Trong lòng đất nước Việt Nam, có những dòng họ phát triển mạnh mẽ, đánh dấu sự đa dạng và sự giàu có văn hóa của từng gia đình. Bài viết dưới đây, VOH sẽ cùng bạn khám phá các dòng họ lớn nhất Việt Nam cùng những “bí mật” độc đáo xung quanh những dòng họ này.
“Dòng họ” là một thuật ngữ tiếng Việt dùng để chỉ những người có cùng huyết thống, có cùng tổ tiên nhằm nối dõi truyền thống và cổ kết, phát triển cộng đồng.
Trong quá trình hình thành, phát triển, dòng họ đã sản sinh, xây dựng nên các giá trị văn hóa đóng góp vào thành tựu văn hóa làng, vùng miền, quốc gia, nhân loại, gọi chung là văn hóa dòng họ.
Văn hóa dòng họ là một tiểu hệ thống văn hóa chứa đựng toàn bộ những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần và tâm linh, được các dòng họ sản sinh ra trong quá trình hình thành và phát triển.
Mặt dù văn hóa dòng họ được xem như một dạng thức của văn hóa dân tộc, tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, chúng thường được thể hiện tập trung, trực tiếp trong các mối quan hệ với làng xã và với các gia đình. Vì lẽ đó, từ xưa đến nay khi nhắc đến gia phong, lễ giáo… thì ít nhiều cũng có nghĩa bao hàm cả dòng họ.
Như vậy, dòng họ là tiểu hệ thống mang tính bộ phận trong chuỗi liên kết hệ thống văn hóa với các bộ phận khác và văn hóa dòng họ được sản sinh, kết tinh lại qua quá trình phát triển lịch sử.
Trong dòng họ, các thành viên của gia đình thường có cùng họ, ràng buộc bằng quan hệ họ hàng cũng như các truyền thống của dòng họ. Điều này được thể hiện qua các lễ hội, họp mặt gia đình định kỳ hoặc các hoạt động xã hội, văn hóa của dòng họ.
Dòng họ có ý nghĩa rất quan trọng trong văn hóa và truyền thống dân tộc, bởi đây không chỉ đơn thuần là một nhóm người có cùng tổ tiên mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, tình thân và lòng yêu thương gia đình.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, trong đó có 88% là người Kinh và 12% là người dân tộc thiểu số. Đó cũng là lý do người Việt Nam có nhiều họ khác nhau.
Theo một số nhà nghiên cứu, Việt Nam hiện có hơn 300 họ, nhưng không phải họ nào cũng được xem là dòng họ lớn. Trong cuốn sách 100 họ phổ biến ở Việt Nam (NXB Khoa học Xã hội, năm 2022) đã thống kê 15 dòng họ lớn nhất Việt Nam dựa trên tỷ lệ dân số như sau:
Họ Nguyễn là một trong những dòng họ lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại (khoảng 36,8 triệu người). Tại nước ngoài, họ Nguyễn cũng khá phổ biến ở một số quốc gia như: Úc (họ Nguyễn đứng thứ 7), Cộng hòa Séc (họ Nguyễn đứng đầu danh sách về các họ của người ngoại quốc), Mỹ (họ Nguyễn đứng thứ 57)…
Một số nhân vật lịch sử nổi tiếng mang họ Nguyễn có thể kể đến như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ), Nguyễn Du, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Linh…
Xếp thứ 2 trong danh sách các dòng họ lớn ở Việt Nam là họ Trần (khoảng 11,6 triệu người). Họ Trần có nguồn gốc từ Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Ở Việt Nam, một số nhân vật lịch sử nổi tiếng mang họ Trần như: Trần Thánh Tông, Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Trần Phú…
Họ Lê là họ lớn thứ 3 tại Việt Nam, với hơn 9,12 triệu người. Họ Lê có nguồn gốc từ vùng Thanh Oai (Hà Nội ngày nay). Đặc biệt, họ Lê còn là dòng họ độc nhất chỉ có ở Việt Nam.
