Những dấu hiệu gặp phải khi mắc COVID-19

Đại dịch COVID-19, với sự lan truyền nhanh chóng trên khắp thế giới, đã khiến hàng triệu người phải đối mặt với sự biến động lớn trong cuộc sống hàng ngày. Trong bối cảnh hiện nay, khi dich COVID đã giảm bớt mức độ nguy hiểm, việc hiểu rõ về các dấu hiệu của COVID-19 vẫn rất cần thiết, đặc biệt trong điều kiện thời tiết lạnh, nồm ẩm, dịch COVID 19 có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.

Dấu hiệu khi nhiễm COVID-19

Nhìn chung các dấu hiệu của COVID 19 giống với các triệu chứng của cảm cúm thông thường, dẫn đến người mắc dễ chủ quan bỏ qua, khiến cho bệnh dễ lay lan. Một số các dấu hiệu cần lưu ý như:

Sốt và cảm lạnh

Cảm giác sốt và cảm lạnh thường là dấu hiệu đầu tiên của COVID-19, tuy nhiên, điều này cũng có thể xuất hiện ở nhiều loại bệnh khác, từ cảm lạnh đến các loại cúm như cúm A, cúm B …

Bình thường nhiệt độ cơ thể là 36,5-37,5 độ C, khi nhiệt độ cơ thể cao trên 38 độ được coi là sốt. Sốt là một phản ứng tự nhiên của cơ thể, có thể nói triệu chứng sốt là một trong những triệu chứng chính của COVID, với đặc điểm là người mắc thay đổi thân nhiệt một cách nhanh chóng, từ trạng thái bình thường sang sốt cao.

Trong COVID 19 sốt có thể thay đổi và diễn biến kéo dài hay không phụ thuộc vào diễn biến bệnh, và thể trạng của từng người mắc. Sốt thường kèm cảm giác ớn lạnh, gai rét.

Cảm giác mệt mỏi

Theo tổ chức y tế thế giới, triệu chứng mệt mỏi gặp ở khoảng 40% người bệnh trong giai đoạn sớm. Mệt mỏi cũng được xếp vào triệu chứng phổ biến của COVID-19 và thường được mô tả là cảm giác mệt nhọc, suy giảm năng suất, và thậm chí là khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Mệt mỏi có thể là kết quả của cuộc chiến giữa hệ thống miễn dịch và virus. Cơ thể tăng cường sản xuất năng lượng để chiến đấu, dẫn đến tình trạng mệt mỏi, cũng có thể do tâm lý lo lắng, và tinh thần của người bệnh làm tăng cảm giác mệt mỏi.

Ho khan, đau họng

Ho khan, ít đáp ứng với các thuốc ho thông thường, ho có thể kéo dài ngay cả nồng độ virus trong cơ thể người bệnh đã giảm hoặc hết. Khi bệnh diễn biến nặng hơn tình trạng ho có thể kèm theo đau tức ngực, khó thở.

Trường hợp bội nhiễm vi khuẩn có thể thấy ho khạc đờm đục xanh hoặc vàng. Đây có thể là dấu hiệu của viêm phổi, một biến chứng sau COVID-19 mà người bệnh cần lưu ý.

Đau họng: ban đầu có thể là cảm giác mắc, vướng ở họng, sau đó là rát và đau tăng lên, quan sát thành họng có thể thấy thành sau họng đỏ rực.

Đau nhức các nhóm cơ hoặc cả cơ thể

Giống các trường hợp mắc virus khác, người mắc COVID có thể cảm thấy đau các cơ như cơ đùi, cơ mông, các cơ ở cánh tay, cảm giác đau và yếu các cơ nhẹ, thậm chí không muốn nhấc tay. Nhiều người có thể gặp tình trạng đau mỏi cơ toàn thân. Cảm giác không muốn để cơ thể phải thực hiện bất kỳ động tác nào.

Đau đầu

Dấu hiệu này thường hay đi cùng với sốt và mệt mỏi, người mắc COVID có cảm giác đau xung quanh đầu, cảm giác nặng đầu, chứ không xác định được vị trí đau nào cụ thể. Triệu chứng đau đầu có thể nặng vào những ngày đầu khi nhiễm bệnh sau đó giảm dần và hết khi bệnh lui.

Mất vị giác và khứu giác

Mất vị giác là dấu hiệu gặp ở một vài biến thể của vi rút corona. Người bệnh có thể mất vị giác, không nhận ra vị, cảm thấy nhạt hoặc đắng ngắt, kèm ăn kém, ăn không ngon miệng.

