Các bệnh lý ở hậu môn như trĩ, polyp, loét,... rất dễ bị nhầm lẫn với ung thư ống hậu môn. Chính vì vậy, thăm khám bác sĩ là việc nên được thực hiện sớm tránh gây diễn tiến bệnh trễ, biến chứng nặng nề cho cơ thể.
Tổng quan về ung thư hậu môn
Hậu môn là một ống ngắn dài khoảng 3-5 cm tiếp nối với trực tràng, tận cùng của ống tiêu hóa, nơi tống phân ra ngoài. Ống hậu môn được lót bên trong bởi lớp niêm mạc, bên ngoài liên tiếp với da xung quanh hậu môn. Hầu hết, ung thư hậu môn là ung thư phát sinh từ lớp niêm mạc này.
Khoảng một nửa số bệnh nhân ung thư hậu môn được chẩn đoán trước khi khối u ác tính lan ra khỏi vị trí ban đầu, trong khi 13 đến 25% được chẩn đoán sau khi ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết và 10% để chẩn đoán sau khi ung thư đã là đến các cơ quan ở xa hoặc đã di căn.
Khi được phát hiện sớm ung thư hậu môn có khả năng điều trị cao tỷ lệ sống sót chung sau 5 năm tính từ khi được chẩn đoán ung thư hậu môn là 64%.
Dấu hiệu ung thư hậu môn có dễ nhận biết?
Ung thư ống hậu môn dễ nhận biết nhưng cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác của đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu bất thường dưới đây bạn không nên chủ quan:
Phát hiện chảy máu từ hậu môn: máu thường là đỏ tươi.
Đi đại tiện nhiều lần do khối u chèn ép, kích thích đại tràng
Thay đổi khuôn phân: khối u chèn ép đường ra của phân, gây biến đổi hình dạng khuôn phân.
Đau ở vùng hậu môn, đau âm ỉ, đặc biệt khi đi vệ sinh.
Khối u hậu môn: Nếu ung thư lan ra ngoài ống hậu môn, người bệnh có thể dễ dàng sờ thấy một khối u.
Ngứa hậu môn là triệu chứng có thể xuất hiện.
Nguyên nhân ung thư hậu môn
Nhiễm trùng hậu môn do papillomavirus ở người hay còn gọi với tên thông dụng là HPV gây ra mụn cóc sinh dục là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư ốnghậu môn.
Một số yếu tố nguy cơ được cho là dễ dẫn đến ung thư ống hậu môn:
Giao hợp qua đường hậu môn có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của ung thư hậu môn.
Có số lượng bạn tình nhiều.
Thói quen hút thuốc lá.
Ung thư ở cơ quan khác di căn đến hậu môn, ví dụ như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo.
Chẩn đoán ung thư hậu môn
Khi nhận biết được những bất thường ở hậu môn, trước hết người bệnh cần đi khám. Chẩn đoán ung thư ống hậu môn được đặt ra sau khi bác sĩ thăm trực tràng cẩn thận và chỉ định một số cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác bệnh, giai đoạn bệnh, cũng như loại trừ các bệnh lý khác.
Cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh
Nội soi trực tràng: giúp nhìn thấy hình ảnh đại thể của tổn thương, kể cả các tổn thương nhỏ. Đồng thời xác định được vị trí, kích thước khối u, đặc biệt là hỗ trợ sinh thiết.
nội soi đại tràng: vai trò quan trọng, bắt buộc để chẩn đoán hoặc loại trừ các tổn thương khác
Sinh thiết khối u: đây là một thủ thuật nhằm lấy một mẫu mô nhỏ của khối u để làm giải phẫu bệnh. Quan sát tính chất, biến dạng của các tế bào khối u, để xác định xem đây là u lành tính hay ác tính. Đây là tiêu chuẩn vàng bắt buộc phải có để chẩn đoán bệnh
Cận lâm sàng để phân độ giai đoạn
Chụp cắt lớp vi tính bụng, ngực
Chụp cộng hưởng tử tiểu khung
Siêu âm nội soi
XQ phổi
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh trên để hỗ trợ đánh giá sự xâm lấn của khối u vào thành ống hậu môn và các cơ quan lân cận như: hạch bạch huyết vùng chậu, đại tràng, phổi, gan,…
Phân độ giai đoạn ung thư hậu môn
Từ kết quả cận lâm sàng, ung thư ống hậu môn được chia 4 giai đoạn dựa vào các đặc điểm về: kích thước khối u - T (tumor), số lượng hạch - N (node) và di căn xa - M (metastasis).
