Ngày giỗ Tổ Hùng Vương hoặc lễ hội đền Hùng hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương. Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Lễ hội diễn ra vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, tuy nhiên, lễ hội thực chất đã diễn ra từ hàng tuần trước đó với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng, và kết thúc vào ngày 10 tháng 3 âm lịch với lễ rước kiệu và dâng hương trên đền Thượng. Lễ hội đền Hùng hiện được nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam nâng lên thành giỗ quốc Tổ, tổ chức lớn vào những năm chẵn. Có 2 lễ được cử hành cùng thời điểm ngày chính hội:
Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng
Lễ hội Bà Chúa Xứ (còn gọi là lễ Vía Bà) được tổ chức hàng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch. Tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam (trước là xã Vĩnh Tế),thị xã Châu Đốc tỉnh An Giang. Phần lễ của lễ Vía Bà gồm năm lễ: Lễ tắm Bà, lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, lễ Túc Yết, lễ xây chầu, lễ Chánh tế.
Lễ tắm Bà. Lễ này được tổ chức vào lúc 24 giờ đêm 23 rạng ngày 24. Nói là tắm bà, nhưng thực tế là lau lại bụi bặm trên tượng thờ và thay áo mão cho Bà. Nước tắm tượng là nước thơm, bộ y phục cũ của Bà được cắt nhỏ ra phân phát cho khách trẩy hội và được coi như lá bùa hộ mệnh giúp cho người khoẻ mạnh và trừ ma quỷ. Lễ tắm Bà thường kéo dài khoảng một giờ, sau đó mọi người được tự do lễ bái. L
ễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà: Lễ này được tiến hành vào lúc 15 giờ ngày 24. Các bô lão trong làng và Ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề sang lăng Thoại Ngọc Hầu nằm đối diện với miếu bà làm lễ Thỉnh Sắc rước bài vị của Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại, bà nhị phẩm Trương Thị Miệt, và bài vị Hội đồng. Khi vào đến Miếu Bà, các bài vị trên được an vị ngôi chính điện, Ban quản trị dâng hương thỉnh an, lễ thỉnh sắc kết thúc. Tục lệ thỉnh sắc Thoại Ngọc hầu đã có từ lâu để tỏ lòng biết ơn ông là người có công khai phá vùng đất hoang vu này.
Lễ Túc Yết: Lễ được tổ chức 0 giờ ngày 25 rạng ngày 26. Tất cả các bô lão trong làng và ban quản trị lăng miếu lễ phục chỉnh tề, đứng xếp hàng hai bên trước tượng Bà. Vật cúng gồm có: một con heo trắng (đã được cạo lông mổ bụng sạch sẽ, chưa nấu chín), một đĩa đựng huyết có ít lông heo gọi chung là "mao huyết", một mâm xôi, một mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa gạo muối. Ông chánh bái làm lễ dâng hương, chúc tửu, hiến trà, dâng tế, sau đó thì hóa một ít giấy vàng bạc.
Lễ xây chầu: Sau cúng túc yết là lễ xây chầu. Ông chánh bái sẽ bước tời bàn thờ đặt giữa võ ca, hai tay cầm dùi trống nâng ngang trán khấn vái. Phía bên trái bàn thờ có một tô nước và một nhành dương liễu. Ông chánh bái ca công cầm nhành dương nhúng vào tô nước rồi vảy nước ra xung quanh, vừa đọc to những lời cầu nguyện. Đọc xong, ông chánh bái ca công đặt tô nước, cành dương trở lại bàn thờ, ông đánh ba hồi trống và xướng "ca công tiếp giá", lập tức đoàn hát bộ nổi chiêng trống rộ lên và chương trình hát bộ bắt đầu. Các tuồng hát bộ sau đây thường được diễn tại miếu bà: Trần Bình Trọng, Sát Thát, Lưu Kim Đính, Trưng Nữ Vương ... Lễ Chánh tế: Đến 4 giờ sáng ngày 26 cúng Chánh tế (nghi thức giống như cúng "túc yết"). Chiều ngày 27 đưa sắc Thoại Ngọc hầu về Sơn Lăng. Phần hội diễn ra rất sôi nổi đan xen với phần lễ, các hoạt động văn hoá nghệ thuật dân gian được biểu diễn như múa lân, múa mâm thao, múa đĩa chén...thu hút nhiều du khách. Lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội mang bản sắc dân tộc đậm nét, nhưng cũng chứa đựng nhiều màu sắc địa phương Nam Bộ. Lễ hội thực sự là một lễ hội văn hoá dân gian đáp ứng nhu cầu văn hoá xã hội, đời sống tinh thần của nhân dân.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam
Hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử cùng tao nhân mặc khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn bay bổng hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật. Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Xã gần sáu thôn: Tiên Mai, Phú Yên, Hội Xá, Đục Khê, Yến Vĩ và Hạ Đoàn. Ngày mồng 6 tháng giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ "mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới mở cửa chùa. Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng. Không giống bất cứ chùa nào, chùa Hương làm một tập hợp nhiều động, nhiều chùa trong một tổng thể cấu trúc kết hợp vừa thiên nhiên vừa nhân tạo. Tạo hóa đã khéo bày đặt ở vùng này nhúm núi đá gồ ghề bên cạnh sự mềm mại của các dòng suối. Màu sắc xám đanh, già dặn, dãi dầu của đá trơ ra bên màu xanh non tơ của cây lá. Sự hấp dẫn của Hương Sơn không chỉ ở bề ngoài mà còn có ở bên trong. Đó là vẻ đẹp sâu lắng giàu triết lý dân gian của hang động. Khách đến với chùa Hương có cái thú ngồi thuyền chiêm ngưỡng bầu trời, cảnh bụt, khoái chú nhìn sông ngắm núi như thấy một góc của non sông đất nước vừa thơ, vừa thực thu gọn trong tầm mắt và cũng huyền ảo như lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh. Cảm xúc hư, thực đan xen lẫn nhau nâng tâm hồn của con người bay bổng, phiêu diêu. Con người đi tới đâu dấu tích lịch sử và văn hóa như đã in hầu hết vào thiên nhiên và đã được định vị. Ven núi có hang Sơn, Thủy hữu tình, hàng Long Vân, hang Cá. Trên cao có hang Hồng Sự, hang Sũng Sàm, hang Trú Quân, động Tiên, động Tuyết, động Hương Tích. Con người đến với thiên nhiên bằng tấm lòng bè bạn, đặt tên cho động, cho hang rồi xây chùa, lập điện tôn thành những chùa động hang độc đáo, tạo nên cái thiêng cái đẹp. Để rồi lại chính con người thăm viếng, ngưỡng mộ thờ phụng và hưởng thụ thành quả về miền thành tín của mình. Hang động ở Hương Sơn là yếu tố cấu thành quan trọng để quần thể Hương Sơn trở thành danh thắng nổi tiếng và đặc thù của quần thể này. Cả 3 tuyến du lịch (Hương Tích, Long Vân, Tuyết Sơn) đều khai thác các vị trí trong đá để thu hút khách. Tuyến thứ nhất gọi là tuyến Hương Tích. Khách chủ yếu đi tuyến này bởi vì ở tuyến này những gì đặc sắc nhất đều tập trung ở đó. Bắt đầu từ bến đò Yến Vĩ, Suối Yến, đền Trình Ngũ Nhạc cầu hội chùa Thanh Sơn chùa Hương Đài, chùa Thiên Trù, chùa Hinh Bồng, chùa Tiêu, chùa Giải Oan, đền cửa Võng và cuối cùng vào trong Hương Tích. Tổng thể thắng cảnh chùa Hương còn là biểu hiện của sự hòa hợp tự nhiên giữa tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Trẩy hội chùa Hương là hành động giải tỏa hòa hợp giữa thực và mơ, tiên và tục, thực là nền tảng, mơ là uất vọng trên cái nền mùa xuân tươi sáng mà con người Việt Nam chất phác, nhân ái thuở xưa cảm nhận hành động và trao truyền.
Lễ hội Chùa Hương
Lễ hội Chùa Hương
Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ được tổ chức chính tại di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố Lăng Ông Thủy Tướng (hay còn gọi là Thạnh Phước Lạch) và một số địa điểm như Công viên văn hóa di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Rừng Sác, di tích lịch sử cấp thành phố đình Cần Thạnh, những con đường trung tâm của thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ và trên biển. Ngoài ra, ở một số địa điểm là đình, miếu có thờ cá Ông như: di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đình Bình Khánh (xã Bình Khánh), đình Đồng Hoà (xã Long Hòa), đình An Thới Đông, đình Thạnh An (xã Thạnh An), đình Tam Thôn Hiệp (xã Tam Thôn Hiệp), đình An Thới Đông (xã An Thới Đông), miếu Bà (xã Long Hòa) cũng tổ chức cúng Ông vào ngày rằm (15 tháng 8 âm lịch), sau khi cúng Ông xong, tất cả ngư dân cùng tụ hội về thị trấn Cần Thạnh để tham dự lễ.
Không khí chuẩn bị cho lễ hội Nghinh Ông được diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết từ các gia đình đến Hội Vạn Lạch và các cấp chính quyền của thành phố, của huyện. Đường xá, công viên, chợ, đình, đền, miếu… được sửa chữa khang trang, sạch đẹp, băng rôn, khẩu hiệu, cờ hội được trang hoàng nghiêm túc, lộng lẫy… Tại di tích Lăng Ông Thủy Tướng, nơi diễn ra các nghi lễ chính, ngư dân hỗ trợ Hội Vạn Lạch chuẩn bị chu đáo, phân công tu sửa, dọn dẹp và trang trí các bàn thờ, cảnh quan quanh di tích. Những nơi diễn ra lễ hội, chính quyền địa phương phối hợp hỗ trợ chuẩn bị sân lễ, tổ chức trưng bày triển lãm thành tựu phát triển nghề biển của huyện trong năm, chuẩn bị lễ đài để biểu diễn nghệ thuật, tổ chức các trò chơi dân gian, sân thi đấu và sân chơi cho thiếu nhi, dựng rạp đón tiếp khách và đại biểu…
Các gia đình ngư dân, nhất là ngư dân hai bên đường thì lập bàn hương án trước nhà với lễ vật là hương đèn, hoa quả, gạo, muối, rượu trà (có khi có bài vị) để tế lễ Nghinh Ông, mừng đón Ông đi và chờ Ông về với lòng tin rằng Ông về sẽ đem lại phúc lành cho họ, cho người thân và cho những ngư dân đi biển. Các ghe, thuyền lớn nhỏ dù ở xa hay ở gần cũng chuẩn bị sơn sửa, trang trí rực rỡ dành thời gian về để dự lễ Nghinh Ông. Diễn trình Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh gồm có hai phần: phần lễ và phần hội đan xen nhau nhưng thời gian, địa điểm tổ chức lễ và hội khác nhau.
