Đi chùa cầu duyên – nét đẹp tâm linh của người trẻ Hà Nội

Gặp gỡ trong đời một chữ “duyên”

Phật giáo rất coi trọng chữ Duyên. Các tín đồ đạo Phật cho rằng tất cả mọi chuyện hôm nay là cơ duyên từ nhiều kiếp trước mà có. Những người ta gặp đều là người nên gặp, những chuyện xảy ra đều là chuyện cần xảy ra. Trong những mối duyên ấy, có ba thứ may mắn nhất đời người là: Đi học gặp được thầy giỏi, bạn tốt; đi làm gặp được đồng nghiệp tốt và lập gia đình gặp được bạn đời tốt. Tìm được người yêu, người vợ, người chồng tốt là cơ duyên tốt lành hiếm có mà chúng ta phải trân trọng. Ông cha ta cũng căn dặn: “Tu trăm năm mới được chung thuyền, tu ngàn năm mới được chung chăn gối”. Vì vậy, người ta luôn đi tìm một nửa đích thực của mình.

Đi tìm chữ “duyên”

Tuy vậy, không phải ai cũng dễ dàng tìm được người bạn đời tâm đầu ý hợp với mình. Giới trẻ ngày nay do bận rộn đi học, đi làm nên không có nhiều cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu người khác giới. Hoặc chuyện tình cảm của họ gặp nhiều trắc trở, sóng gió, chưa được như ý muốn. Vì vậy, khi năm hết, tết đến, các cô gái, chàng trai thường tấp nập lên chùa cầu duyên, tức là cầu cho duyên lứa đôi của mình được thuận lợi suôn sẻ, tìm được người bạn đời tốt với mình.

Đi chùa cầu duyên đầu năm mới là nét văn hóa đẹp của người Việt Nam nói chung và của người Hà Nội nói riêng mỗi dịp Tết đến, xuân về. Vào những ngày đẹp (không cứ ngày rằm hay mồng 1), các cô gái, chàng trai trẻ Hà thành nô nức sắm sửa lễ vật đến những ngôi chùa linh thiêng để cầu duyên. Ngôi chùa nổi tiếng nhất ở Hà Nội để cầu duyên là Chùa Hà - hay còn được gọi là Thánh Đức Tự, được xây dựng từ thời Lý Thánh Tông (1054 - 1072), tọa lạc tại số 86 Phố Chùa Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội).

Chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội).

Lễ vật dâng lên ban Đức ông, ban Tam Bảo, ban thờ Mẫu cũng rất đơn giản: Gồm hoa quả, bánh kẹo, hoa tươi, nến, nhang và sớ đã viết dâng lên. Nhiều người cẩn thận còn chuẩn bị cả rượu, trà, thuốc và sớ dâng lên Đức Ông. Lễ vật cầu duyên bao gồm vàng, hương, bánh kẹo, sớ xin duyên, trầu cau… và không thể thiếu hoa hồng - loài hoa tượng trưng cho tình yêu đôi lứa.

Lễ vật cầu duyên ở Chùa Hà.

Khi đi chùa, các cô gái thường mặc áo dài, hoặc đồ lam đi chùa, quần áo kín đáo. Các cô gái xinh đẹp thường mong tìm được người yêu đẹp trai, tâm lý, ga lăng, biết quan tâm chiều chuộng mình.

Người đi cầu duyên chủ yếu là các cô gái. Tuy vậy, vẫn có những chàng trai tình duyên không như ý cũng lên chùa cầu duyên. Họ đến chùa với mong muốn được ông Tơ, bà Nguyệt se duyên.

Nhiều nam thanh nữ tú đến Chùa Hà để cầu tình duyên, sức khỏe và bình an.

Cầu duyên ở Chùa Hà không đơn thuần chỉ là tình yêu trai gái mà còn là những duyên lành khác trong cuộc sống. Những người chúng ta sẽ gặp trong đời có thể là những mối duyên lành viết tiếp câu chuyện cuộc sống của mỗi người. Họ có thể là thầy cô giáo tốt, giỏi giang, là tri kỷ, là quý nhân giúp đỡ trong công việc, là bạn bè thân thiết tâm đầu ý hợp,... Đôi khi, cầu duyên ở đây chỉ là việc mở rộng tấm lòng để đón nhận những điều mới mẻ sẽ xuất hiện trong cuộc sống của mình mà thôi.