Giai đoạn 1: Khối u kích thước < 2cm và không có di căn hạch hay di căn xa
Giai đoạn 2A: Khối u kích thước ≥ 2cm nhưng không quá 5cm và không có di căn hạch hay di căn xa
Giai đoạn 2B: Khối u kích thước > 5cm và không có di căn hạch hay di căn xa
Giai đoạn 3A: Khối u kích thước =<5cm và di căn hạch nhưng không di căn xa.
Giai đoạn 3B: Khối u kích thước bất kỳ đã xâm lấn tới cơ quan lân cận nhưng chưa lan đến hạch vùng và cơ quan xa
Giai đoạn 3C: U > 5cm hoặc Khối u kích thước bất kỳ, đã xâm lấn cơ quan lân cận và lan đến hạch vùng, nhưng chưa di căn cơ quan xa.
Giai đoạn 4: Khối u kích thước bất kỳ đã di căn xa tới cơ quan khác như gan, phổi, xương,... không kể đã di căn hạch vùng hay các cơ quan lân cận hay chưa.
Biện pháp điều trị ung thư hậu môn
Lựa chọn phác đồ điều trị tùy thuộc vào dạng biểu mô ung thư của ống hậu môn: gai hay tuyến. Trước kia, ung thư ống hậu môn được điều trị chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật. Ngày nay, ung thư ống hậu môn được điều trị nhờ kết hợp đa mô thức phương pháp xạ trị và hóa trị, phẫu thuật.
Hóa trị: là biện pháp sử dụng thuốc để ức chế sự phát triển và tiêu diệt tế bào mầm mống ung thư
Xạ trị: là biện pháp sử dụng chùm tia năng lượng cao để làm chết tế bào ung thư
Phẫu thuật: là biện pháp can thiệp nhằm loại bỏ mô ung thư, mô di căn ung thư nếu có.
Biến chứng ung thư hậu môn
Hoại tử khối u: gây đau ở vùng khối u hoặc quanh u, chảy máu, chảy mủ từ khối u
Xuất huyết tiêu hóa: Chảy máu từ khối u ống hậu môn, hiếm khi ồ ạt, cấp tính. Biểu hiện máu đỏ tươi có thể kèm theo chất nhầy.
Rò vào cơ quan lân cận: Khối u ở đoạn cao của ống hậu môn, phát triển dần xâm nhập và ăn thủng các lớp của ống tiêu hóa. Rất hay gặp rò vào âm đạo ở phụ nữ.
Khối u của ung thư ống hậu môn lan phát triển kích thước lớn gây tắc ruột.
Ung thư ống hậu môn di căn phổ biến nhất là đến gan và phổi.
Ngoài ra, biến chứng do điều trị ung thư ống hậu môn cũng thường gặp như:
Tác dụng phụ của bức xạ, bao gồm tiêu chảy, mệt mỏi và viêm nhiễm vùng quanh hậu môn
Tác dụng của hóa trị: rối loạn chức năng ruột, tác dụng phụ toàn thân
Rò liên quan đến phẫu thuật, xạ trị
Ung thư ống hậu môn là bệnh lý mang lại nhiều khó chịu cho người bệnh, đặc biệt là tâm lý ngại ngùng. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều trường hợp bệnh đã tiến triển muộn mới phát hiện. Chính vì vậy, nâng cao hiểu biết về bệnh tật và chủ động thăm khám sàng lọc có vai trò quan trọng trong việc tăng tỷ lệ phát hiện sớm ung thư ống hậu môn.