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội nổi tiếng ở Cần Giờ
Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội nổi tiếng ở Cần Giờ
Yên Tử, danh thiêng được Phật Hoàng Trần Nhân Tông lựa chọn tu hành sau khi nhường ngôi, nơi ngài hoàn thiện hệ thống giáo lý Pháp phái Trúc Lâm làm nền tảng tư tưởng, đạo đức cho một thời hoàng kim triều Trần, khi Phật giáo là Quốc giáo. Với tư tưởng "Hòa quang đồng trần" - Phật giáo nhập thế, Phật Hoàng khéo léo gắn kết đạo và đời, lấy đạo xây đời và qua đời dựng đạo, hết lòng vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc người dân. Nhìn lại quá khứ hào hùng, tưởng nhớ Phật Hoàng, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức chuỗi hoạt động du lịch tâm linh tại Yên Tử dịp cuối năm, nổi bật gồm: Cầu quốc thái dân an, lễ Nhiễu tháp tưởng nhớ Phật Hoàng, đàn lễ Quy y Tam Bảo, đêm hội hoa đăng, giảng dạy Phật pháp. Hướng tới tổ chức các hoạt động văn hoá quanh năm.
Lễ hội diễn ra từ tháng Giêng cho đến hết tháng Ba âm lịch. Lễ này đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, cũng như du khách thập phương, chúng tăng, ni, phật tử cả trong và ngoài nước cùng các quý đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành trong cả nước về đây tham dự. Không chỉ có vậy Yên Tử còn là nơi có cảnh đẹp kỳ vĩ, linh thiêng, huyền bí, suối reo, có thác đổ, thông hổ phách thông tùng linh khí mai vàng rực rỡ, rừng trúc bạt ngàn …cùng với những thảm thực vật phong phú, tạo nên nét đẹp hoang sơ mà đầy thơ mộng. Trong thời gian gần đây Yên Tử đã trở thành nơi du lịch văn hóa tâm linh, thắng cảnh, sinh thái, thu hút hàng ngàn du khách trong ngoài nước mỗi năm.
Dịp này, tại khu vực Trung tâm văn hóa Trúc Lâm Yên Tử còn có nhiều hoạt động văn hóa như: Trưng bày tranh, ảnh và tác phẩm nghệ thuật về Yên Tử, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, biểu diễn văn hóa Dân tộc Dao Thanh y. Rất nhiều hoạt động tôn giáo gắn với kỷ niệm 712 năm ngày Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn cũng được Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh tổ chức như: Nghi lễ cầu quốc thái dân an, Lễ nhiễu pháp tưởng nhớ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Đàn lễ quy y tam bảo và Đêm hội Hoa Đăng.
Lễ hội Xuân Yên Tử
Lễ hội xuân Yên Tử tri ân công đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông
Long An là một vùng đất được lưu dân người Việt khai phá sớm, có nhiều tín ngưỡng dân gian, trong đó có tục thờ Ngũ Hành Nương Nương dân gian còn gọi là Bà Ngũ hành, 5 vị phúc thần quyền năng: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; bảo hộ cộng đồng cư dân nông nghiệp trong buổi đầu khai phá vùng đất Nam Bộ đầy khắc nghiệt. Lễ hội diễn ra vào ngày 20 tháng giêng âm lịch hàng năm (trong 3 ngày liên tiếp). Miếu Bà Ngũ Hành có vị trí tại chợ Long Thượng nằm cạnh rạch Tràm hướng về phía đông thị xã Tân An và phía tây bắc của thị trấn Cần Giuộc, thuộc tỉnh Long An. Nơi đây thờ phượng Ngũ Hành Nương Nương là năm vị phúc thần giúp mưa thuận gió hoà, bảo vệ nghề nghiệp thủ công truyền thống… được người dân vô cùng tôn kính. Đây được xem là lễ hội truyền thống nổi tiếng được tổ chức với thời gian khá dài với nghi thức của lễ Kỳ Yên và biểu diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo như: Chầu mời, dâng bông, thỉnh bà, bán lộc, dâng mâm, đặc biệt là điệu hát chặp Địa Nàng…Đây chính là điểm thu hút khách du lịch tìm đến với lễ hội này để tìm hiểu về văn hóa của người dân bản địa. Ngày 18 là lễ Khai môn thượng kỳ, mở cửa chính của miếu, thượng cờ, người dân cùng nhau quét dọn, bày biện, trang trí, treo đèn, kết hoa để chuẩn bị cho đại lễ. Tiếp đến là lễ Mộc Dục, tắm rửa thần vị của Ngũ Hành Nương Nương (người thực hiện việc tắm Thần mặc áo dài, khăn đóng, pha nước hoa, dùng khăn sạch nghiêm cẩn lau rửa 5 vị Thánh Phi). Lễ Khai chung cổ là nghi lễ đánh những tiếng chuông và tiếng trống đầu tiên trong lễ Kỳ yên, Cầu an. Sau đó, khai mạc lễ hội Miếu Bà. Tối cùng ngày là nghi thức tụng kinh cầu an do một vị sư trụ trì chùa hành lễ cùng một vị Hương cả, quỳ trước bàn thờ, khấn Bồ Tát phù hộ cho bá tánh an cư lạc nghiệp, nhà nhà hạnh phúc ấm no. Lễ vật cúng Kỳ yên ở Miếu Bà Ngũ hành ở Long Thượng là những sản phẩm nông nghiệp do địa phương sản xuất, ngoài ra còn