Tôi rất thích ăn đậu phụ có thể chiên rán hoặc ăn mộc. Tuy nhiên, tôi nghe nhiều thông tin nói rằng nam giới ăn đậu phụ nhiều có thể gây yếu sinh lý, đặc biệt ăn các món ăn kèm đậu phụ và rau răm. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi điều đó có đúng không? Tôi xin cảm ơn.(Lê Đức Trung - Hà Đông, Hà Nội)
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Việt Hoàng, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Hà Nội, tư vấn:
Đậu phụ là món ăn bổ dưỡng, giàu đạm thực vật. Nó là món ăn truyền thống hàng nghìn năm. Đông y quan niệm đậu phụ có vị ngọt, tính mát.
Đậu phụ có công dụng ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc và kháng nham. Từ xa xưa, người dân đã sử dụng đậu phụ làm thực phẩm ăn hằng ngày và làm thuốc hỗ trợ phòng và trị nhiều bệnh.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong 100g đậu phụ hàm lượng protein chiếm hơn 34%, trong đậu phụ còn chứa nhiều loại axit amin, khoáng chất, canxi rất có lợi cho sức khoẻ con người. Đậu phụ có mặt ở nhiều chế độ ăn lành mạnh khác nhau. Nó được xem là nguồn bổ sung đạm thực vật quý hiếm rất có lợi cho người bị cao huyết áp, mỡ máu cao, tăng cholesterol máu, xơ cứng động mạch và bệnh mạch vành.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tiêu thụ đậu nành giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong cơ thể và duy trì lượng cholesterol tốt (HDL). Các chất chống oxy hoá trong tào phớ có thể bẫy và tiêu diệt gốc tự do, bảo vệ và ngăn ngừa tổn thương gan do stress oxy hoá.
Đậu nành khắc tinh với nam giới vì gây yếu sinh lý là quan niệm từ lâu trong dân gian. Người ta cho rằng chỉ nhà tu hành ăn đậu nhưng không phải hoàn toàn. Đậu có tính hàn nếu bạn ăn nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới dương khí ở nam giới. Còn y học hiện đại, người ta thấy trong đậu nành chứa isoflavone (có chức năng như phytoestrogen - nội tiết tố nữ). Do đó, nhiều người cho rằng nam giới ăn nhiều đậu phụ sẽ nữ hóa. Quan niệm này sai lầm.
Bởi các nghiên cứu cho thấy cả lượng đậu nành và isoflavone đều không ảnh hưởng đến mức testosterone ở nam giới. Lượng đậu nành trẻ nam ăn không ảnh hưởng tiêu cực đến nội tiết tố, đến sự phát triển ở tuổi dậy thì. Thậm chí, món ăn này còn giúp phòng ung thư vú khi trưởng thành.
Rau răm là rau gia vị nhưng cũng có tác dụng chữa bệnh tiêu hóa, thông tiểu, chống nôn. Rau răm cũng được sử dụng trong nhiều bài thuốc khác nhau để trị bệnh tiêu hóa như bụng đầy chậm tiêu, đầy hơi, tiêu lỏng, bí tiểu. Người ta còn dùng rau răm trị các chứng phong thấp nhức mỏi, chàm lở, rắn cắn. Loại rau có tính đắng, vị hắc khó ăn nên người ta dùng làm gia vị cho một số món ăn như hải sản, trứng vịt lộn có tính hàn.
Nghiên cứu về rau răm còn rất ít. Có quan niệm nếu bạn rau răm nhiều gây ảnh hưởng xấu tới khí huyết và làm giảm tinh khí, nam giới và nữ giới giảm ham muốn tình dục, ảnh hưởng tới sinh sản. Tuy nhiên, rau này khó ăn nên ít người ăn được nhiều nên nam giới không cần quá lo. Ngoài ra, rau răm và đậu phụ cũng ít được kết hợp trong các món ăn.
Đối với đậu phụ, bạn không nên ăn quá 200 gram mỗi ngày. Ăn nhiều đậu phụ gây đầy bụng, khó tiêu, gây tăng lượng calo dẫn đến tăng cân, tăng tích tụ axit uric. Những người mắc bệnh suy giáp, có khối u vú nhạy cảm với estrogen nên hạn chế ăn đậu phụ. Ngoài ra, món ăn này còn gây đầy bụng, khó tiêu nên người có bệnh dạ dày cũng không nên ăn nhiều.
Lưu ý, khi mua đậu phụ từ chợ về do quá trình bảo quản không được tốt nên bạn cần luộc, rán hoặc sốt trước khi ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/an-dau-phu-co-tot-khong-a23185.html