24 bệnh thường gặp ở người cao tuổi nên biết sớm để phòng ngừa

Tìm hiểu thông tin về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, cách phòng ngừa bệnh người già hay gặp có thể giúp chủ động phòng tránh bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tốt hơn.

Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi có thể khiến người bệnh giảm chất lượng cuộc sống, sức khỏe suy yếu nhanh, thậm chí giảm tuổi thọ. Mỗi người cần tìm hiểu nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa các bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi từ sớm để có những điều chỉnh, can thiệp phù hợp.

bệnh thường gặp ở người cao tuổi

Vì sao người cao tuổi thường dễ mắc bệnh?

Khi già đi, cơ thể bắt đầu lão hoá, trở nên kém hiệu quả hơn trong việc điều chỉnh nhiệt độ, chống lại nhiễm trùng và các bệnh lý khác. Lúc này, người cao tuổi dễ bị chấn thương, tai nạn, mắc bệnh hơn so với những người trẻ tuổi.

Cụ thể, khi càng lớn tuổi thì các mảng mỡ tích tụ trong động mạch ngày càng nhiều, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Lão hóa khiến cơ thể của người trung niên và người cao tuổi mất đi lượng canxi cùng các khoáng chất khác. Sự suy giảm mật độ xương tăng nhanh do lão hoá khiến xương trở nên mỏng và yếu hơn.

Người cao tuổi còn dễ mắc bệnh hơn do lão hoá làm cho các tế bào dễ bị tổn thương hơn, quá trình phục hồi chậm hơn, sức đề kháng suy giảm. Những bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi cũng có nhiều khả năng phát triển hơn do người cao tuổi dễ mệt mỏi, ít vận động tập thể dục, ngồi hoặc nằm nhiều…

Các bệnh thường gặp ở người cao tuổi

Một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi có thể kể đến như:

1. Tiểu đường (đái tháo đường)

Bệnh tiểu đường là một căn bệnh mạn tính ở người lớn tuổi, ảnh hưởng đến khoảng 33% số người từ 65 tuổi trở lên. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin đúng cách, hoặc kết hợp cả hai vấn đề trên. Khi cơ thể gặp vấn đề với insulin, cơ thể có lượng glucose trong máu tăng cao (tăng đường huyết), điều này diễn ra trong thời gian dài gây tàn phá sức khỏe. (1)

Các triệu chứng bệnh tiểu đường ở người lớn tuổi có thể diễn ra từ nhẹ đến nặng, bao gồm khát nước và đi tiểu nhiều, mờ mắt, mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu… Không phải người lớn tuổi nào bị tiểu đường cũng có toàn bộ các triệu chứng này. Tùy theo từng mức độ nghiêm trọng của bệnh mà người bệnh có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng cùng lúc. Các yếu tố quan trọng dẫn đến bệnh tiểu đường là do sự thiếu hụt bài tiết insulin phát triển theo tuổi tác, tình trạng kháng insulin ngày càng tăng do thay đổi thành phần cơ thể và thiểu cơ. (2)

2. Suy giảm trí nhớ (Bệnh Alzheimer)

Bệnh Alzheimer là một căn bệnh thường gặp ở người cao tuổi gây sa sút trí tuệ và bệnh diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn khi người bệnh ngày càng lớn tuổi. Ở giai đoạn đầu, tình trạng mất trí nhớ xảy ra với mức độ nhẹ. Ở ​​giai đoạn cuối, người bệnh thậm chí có thể bị mất khả năng giao tiếp và phản ứng với môi trường.

Tốc độ tiến triển của bệnh Alzheimer rất khác nhau. Trung bình, những người mắc bệnh Alzheimer sống được từ 3 đến 11 năm sau khi được chẩn đoán. Nhưng một số người bệnh vẫn có thể sống được 20 năm hoặc hơn. (3)

3. Suy giảm thính lực

Suy giảm thính lực là tình trạng mất thính lực dần dần ở cả hai tai. Đây là một trong các bệnh thường gặp ở người cao tuổi liên quan đến vấn đề lão hoá. Các khảo sát cho thấy, ⅓ người cao tuổi trên 65 tuổi gặp vấn đề liên quan đến suy giảm thính lực. Tình trạng suy giảm này không diễn ra đột ngột mà thay đổi dần dần nên thậm chí một số người còn không nhận ra vấn đề sức khỏe của mình. (4)

Nguyên nhân phổ biến dẫn đến căn bệnh người già hay gặp này chính là do những thay đổi ở tai trong xảy ra khi già đi. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến di truyền và thói quen khi còn trẻ (thường xuyên đeo tai nghe, nghe âm thanh quá lớn…) cũng làm tăng nguy cơ bị suy giảm thính lực khi về già.

