Đặc trưng của bánh bột lọc Huế chính là bánh nhân tôm thịt gói trong lá chuối hoặc luộc trần. Khi bánh hoàn thành phải có vỏ ngoài trong, nhân tôm vàng, thịt còn giữ được vị tươi và thanh. Vỏ bánh có độ giòn, chấm với nước mắm độ mặn nhẹ ăn rất ngon.
Để có được món bánh ngon Bếp Eva giúp chị em các cách làm bánh bột lọc đơn giản nhất sau đây!
Bánh bột lọc làm từ bột năng hay còn có tên gọi khác là bột sắn hoặc bột đao. Loại bột này có độ sánh và kết dính cực kỳ tốt vì thế nó được sử dụng rộng rãi trong chế biến các loại bánh, chè,...
Bạn có thể dễ dàng mua được bột năng tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị… Một số nơi người ta còn cho thêm bột sắn dây trộn cùng để tăng độ dẻo thơm cho món bánh Huế này.
Ngoài bột năng, bạn cần lựa chọn các nguyên liệu tươi ngon để làm nhân cho bánh.
- Thịt lợn: Nên chọn các phần thịt như nạc vai hoặc ba chỉ để giúp bánh ngậy và thơm ngon hơn. Thịt heo phải có màu hồng tươi, khi ấn vào có độ đàn hồi tốt, thịt thơm, không có mùi lạ.
- Tôm: Tôm làm bánh bột lọc phải là tôm tươi thì khi ăn mới ngọt thơm. Chọn các con tôm còn sống, vỏ tôm sáng bóng. Tránh chọn tôm bị ươn, có mùi. Ngoài ra, món bánh này khá nhỏ vì thế bạn nên chọn tôm sông thay vì tôm biển có kích thước lớn.
- Tôm sông loại vừa: 100g
- Bột năng: 500g
- Thịt ba chỉ: 200g
- Nước sôi
- Tỏi, ớt bột, ớt quả, hành lá
- Gia vị: Đường, bột nêm, dầu ăn, mắm, muối
Chuẩn bị nguyên liệu làm bánh bột lọc
Bước 1: Làm nhân bánh
- Thịt ba chỉ rửa sạch thái hạt lựu. Tôm rửa sạch để ráo nước.
- Ướp thịt ba chỉ với hạt nêm, tiêu, trộn thêm hành lá đã thái nhỏ.
- Tôm ướp với tỏi băm, ½ thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa muối trong 10 phút.
- Thịt ba chỉ rim khoảng 15 phút, cho tôm đã ướp vào rim cùng khoảng 10 - 15 phút nữa.
Thịt ba chỉ thái nhỏ, phi thơm với hành
Bước 2: Làm vỏ bánh
- Trộn 250g bột năng với một chút muối, tạo thành hình tròn trũng giữa.
- Cho nước sôi vào giữa lòng bột, trộn đều. Sau đó đổ chỗ bột còn lại vào dùng tay trộn cùng cho đến khi bột mịn, dẻo.
- Bọc bột vào một chiếc túi nilon để tránh bị khô nếu chưa dùng đến
Lưu ý: Khi trộn bột chú ý căn chỉnh nước để bánh không bị khô hoặc nát.
Trộn bột và ủ trong bọc nilon
Bước 3: Gói bánh bột lọc trần
Bột đã nhào mịn, ngắt một phần nhỏ, lăn tròn rồi ấn dẹt, cho một ít nhân tôm với thịt đã làm trước đó vào giữa, gấp đôi miệng bột lại, vuốt chặt mép để được miếng bánh hình bán nguyệt. Làm những chiếc bánh khác tương tự.
Bánh nặn hình bán nguyệt đẹp mắt
Bước 4: Luộc bánh
- Bắc nồi nước lên đun sôi cho thêm ít dầu ăn và muối, thả bánh vào luộc cho đến khi bánh nổi lên là đã chín.
- Vớt bánh ra thả ngay vào một bát nước đun sôi để nguội lớn, sau đó vớt lên đĩa, thoa một chút dầu ăn để bánh không bị dính vào nhau và có độ bóng.
Lưu ý: Để bánh có được độ giòn bên ngoài, hương vị thơm quyện của thịt và tôm thì các bạn cần chờ nước sôi hẳn mới thả từng chiếc bánh vào một.
