13 loại trái cây tốt cho tuyến giáp người bệnh không nên bỏ qua

Thiếu i-ốt là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh tuyến giáp ở trẻ em và người lớn (1). Ngoài việc ăn các loại thực phẩm bổ sung chứa i-ốt tốt cho cơ thể, người bệnh tuyến giáp có thể ăn các loại trái cây khác nhau. Dưới đây là 13 loại trái cây tốt cho tuyến giáp, người bệnh không nên bỏ qua!

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình con bướm nằm ở giữa và trước cổ. Tuyến giáp tạo ra 2 hormone chính: thyroxine (T4), triiodothyronine (T3) để cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp tim, não và nhiều cơ quan được hoạt động bình thường (2). Tuyến giáp còn bài tiết hormon calcitonin tham gia điều hòa nồng độ canxi trong máu Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp cao hơn 5 - 8 lần so với nam giới. (3)

Bài viết dưới đây được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Trà Phương - Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome.

trái cây tốt cho tuyến giáp

Mối liên quan giữa trái cây và người bệnh tuyến giáp

Cùng với việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ Nội tiết thì chế độ ăn uống cân bằng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng bệnh tuyến giáp. Người bệnh nên dùng thực phẩm bổ sung chất dinh dưỡng thiết yếu như: i-ốt, canxi, vitamin D…

Các loại trái cây tốt cho người bệnh tuyến giáp

Trái cây cần thiết trong chế độ ăn của người bệnh tuyến giáp nhưng ăn với số lượng vừa phải để cân bằng dinh dưỡng với các nhóm thực phẩm khác.

1. Cam

Trong 100g cam cung cấp năng lượng là 147 Kcal, 3g chất xơ, 1g đạm, 12g đường, 1% vitamin A, 64% vitamin C, 6,4mg canxi, 181mg kali, 84% nước. Một trái cam sành trung bình cả vỏ khoảng 150-200g/ trái. (4)

Chính vì cam giàu vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch, tổng hợp collagen, giúp da săn chắc, đàn hồi. Vitamin C còn giúp điều chỉnh mức độ hormone gây căng thẳng, ngăn các rối loạn về sức khỏe như: lo lắng, mất ngủ…

Riêng các chất chống oxy hóa trong cam có thể ngừa stress oxy hóa trên tế bào để ngăn tổn thương do gốc tự do gây ra.

Người bệnh tuyến giáp có thể ăn cả quả cam hoặc làm nước ép cam tươi. Cam cũng là món ăn nhẹ giữa các bữa ăn chính.

2. Táo

Trong 100g táo đem lại giá trị dinh dưỡng 52 kcal,13,8g tinh bột, 2,4g chất xơ, 0,2g chất béo, 0,3g chất đạm, 10,4g đường, 86% nước, 14% vitamin C, 5% vitamin K. Một trái táo trung bình khoảng 200-300g/ trái

Táo chứa nhiều chất xơ khiến người bệnh ăn cảm thấy no lâu, giúp ngăn việc ăn uống quá nhiều giữa các bữa ăn, ngừa tăng cân.

3. Lê

Trái lê chứa nhiều chất dinh dưỡng như: tiền vitamin A, vitamin B, vitamin C, kali, đồng, folate… . Ăn lê giúp cung cấp chất xơ để cải thiện táo bón ở người bệnh suy giáp. (5)

Lê chưa gọt vỏ chứa nhiều chất xơ hòa tan, không hòa tan có thể giúp thúc đẩy cân bằng hệ vi sinh đường ruột bằng cách bổ sung vi khuẩn lành mạnh trong ruột. Chất chống oxy hóa flavonoid trong lê giúp giảm viêm tuyến giáp.

4. Kiwi

Trong 1 trái kiwi 100g đem lại giá trị dinh dưỡng 58 kcal, 3g chất xơ, 74,7mg vitamin C, 198mg kali, 1,3mg vitamin E, 35mg canxi. Trái kiwi chứa nhiều vitamin C, hoạt chất chống oxy hóa (flavonoid, carotenoid) giúp bảo vệ các tế bào mô. Người bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến giáp nếu ăn kiwi thường xuyên sẽ tốt cho sức khỏe. Kiwi có thể ăn trực tiếp hoặc làm sinh tố, sữa chua đều rất ngon.