Ngoài chùa Hà, các nam nữ thanh niên còn cầu duyên ở Phủ Tây Hồ, Am Mị Nương - Đền Cổ Loa, chùa Phúc Khánh (Thanh Xuân, Hà Nội)…

Cần hiểu rõ ý nghĩa thực sự của việc đi chùa cầu duyên

Bản chất ý nghĩa ban sơ của việc đi lễ chùa là “để kiếm tìm sự thảnh thơi cho cõi lòng”. Đi lễ chùa để ước nguyện và có những khoảnh khắc hòa mình vào chốn linh thiêng, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh đời thường. Trong nhịp sống hiện đại, khi giới trẻ không tìm được những mối duyên lành trong cuộc sống, không thể giải quyết được những vấn đề khó khăn trong con đường tình yêu, rơi vào trạng thái bế tắc thì họ nghĩ đến chùa. Với họ, đến chùa không những giúp bình tâm trở lại mà đôi khi còn giúp họ tìm thấy được con đường hay nói cách khác là cách giải quyết những trăn trở của mình.

Đi lễ chùa khiến cho tâm hồn thanh thản, an yên hơn.

Các nam thanh nữ tú thường chia sẻ rằng chưa biết có duyên lành đến với mình hay không, nhưng lên Chùa Hà làm lễ họ cảm thấy tâm hồn an yên hơn. Trong những lời khấn vái đến các thần Phật linh thiêng, họ có cơ hội giãi bày cảm xúc, ước mong trong chuyện tình cảm của mình. Có người cô đơn, chưa tìm được bạn đời chia sẻ vui buồn thì cầu mong gặp được người như ý. Có cô gái thương thầm trộm nhớ người ta nhưng người ta chưa đáp lại nên đi chùa cầu mong người ta hiểu rõ tâm ý của mình mà đáp lại tình cảm. Cũng không ít chàng trai, dù đã chia tay nhưng vẫn ấp ủ mong muốn quay lại với người cũ. Khi những cố gắng không thành, họ cũng tìm đến chùa cầu nguyện như tìm một điểm tựa tinh thần để nuôi hy vọng, tiếp tục chờ đợi. Họ là những người tình cũ chẳng thuận, cõi lòng cô đơn, tổn thương chẳng dứt nhưng rồi vẫn mong muốn tìm được một tấm chân tình như ý nguyện.

Để duyên lành còn mãi

Cầu duyên là việc làm khiến cho tâm hồn thanh thản, an yên hơn, giúp con người cân bằng cảm xúc trong tình yêu. Cho nên giới trẻ cần có thái độ ứng xử đúng mực với việc làm của mình. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người): “Việc cầu duyên cũng là cầu may, cầu phúc. May mắn thì người cầu sẽ có được ý trung nhân như mong đợi. Tuy nhiên, cầu duyên nói riêng và cầu những điều khác nói chung không phải tất cả đều ‘cầu được ước thấy’ mà do cái phúc của mình nhiều hay ít”. Vì vậy, nếu đã đi chùa cầu duyên mà chưa tìm được người bạn đời phù hợp, chúng ta cũng không nên có thái độ ứng xử tiêu cực như quay ra oán hận, phỉ báng thần Phật, chê bai chùa. Bởi họa phúc con người chưa thể nào nói trước được. Phúc phận con người cũng khác nhau. Muốn được hưởng hạnh phúc, các nam thanh nữ tú nên kiên trì tu dưỡng bản thân, học cách ứng xử tinh tế sâu sắc. Những mối duyên lành tự nhiên sẽ đến.

Nếu bạn vẫn chưa tìm được nửa kia của mình, tại sao không thử đi chùa cầu duyên để khai mở đường tình cảm trong đầu năm mới. Chúc bạn khi đi lẻ bóng, khi về có đôi!

Bài và ảnh: KIM LOAN

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/cau-duyen-la-gi-a31179.html