Một số nhân vật lịch sử nổi tiếng của họ Lê là: Lê Lợi, Lê Thái Tổ, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong…
Xếp ở vị trí thứ 4 trong danh sách những dòng họ lớn nhất Việt Nam là họ Phạm (khoảng 6,72 triệu người). Đây là một họ mà theo sử sách ghi lại có 2 nguồn gốc chính: Một là từ các tỉnh miền Nam Trung Quốc di cư sang, sau đó được Việt hóa. Hai là có nguồn gốc từ cộng đồng Việt trong Bách Việt của nước Văn Lang, Âu Lạc xưa.
Một số nhân vật lịch sử họ Phạm nổi tiếng là: PHạm Hồng Thái, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Văn Đồng…
Họ Hoàng/ Huỳnh là một trong các dòng họ lớn tại Việt Nam, với 4,8 triệu người. Không chỉ là họ đông dân số ở Việt Nam, họ Hoàng/Huỳnh cũng khá phổ biến tại các quốc gia khác như: Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Triều Tiên…
Theo ghi chép, ở miền Trung (từ Huế và một phần nhỏ Quảng Trị trở vào) và miền Nam Việt Nam, do kỵ húy chúa Nguyễn Hoàng nên họ Hoàng được đọc chệch thành Huỳnh từ hàng trăm năm nay.
Một số nhân vật lịch sử nổi tiếng của dòng họ này gồm: Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Huỳnh Thúc Kháng…
Họ Vũ/Võ là một dòng họ lớn tại Trung Quốc, và ở Việt Nam họ Vũ/Võ cũng thuộc dòng họ lớn, với 3,74 triệu người. Tương truyền, họ Vũ có nguồn gốc tại làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, miền Bắc Việt Nam và ông tổ họ Vũ là Vũ Hồn (804-853).
Lịch sử ghi chép, bắt đầu từ phía Nam sông Gianh cho tới hết các tỉnh miền Nam, do kiêng húy thụy hiệu của của Nguyễn Phúc Khoát (hiệu Vũ Vương) nên “Vũ” được đổi thành “Võ”. Hiện nay, hai dòng họ Vũ và Võ đã tồn tại độc lập.
Một số nhân vật lịch sử nổi tiếng mang họ Vũ/Võ như: Vũ Trung, Võ Thị Sáu, Võ Nguyên Giáp…
Họ Phan cũng là dòng họ lớn ở Việt Nam. Ngoài ra, tại Trung Quốc và Triều Tiên thì họ Phan cũng là một họ phổ biến. Họ Phan hiện nay có nhiều lý giải về nguồn gốc xuất xứ.
Một số người nổi tiếng của dòng họ này như: Phan Huy Cẩn, Phan Đình Phùng, Phan Châu Trinh, Phan Văn Khải…
Đứng ở vị trí thứ 8 những dòng họ lớn nhất tại Việt Nam là họ Trương, với hơn 2 triệu người. Lịch sử họ Trương của người Việt bắt đầu cách đây 380 năm và cho đến nay tộc họ này sống rải rác trên hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.
Một số nhân vật lịch sử họ Trương nổi tiếng gồm: Trương Bảo Công, Trương Tấn Sang, Trương Vĩnh Ký…
Họ Bùi là họ phổ biến ở Việt Nam, cũng là một họ bản địa, có gốc trên đất Việt từ xa xưa đến thời các vua Hùng dựng nước.
Có thể kể tên một số nhân vật lịch sử họ Bùi nổi tiếng như: Bùi Thạch Đa, Bùi Quang Dũng, Bùi Xương Trạch…
Với 1,9% dân số sống ở Việt Nam, họ Đặng là dòng họ lớn thứ 10 trong nhóm những dòng họ lớn nhất Việt Nam. Người họ Đặng đã xuất hiện sớm trong sử sách Việt Nam.
Một số nhân vật lịch sử họ Đặng nổi tiếng như: Đặng Ma La, Đặng Hoàng, Đặng Văn Ngữ…
Họ Đỗ cũng là một trong những tộc họ lớn tại Việt Nam. Dòng họ Đỗ Việt Nam có truyền thống hiếu học và nhiều người đỗ đạt cao, là dòng xếp thứ 6 về Khoa bảng.