Suy giảm thính lực ở người cao tuổi
Suy giảm thính lực là một trong các bệnh thường gặp ở người cao tuổi liên quan đến vấn đề lão hoá.

4. Đục thủy tinh thể

Trong các bệnh thường gặp ở người già thì đục thuỷ tinh thể cũng là một căn bệnh phổ biến. Người bệnh có thể bị mờ một phần hoặc toàn bộ thuỷ tinh thể. Đây là căn bệnh không thể phục hồi và diễn ra ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến mất thị lực hoàn toàn. Khoảng 20% những người từ 65 tuổi trở lên bị đục thủy tinh thể. Khoảng một nửa số người từ 75 tuổi trở lên bị đục thủy tinh thể. (5)

5. Loãng xương

Người cao tuổi cũng có nguy cơ gặp các vấn đề về xương khớp do tình trạng suy giảm mật độ xương cũng như việc xương mất đi lượng canxi và khoáng chất cần thiết khiến xương mỏng manh hơn, yếu hơn. Người cao tuổi thường dễ bị loãng xương hơn.

Để củng cố sức khỏe xương khớp và giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương, người cao tuổi cần tập thể dục với cường độ phù hợp, tiêu thụ thực phẩm giàu canxi, vitamin D.

6. Viêm khớp

Một căn bệnh mạn tính ảnh hưởng đến nhiều người lớn tuổi là viêm khớp, gây đau khớp, cứng khớp và sưng tấy ở các khớp. Viêm khớp là một trong những phản ứng tự nhiên của cơ thể trước bệnh tật hoặc chấn thương, xuất hiện phổ biến, đặc biệt là khi già đi.

Mặc dù hiện tại không có cách chữa dứt điểm bệnh viêm xương khớp nhưng một số phương pháp điều trị có thể làm giảm bớt triệu chứng. Trong đó, tập thể dục là một phương pháp giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Tập thể dục giúp bôi trơn các khớp và tăng cường cơ bắp xung quanh khớp.

7. Bệnh tim mạch

Một trong các bệnh thường gặp ở người cao tuổi nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng là những bệnh lý tim mạch như đau tim, đột quỵ, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính… Tình trạng tích tụ mảng bám có thể làm tăng độ xơ cứng trong động mạch - một trong những thay đổi phổ biến mà người cao tuổi gặp phải. Mặc dù không thể kiểm soát những thay đổi liên quan đến tuổi tác nhưng người cao tuổi vẫn có thể áp dụng lối sống khoa học để làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, chẳng hạn như hạn chế ăn thức ăn nhiều dầu mỡ hoặc chất béo, tập thể dục mỗi ngày…

8. Bệnh ung thư

Ung thư có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, nhưng tỷ lệ mắc bệnh ung thư tăng lên đáng kể ở “giai đoạn sau” của cuộc đời. Thống kê của GLOBOCAN 2022 thuộc WHO đưa ra thông tin, vào năm 2022, khoảng 53% số người mắc bệnh ung thư là từ 65 tuổi trở lên. Điều này cho thấy, có mối quan hệ mật thiết giữa căn bệnh ung thư và lão hóa.

Đặc biệt, tuổi tác cũng làm tăng thêm sự phức tạp khi sống chung với bệnh ung thư. Nhiều bệnh ung thư ở người lớn tuổi được chẩn đoán vào giai đoạn muộn, vì các triệu chứng ung thư sớm có thể bị nhầm lẫn với những tình trạng bệnh nhẹ liên quan đến tuổi già. Do đó, việc điều trị ung thư thường bắt đầu muộn, tăng sự phức tạp, tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và làm giảm cơ hội điều trị thành công.

9. Viêm phổi

Khi bước vào giai đoạn trung niên và cao tuổi, ngoài những vấn đề liên quan đến thần kinh, tim mạch hay xương khớp… bạn có thể phải đối diện với nhiều bệnh lý hô hấp. Trong đó, viêm phổi là một trong những bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Dấu hiệu bệnh viêm phổi ở người lớn tuổi là gì? Đó chính là ho có đờm và sốt. Ngoài ra, khi bị viêm phổi, người cao tuổi cũng có thể bị tiêu chảy hoặc lú lẫn nếu không được điều trị kịp thời khiến bệnh diễn tiến nặng.

Viêm phổi là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi
Viêm phổi là một bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

10. Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào thường xuyên.

Các triệu chứng chính của COPD bao gồm khó thở, đặc biệt là khi hoạt động, ho dai dẳng có đờm, thở khò khè dai dẳng… Nếu không điều trị, các triệu chứng thường diễn ra ngày càng nặng hơn. Vào những đợt bùng phát, bệnh có thể đe dọa đến tính mạng.