5. Dưa hấu

Thành phần chính trong 100g dưa hấu cung cấp năng lượng khoảng 30 kcal, 0,4g chất xơ, 7g canxi, 10mg magie, 112mg kali, 8,1mg vitamin C. Dưa hấu có chứa hoạt chất lycopene làm giảm sự gia tăng của hormone IGF giúp ức chế sự phát triển tế bào ung thư, ngừa ung thư hiệu quả. Một trong những nguyên nhân gây ung thư là do yếu tố tăng trưởng IGF tăng cao dẫn tới kích thích các tế bào bệnh bình thường chuyển thành các tế bào ung thư tuyến giáp.

dưa hấu là trái cây ngừa ung thư tuyến giáp
Dưa hấu là một trong những loại trái cây ngừa ung thư tuyến giáp hiệu quả

6. Nho xanh

Trong 100g nho có chứa: 69 kcal, 0,9g chất xơ, 191mg kali, 3,2mg vitamin C, 10mg canxi, 14,6µg vitamin K. Nho có chất flavonoid chống oxy hóa mạnh giúp cơ thể đào thải độc tố, loại bỏ được những tác nhân gây hại cho tuyến giáp ra khỏi cơ thể.

Nho còn chứa các chất dinh dưỡng khác như: canxi, kali cung cấp năng lượng, hỗ trợ tăng sức đề kháng.

7. Dứa

Trong 100g dứa đem lại giá trị dinh dưỡng 82 Kcal, 2,3g chất xơ, 0,2g chất béo, 0,89g chất đạm, 109mg kali, 13g carbohydrate, 5% vitamin B, 79% vitamin C.

Dứa chứa nhiều vitamin B giúp tăng cường năng lượng, chống lại tình trạng yếu, mệt mỏi cho người bệnh tuyến giáp. Dứa có hợp chất bromelain có đặc tính chống viêm giúp giảm các triệu chứng ở tuyến giáp, ngừa loãng xương, bệnh gút, các bệnh viêm nhiễm khác.

Dứa còn chứa vitamin C chống oxy hóa, mangan giúp hấp thụ canxi, duy trì lượng đường trong máu, chức năng thần kinh. Người bệnh nên ăn dứa trong bữa ăn nhẹ giữa bữa hoặc khi bụng đói. Tuy nhiên, một số người bệnh tuyến giáp được khuyên dùng thuốc khi bụng đói. Do đó, người bệnh có thể thêm dứa vào bữa sáng để giúp phá vỡ protein, tăng cường tiêu hóa.

8. Dâu tây

Thành phần dinh dưỡng trong 100g dâu tây bao gồm: 35 kcal, 1,8g chất xơ, 12mg canxi, 89mg kali, 0.28mg mangan, 56mg vitamin C. Dâu tây có 2 hoạt chất chống oxy hóa (anthocyanins, ellagic) giúp ngừa ung thư, chống viêm nhiễm, bảo vệ tốt cho người bệnh tim mạch. Anthocyanins giúp tiêu diệt các gốc tự do để các tế bào hoạt động bình thường. Ellagic giúp ngăn cản sự phát triển nhanh chóng của các tế bào ung thư.

Người bệnh nên chọn dâu tây có phần cuống xanh tươi, vỏ đều màu, cỡ trung bình, căng mọng nước.

9. Việt quất

Trong 100g việt quất có chứa 57 kcal, 84,2g nước, 2,4g chất xơ, 6mg canxi, 77mg kali, 0,336mg mangan, 9,7mg vitamin C. Người bệnh suy giáp có nồng độ các chất gốc tự do có hại cao hơn những người không mắc bệnh. Trái việt quất có chứa hoạt chất chống oxy hóa pterostilbene giúp ngăn sự ảnh hưởng của gốc tự do, hạn chế sự sản sinh, phát triển của các tế bào bất thường thành tế bào ung thư nên người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn việt quất để có lợi cho sức khỏe.

Việt quất còn có chứa các vitamin, khoáng chất như: magie, kẽm, canxi, sắt… cung cấp dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng. Người lớn nên ăn khoảng 128g - 150g việt quất/ngày, 3 lần/tuần, tương đương 1 - 2 ly nước ép/ngày. Trái việt quất có thể làm bánh, ép nước uống hoặc ăn kèm với sữa chua đều ngon.

10. Mâm xôi

Trong 100g trái mâm xôi có thành phần dinh dưỡng gồm: 43 kCal, 35% vitamin C, 32% mangan, 25% vitamin K, 8% đồng, 6% folate.

Trái mâm xôi giàu chất mangan cần thiết cho chức năng não, giúp cải thiện trí nhớ, giảm viêm do chấn thương dẫn đến tình trạng tuyến giáp, ngừa nguy cơ rối loạn tuyến giáp. Trái mâm xôi còn giúp tăng cường chữa lành các tế bào bị tổn thương.

Trái mâm xôi có thể làm món salad cho bữa trưa hoặc bữa tối, hoặc trộn mâm xôi, dâu tây với sữa chua cũng rất ngon.