Bánh trần làm xong phải đảm bảo vỏ trong và mềm, dai
Bước 5: Pha nước chấm
Nước chấm bánh bột lọc pha đơn giản theo tỷ lệ 2 thìa nước mắm, 2 thìa đường, 8 thìa nước lọc và ½ quả chanh, ớt cắt khoanh, bắc bếp đun hơi nóng.
Đặc trưng nước chấm của người Huế là chỉ dùng nước mắm loại ngon với ớt chỉ thiên thái nhỏ
Nước chấm bánh đơn giản chỉ với mắm, chanh và ớt
Bánh bột lọc nhân tôm thịt mộc nhĩ gói lá chuối làm đơn giản, hương thơm dịu của lá chuối kết hợp vị thanh đạm, giòn giòn của vỏ bánh và mộc nhĩ rất hấp dẫn.
- Bột năng 400g
- Thịt lợn nạc: 150g
- Tôm: 100g
- Mộc nhĩ, hành khô
- Lá chuối
- Gia vị: hạt tiêu, hạt nêm, dầu ăn, nước mắm, chanh, ớt.
Bước 1:
Rửa sạch thịt rồi xay hoặc băm nhuyễn. Mộc nhĩ ngâm nở rồi đem rửa sạch, băm nhỏ. Hành khô bóc vỏ băm nhuyễn. Tôm rửa sạch, bỏ râu. Lá chuối rửa sạch để ráo nước.
Bước 2:
Phi hành khô xào thịt băm với hạt nêm, nước mắm cho săn lại rồi đổ mộc nhĩ vào xào cùng. Đảo liên tục khoảng 2 - 3 phút thì cho xíu hạt tiêu vào đảo đều rồi tắt bếp.
Tôm ướp với tỏi băm, hạt tiêu, hạt nêm và xíu muối trong 10 phút rồi đem xào chín.
Xào mộc nhĩ, thịt và tôm làm nhân bánh
Bước 3:
Thêm xíu muối vào bột năng, nhào bột với nước ấm để được khối bột mịn dẻo không bị dính tay là được.
Bước 4:
Lá chuối luộc qua cho tái rồi cắt thành từng miếng nhỏ chừng 5cm.
Bước 5:
Chia bột thành từng miếng nhỏ, đặt vào lá chuối tán mỏng, cho nhân thịt mộc nhĩ và tôm vào giữa sau đó gập đôi lá chuối lại, dùng dây buộc giữa. Gói lần lượt cho tới khi hết bột và nhân.
Bánh bột lọc gói lá chuối sẽ thơm ngon hơn
Bước 6:
Xếp bánh vào xửng hấp, hấp từ 15 - 30 phút tùy vào từng kích cỡ của chiếc bánh. Bánh vừa chín thì vớt ra.
Bước 7:
Nước chấm đơn giản dùng nước mắm loại ngon pha với xíu chanh và ớt chỉ thiên.
Bánh bột lọc tôm thịt mộc nhĩ giòn ngon hấp dẫn
Món bánh bột lọc nhân thịt mộc nhĩ vị thanh, độ giòn giòn của mộc nhĩ và vỏ bánh kết hợp độ ngậy vừa phải của thịt lợn tạo nên hương vị hấp dẫn.
Ngoài cách làm bánh bột lọc từ bột năng với nhân tôm thịt truyền thống, người ta còn biến tấu món bánh này theo nhiều cách khác nhau. Cùng tham khảo nhé.
Bánh bột lọc nhân đậu xanh ăn bùi bùi thơm ngậy khá lạ miệng. Phần bánh mềm thơm, vỏ dẻo dai chấm kèm với bát nước mắm tỏi ớt, ai cũng cũng mê tít.
>> Xem chi tiết cách làm: Bánh bột lọc nhân đậu xanh ăn nhanh kẻo hết
Những người ăn chay mà muốn ăn bánh bột lọc thì có thể tham khảo công thức sau đây.
- Bột năng: 500g
- Cà rốt: ½ củ
- Sắn: ¼ củ
- Nấm kim châm: 1 gói
- Hành tím: 3 củ
- Tỏi: 1 củ
- Nước mắm chay: ½ thìa
- Hạt nêm chay: 1 thìa
- Dầu thực vật: 2 thìa
- Mì chính, hạt tiêu
Bước 1: Làm nhân bánh
- Cà rốt, sắn bạn đem gọt vỏ, thái hạt lựu càng nhỏ càng tốt.
- Nấm kim châm cắt bỏ gốc, rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Hành tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.