11. Viêm phế quản mạn tính

Viêm phế quản có thể diễn ra ở dạng cấp tính hoặc mạn tính. Viêm phế quản cấp tính ở người cao tuổi thường khỏi sau khoảng 10 ngày. Viêm phế quản mạn tính ở người lớn tuổi diễn ra nghiêm trọng hơn vì người cao tuổi có thể có hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc đang có các bệnh lý nền, các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, cùng với tình trạng phổi bị lão hóa theo độ tuổi. Các triệu chứng viêm phế quản ở người cao tuổi thường bao gồm:

12. Tăng huyết áp

Trong các bệnh người cao tuổi thường gặp thì tăng huyết áp là một vấn đề phổ biến. Mạng lưới mạch máu của cơ thể (hệ thống mạch máu) thay đổi theo tuổi tác. Động mạch trở nên cứng hơn, khiến huyết áp tăng cao. Điều này có thể đúng ngay cả với những người có thói quen tốt cho tim.

13. Trầm cảm

Trong 10 người lớn tuổi thì luôn có lớn hơn 1 người bị trầm cảm. Người cao tuổi có nguy cơ bị trầm cảm cao do nhiều yếu tố tác động. Trong đó, việc mắc các bệnh lý khác có thể gây trầm cảm trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, sức khỏe kém có thể thay đổi cách cơ thể hoạt động, gây trầm cảm. Các tình trạng bệnh lý cũng khiến người cao tuổi gặp khó khăn trong sinh hoạt, dễ gây bức bối và trầm cảm. Khi lớn tuổi, việc không được ở gần con cháu, không thuận tiện để gặp gỡ bạn bè, thiếu sự tiếp xúc với xã hội, cảm giác bản thân vô dụng, đang làm phiền con cháu… khiến người cao tuổi dễ bị trầm cảm hơn. (6)

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi.

14. Mỡ máu cao

Mỡ máu cao (tình trạng cholesterol cao) là một vấn đề thường gặp ở những người trung niên và cao tuổi. Nếu không điều trị kịp thời, mỡ máu cao dẫn đến xơ cứng động mạch cũng như các mảng bám tích tụ có thể gây tắc nghẽn mạch máu, từ đó dẫn đến đột quỵ.

15. Bệnh thận mạn tính

Người cao tuổi thường mắc những bệnh lý nào? Bệnh thận mạn tính cũng nằm trong nhóm bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Những người mắc bệnh thận mạn tính có nguy cơ bị đau tim cao gấp hai đến ba lần và bệnh tim mạch vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho những người chạy thận nhân tạo, người được ghép thận.

16. Cúm

Người lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cúm nghiêm trọng hơn và các biến chứng liên quan đến cúm cũng diễn ra nghiêm trọng hơn đối với nhóm đối tượng này. Cúm làm tăng nguy cơ đau tim lên 3 - 5 lần và tăng nguy cơ đột quỵ lên 2 - 3 lần trong 2 tuần đầu nhiễm bệnh đối với những người trên 65 tuổi. (7)

17. Đột quỵ

Khi bạn càng lớn tuổi thì nguy cơ đột quỵ càng cao do mạch máu mỏng và yếu đi, làm tăng nguy cơ vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não. Các mảng bám tích tụ trong mạch máu gây xơ vữa mạch cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người cao tuổi do tắc nghẽn mạch máu não. Các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu không được kiểm soát tốt là yếu tố nguy cơ gây bệnh đột quỵ ở người già.

Các yếu tố về lối sống từ khi còn trẻ như ít vận động, uống nhiều rượu bia, ăn những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ hay thường xuyên căng thẳng, ngủ không đủ giấc… đều làm tăng nguy cơ đột quỵ khi về già.

Người cao tuổi có thể bị đột quỵ tái phát nhiều lần nếu không tầm soát sức khỏe định kỳ và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ. Đột quỵ có thể để lại những biến chứng nặng nề, khiến người cao tuổi bị rối loạn ngôn ngữ, mất khả năng vận động, sống đời sống thực vật… hay thậm chí tử vong. Đột quỵ còn làm tăng gánh nặng về mặt tài chính, tâm lý cho người bệnh, gia đình và xã hội.