Một số nhân vật lịch sử họ Đỗ có danh tiếng là: Đỗ Khanh, Đỗ Phụng Chân, Đỗ Hành…
Tại Việt Nam, họ Ngô là một trong những dòng họ lớn với mức độ phổ biến tương đối. Phả hệ họ Ngô Việt Nam xác định Ngô Nhật Đại, một vị hào trưởng ở vùng Hà Tĩnh là vị Khởi tổ của họ Ngô sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Một số nhân vật lịch sử họ Ngô nổi tiếng như: Ngô Quyền, Ngô Sĩ Liên, Ngô Tất Tố…
Họ Hồ cũng nằm trong nhóm tộc họ lớn của người Việt Nam. Ông tổ đầu tiên của họ Hồ ở Việt Nam là trạng nguyên Hồ Hưng Dật, sống vào thế kỷ thứ X, thời Hậu Hán, quê gốc ở Chiết Giang (Trung Quốc).
Tộc phả họ Hồ từng bị thất truyền 11 đời (khoảng 300 năm). Đến đời 12 và đời 13, tộc phả mới được tiếp nối.
Một số nhân vật lịch sử họ Hồ nổi tiếng như: Hồ Quý Ly, Hồ Tùng Mậu, Hồ Xuân Hương…
Không chỉ là tộc họ lớn tại Việt Nam, họ Dương còn là dòng họ phổ biến ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Một số nhân vật nổi tiếng mang họ Dương ở Việt Nam gồm: Dương Minh Thắng, Dương Đình Nghệ, Dương Vân Nga…
Đinh là một họ lớn tại Việt Nam. Đây là họ của các vua nhà Đinh, một trong các triều đại phong kiến của Việt Nam. Họ Đinh có nguồn gốc sâu xa từ đời con thứ của Khương Tử Nha (nhà Chu), là Lã Cấp, thụy hiệu Đinh Công. Con cháu đời sau mới lấy thụy hiệu của tổ tiên là họ.
Thời Chiến quốc, họ sinh sống ở vùng Giang Nam (Trung Quốc). Sau khi xảy ra cuộc biến loạn Hoàng Sào, họ Đinh đã vượt biên di cư sang vùng Gia Viễn (Ninh Bình, Việt Nam) sinh sống và lập nghiệp.
Ngày nay, người họ Đinh tập trung khá nhiều ở Ninh Bình, nơi được coi là Trung tâm liên lạc họ Đinh Việt Nam với danh nhân Đinh Tiên Hoàng trong lịch sử.
Một số nhân vật lịch sử mang họ Đinh nổi tiếng như: Đinh Công Trứ, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Xuân Lâm…
Xem thêm: “Bật mí” cách đặt tên con họ Trần hay, ý nghĩa Gợi ý cách đặt tên con họ Bùi ý nghĩa nhất Đặt tên con họ Đinh như thế nào cho thật hay và ý nghĩa?
Dòng họ lớn và đông nhất Việt Nam tính đến năm 2022 là dòng họ Nguyễn. Một số tài liệu ghi nhận, họ Nguyễn không chỉ là họ đông nhất ở Việt Nam mà còn là họ đông nhất cả khu vực Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, họ Nguyễn chiếm gần 40% dân số. Dòng họ này đã có mặt rất lâu trong lịch sử dân tộc và có nguồn gốc từ các gia tộc hoàng gia, quý tộc và quan lại triều đại xưa.
Theo lịch sử, họ Nguyễn bắt nguồn từ một số họ cổ xưa trong thời kỳ Tiền Lê (968 - 1009). Sự phổ biến và quyền lực của họ Nguyễn bắt đầu khi triều đại Nguyễn được thành lập vào năm 1802.
Lịch sử Việt Nam ghi chép, dòng họ Nguyễn có nhiều vị vua và quân chủ đã cai trị đất nước kéo dài suốt một thế kỷ. Trong đó, một số vị vua đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử và văn hóa Việt Nam như: vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị và vua Tự Đức.
Sau khi triều đại Nguyễn tan rã năm 1945, dòng họ Nguyễn vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển trong cộng đồng người Việt từ Bắc vào Nam và người Việt ở nước ngoài.
Việt Nam với hơn 300 dòng họ khác nhau và sở hữu nền văn hóa đa dạng. Trong số các dòng họ này, ngoài những dòng họ lớn nhất thì còn có những dòng họ cao quý được người đời kính nể.