- Cho các nguyên liệu vừa sơ chế vào trong 1 âu lớn rồi nêm vào đây: 1 thìa hạt nêm chay, ½ thìa hạt tiêu, ½ thìa mì chính, ½ thìa nước mắm. Dùng đũa trộn đều lên rồi ướp chừng 10 phút cho nhân bánh ngấm gia vị.
- Bắc chảo sạch lên bếp. Thêm vào đây 1 thìa dầu ăn rồi cho 1 chút tỏi băm vào phi vàng.
- Trút nhân bánh vừa ướp vào xào cho chín thì tắt bếp để nguội.
Bước 2: Làm vỏ bánh bột lọc chay
- Cho bột năng vào bát rồi thêm 100ml nước sôi vào. Chú ý, vừa thêm nước bạn phải vừa đảo để bột không bị vón cục nhé.
- Khi thấy hỗn hợp đặc quánh lại thì dùng tay nhồi. Bạn sử dụng lực vừa phải để nhồi cho bột mịn, khi phần bột không còn dính tay nữa thì dừng lại.
Bước 3: Tiến hành nặn bánh bột lọc chay
- Bạn chia phần bột vừa nhào thành các phần nhỏ bằng nhau. Dùng cán gỗ cán cho bột thật mỏng thì múc nhân để vào giữa và gấp mép bột lại.
- Thực hiện lần lượt cho tới khi hết bột hết nhân thì dừng lại.
Bước 4: Luộc bánh
- Cho 1 lít nước vào nồi rồi đặt lên bếp đun sôi.
- Thả bánh bột lọc vào trong nồi nước luộc khoảng 10 phút là bánh chín.
- Bánh nổi lên mặt nước, phần vỏ bánh trong nhìn thấy cả nhân thì lúc đó bánh đã chín.
- Vớt bánh ra bát nước lạnh để vỏ bánh dai, mềm, không bị dính.
- Xếp bánh ra đĩa rồi thưởng thức.
Món bánh bột lọc chay cực kỳ hấp dẫn. Vỏ bánh mềm thơm, nhân bánh đậm đà, có vị giòn ngọt của rau củ, sần sật của nấm kim châm ăn rất lạ miệng.
Bạn có thể chấm bánh với nước mắm tỏi ớt hoặc ăn không cũng rất ngon.
Món bánh bột lọc lá chuối cực dễ làm, thơm ngon trộn thêm ít mỡ hành và chấm cùng nước mắm chua ngọt thì đảm bảo mê đắm đuối.
>> Xem chi tiết cách làm: Bánh bột lọc hấp lá chuối nóng hổi ngày thu
Bánh bột lọc dễ làm nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ và cẩn thận. Dưới đây là một số lưu ý khi làm bánh mà Bếp Eva muốn chia sẻ cùng bạn.
Để có món bánh bột lọc ngon đòi hỏi người làm phải có kỹ thuật tốt. Có không ít trường hợp luộc xong bánh bị đục, không trong. Vậy vì sao bánh bột lọc không trong?
Có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới độ trong của bánh, trong đó có thể kể tới:
- Tỷ lệ trộn bột không chuẩn. Có thể bạn đã cho quá nhiều bột năng và ít bột sắn dây hoặc ngược lại. Thường tỉ lệ bột sẽ là 8:1, tuy nhiên phần bột năng cần cho vào từ từ như thế bạn sẽ dễ dàng điều chỉnh hơn.
- Bí kíp để có chiếc bánh bột lọc ngon, mềm, dẻo thơm là lấy cục bột nhỏ rồi cán càng mỏng càng tốt. Bánh không trong có thể là do bạn đã cán vỏ bánh quá dày rồi.
- Luộc bánh quá lâu, khi vớt bánh không cho vào thau nước lạnh ngay cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.
Thời gian hấp bánh bột lọc giữ vai trò rất quan trọng, nó quyết định tới độ ngon của món bánh này.
Thông thường, bánh lọc sống sẽ được hấp trong khoảng thời gian như sau:
- Hấp bánh bằng nồi cơm điện: 18 - 20 phút
- Sử dụng cách luộc bằng bếp ga hoặc bếp điện: 15 - 18 phút
- Hấp bánh bằng xửng hấp: 17 phút.
Thông thường, bánh bột lọc sẽ thích hợp ăn kèm với nước mắm chua ngọt. Chút chua chua của chanh, ngọt của đường, đậm đà của nước mắm, cay nồng của tỏi, ớt sẽ giúp bánh lọc ngon tròn vị hơn.