có heo Yết (heo dùng để tế Bà). Ngày 19 tháng Giêng, cùng với nghi lễ là các trò diễn dân gian như: hát bóng rỗi, múa bóng ca tụng sự linh hiển và công đức của Bà. Tiết mục Hát bóng rỗi diễn ra trước sân miếu, những người diễn xướng, người hát và múa mặc trang phục đặc trưng với áo, mũ, khăn, váy, ngạch quan và trang điểm cầu kỳ. Hát bóng rỗi có ý nghĩa như một bản nhạc khai tràng cúng Bà, có dàn nhạc diễn tấu các điệu nhạc lễ và đệm cho các điệu hát; sau các điệu nhạc lễ khai tràng là những bài hát bóng rỗi chầu mời Ngũ Hành Nương Nương, chư tiên, chư thánh, các chiến sĩ… về dự lễ. Người diễn xướng, thường gọi là “bóng”, hát những bài bản có sẵn hoặc ứng tác nội dung phù hợp với đối tượng mời, bằng các làn điệu như tuồng, lý, kể vè… Sau khi hát chầu mời, các “bóng” bắt đầu trình diễn điệu múa dâng mâm vàng một cách nghiêm trang và thành kính. Không khí trang nghiêm của nghi lễ được chuyển dần sang không khí sôi động của sinh hoạt cộng đồng khi các “bóng” bắt đầu trổ tài trình diễn các tiết mục múa đặc sắc. Đó là những màn trình diễn mang tính chất “xiếc” theo sở trường riêng, nhưng chủ yếu là dùng đầu, trán, môi, mũi, mặt nâng giữ vật nặng, tạo thăng bằng và di chuyển theo các vũ điệu đặc trưng của múa bóng với điệu múa dâng bông và hát theo điệu Xây tá. Bóng nhấc tộ bông có cắm bông vạn thọ, trang, cúc đặt lên bàn tay trái, xoay người 3 lần rồi đặt tộ bông lên đầu để múa một cách ngẫu hứng theo điệu đàn, nhịp trống của dàn nhạc bóng. Các động tác múa ở đây hết sức uyển chuyển, mềm mại, khi nhanh, khi chậm sao cho lễ vật đội trên đầu không rơi xuống đất, các “bóng” vừa múa, vừa di chuyển đến bàn thờ Bà, để dâng bông cho chủ lễ đặt lên bàn thờ. Sau tiết mục múa dâng bông là các trò diễn dân gian, như: múa dâng lộc, múa bông huệ, múa ghế, múa khạp, múa dao, múa dâng rượu, trong đó một số trò diễn mang chất xiếc được cộng đồng rất tán thưởng. Buổi tối diễn ra lễ Đại Bội trước khi đoàn hát bội trình diễn các vở tuồng cổ. Lễ Đại Bội gồm 3 nghi tiết: nhứt thái, nhị nghi, tam hiền và gia quan tấn tước. Các nghi tiết diễn ra tượng trưng cho việc khai mở bốn cửa trời, sự hòa hợp trong vũ trụ để tạo ra vạn vật, mong muốn cuộc sống thần tiên, vui vẻ. Những ngày tiếp theo, người dân tiếp tục thực hiện các nghi lễ truyền thống, như: lễ Túc yết, lễ Đoàn cả, lễ Tạ thần. Bên cạnh đó, trò diễn dân gian hát bóng rỗi, múa bóng vẫn được trình diễn tại miếu Bà. Ngoài ra, trò diễn hát chặp Địa Nàng có sức cuốn hút người xem với nội dung hài hước thể hiện sự lạc quan, thông minh cũng như phản ánh thói hư, tật xấu của con người. Lễ hội vía Bà Ngũ hành phản ánh một khía cạnh đời sống tâm linh của cư dân trong vùng và thể hiện ước vọng về cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu. Lễ hội còn lưu giữ được nhiều trò diễn dân gian, góp phần bảo lưu nghệ thuật và các giá trị truyền thống của dân tộc, tạo nên sự cố kết cộng đồng. Lễ hội vía Bà Ngũ hành được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.
Lễ vía Ngũ Hành Nương Nương
Ngũ Hành Nương Nương
Lễ hội diễn ra từ chiều ngày mùng 1 tết và khai mạc vào ngày mùng 6 tết và kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch. Ngoài thời gian đó du khách chỉ có thể đến thăm chùa mà không thể tham gia vào các hoạt động văn hóa của lễ hội.
Lễ hội gồm có hai phần:Lễ hội Bái Đính hàng năm luôn thu hút đông đảo khách du lịch đến tham gia. Du khách đến đây không chỉ chiêm bái, dâng hương lễ Phật mà còn du xuân, vãn cảnh, chiêm ngưỡng cảnh sắc kỳ vĩ, hòa mình cùng không gian thiêng rộng lớn, thanh tịnh nơi cõi Phật.
Lễ hội Chùa Bái Đính
Lễ hội chùa Bái Đính là lễ hội hành hương về vùng đất cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình
Đền Trần (陳廟 - Trần Miếu) là một quần thể đền thờ tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10), là nơi thờ các vua Trần cùng các quan lại có công phù tá nhà Trần. Đền Trần được xây dựng từ năm 1695, trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ XV. Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán Chính nam môn (正南門 - cổng chính phía nam) và Trần Miếu (陳廟 - Miếu thờ nhà Trần). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiên Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch. Cả ba đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu.