Tên Tôn Thất xuất phát từ danh hiệu đặt cho nam giới là hậu duệ không thuộc nhánh Nguyễn Phúc của Hoàng tộc nhà Nguyễn. Trong giai đoạn thế kỷ 19 - 20, Tôn Thất dần được tách khỏi họ Nguyễn và trở thành một họ độc lập.
Họ Tôn Thất được vua Minh Mạng đặt cho các cháu của chúa Nguyễn (vốn họ Nguyễn Phúc). Họ Tôn Thất cũng được xem là “bà con xa” với dòng họ Đế hệ - Hoàng đế của Đại Nam. Hiện tại, trải qua tiến trình lịch sử, họ Tôn Thất đã trở thành một họ độc lập tại Việt Nam.
Trong lịch sử, có rất nhiều người tài giỏi mang họ Tôn Thất như: Tôn Thất Bách, Tôn Thất Đào…
Dòng họ Tôn Nữ cũng là một trong những dòng họ cao quý của Việt Nam. Ban đầu Tôn Nữ là danh hiệu dành cho nữ giới trong dòng tộc Nguyễn Phúc, từ thời Minh Mạng.
Lịch sử ghi chép, con gái của vua là Hoàng nữ, khi được sắc phong thì trở thành Công chúa. Về sau, Công chúa có anh hay em được làm vua thì được gọi là Trưởng Công chúa. Nếu có cháu làm vua thì được gọi là Thái trưởng Công chúa.
Con gái của Hoàng tử là Công nữ, con gái của Công nữ là Công Tôn Nữ, con gái của Công Tôn Nữ là Công Tằng Tôn Nữ xuống một bậc nữa gọi là Công Huyền Tôn Nữ, Huyền Tôn Nữ… Từ đó, tên Tôn Nữ chỉ chung cho những người con gái mang dòng dõi vua chúa nhà Nguyễn.
Xem thêm: Văn hóa là gì? Những biểu hiện và giá trị của một nền văn hóa Nhân văn là gì? Chủ nghĩa nhân văn là gì? Cách nuôi dưỡng lối sống nhân văn Phong tục tập quán là gì? Cách gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam
Có lẽ bạn chưa biết, dòng họ Ma được cho là dòng họ lâu đời nhất tại Việt Nam, trải qua 79 đời và có lịch sử quan trọng trong văn hóa dân tộc của Việt Nam.
Họ Ma ở Phú Thọ có nguồn gốc từ thời vua Hùng. Theo một số truyền thuyết thì họ Ma có ảnh hưởng lớn tới lịch sử dân tộc vào thời Hồng Bàng và An Dương Vương.
Một nhánh nhỏ của họ Ma được nổi tiếng nhờ có Ngọc Phả ghi lại lịch sử của gia tộc từ thời vua Hùng. Mặc dù đã lui về ở ẩn khi cụ tổ Ma Khê thành danh nhưng đến đời thứ 43, cụ Ma Xuân Trường lại được ghi công vào sử sách nước nhà, giúp danh tiếng của họ Ma ngày một vang xa.
Do quan niệm “Ma là xui xẻo” nên nhiều người đã tự ý đổi họ của mình từ “Ma” sang “Mai. Tuy vậy, lịch sử của dòng họ này vẫn được ghi lại đầy đủ trong Ngọc Phả, để người đời thấy được những chiến công lừng lẫy đáng tự hào của những người thuộc họ Ma.
Ngày nay, họ Ma thường là người dân tộc Tày, chủ yếu sống tại vùng núi tỉnh Phú Thọ, Việt Nam.
Nếu như họ Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Hoàng/Huỳnh được xếp vào nhóm 5 dòng họ lớn nhất Việt Nam thì những dòng họ dưới đây là những dòng họ ít phổ biến hơn, nếu không nói là “hiếm gặp”.
Trên đây là những thông tin về những dòng họ lớn nhất Việt Nam. Tất cả các dòng họ Việt ngày nay với sự đoàn kết, lòng yêu thương gia đình và trách nhiệm với xã hội, họ vẫn đang tiếp tục gắn bó và phát triển, làm nên sức mạnh và nét đặc trưng riêng biệt của từng gia đình trong một cộng đồng chung.
Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/ho-nao-lon-nhat-viet-nam-a19400.html