Hậu Giang phát triển nông nghiệp toàn diện

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương tại Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Mekong Delta 2024) diễn ra từ ngày 22 đến 24/5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang tham quan khu trưng bày sản phẩm OCOP của địa phương tại Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Mekong Delta 2024) diễn ra từ ngày 22 đến 24/5 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng

Dọc cung đường Quốc lộ 61C từ TP. Cần Thơ đi TP. Vị Thanh cũng như trên nhiều tuyến đường giao thông qua tỉnh Hậu Giang, hai bên là những vườn cây trái xum xuê trĩu quả bốn mùa; những đồng ruộng lúa mênh mông, thẳng tắp, khi thì thoang thoảng hương mạ non, lúc thì cúi đầu trĩu hạt soi mình bên các dòng kinh, rạch..., phong cảnh thôn dã đẹp như tranh, khắc họa đậm nét hình ảnh về một miền quê yên bình, mang lại cảm giác thật dễ chịu cho người qua lại, nhất là lữ khách phương xa.

Những hình ảnh đó nói lên sự ưu ái mà thiên nhiên ban tặng để Hậu Giang phát triển nền nông nghiệp một cách toàn diện. ​Nằm trong vùng hạ lưu sông Cửu Long, có hệ thống kênh rạch chằng chịt, điều kiện tự nhiên về đất đai, thổ nhưỡng, nguồn nước thuận lợi; các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng (gồm vùng sinh thái nước ngọt, vùng mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt - lợ), Hậu Giang có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, từ canh tác các loại cây lương thực năng suất, chất lượng cao đến các loại cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản nước ngọt phục vụ xuất khẩu.

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với nhiều mặt hàng nông sản nức tiếng gần xa như: cam sành Ngã Bảy, khóm Cầu Đúc, cá thát lát Hậu Giang, cá rô đồng Hậu Giang, quýt đường Long Trị, cam xoàn Phương Phú, xoài Bảy Ngàn, mãng cầu xiêm... Nhiều nông sản của tỉnh đã được sản xuất theo hướng GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng.

Trong sản xuất nông nghiệp, lúa, cây ăn trái, thủy sản là những ngành hàng chủ lực của Hậu Giang. Toàn tỉnh có gần 80.000 ha đất trồng lúa, với tổng diện tích gieo trồng là 177.839 ha, sản lượng 1.185.818 tấn (năm 2023). Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã chuyển dịch cơ cấu giống lúa từ nhóm chất lượng thấp sang các giống lúa chất lượng cao như OM 5451, OM 18, RVT…, phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cây ăn trái là ngành hàng đóng vai trò quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng. Hiện toàn tỉnh có tổng diện tích cây ăn trái 45.800 ha; sản lượng hơn 562.000 tấn. Các cây trồng chủ lực có sản lượng lớn như: mít (sản lượng 128.787 tấn), chanh (40.624 tấn), khóm (42.064 tấn), bưởi (20.020 tấn), mãng cầu xiêm (8.246 tấn), sầu riêng (14.929 tấn), xoài (33.176 tấn)...

Đến nay, toàn tỉnh có 132 mã số vùng trồng đã được chứng nhận với diện tích là 2.364,5 ha, sản lượng 44.339 tấn. Đồng thời, tỉnh có nhiều cây trồng, vật nuôi đã được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP như: lúa, mít, xoài, chanh, khóm, sầu riêng, bưởi, cam xành, mãn cầu, cá tra, lươn..., với tổng diện tích nuôi trồng là 1.656 ha, sản lượng 31.550 tấn.

Cùng với đó, lĩnh vực thủy sản đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh Hậu Giang, với tổng diện tích nuôi thủy sản 9.000 ha, tổng sản lượng đạt hơn 80.000 tấn (cá thát lát 7.084 tấn, lươn 2.500 tấn…). Ngành chăn nuôi của tỉnh thời gian qua phát triển tương đối ổn định, với tổng đàn gia súc 151.606 con, sản lượng 23.004 tấn; đàn gia cầm 4,489 triệu con, sản lượng 15.430 tấn.

Ngoài ra, Hậu Giang còn có diện tích trồng mía khá lớn với 3.286 ha, sản lượng đạt 328.570 tấn; và gần 30.000 ha trồng cây rau màu, sản lượng đạt 353.000 tấn…

Trong sản xuất nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ ở Hậu Giang ngày càng đi vào chiều sâu, tiếp tục được các doanh nghiệp và người sản xuất quan tâm thực hiện để giải quyết đầu ra cho nông sản. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 681 tổ hợp tác nông nghiệp, với 10.153 thành viên, 4 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp với 70 thành viên và 225 hợp tác xã nông nghiệp với 6.621 thành viên, vốn điều lệ hơn 241 tỷ đồng; 48 trang trại với tổng diện tích 43 ha, trung bình 1,05 ha/trang trại.

Đồng thời, có 32 doanh nghiệp, 38 hợp tác xã liên kết sản xuất và bao tiêu nông sản với 39.870 lượt hộ tham gia, diện tích 38.656 ha, sản lượng hơn 334.105 tấn. Nhiều loại nông sản được qua sơ chế, chế biến tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng cao, đến nay tỉnh có 266 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh trong năm 2023 đạt 15.731 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010) tăng 3,25% so với năm 2022. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định 4 trụ cột kinh tế của tỉnh là: công nghiệp hiện đại, nông nghiệp sinh thái, đô thị thông minh và du lịch chất lượng. Trong đó, Hậu Giang định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực: cây ăn trái - lúa - thủy sản.

Hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái, chăn nuôi tập trung, công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, miệt vườn, sông nước. Phát triển thủy sản với sản phẩm chủ lực là cá tra, cá thát lát, lươn; gắn chế biến với mở rộng thị trường; khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi. Đồng thời, phát triển lâm nghiệp, nâng cao giá trị kinh tế rừng sản xuất kết hợp với phát triển du lịch.

Theo Quy hoạch, tỉnh Hậu Giang sẽ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm: Vùng lúa chất lượng cao diện tích khoảng 35.000 ha, tại thị xã Long Mỹ, TP. Vị Thanh và các huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ; Vùng cây ăn trái như chanh, mít, xoài, mãng cầu, sầu riêng và một số loại cây ăn trái khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng theo 3 vùng thủy lợi (vùng triều cao; vùng giáp nước; vùng phèn, nhiễm mặn).

Ngoài ra, Vùng sản xuất rau củ quả thực phẩm diện tích khoảng 8.000 ha, tại thị xã Long Mỹ và các huyện: Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy; Vùng phát triển thủy sản chuyên canh, diện tích khoảng 8.000 ha (sản xuất thâm canh các loại, cá tra chủ yếu ở huyện Châu Thành, huyện Phụng Hiệp và TP. Ngã Bảy; cá thát lát và cá đồng ở các huyện, thị xã và thành phố).

Bên cạnh đó, phát triển Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Long Mỹ với diện tích khoảng 415 ha.

So với bình quân của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bình quân đất nông nghiệp trên đầu người của Hậu Giang khá cao, thuận lợi để đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô tập trung, tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao gắn với công nghiệp chế biến phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

.

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/hai-vung-chuyen-canh-cay-cong-nghiep-lon-nhat-nuoc-ta-la-a41027.html