Lễ hội Đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công của 14 vị vua Trần. Từ năm 2000, Nam Định tổ chức Lễ khai ấn đền Trần vào rạng sáng ngày 15 tháng giêng. Lúc đầu lệ khai ấn chỉ bó hẹp trong không gian làng Tức Mặc, dần trở thành lễ hội lớn. "Trần miếu tự điển" là chiếc ấn được dùng để đóng ấn dịp Lễ hội Đền Trần hiện nay. Ấn hình vuông, làm bằng gỗ, được chế tạo vào thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hai mặt Đông-Tây của viền ấn khắc hình hai con rồng, mặt Nam của viền ấn khắc chìm 4 chữ "Tích phúc vô cương." "Trần miếu tự điển" mang nội dung điển lệ, tục lệ thờ tự tại miếu nhà Trần, phạm vi, quy mô nhỏ hẹp là dòng họ Trần tại làng Tức Mặc.
Lễ hội Đền Trần
Lễ hội đền Trần
Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Lễ hội này là lễ hội truyền thống nổi tiếng của dân tộc Chăm ở tỉnh Khánh Hòa, đây là một lễ hội dân gian lớn nhất trong năm nhằm tưởng nhớ công lao giúp dân, đem lại những điều tốt lành và hạnh phúc cho mọi người của nữ thần Yang Po Inu Nagar. Ngoài những nghi lễ truyền thống, lễ hội cũng có nhiều hoạt động văn hóa phong phú như: Những điệu múa cổ truyền Chăm, triển lãm tranh ảnh liên quan to vương quốc Chăm, hát Chăm làm gốm cổ truyền của đồng bào Chăm và trình diễn nghề dệt thổ cẩm Chăm.
Lễ hội Tháp Bà Ponagar còn được gọi là lễ hội Thiên Yana Thánh mẫu hay Vía Bà, được tổ chức hàng năm từ 21 - 13/3 âm lịch. Lễ hội nhằm tưởng nhớ công đức của Thiên Yana Thánh Mẫu, người được cư dân Chăm pa gọi là Po Inư Nagar - người Mẹ của xứ sở. Theo lời kể, người này đã dạy cho cư dân địa phương cách thức trồng lúa, dệt vải, chăn nuôi, sinh sống… Lễ hội Tháp Bà Ponagar được nhiều du khách biết đến và đưa vào lịch trình đi du lịch Nha Trang. Lễ hội này thường được tổ chức tại quần thể di tích Tháp Bà Ponagar Nha Trang, là một quần thể kiến trúc Chămpa và là dấu ấn của vương quốc Chămpa cổ đến nền văn hóa của người Việt. Những bức tượng thần Shiva cưỡi Ngưu thần Nandin, các tượng linh vật, những nét trạm trổ, điêu khắc tinh xảo được xây dựng từ thế kỷ 13, đến nay vẫn được giữ nguyên vẹn, đặc trưng cho kiến trúc đặc sắc của văn hóa Chămpa.
Trong tâm thức cũng như đời sống và nền văn hóa bao đời nay của người Chăm pa, bà mẹ Xứ sở - nữ thần Po Inư Nagar có vai trò vô cùng quan trọng và là vị thần đầy quyền năng và sáng tạo. Đó là người phụ nữ duy nhất được tôn thờ độc lập. Mẹ xứ sở luôn luôn dẫn dắt để người dân Chăm pa có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Chính vì thế, người dân Chăm pa tôn thờ vị thần Po Inư Nagar này với hình thức tế lễ linh thiêng nhất. Mọi gia đình, làng xóm đều thờ vị thần này. Tháp Bà Ponagar lại là công trình kiến trúc lớn nhất được xây dựng chỉ để thờ Mẹ xứ sở.
Lễ hội tháp Bà Ponagar
Tháp Bà Yang Po Inu Nagar
Lịch sử Hội Lim được truyền miệng lại với rất nhiều phiên bản khác nhau. Có quan niệm cho rằng: Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi, Mỵ Nương. Lễ hội diễn ra vào ngày 13 tháng giêng trùng với hội chùa Lim. Hội Lim mở đầu bằng lễ rước với đông đảo người dân tham gia, sặc sỡ sắc màu, vô cùng cầu kì, và vô cùng đẹp mắt. Trong ngày lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian đặc sắc như tục hát thờ hậu. Toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của làng xã phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để có thể tế lễ hậu thần. Khi tế liền anh, liền chị sẽ thực hiên nghi thức hát quan họ để ca ngợi công lao của thần. Lễ hội diễn ra khắp các làng xã trong tổng Nội Duệ và núi Hồng Vân là trung tâm, với nghi thức tế lễ rước xách nghiêm trang, hùng dũng và nhiều trò vui, độc đáo, hấp dẫn nhất như đánh cờ người, thi làm cỗ và đón bạn, ca hát Quan họ, tổ tôm điếm, thi dệt vải.