Bên cạnh mất vị giác là tình trạng mất khứu giác, mất ngửi. Theo các thông kê có khoảng 90% người mất khứu giác và vị giác do COVID 19 sẽ cải thiện trong vòng 4 tuần, tuy nhiên có một số rất ít có thể mất vĩnh viễn.

Nguyên nhân của việc mất khứu giác và vị giác hiện vẫn còn đang được nghiên cứu.

Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi

Cảm giác nghẹt mũi chảy nước mũi cũng hay gặp khi nhiễm COVID, nước mũi thường trong và loãng, khi nghẹt mũi kéo dài có thể xuất hiện tình trạng khàn tiếng kèm theo.

Triệu chứng tiêu hoá

Các rối loạn tiêu hoá cũng có thể xảy ra trên người mắc COVID 19. Người bệnh dễ kích thích, ghê cổ, dễ buồn nôn hoặc nôn mửa. Rối loạn tiêu hoá có thể gặp như tiêu chảy, do virus tiết độc tố khiến cho hệ vi sinh đường ruột bị ảnh hưởng.

Diễn biến triệu COVID-19 theo từng ngày

Hình ảnh cắt lớp vi tính viêm phổi do covid 19
Hình ảnh cắt lớp vi tính viêm phổi do covid 19 - Ảnh: Hội Điện quang và Y học hạt nhân

Phân loại mức độ bệnh

Phân loại mức độ biểu hiện bệnh giúp quá trình theo dõi điều trị tại nhà được tốt. Những ca bệnh nhiễm không triệu chứng hoặc mức độ nhẹ khuyến cáo điều trị theo dõi tại nhà. Còn từ mức độ trung bình trở lên, hoặc mức độ nhẹ nhưng có bệnh nền nặng nề, người già, phụ nữ có thai… cần nhập viện theo dõi

1. Người nhiễm không triệu chứng

- Người bệnh không có triệu chứng lâm sàng.

- Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

2. Mức độ nhẹ

- Người bệnh COVID-19 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy…

- Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

- Tỉnh táo, người bệnh tự phục vụ được.

- X-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít.

3. Mức độ trung bình

3.1. Lâm sàng

- Toàn trạng: Người bệnh có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ.

- Hô hấp: Có dấu hiệu viêm phổi với khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. Người bệnh có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang).

- Tuần hoàn: mạch nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường.

- Ý thức: tỉnh táo.

3.2. Cận lâm sàng

- X-quang ngực và CLVT ngực: có tổn thương, tổn thương dưới 50%.

- Siêu âm: hình ảnh sóng B.

- Khí máu động mạch: PaO2/FiO2 > 300.

4. Mức độ nặng

4.1. Lâm sàng

- Hô hấp: Có dấu hiệu viêm phổi kèm theo bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: nhịp thở > 25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 < 94% khi thở khí phòng.

- Tuần hoàn: nhịp tim nhanh hoặc có thể nhịp tim chậm, huyết áp bình thường hay tăng.

- Thần kinh: người bệnh có thể bứt rứt hoặc đừ, mệt.

4.2. Cận lâm sàng

- X-quang ngực và CLVT ngực: có tổn thương, tổn thương trên 50%.

- Khí máu động mạch: PaO2/FiO2 khoảng 200 - 300

5. Mức độ nguy kịch

5.1. Lâm sàng

- Hô hấp: thở nhanh > 30 lần/phút hoặc < 10 lần/phút, có dấu hiệu suy hô hấp nặng với thở gắng sức nhiều, thở bất thường hoặc cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy dòng cao (HHFNC), CPAP, thở máy.

- Thần kinh: ý thức giảm hoặc hôn mê.

- Tuần hoàn: nhịp tim nhanh, có thể nhịp tim chậm, huyết áp tụt.

- Thận: tiểu ít hoặc vô niệu.

5.2. Cận lâm sàng

- X-quang ngực và CLVT ngực: có tổn thương, tổn thương trên 50%.

- Khí máu động mạch: PaO2/FiO2 < 200, toan hô hấp, lactat máu > 2 mmol/L.

Hiểu rõ về các dấu hiệu của COVID-19 không chỉ giúp tăng cường chăm sóc khi mắc bệnh mà còn là chìa khóa để phòng ngừa sự lây lan của virus. Ngay khi có các dấu hiệu của COVID-19, việc xét nghiệm COVID là cách nhanh nhất để xác định bệnh và có biện pháp điều trị và cách ly an toàn, phòng tránh lây lan.

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/nhung-trieu-chung-covid-a21859.html