Trường hợp “lười” không muốn pha nước chấm chua ngọt thì chỉ cần 1 bát nước mắm nguyên chất thêm vài lát ớt xanh cũng đủ xuất sắc rồi.
Tùy vào sở thích của mỗi người mà cách ăn bánh bột lọc sẽ khác nhau. Ở một số vùng, bánh bột lọc sẽ được ăn kèm với một vài loại rau sống như: Rau mùi, kinh giới và các loại húng.
Tất nhiên, bạn cũng có thể ăn không chấm với nước mắm ớt chua ngọt cũng đã đủ ngon rồi.
Muốn bánh bột lọc trong suốt khi thành phẩm thì kỹ thuật luộc bánh rất quan trọng. Bạn nên đun nước sôi rồi thả bánh vào luộc trong khoảng thời gian chừng 10 phút.
Bánh chín, bạn vớt bánh ra rồi thả ngay vào bát nước lạnh. Nhờ có bát nước này, bánh bột lọc của bạn sẽ trong, dai và đẹp hơn. Đừng quên trộn thêm một chút mỡ hành như thế bánh sẽ không bị dính vào nhau nhé.
Để biết bánh bột lọc đã chín hay chưa có thể dựa vào phần vỏ bánh. Thông thường, khi bánh bột lọc đã chín thì vỏ bánh mềm dẻo, trong suốt. Bằng mắt thường, bạn dễ dàng quan sát được cả tôm lẫn thịt ở bên trong.
Ngược lại, nếu bánh chưa chín thì vỏ mềm nhưng hơi đục, không được trong suốt.
Ngoài ra, những chiếc bánh chín đúng độ sẽ tỏa hương thơm ngào ngạt khiến bạn chỉ muốn “ăn liền lập tức”.
Bánh bột lọc khá dính, vì thế khi luộc xong bạn nên vớt bánh thả vào bát nước lạnh. Nhớ cho 1 vài giọt dầu ăn vào bát nước như thế bánh vừa bóng đẹp lại không hề dính khi xếp ra đĩa.
Bánh bột lọc khi mua về cần biết cách bảo quản sao cho đúng để không làm ảnh hưởng đến độ ngon của bánh.
Đối với bánh bột lọc còn sống, bạn có thể bảo quản ở ngăn mát của tủ lạnh tối đa là 5 ngày và ngăn đông của tủ lạnh tối đa là 3 tháng.
Lưu ý, trước khi cho vào tủ, bạn cần đem bánh đi hút chân không, như thế sẽ đảm bảo được chất lượng của món ăn.
Trường hợp bạn mua bánh chín thì thời gian bảo quản không kéo dài. Thường loại bánh này nếu để ở ngăn mát của tủ lạnh sẽ để được 2 ngày còn ngăn đông là 2 tuần.
Món bánh bột lọc làm chủ yếu từ bột năng và bột sắn dây, phần nhân bánh thường là tôm thịt, đậu xanh,.. Trung bình 1 chiếc bánh bột lọc sẽ có khoảng từ 40 - 50 calo. Cụ thể như sau:
- Bánh bột lọc nhân tôm: 42 calo/chiếc
- Nhân bánh đậu xanh: 48 calo/chiếc
- Phần nhân bánh bột lọc tôm thịt: 45 calo/chiếc.
Mỗi một chiếc bánh bột lọc chứa hàm lượng calo khá cao, dao động từ 40 - 50 calo. Thông thường mỗi một người sẽ ăn được từ 5 - 10 chiếc bánh/lần. Như vậy, giả sử nếu bạn ăn 5 chiếc bánh bột lọc nhân tôm thịt thì có nghĩa bạn đã nạp vào cơ thể 225 calo. Lượng calo này chiếm ½ số calo mỗi bữa cơ thể cần.
Nếu bạn ăn quá nhiều bánh sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng thừa cân, khó kiểm soát. Để ăn bánh bột lọc không bị béo, chuyên gia khuyên bạn chỉ nên ăn tối đa 10 chiếc bánh/lần và thay phần ăn này cho bữa chính.
Bên cạnh việc ảnh hưởng xấu tới cân nặng, khi ăn quá nhiều bánh bột lọc sẽ khiến bạn dễ bị đầy hơi, khó tiêu.
Vừa xong là những cách làm bánh bột lọc ngon và lưu ý trong quá trình làm, chế biến bánh. Lưu lại ngay một công thức phù hợp để trổ tài chiêu đãi cả nhà nhé. Chúc bạn thành công.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/cach-lam-banh-bot-loc-nhan-thit-a19188.html