Tin tức mới

Ngày nay, nhu cầu ăn uống của nhiều người không còn dừng lại ở việc “ăn no” mà đã trở thành trải nghiệm, thưởng thức và khám phá. Hiểu được tâm lý đó, ngày càng nhiều chủ đầu tư mạnh tay chọn cho mình một mô hình kinh doanh ẩm thực và đồ uống độc đáo, mới lạ hơn. Đặc biệt, các mô hình kinh doanh mới có khả năng thích nghi với tình hình mới hậu đại dịch lại càng được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao. Vậy những mô hình kinh doanh F&B nào được dự đoán sẽ giúp chủ đầu tư “ăn nên làm ra” trong năm 2022? Hãy cùng iPOS.vn theo dõi trong bài viết dưới đây!

1. Mô hình kinh doanh đồ ăn/đồ uống take-away

Trong nhịp sống vội vã của xã hội hiện đại, nhóm khách hàng mua mang đi (take-away) ngày càng gia tăng hơn so với trước đây. Lý do là vì cuộc sống bận rộn, hối hả thúc ép nhu cầu ăn uống mang đi để tiết kiệm thời gian. Hơn nữa, đại dịch vừa qua cũng đã tạo cho người dùng thói quen mua đồ ăn, đồ uống mang đi để vừa giữ an toàn, vừa chủ động mà không cần phụ thuộc vào tài xế giao hàng. Theo xu hướng đó, một số thương hiệu phục vụ tại chỗ đã mở thêm điểm bán nhỏ chỉ phục vụ take-away hoặc thương hiệu chỉ bán online đã mở thêm cửa hàng để khách hàng có thể đến mua mang đi.

Nếu như trước đây hình thức mua mang đi làm mọi người chỉ nghĩ đến những chiếc bánh mì, ly cafe,… giá rẻ trong khoảng 15 - 20 nghìn đồng thì năm 2022 đã có sự thay đổi rất nhiều. Khách hàng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua đồ ăn, đồ uống mang đi với điều kiện họ nhận lại được trải nghiệm tốt hơn, chất lượng sản phẩm và đóng gói bao bì có khả năng thỏa mãn nhu cầu của họ. Chẳng hạn, tiệm gà rán Hàn Quốc Cece’ Box ở Hà Nội luôn luôn nườm nượp khách đến mua mang về mặc dù không phục vụ tại chỗ và giá trị trung bình mỗi đơn hàng dao động trong khoảng 150 - 250 nghìn đồng chứ không hề rẻ. Để tăng tốc độ phục vụ, Cece’ Box đang sử dụng phần mềm quản lý bán hàng iPOS để hỗ trợ ghi nhận order và thực hiện thanh toán với nhiều phương thức nhanh chóng.

Cửa hàng take-away của thương hiệu Cece’ Box
Cửa hàng take-away của thương hiệu Cece’ Box

Những thương hiệu muốn phát triển mô hình kinh doanh đồ ăn/đồ uống take-away hiệu quả cần lưu ý một số yếu tố sau. Thứ nhất, thời gian nhanh chóng chính là yếu tố tiên quyết đầu tiên để “ghi điểm” với nhóm khách hàng này. Tiếp theo, hãy đóng gói bao bì sản phẩm một cách chỉn chu, chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dễ dàng mang đi. Đừng quên thái độ phục vụ niềm nở, nhiệt tình của nhân viên cũng là một “chìa khóa” giữ chân khách hàng vô cùng hiệu quả.

Xem thêm: Nhóm khách hàng take away - “mỏ vàng” mới của các nhà hàng/quán cafe

2. Mô hình có không gian phục vụ tại chỗ diện tích nhỏ

Mô hình tập trung vào bán online và take-away, đồng thời có thêm không gian phục vụ tại chỗ thường có sức chứa nhỏ khoảng dưới 30 khách là xu hướng nở rộ trong năm 2022. Hình thức này như “một mũi tên trúng hai đích”, có khả năng thỏa mãn được tất cả nhu cầu của khách hàng là mua online, mua mang về và ăn tại chỗ mà vẫn đảm bảo tối ưu chi phí vận hành quán.

Hầu hết chủ kinh doanh F&B đều đánh giá rằng chi phí thuê mặt bằng là khoản ngân sách tạo ra “gánh nặng” lớn nhất. Trước đây, nhiều nhà hàng và quán cafe quá chú trọng vào trải nghiệm không gian quán nên thường rất lãng phí ngân sách để thuê mặt bằng rộng lớn, ảnh hưởng đến tiềm năng lợi nhuận. Với xu thế hiện nay, các cơ sở dịch vụ ăn uống đang thu gọn lại diện tích chỉ cần vừa đủ hợp lý với chi phí chỉ tối đa 10-16% doanh thu. Các cửa hàng nhỏ như vậy cũng giúp thương hiệu tiết kiệm chi phí nhân sự do bộ máy nhân viên được tối giản hơn rất nhiều. Thông thường, một nhà hàng hay quán cafe nhỏ chỉ cần từ 2 - 3 nhân viên là có thể hoạt động mở cửa và phục vụ khách hàng.