Hội Lim bắt đầu bằng một lễ rước. Thành phần đoàn rước là những người dân được mặc bộ lễ phục thời xưa với màu sắc sặc sỡ. Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội. Truyền thống xa xưa để lại một phong tục cuốn hút và say mê đặc biệt mà chỉ Bắc Ninh mới có, đó là các sinh hoạt văn hóa hát dân ca Quan họ là loại hình dân ca đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc. Hát dân ca Quan họ diễn ra từ ngày 12 tháng Giêng tại Lim (sân chùa Hồng Ân và các trại Quan họ) và khắp tại các chùa, đình. Hội hát Quan họ Bắc Ninh diễn ra ở bất cứ nơi đâu: trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền thúng giữa ao, hồ dấu tích xưa của dòng Tiêu Tương đã một thời vang vọng tiếng hát Trương Chi làm say đắm nàng Mỵ Nương xinh đẹp. Chỉ cần nơi đó có các liền anh, liền chị.
Hội Lim là một lễ hội truyền thống chắc chắn những người yêu thích du lịch hay cả những người yêu nét đẹp văn hóa dân tộc cũng nên trải nghiệm. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… Như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật. Cách các ông, các bà tổ chức hội Lim cũng thật đặc biêt, mỗi biểu tượng, cử chỉ như mang trong mình thứ gì đó tinh tế lạ thường của ngừoi kinh Bắc. Bởi vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà Quan họ trở thành văn hóa phi vật thể, nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Hội Lim
Hội Lim
Lễ Vu lan thắng hội hay còn được nhiều người biết đến với tên gọi khác là lễ hội chùa ông Bổn được tổ chức hàng năm vào ngày 27 và 28 tháng 7 âm lịch tại khóm 1, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Đây là một nét văn hóa đặc trưng từ hàng trăm năm nay của người người Triều Châu đến Trà Vinh sinh cơ lập nghiệp, lễ cúng cô hồn một lễ hội dân gian tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh. Ông Bổn, hay còn gọi là Bổn Đầu công tên thật là Trịnh Tu Hòa, vốn là quan thái giám được hoàng đế nhà Minh cử đi sứ nhằm thương thuyết với triều đình các nước Đông Nam Á tạo điều kiện dễ dàng cho người Hoa di cư làm ăn sinh sống. Sau khi ông mất, vua nhà Minh ban sắc phong thần và Hoa kiều các nước Đông Nam Á xem ông là vị phúc thần cai quản về an cư lạc nghiệp. Truyền thuyết là vậy nhưng Ông Bổn mà đồng bào người Hoa Cầu Kè tôn thờ lại là bốn anh em kết nghĩa, tương truyền có công đưa thế hệ Triều Châu đầu tiên di cư đến vùng đất ven sông Hậu này và khi mất đều hiển thánh. Trong đó, Minh Ðức Cung (Chùa Giồng Lớn, xã Hòa Ân) thờ ông Nhứt; Vạn Ứng Phong Cung (Chùa Giữa, xã Hòa Ân) thờ ông Nhì, Vạn Niên Phong Cung (Chùa Chợ, thị trấn Cầu Kè) thờ ông Ba và Niên Phong Cung (Chùa Cây Sanh, xã Tam Ngãi) thờ ông Tư. Ngoài ra, trên địa bàn Cầu Kè còn có hai ngôi chùa thờ Ông Bổn nữa là Vạn Đức Phong Cung (Tam Ngãi) và Thiên Đức Cung (Hòa Ân) cùng một số ngôi chùa cùng loại rải rác các huyện trong tỉnh. Lễ hội Cúng Ông Bổn đều được tiến hành vào mùa Vu lan và do có đến 6 ngôi chùa nên lễ hội Cúng Ông Bổn gần như diễn ra trong cả tháng Bảy âm lịch. Trong đó, Vạn Niên Phong Cung với lợi thế nằm ở trung tâm thị trấn, giao thông thủy bộ thuận tiện, đời sống người dân sung túc nên được chọn là lễ hội chính.
Vào ngày diễn ra lễ hội cũng là thời điểm diễn ra nhiều nghi lễ trang trọng và độc đáo như lễ rước Phật, thần ở các đình, chùa vùng phụ cận về Vạn Niên Phong Cung, Thỉnh kinh - diễn lại câu chuyện thỉnh kinh của thầy trò Đường Tam Tạng, lễ khai kinh, Đăng đàn thí thực, cầu quốc thái dân an... Mục đích của lễ hội là báo hiếu và cầu an, thu hút hàng chục nghìn người tham dự, phản ánh nét hỗn dung tín ngưỡng độc đáo của các dân tộc tại trà Vinh là Kinh, Khmer và Hoa. Ngày 26/7 âm lịch có 5 lễ thức chính là lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn, lễ Thỉnh thùng bổn mạng, lễ Tế Tiên hiền - Hậu hiền, lễ Cầu siêu, lễ Giương phan. Trong đó, lễ Thuyết khoa nghinh cô hồn được tiến hành vào lúc rạng sáng là lễ thức chính của mùa Vu lan báo hiếu. Lễ Giương phan được tiến hành vào buổi chiều, với hai cây phan được giương cao giữa khuôn viên Vạn Niên Phong cung, hàm ý các cô hồn chưa siêu thoát tề tựu sẽ được che chở của chư Phật và chư Thần Thánh. Ngày 27/7 âm lịch có 2 lễ thức chính là Lễ Cúng ngọ và Lễ Cầu siêu xà mã. Trong hai lễ thức này, chư tăng ni, hòa thượng lập trai đàn, tiếp tục đọc kinh cầu siêu để các cô hồn đói