dấu, tôi không biết Văn phòng Tín Phát hay Công ty BID là công ty nào, bên tôi cũng không liên kết và cho đơn vị nào thuê giấy phép. Tôi có biết người tên là Trí, bởi trước đây ông Trí là nhân viên của công ty, và đã nghỉ việc cách đây khoảng 3 năm”.
Phóng viên thắc mắc, tại sao lại có bản hợp đồng hợp tác giữa 2 bên đóng dấu đỏ của công ty Hải Việt? Thì bà Hoa lại nói “Đó không phải là dấu của công ty tôi, có thể là con dấu giả…” (?).
Tiếp tục liên hệ với ông Trí về bản hợp đồng đã ký, ông Trí khẳng định “Chúng tôi ở bên dưới là những người đi triển khai trực tiếp ở các tỉnh. Còn chị Hoa là lãnh đạo chị ấy không thể nhớ hết được, ông Trí cũng khẳng định có ký hợp đồng hợp tác này…”.
Cùng một vấn đề nhưng 2 bên lại có cách trả lời trái ngược nhau, vậy câu hỏi đặt ra, có thể bà Hoa sợ bị ảnh hưởng đến uy tín của Công ty Hải Việt về việc liên kết trên, bởi điều này là trái với quy định, nên không thừa nhận hợp đồng đã ký giữa 2 bên. Hay ông Trí Công ty BID đã sử dụng con dấu giả, để hợp thức hoá hồ sơ đề phòng có sự kiểm tra của các cơ quan chức năng?
Còn những thông tin tuyển dụng trên các trang website: http://xuatkhaulaodongdailoan.com.vn; http://congtyxuatkhaulaodongdailoanuytin.com; http://tuvanxuatkhaulaodong.com.vn thể hiện, Văn phòng Tín Phát là đơn vị trực thuộc Công ty CP XNK dịch vụ và du lịch Hùng Vương - HAVIMEC (Công ty Hùng Vương).
Một đại diện Công ty này cũng khẳng định “Bên tôi không biết ai tên là Trí, cũng không biết Văn phòng Tín Phát, còn 3 trang website trên cũng không phải của công ty Hùng Vương”.
Sau bài viết thứ nhất đăng tải, thì 3 trang web nêu trên đã tự động gỡ bỏ thông tin liên quan đến Công ty Hùng Vương. Như vậy, việc Văn phòng Tín Phát đã thành lập các trang web, mạo danh trực thuộc đơn vị có giấy phép, để thu hút lao động là thiếu trung thực.
Còn việc chị Ly một lao động ở Hưng Yên đã “mắc bẫy” bởi cách làm “chộp giật” của Văn phòng Tín Phát, chị Ly đã phải ngậm ngùi mất 400 USD nhưng không thể làm gì được.
Đây cũng là một cảnh báo chung tới người lao động, nếu có nhu cầu đi XKLĐ, nên lựa chọn đơn vị có uy tín, có giấy phép hoạt động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp, tham gia thi tuyển những đơn hàng đã được Cục quản lý lao động chấp thuận. Không nên đăng ký qua những văn phòng môi giới, tránh bị mất tiền “oan”, hay không may gặp sự cố trong quá trình làm việc, sẽ không rơi vào tình trạng bị “đem con bỏ chợ”.
Thanh Bình
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/tin-phat-group-lua-dao-a41450.html