Thu hẹp mặt bằng kinh doanh là xu hướng mới của các quán cafe
Thu hẹp mặt bằng kinh doanh là xu hướng mới của các quán cafe

Nắm bắt xu hướng đó, nhiều thương hiệu hiện nay thay vì mở địa điểm với diện tích rộng lớn lại lựa chọn phương án mở rộng mạng lưới cửa hàng dàn trải trên diện rộng. Các cửa hàng với diện tích nhỏ ở nhiều khu vực khác nhau giúp thương hiệu vừa không quá tốn kém chi phí thuê mặt bằng, vừa tối đa hóa sự tiếp cận đến càng nhiều khách hàng càng tốt. Mạng lưới rộng mở vừa cung cấp sự tiện lợi ăn uống ngay tại khu vực khách hàng ở, vừa bao phủ diện rộng cho mạng lưới vận chuyển và bán hàng mang đi (take-away) của thương hiệu.

3. Mô hình “self service” (tự phục vụ)

Trong năm 2022, nhiều nhà hàng, quán cafe cũng đi theo xu hướng thay đổi quy trình hoạt động từ “table service” (phục vụ tại bàn) sang “self service” (tự phục vụ). Trong thời gian vừa qua, mô hình này nhận được sự ưa chuộng của khách hàng do có khả năng đảm bảo giãn cách, an toàn trong mùa dịch. Liệu hình thức tự phục vụ như vậy còn được yêu thích trong thời kỳ “bình thường mới”? Câu trả lời là có.

Hình thức tự phục vụ mang lại lợi ích cho cả khách hàng và chủ kinh doanh. Về phía khách hàng, họ được trải nghiệm cảm giác thú vị, mới lạ khác hoàn toàn với kiểu phục vụ truyền thống là không phải chờ đợi nhân viên mang món ăn, đồ uống tới mà có thể tự do đi lại và lấy đồ. Bên cạnh đó, phía nhà hàng, quán cafe có thể tiết kiệm chi phí nhân sự do không cần phải phục vụ nhiều, mà lại không lo khách “bùng” vì đã trả tiền ngay từ đầu.

Tại các nhà hàng, quán cafe truyền thống, nhân viên phục vụ sẽ hỗ trợ tận bàn việc gọi món, đưa món và thanh toán. Đôi khi cảm giác nhân viên “kè kè bên cạnh” lại khiến khách hàng cảm thấy bị động và không thoải mái. Chẳng hạn như khách hàng không có nhiều thời gian suy nghĩ về việc nên chọn món nào mà phải nhanh chóng ra quyết định do nhân viên đứng chờ đợi bên cạnh. Vậy nên, khi trải nghiệm ăn uống tại mô hình tự phục vụ, khách hàng có thể chủ động làm nhiều điều, tự tay lựa chọn món mình thích, tự bưng món ra bàn, tự dọn dẹp vị trí ăn uống của mình,… và tự nhiên như đang ở nhà. Tất cả mang lại cho khách hàng cảm giác năng động và văn minh hơn.

Xem thêm: Kinh doanh ngành F&B tại Việt Nam: 3 mô hình cơ bản và ưu nhược điểm bạn cần biết

BACKWORK là một ví dụ về mô hình hoàn hảo kết hợp giữa cửa hàng tiện lợi và nhà hàng ăn uống với phong cách tự phục vụ khá thành công tại Việt Nam. BACKWORK đem tới nhiều lựa chọn về đồ ăn, thức uống, đồ tráng miệng và đồ ăn vặt ngon, sạch, hợp vệ sinh cho đa số tầng lớp khách hàng, đặc biệt là giới văn phòng và các bạn trẻ có lối sống năng động. Khách hàng sẽ tự phục vụ phần ăn của mình một cách nhanh chóng, tiện lợi nhất thông qua trải nghiệm quy trình tự order và tự phục vụ.

Quầy tự chọn đồ ăn của BACKWORK
Quầy tự chọn đồ ăn của BACKWORK

4. Mô hình “one-stop dining” - nhà hàng kết hợp quán cafe

Nếu như ở nước ngoài, quán cafe phục vụ ăn uống hay ngược lại nhà hàng bán kèm cafe đều là chuyện bình thường. Nhưng ở Việt Nam thời gian trước còn khá rạch ròi 2 khái niệm: “Ăn ra ăn, uống ra uống”. Tuy nhiên, để bắt kịp xu hướng mới và đáp ứng nhu cầu của đông đảo khách hàng, mô hình “one-stop dining” - nhà hàng kết hợp quán cafe được dự đoán sẽ bùng nổ trong năm 2022.

