Màn hình là một trong những linh kiện quan trọng nhất khi lựa chọn điện thoại và trong đó yếu tố độ phân giải màn hình đóng một vai trò quan trọng trong trải nghiệm người dùng. Trong bài viết này, Phúc Anh sẽ cùng bạn tìm hiểu về độ phân giải màn hình trên điện thoại? Có bao nhiêu độ phân giải đang được sử dụng trên điện thoại hiện nay nhé.
Độ phân giải màn hình chính là số điểm ảnh được hiển thị trên màn hình điện thoại của bạn, và số điểm ảnh này được gọi là pixel. Càng nhiều điểm ảnh thì hình ảnh sẽ càng sắc nét và chi tiết hơn.
Các điểm ảnh này được sắp xếp theo một số hàng và số cột nhất định, và độ phân giải cũng thường được thể hiện bằng cách phép nhân giữa số hàng và số cột đó, ví dụ như 1024x768 hay 1920x1080…
Độ phân giải HD (1.280 × 720 pixels) là độ phân giải tiêu chuẩn theo tỷ lệ 16:9 trên các mẫu điện thoại giá rẻ hoặc của thời kỳ trước. Tuy nhiên những năm gần đây bạn có thể thấy nhiều điện thoại có độ phân giải HD+
Độ phân giải HD+ thường được sử dụng bởi các mẫu máy có màn hình tràn viền, chúng sử dụng các tỷ lệ màn hình khác nhau như 18:9, 19:9, 19.5:9, 20:9… Tỷ lệ màn hình bị kéo dãn sẽ dẫn đến mật độ điểm ảnh cũng lớn hơn, và đó là nguyên nhân xuất hiện của độ phân giải HD+
Độ phân giải HD+ có thể có một kích thước chiều dài lớn hơn trong khi kích thước chiều rộng vẫn giữ nguyên và độ phân giải HD+ có các chuẩn phổ biến như 1.440 x 720 pixels, 1.480 x 720 pixels, 1.520 x 720 pixels, …
Và tất nhiên các màn hình độ phân giải HD+ sẽ có giá rẻ và hiển thị ở mức đủ dùng nên sẽ thường tìm thấy ở các mẫu sản phẩm cấp thấp hướng đến người dùng cơ bản không đòi hỏi quá cao về chất lượng hiển thị.
Full HD sẽ có độ phân giải là 1.920 x 1.080 pixel, tỷ lệ 16:9, đây là độ phân giải của các sản phẩm flagship 5-6 năm trở về trước. Và hiện tại thì trên thị trường chúng ta sẽ khó tìm được các màn hình kiểu này nữa mà thay vào đó là các màn hình Full-HD+
Bởi vì xu hướng tràn viền hoặc kéo dài chiếc điện thoại đã tạo ra các màn hình với tỷ lệ như 18:9, 19:9, 19.5:9, 20:9… cho hiển thị được trải rộng ra và tăng mật độ điểm ảnh
Với các chuẩn màn hình Full HD+ tỷ lệ 19:9 hay 20:9 thì số pixel ngang và dọc sẽ đa dạng hơn như 2.160 x 1.080 pixel, 2.280 x 1.080 pixel, 2.340 x 1.080 pixel
Màn hình 2K (cụ thể là 2.048 x 1.080 pixel)có mật độ điểm ảnh lớn, giúp cho chiếc điện thoại của bạn trông sắc nét hơn so với các độ phân giải thấp hơn. Tuy nhiên thì nhiều người cho rằng màn hình 2K là sự thừa thãi bởi vì theo họ mắt người bình thường khó có thể nhận thấy sự khác biệt giữa màn hình 2K và Full-HD
Ngoài ra cũng có các màn hình 2K+ là biến thể của màn hình 2K với chiều rộng lớn hơn với các độ phân giải phổ biến 3.200 x 1.800 pixels, 2.960 x 1.440 pixels, 3.120 x 1.440 pixels… Các đọ phân giải này thường thấy trên các dòng điện thoại cao cấp của Samsung, Xiaomi, Huawei
QHD có độ phân giải cao hơn 2K và thấp hơn 4K (2.560 x 1.440 pixel). Với độ phân giải này thì kích thước điểm ảnh cực nhỏ, hình ảnh hiển thị với độ mượt cao, chân thật và sắc nét.
Cũng giống với các độ phân giải trên thì QHD+ cũng là biến thể của màn hình QHD với các điểm ảnh khác nhau trên từng thiết bị như 3.200 x 1.800 pixels, 2.960 x 1.440 pixels, 3.120 x 1.440 pixels.
Tuy nhiên màn hình QHD hay QHD+ cũng có một số nhược điểm như tiêu thụ nhiều điện năng, giá thành sản xuất cao hơn màn hình Full-HD nên chỉ được tích hợp trên các sản phẩm tiên tiến, đắt tiền nhất hiện nay của các hãng
Màn hình độ phân giải 4K (3.840 x 2.160 pixels hoặc 4.096 x 2.160 pixels) đã được thử nghiệm tại một số dòng điện thoại cao cấp như chiếc Sony Xperia 1 Mark 2. Tuy nhiên thì việc mang đến một chiếc màn hình 4K trên điện thoại hiện là điều chưa cần thiết, cho dù mang đến chất lượng hiển thị tuyệt vời vì giá thành lại quá cao và hao tốn nhiều điện năng của thiết bị.
Độ phân giải màn hình là một yếu tố quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh và trải nghiệm người dùng, các nội dung hiển thị trên chiếc điện thoại khi sử dụng màn hình độ phân giải cao sẽ cho trải nghiệm tốt hơn
Tuy nhiên, độ phân giải màn hình càng cao thì cũng đòi hỏi cấu hình điện thoại có đủ sức mạnh để xử lý hình ảnh, đồng thời sẽ tiêu tốn nhiều pin hơn, ảnh hưởng đến thời gian sử dụng của thiết bị
Chính vì thế mà không phải lúc nào độ phân giải càng cao càng tốt, mà bạn cần phải cân nhắc đến các yếu tố khác như cấu hình, độ sáng, độ tương phản, màu sắc, kích thước màn hình và nhu cầu sử dụng để đưa ra quyết định chọn mua điện thoại cho phù hợp.
Để kiểm tra độ phân giải màn hình điện thoại, chỉ cần vào mục cài đặt > tìm kiếm phần hiển thị hoặc màn hình. Ở mục này bạn sẽ tìm thấy độ phân giải của màn hình. Ngoài ra thì bạn cũng có thể tìm kiếm các thông tin về độ phân giải trên trang web của nhà sản xuất, các trang tin lớn về công nghệ hay trong chính tài liệu hướng dẫn của thiết bị.
Trên đây là thông tin về những độ phân giải màn hình điện thoại hiện nay mà Phúc Anh muốn gửi đến cho các bạn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết này và hãy tiếp tục đón đọc các bài viết công nghệ khác của Phúc Anh.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/cach-chinh-do-phan-giai-man-hinh-dien-thoai-a40449.html