khát vất vưỡng quanh năm được một ngày no đủ, yên tâm nghe kinh mà sớm siêu thăng về miền tịnh độ. Ngày 28/7 âm lịch diễn ra 4 lễ thức chính là Lễ Bái xám - Hoàn kinh - Xá hạc, lễ Thỉnh tượng ngoại đàn, ễ Phóng đăng - Phóng sinh và Lễ Chiêu u cô hồn - Đăng đàn thí thực. Tín ngưỡng thờ Ông Bổn của người Hoa Cầu Kè, Trà Vinh khá tương đồng với tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng bổn cảnh của người Việt. Trong bối cảnh tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa Cầu Kè luôn được đặt lên hàng đầu thì tín ngưỡng thờ Ông Bổn và lễ hội Cúng Ông Bổn đã có sự giao lưu, tiếp biến một cách hài hòa nhiều sắc thái tín ngưỡng - tôn giáo khác như Phật giáo, tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Neakta… Qua lễ hội này, khối đại đoàn kết toàn dân tộc Cầu Kè càng được củng cố, tăng cường. Tín ngưỡng thờ Ông Bổn và Vu lan thắng hội tại Vạn Niên Phong cung là một địa chỉ du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của vùng đất Cầu Kè trong hơn 100 năm qua. Song song với lễ hội này, trên địa bàn Cầu Kè còn nhiều địa chỉ có tiềm năng để hình thành một chuỗi du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh liên hoàn bao gồm Khu Tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), cù lao Tân Qui, nhà cổ và khu mộ cổ Huyện hàm Huỳnh Kỳ… cùng nhiều loại trái cây đặc sản như dừa sáp, măng cụt, chôm chôm, chuối táo quạ… đang chờ du khách khám phá, thưởng thức. Đến với Cầu Kè vào dịp này du khách không chỉ được nhìn thấy và hiểu hơn về một lễ hội độc đáo của cộng đồng tôn giáo Vạn Niên Phong Cung mà còn có cơ hội thưởng thức đặc sản nổi tiếng của Trà Vinh như bún nước lèo, dừa sáp, chuối táo quạ, phá lấu của cải...
Lễ vu lan thắng hội
Lễ Vu lan thắng hội
Lễ cúng biển ở Mỹ Long ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013. Đây là một lễ hội có gần 300 năm tuổi, là một lễ hội truyền thống độc đáo với nhiều nghi thức đặc sắc gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, phong tục tập quán của cư dân vùng đất Mỹ Long - Cầu Ngang. Hàng năm, lễ hội thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch từ mọi nơi trên đất nước về đây tham dự. Lễ hội cúng biển Mỹ Long ở Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013. Năm nay, Lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh, gắn với Tuần lễ Hội chợ Thương mại, ẩm thực nhằm kích cầu các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Trà Vinh sau dịch bệnh COVID-19. Đây là dịp để các nhà đầu tư đến với tỉnh Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Ngang nói riêng để tìm hiểu, đầu tư khai thác, phát triển các dự án kinh tế, đặc biệt là phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế biển.
Lễ hội còn được gọi là lễ hội nghinh Ông bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 12 tháng 5 âm lịch, bao gồm nhiều nghi thức như: Giỗ Tiền Chức, Nghinh Nam Hải, Tế Thần Nông và chiến sĩ trận vong, Chánh tế Chúa Xứ - bóng rỗi, Nghinh ngũ phương và Tống tàu. Lễ hội cúng biển Mỹ Long từ lâu đã được xem là một trong những lễ hội quan trọng diễn ra hàng năm ở Trà Vinh. Cứ vào dịp lễ hội (từ 10- 12 tháng 5), ngư dân lại tưng bừng tổ chức lễ hội Nghinh Ông hay còn gọi là lễ cúng biển. Theo những người lớn tuổi trong xã kể lại, Lễ hội này đã được tổ chức lần đầu tiên từ năm 1917 nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân trong vùng tạ ơn biển cả đã đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho người dân làng. Cùng với việc cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, lễ hội còn mang tính chất tạ ơn cá voi (cá Ông) mà ngư dân thường gọi là ông Nam Hải. Đối với người đi biển, cá Ông là vị cứu tinh của họ. Nhiều câu chuyện kể về các ngư dân đi biển gặp bão, lúc thuyền sắp chìm đã được cá Ông cứu đưa vào bờ hoặc bảo vệ không cho cá mập ăn thịt... Các lão ngư dân Mỹ Long kể: Ngày xưa cá mập ở Mỹ Long nhiều lắm, ngư dân ra khơi bằng tàu buồm, khi bị bão tố thường bị chìm, nhiều người không may bị cá mập ăn thịt nên từ đó vào giữa mùa biển ngư dân tổ chức cúng biển để trả lễ. Lúc đầu, ngư dân cúng ở mé biển, đến năm 1922 mới cất miếu Bà Chúa Xứ để thờ. Lễ cúng biển được chia ra làm 6 phần chính gồm: Đi nghinh Nam Hải bằng ghe biển; Giỗ tiền chức; Chánh tế; Chánh tế Bà Chúa; Đi nghinh ngũ phương; Tống tàu ra khơi.