11. Cherry

Trong 100g cherry có các chất dinh dưỡng chính, bao gồm: 63 kcal, 2,1g chất xơ, 13mg canxi, 11mg magie, 222mg kali, 0,07mg mangan, 7mg vitamin C.

Trái cherry chứa nhiều chất oxy hóa tốt cho cơ thể như: beta carotene, zeaxanthin, lutein giúp chống viêm, ngăn lão hóa, các tác nhân gây ung thư.

Trái cherry còn giảm hấp thụ cholesterol xấu vào máu, bảo vệ sức khỏe tim mạch. Người bệnh có thể ăn trực tiếp, làm nước ép, xay sinh tố hoặc kết hợp ăn cùng với yến mạch.

Các loại trái mọng giàu chất chống oxy hóa
Các loại trái mọng giàu chất chống oxy hóa như: việt quất, dâu tây, mâm xôi, cherry… tốt cho sức khỏe người bệnh tuyến giáp

12. Cà chua

Trong 100g cà chua có chứa 22 kcal, 1g chất xơ, 10mg canxi, 193mg kali, 17,8mg vitamin C, 24µg vitamin A, 0,079mg vitamin B6. Cà chua chín cũng cung cấp nhiều vitamin tốt cho cơ thể, trong 100g cà chua bổ sung khoảng 40% nhu cầu vitamin C, 10% nhu cầu vitamin A, 10% nhu cầu vitamin B mà cơ thể cần mỗi ngày.

Cà chua có các chất oxy mạnh (lycopene, carotenoid) giúp ức chế sự hình thành, phát triển của các khối u, tế bào gây ung thư. Do đó, người bệnh ung thư tuyến giáp nên ăn cà chua để tốt cho sức khỏe.

13. Bí đao

Trong 500g bí đao có 8g đường, 1,5g albumin, 6,1g vitamin C và canxi, ngoài ra còn có nhiều photpho, sắt, vitamin B1, vitamin B2…

Bí đao chứa nhiều nước, ít chất béo giúp nâng cao sức khỏe người bệnh. Bí đao còn có tác dụng giải độc, giảm sự tích tụ mỡ trong cơ thể, tốt cho người bệnh ung thư tuyến giáp. Bí đao có thể nấu canh hoặc làm nước ép, nước sâm giải nhiệt, tốt cho sức khỏe. Người bệnh tuyến giáp có thể uống 2 - 3 ly nước bí đao mỗi ngày để bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Trái cây hạn chế cho bệnh nhân tuyến giáp

Ngoài những loại trái cây tốt cho tuyến giáp, người bệnh cũng cần hạn chế ăn, hoặc ăn với số lượng vừa phải với trái cây có lượng đường cao (sầu riêng, nhãn, vải thiều, mít, xoài, chuối…). Bởi khi dung nạp quá nhiều đường hay các chất tạo ngọt thì cơ thể không thể chuyển hóa hết đường thành năng lượng. Hậu quả dẫn đến tồn dư đường trong máu kéo dài, dẫn đến tăng đường huyết, rối loạn dung nạp đường, tiểu đường, tăng cân và ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tuyến giáp.

1. Xoài

Xoài có lượng đường cao, trong 100g xoài chứa khoảng 14g đường nên ăn nhiều xoài dễ dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.

2. Vải thiều

Vải thiều cũng chứa lượng đường nên dễ làm tăng lượng đường trong máu dễ ảnh hưởng đến người bệnh tiểu đường.

Vải thiều chứa lượng đường cao
Vải thiều chứa lượng đường cao tăng khả năng phát triển tế bào ung thư nên người bệnh tuyến giáp hạn chế ăn.

3. Sầu riêng

Sầu riêng chứa lượng đường, tinh bột cao nên nếu ăn nhiều sầu riêng sẽ làm tăng lượng đường trong máu. Ở người bệnh ung thư, tuyến giáp bị suy giảm chức năng hoạt động nên không thể chuyển hóa được đường thành năng lượng cho cơ thể, gây tăng cân, béo phì… Do đó, người bệnh cũng nên hạn chế ăn sầu riêng để tránh biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM được trang bị trang thiết bị hiện đại cùng bác sĩ giàu kinh nghiệm, tay nghề cao, có chuyên khoa Nội tiết - Đái tháo đường chuyên điều trị bệnh tuyến giáp, bướu cổ, các bệnh rối loạn nội tiết khác… giúp người bệnh điều trị nhanh chóng, đạt hiệu quả cao.

Có nhiều loại trái cây tốt cho tuyến giáp, tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý ăn với hàm lượng vừa đủ, phù hợp với chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Bên cạnh đó, người bệnh nên duy trì tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày để cơ thể tăng cường sức đề kháng tốt hơn, giảm căng thẳng, mệt mỏi.

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/tieu-u-good-a31118.html