BVK - Ruột non - một bộ phận thuộc hệ tiêu hóa, kết nối dạ dày và đại tràng, có chức năng hấp thụ dinh dưỡng cho cơ thể. Ung thư ruột non là mặt bệnh hiếm gặp do các tế bào trong các mô của ruột non đột biến, phát triển ngoài tầm kiểm soát và hình thành các khối u.
Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán và điều trị ung thư ruột non, tuy nhiên việc phòng tránh và phát hiện sớm thường mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Bài viết sẽ sơ lược về căn bệnh ung thư ruột non, nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.
Ung thư ruột non được chia thành 4 giai đoạn dựa trên đặc điểm khối u, di căn hạch và di căn xa:
- Giai đoạn 1: Ung thư chỉ phát triển trong các lớp đường ruột, không xâm lấn mô xung quanh cũng như hạch bạch huyết.
- Giai đoạn 2: Ung thư phát triển vượt qua thành ruột, xâm lấn mô xung quanh. Tuy nhiên không có tình trạng di căn hạch.
- Giai đoạn 3A: Ung thư di căn từ 1 đến 3 hạch vùng, có thể vượt qua lớp cơ thành ruột hoặc không, nhưng không có di căn xa.
- Giai đoạn 3B: Ung thư di căn từ 4 hạch vùng trở lên, có thể vượt qua lớp cơ thành ruột hoặc không, nhưng không có di căn xa.
- Giai đoạn 4 (hay giai đoạn cuối): Ung thư di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể như phổi, gan,…
Nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh lý ung thư này hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
- Bệnh Crohn: Đây là bệnh viêm mãn tính tại đường tiêu hóa. Bệnh Crohn làm tăng khả năng mắc các bệnh lý ruột non và đại trực tràng, trong đó có ung thư.
- Bệnh Celiac (còn gọi là bệnh không dung nạp Gluten): Hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng lại với protein Gluten trong thực phẩm (lúa mì, lúa mạch,…). Bệnh dẫn đến tình trạng viêm và phá vỡ biểu mô ruột non. Đây chính là nguyên nhân khiến Celiac làm tăng nguy cơ ung thư tại cơ quan này.
- Hội chứng đa polyp tuyến có tính chất gia đình (FAP): Đây là bệnh lý di truyền làm xuất hiện hàng chục đến hàng trăm polyp ở đường tiêu hóa. Các polyp tập trung chủ yếu ở đại trực tràng, số lượng xuất hiện ở ruột non và dạ dày ít hơn. Người bệnh FAP có nguy cơ ung thư đường tiêu hóa nói chung cao hơn so với những người không mắc bệnh.
- Tuổi cao: Trên 60 tuổi.
- Giới tính: Các số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ nam giới mắc bệnh nhiều hơn sơ với nữ giới.
- Thói quen hút thuốc lá, uống rượu; chế độ ăn nhiều chất béo động vật.
Triệu chứng ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng, dễ bị hiểu lầm thành các bệnh tiêu hóa thông thường khác. Do đó, người bệnh thường chủ quan, không thăm khám với bác sĩ. Điều này dẫn đến phần lớn trường hợp ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn. Việc điều trị do đó thường gặp nhiều khó khăn, tốn kém và mất thời gian. Chính vì vậy người bệnh cần đến bệnh viện kiểm tra ngay khi phát hiện một số dấu hiệu sớm của bệnh như dưới đây:
- Có máu trong phân: Người bệnh đa số đi ngoài phân đen, màu như bã cà phê, mùi thối khắm. Bệnh lý ung thư này thường ít khi có máu đỏ tươi trong phân.
- Tiêu chảy: Người bệnh đi ngoài phân nước trên 3 lần mỗi ngày.
- Có khối u nổi lên vùng bụng.
- Đau bụng âm ỉ, mơ hồ, triệu chứng đau hiếm khi ở mức độ dữ dội.
- Nôn hoặc buồn nôn.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Đây là tình trạng thường gặp ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư.
Cách chẩn đoán, điều trị, và phòng tránh ung thư ruột non:
Chẩn đoán:
Để xác định ung thư ruột non, người bệnh chỉ cần làm một số loại xét nghiệm chẩn đoán phổ thông như:
Xét nghiệm máu
Chụp X-Quang ổ bụng
Sinh thiết lấy mẫu mô để làm giải phẫu bệnh.
Nội soi để quan sát bề mặt niêm mạc ruột non
Các biện pháp điều trị:
Bệnh lý ung thư này cần áp dụng điều trị đa mô thức. Phác đồ điều trị được lựa chọn dựa trên các yếu tố như: giai đoạn và loại ung thư, thể trạng chung của người bệnh, lựa chọn của người bệnh, các tác dụng phụ của điều trị.
Sau đây là các phương pháp điều trị thường gặp hiện nay:
- Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị chính, thực hiện bằng cách cắt bỏ khối u và các bộ phận bị xâm lấn, đảm bảo lưu thông đường tiêu hóa. Sau phẫu thuật, một số biến chứng có thể xảy ra như chảy máu, đau, nhiễm trùng sau mổ, rối loạn tiêu hóa,… Người bệnh cần thực hiện phẫu thuật tại cơ sở y tế uy tín bởi đội ngũ bác sĩ có tay nghề cao để hạn chế tối đa các biến chứng.
- Hóa trị: Là biện pháp tiêu diệt các tế bào ung thư bằng thuốc. Hóa trị có thể gây các tác dụng phụ gồm: mệt mỏi, nôn, buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, tiêu chảy, nguy cơ nhiễm trùng do giảm bạch cầu,…
- Xạ trị: Phương pháp này thường không được sử dụng như biện pháp điều trị chính. Thay vào đó, nó thường được chỉ định trong điều trị triệu chứng khi bệnh ở giai đoạn muộn. Các biến chứng có thể gặp sau khi xạ trị là: mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, phản ứng da mức độ nhẹ,…
Giải pháp phòng, tránh ung thư ruột non:
Để phòng tránh ung thư ruột non nói riêng và ung thư nói chung, mỗi người cần lưu ý không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia; Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học, lành mạnh; Ăn nhiều rau xanh, ngũ cốc, hạn chế đồ chiên, nướng, đồ ăn chế biến sẵn.
Ngoài ra, việc tầm soát phát hiện ung thư sớm định kỳ, đều đặn là hết sức quan trọng trong việc phát hiện và điều trị ung thư. Do vậy, cần thiết lập thói quen đi khám sức khỏe, tầm soát định kỳ tại những cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín. Đối với riêng mặt bệnh ung thư ruột non, những người có tiền sử mắc bệnh Crohn, Celiac, FAP cần khám tiêu hóa định kỳ hàng năm để sàng lọc phát hiện bệnh sớm.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/dau-hieu-ung-thu-ruot-a19203.html