Hiện nay, các quán cafe ở Việt Nam tập trung vào không gian và đồ uống, các món ăn mặn hay tráng miệng thường chỉ được “thêm vào cho có” chứ chưa thực sự được đầu tư. So sánh với nhu cầu của khách hàng thì mô hình nhà hàng kết hợp quán cafe là cả một “đại dương xanh” đối với thị trường F&B. Hiểu một cách đơn giản, “one-stop dining” là một địa điểm mà khách hàng được phục vụ các sản phẩm chất lượng từ món mặn đến tráng miệng, đồ uống trong một không gian nhẹ nhàng, thoải mái với thiết kế của một quán cafe.

Sự kết hợp giữa nhà hàng và quán trà sữa cũng được khách hàng đón nhận nồng nhiệt, tiêu biểu nhất phải kể đến cái tên Yutang. Yutang trước đây chỉ được biết đến là một thương hiệu trà sữa Đài Loan. Tuy nhiên, khi trào lưu trà sữa dần lắng xuống, thương hiệu này đã có sự chuyển đổi mô hình kinh doanh vô cùng linh hoạt - thêm các món ăn mặn vào menu. Nếu như một số thương hiệu trà sữa khác thường chỉ bổ sung các món bánh ngọt, tráng miệng đơn giản thì Yutang đã có sự đầu tư để mang tới hương vị chất lượng nhất cho các món ăn của mình để mang đến “Bữa ăn Đài Loan chuẩn vị”.

Các món ăn mặn và trà sữa của Yutang
Các món ăn mặn và trà sữa của Yutang

5. Mô hình “farm to table” - từ nông trại đến bàn ăn

Đại dịch vừa qua đã khiến khách hàng quan tâm nhiều hơn về vấn đề sức khỏe của bản thân và gia đình, từ đó khắt khe hơn với nguồn gốc thực phẩm khi ăn ngoài. Họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho một món ăn hay đồ uống để nhận lại được giá trị tương xứng về sức khỏe. Khách hàng yên tâm thưởng thức món ăn và cảm nhận được giá trị khi biết thực phẩm họ nạp vào người đến từ đâu, được tạo ra như thế nào,…

Một ví dụ tiêu biểu cho mô hình này là Pizza 4P’s - một thương hiệu pizza đến từ Nhật Bản, hoạt động theo mô hình từ trang trại đến bàn ăn. Đối tác của Pizza 4Ps là trang trại Thiên Sinh (Đơn Dương, Lâm Đồng) với mô hình nuôi trồng khép kín công nghệ cao chuyên cung cấp rau củ và thảo mộc hữu cơ. Các phương pháp canh tác hữu cơ được ứng dụng tại đây vừa cho ra đời những sản phẩm chất lượng - an toàn, vừa giảm bớt những tác hại đến môi trường. Pizza 4P’s cũng liên tục nhắc lại thông tin này trên các kênh truyền thông để thực khách yên tâm về chất lượng món ăn tại đây.

Pizza 4P’s luôn đặt triết lý kinh doanh “từ nông trại đến bàn ăn” lên hàng đầu
Pizza 4P’s luôn đặt triết lý kinh doanh “từ nông trại đến bàn ăn” lên hàng đầu

The Coffee House cũng rất thành công khi sở hữu câu chuyện thương hiệu “Hành trình từ nông trại đến ly cà phê”: Có bao giờ bạn tự hỏi, ly cà phê thơm ngát trên tay mình đã trải qua những chặng đường nào? Khi nhân viên phục vụ mang đến cho bạn một ly cà phê, đó chỉ là hành động cuối cùng của một hành trình dài và kỳ diệu: từ việc chọn vùng đất hợp thổ nhưỡng, sàng lọc giống, tới trồng cây, chăm bón và thu hái. Từ những cửa hàng đầu tiên, chúng tôi đã bắt đầu hợp tác với Cầu Đất Farm để trồng cà phê theo tiêu chuẩn riêng.

Trên đây là những mô hình kinh doanh F&B được dự đoán sẽ tạo nên trào lưu trong năm 2022. Thị trường đang thay đổi và nhu cầu của khách hàng cũng biến chuyển không ngừng. Để kinh doanh F&B thành công, bạn hãy là người đón đầu những xu hướng mới và lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp với thị hiếu để không bị bỏ lại phía sau!

Tham khảo ngay một số phần mềm quản lý sau để công việc quản lý trở nên trơn tru hơn nhé!

Top 6 Phần mềm quản lý bán hàng tốt nhất hiện nay

Top 5 phần mềm quản lý nhà hàng được ưa chuộng nhất hiện nay

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/mo-hinh-fb-a20472.html