Hậu Covid-19, mẹ bầu cần lưu ý những gì?

Trước tình huống ca nhiễm Covid-19 chưa dừng lại và sự xuất hiện của biến thể mới Omicron, BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM khuyến cáo mẹ bầu cần giữ bình tĩnh, không nên quá lo lắng và sợ hãi.

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, mẹ bầu là đối tượng có nguy cơ diễn biến nặng nề nếu mắc Covid-19. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện tại khi hệ thống y tế Việt Nam đã có nhiều phòng bị, nhiều mẹ bầu được triển khai tiêm vaccine phòng ngừa, nhờ đó các ca nhiễm diễn biến nặng đã giảm.

Khi mang thai, mẹ bầu phải nuôi một đứa trẻ trong bụng, do đó tử cung sẽ to hơn, đẩy cơ hoành lên cao và dung tích phổi giảm xuống, khiến việc hô hấp bị cản trở. Điều đó khiến nhu cầu oxy của mẹ bầu cao hơn người bình thường.

Thêm vào đó, cơ thể mẹ bầu sẽ có hiện tượng giữ nước gây nên tình trạng phù niêm mạc đường hô hấp trên, khiến đường hô hấp trên dễ bị tổn thương. Nếu không may nhiễm Covid-19, nguy cơ diễn tiến nặng rất cao.

Chính vì thế, mẹ bầu nhiễm Covid-19 được theo dõi chặt chẽ các triệu chứng lâm sàng, tình trạng thai nhi… một cách chủ động để can thiệp xử trí kịp thời, đảm bảo an toàn cho mẹ bầu và thai nhi.

giai đoạn hậu covid ở bà bầu
Giai đoạn hậu Covid-19 mẹ bầu cần thăm khám thai kỳ và các triệu chứng Covid-19 kéo dài nếu có để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Ảnh BVĐK Tâm Anh.

Cho đến thời điểm hiện tại, các nghiên cứu trên toàn thế giới cho thấy virus gây bệnh SARS-CoV-2 chỉ lây truyền qua giọt bắn bề mặt, qua đường hô hấp chứ không lây truyền qua máu, từ mẹ sang con. Do đó, em bé trong bụng mẹ hoàn toàn không bị ảnh hưởng khi mẹ nhiễm Covid-19.

Về hội chứng hậu Covid-19, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi cho biết, phụ nữ đang mang thai và chuẩn bị sinh nở phần lớn là người trẻ, do đó những tổn thương ở phổi dường như không quá nặng nề cũng như sự hồi phục sau khỏi bệnh rất tốt. Tuy nhiên, tương tự như những bệnh nhân Covid-19 khác, mẹ bầu sau khỏi bệnh cũng có thể có thể có những triệu chứng Covid-19 kéo dài.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đa số trường hợp bệnh nhân hồi phục hoàn toàn sau nhiễm Covid-19, tuy nhiên có khoảng 10-20% trường hợp có triệu chứng Covid-19 kéo dài ở mức độ từ nhẹ đến nặng, gọi là hội chứng hậu Covid-19.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 sau khỏi bệnh từ vài tuần đến vài tháng vẫn có nguy cơ đối mặt với hàng loạt triệu chứng kéo dài như sốt nhẹ, khó thở, mệt mỏi, ho kéo dài, đau khớp, rụng tóc, tim đập nhanh, đánh trống ngực… Một số trường hợp bệnh nhân gặp tình trạng rối loạn tiêu hóa, ăn uống không ngon miệng, chán ăn, tiêu chảy, rối loạn vị giác, khứu giác…

Ngoài ra, bệnh nhân giai đoạn hậu Covid-19 cũng có thể gặp các hội chứng về tâm thần kinh như rối loạn tâm lý, lo âu, trầm cảm, giảm sự tập trung, rối loạn giấc ngủ, mau quên, nhạy cảm…

Hội chứng tâm thần kinh hậu Covid-19 không chỉ ảnh hưởng sức khỏe và tinh thần mẹ bầu, mà ảnh hưởng cả em bé trong bụng mẹ. Do đó, bên cạnh việc thăm khám thai kỳ sau nhiễm Covid-19 và thăm khám các triệu chứng ở các chuyên khoa chuyên sâu nếu có, mẹ bầu cần khám thêm ở chuyên khoa tâm lý để được tư vấn, giải thích rõ hơn về các triệu chứng hậu Covid-19 và có biện pháp hồi phục triệu chứng, giảm bớt tâm lý lo âu.

Hậu Covid-19 mẹ bầu cần chú ý chăm sóc sức khỏe

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi khuyến cáo, giai đoạn hậu Covid-19 mẹ bầu cần tiếp tục theo dõi và nâng cao sức khỏe để sớm hồi phục sức khỏe toàn diện.

tiêm phòng vaccine covid cho bà bầu
Mẹ bầu cần tiêm vắc xin phòng Covid-19, giữ tinh thần lạc quan và vui vẻ để bé sinh ra được khỏe mạnh. Ảnh: Thanh Thúy

“Trong bối cảnh dịch bệnh chưa kết thúc và xuất hiện biến chủng mới, khuyến cáo mẹ bầu cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa là hết sức quan trọng. Mẹ bầu cần chích vaccine ngừa Covid-19 từ trước khi mang thai (nếu đã mang thai mà chưa tiêm mũi nào thì nên tiêm ở giai đoạn từ 13 tuần thai), thực hiện tốt 5K, không để virus SARS-CoV-2 xâm nhập vùng hầu họng để ngừa nguy cơ mắc bệnh hoặc tái nhiễm bệnh”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi khuyến cáo.

Đối với mẹ bầu vừa sinh con và đang nuôi con bằng sữa mẹ chưa kịp tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 nào: Hiện nay, Bộ Y tế đã cho phép tiêm ngừa vaccine cho phụ nữ đang cho con bú mà không cần ngưng cho bé bú. Do đó, mẹ bầu hoàn toàn có thể tiêm ngừa vaccine ngay khi có lịch gọi tiêm.

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/me-bau-bi-covid-nen-an-gi-a30065.html