18. Nhiễm trùng đường tiểu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở người cao tuổi, chủ yếu do các yếu tố nguy cơ liên quan đến tuổi tác như suy dinh dưỡng, đái tháo đường không được kiểm soát tốt, kiểm soát bàng quang kém dẫn đến bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ, táo bón, nằm viện dài ngày, teo âm đạo, phì đại tuyến tiền liệt… Các triệu chứng ở người cao tuổi bị nhiễm trùng đường tiểu bao gồm: nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên hoặc cần đi tiểu gấp, cảm giác bàng quang không hoàn toàn trống, đau bụng dưới hoặc vùng chậu, sốt, ớn lạnh, mệt mỏi khó chịu…

19. Rối loạn tiêu hóa

Nói đến các bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì không thể không nói đến rối loạn tiêu hóa. Trong đó, trào ngược axit dạ dày, táo bón, hội chứng ruột kích thích, xuất huyết tiêu hóa… là những vấn đề thường gặp. Những thay đổi quan trọng về mặt lâm sàng trong chức năng đường tiêu hóa khi già đi bao gồm giảm ngưỡng vị giác, giảm acid clohydric do viêm dạ dày teo. Đây là những yếu tố tác động làm tăng nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi.

rối loạn tiêu hóa ở người cao tuổi
Nói đến các bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì không thể không nói đến rối loạn tiêu hóa.

20. Bệnh Zona

Đối với người lớn tuổi, bệnh zona gây ra những vấn đề nguy hiểm đặc biệt, tăng nguy cơ dẫn đến đau sau zona và biến chứng thần kinh của bệnh zona. Các triệu chứng điển hình ở người mắc bệnh zona bao gồm: có cảm giác nóng rát hoặc ngứa ran trên da tại một bộ phận của cơ thể, phát ban, ngứa da, có mụn nước, sốt, buồn nôn…

21. Bệnh Parkinson

Khi đề cập đến các bệnh thường gặp ở người cao tuổi thì không thể không kể đến bệnh Parkinson. Tại Mỹ, bệnh Parkinson ảnh hưởng đến khoảng hai triệu người. Phần lớn số người bệnh đều từ 60 tuổi trở lên. Tuổi thọ trung bình của người cao tuổi mắc bệnh Parkinson là bao nhiêu? Trung bình, một người mắc bệnh Parkinson có thể sống đến hơn 80 tuổi. Tuy nhiên, bệnh gây ra những bất tiện trong cuộc sống, ảnh hưởng đến trí não và chức năng vận động, tâm lý của người bệnh khiến quãng đời sau này của người cao tuổi không còn được thoải mái.

22. Bệnh hen suyễn

Một số người lớn tuổi mắc bệnh hen suyễn đã mắc bệnh này từ khi còn nhỏ. Những người khác bị hen suyễn khi trưởng thành.

Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn ở người lớn tuổi cũng giống như những triệu chứng hen suyễn gặp ở các nhóm tuổi khác. Các dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở người lớn tuổi bao gồm: thở hụt hơi, ho, tức ngực, đau ngực, thở khò khè… Bệnh này còn dễ khiến người bệnh thức giấc vào ban đêm và gây mất ngủ, khó ngủ.

Người cao tuổi có nguy cơ bị hen suyễn cao
Người cao tuổi có nguy cơ bị hen suyễn cao.

23. Béo phì

Tỷ lệ béo phì ở người già đang gia tăng và hiện là mối đe dọa toàn cầu lớn ở cả các nước phát triển, đang phát triển. Người cao tuổi ít vận động hơn, ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng với hàm lượng chất béo cao hơn nên nguy cơ béo phì cũng gia tăng. Béo phì là một yếu tố nguy cơ dẫn đến các bệnh lý tim mạch, thần kinh và đột quỵ, có thể dẫn đến tử vong.

24. Bệnh da liễu

Người cao tuổi cũng có nguy cơ đối mặt với những vấn đề liên quan đến sức khỏe làn da. Khi già đi, các tế bào da cũng dễ bị tổn thương, rách và nhiễm trùng hơn, dẫn đến các vết lở loét trên da. Các tế bào lúc này cũng chậm lành hơn. Người cao tuổi có thể dễ bị nhiễm trùng và loét do tỳ đè.

>>>Tham khảo thêm: Người cao tuổi mắc cùng lúc nhiều bệnh nền nguy hiểm thế nào?

Yếu tố nguy cơ khiến người già dễ mắc bệnh

Ngoài yếu tố lão hóa làm cho các tế bào cơ thể bị suy yếu và dễ tổn thương, hệ miễn dịch suy giảm thì người ở tuổi trung niên, cao tuổi có nguy cơ mắc các bệnh lý cao hơn do:

Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:

Có rất nhiều bệnh thường gặp ở người cao tuổi và các bệnh lý này nhìn chung đều có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Tốt hơn hết, người cao tuổi nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh, sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh để kịp thời can thiệp điều trị.

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/cac-benh-thong-thuong-hay-gap-a29954.html