Lễ hội không chỉ là điểm tựa tinh thần của người dân mà còn là dịp để mọi người vui chơi giải trí, giao lưu cộng cảm và trao truyền đạo lý, tình cảm, bày tỏ mong muốn vụ mùa bội thu, đầy ắp cá tôm và phúc lộc thọ cho mọi nhà. Lễ hội cúng biển Mỹ Long góp phần tạo nên một đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người dân trên mảnh đất Trà Vinh, mang đậm chất dân gian nhưng cũng là một nhu cầu thiết yếu trong đời sống của tất cả mọi người. Với các nghi thức mang đậm nét truyền thống dân tộc, Lễ hội cúng biển Mỹ Long đã trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân dịa phương và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham dự... Cùng với các nghi thức được tiến hành theo truyền thống, lễ cúng biển Mỹ Long ngày nay còn có nhiều trò chơi phục vụ nhu cầu giải trí của ngư dân như đi cà kheo, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao... tạo nên không khí vui tươi những ngày lễ hội.
Lễ hội cúng Biển
Lễ hội Cúng Biển
Để tưởng nhớ công đức của Ngài Gióng tại chân núi Sóc, nơi Thánh Gióng dừng ngựa trước khi bay về trời, nhân dân trong vùng đã lập đền thờ và mở hội hàng năm từ ngày mồng 6 đến ngày mồng 8 tháng giêng Âm lịch. Quần thể khu di tích đền Sóc, thuộc thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. bao gồm 6 công trình: Đền Hạ (tức đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (tức đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: Lễ mộc dục; lễ rước; lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa…
Hội Gióng đền Sóc Sơn là một lễ hội lớn hàng năm với sự tham gia của nhiều làng lân cận trong vùng và được người dân chuẩn bị chu đáo từ rất sớm. Ngay từ khoảng 2-3 tuần trước ngày khai hội, những thôn tham gia lễ hội đã bắt đầu rục rịch các công việc chuẩn bị. Theo như nội dung được ghi trên mặt bia số 6 của bia 8 mặt thì sự phân công rước các lễ vật trong lễ hội của các làng được phân bổ theo thứ tự: Thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) rước giỏ hoa tre, thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược) rước voi, thôn Đan Tảo (xã Tân Minh) rước trầu cau, Thôn Đức Hậu (xã Đức Hoà) rước ngà voi, Thôn Yên Sào (xã Xuân Giang) rước cỏ voi, Thôn Yên Tàng (xã Bắc Phú) rước tướng.
Ngày nay trong lễ hội đền Sóc còn có thêm biểu tượng rước ngựa Gióng của thôn Phù Mã (xã Phù Linh) và rước cầu húc của thôn Xuân Dục (xã Tân Minh). Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hoá theo truyền thuyết. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có lễ khai quang tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Sóc (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Thánh Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc là Thạch Linh.
Nghi thức cuối của lễ hội là lễ hóa các mô hình voi và ngựa giấy với kích thước lớn (voi chiến và ngựa sắt là hai linh vật gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng chống giặc Ân, bảo vệ non sông bờ cõi). Du khách thập phương đến tham gia lễ hội ai ai cũng đều mong được chung tay khiêng voi, khiêng ngựa ra bờ sông để hóa, bởi theo tín ngưỡng, bất cứ ai được chạm tay vào đồ tế Đức Thánh đều sẽ gặp may mắn trong cuộc sống. Trong tâm thức dân gian Thánh Gióng là một trong bốn hình tượng tứ bất tử của Việt Nam. Được suy tôn như biểu tượng của sự trường tồn, bất diệt của dân tộc, đất nước từ thuở xa xưa cho tới ngày nay. Với những giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và lưu truyền khá nguyên vẹn qua nhiều thế hệ thông qua hình thức những đám rước, các hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, diễn xướng dân gian, múa hát ải lao, múa hổ. Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2003.
Đền Sóc Sơn nơi thờ Thánh Gióng
Hội Gióng đền Sóc Sơn
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" sau khi Hai Bà Trưng tạ thế nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước (riêng huyện Mê Linh có 25 di tích ở 13 xã). Trong đó đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh là có ý nghĩa quan trọng nhất bởi ở đây không chỉ là nơi lưu lại dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng thời thơ ấu, lúc bình sinh, mà còn là nơi lưu niệm về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc hồi đầu Công nguyên.
Lễ hội được tổ chức hàng năm là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng nhằm tôn vinh công đức của hai vị nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Ở Đồng Nhân là lễ rước nước và múa đèn, ở Hát Môn là dâng cúng 100 chiếc bánh trôi, tượng trưng cho Mẹ Âu Cơ sinh ra trăm con Lạc Hồng; còn ở Hạ Lôi, Mê Linh, nơi Hai Bà phất cờ khởi nghĩa và đóng đô, nét độc đáo nhất của lễ hội là lễ giao kiệu. Hội được tổ chức từ mồng 6 đến mồng 10 tháng Giêng. Trước đó từ mồng 4 tháng giêng, dân làng đã làm lễ mộc dục, thay bao sái tượng Vua Bà chứ không theo lệ thường ra sông múc nước về tắm tượng Thánh. Sau đó ngày mồng 4 và 5 làng Hạ Lôi tổ chức lễ tế Hai Bà ở đình làng cùng với Thành hoàng làng là 4 vị tướng, 4 anh em ruột Đô, Hồ, Bạch, Hạc đã phù Thánh Tản Viên dựng lại nghiệp đế họ Hùng. Trong tâm thức người Việt, hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân xung trận, đánh tan quan quân nhà Hán giành độc lập cho dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị phong kiến nước ngoài đô hộ là một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sử sách đã hết lời ca tụng Hai Bà.
Trong lễ rước hai Vua Bà từ Đền về Đình gồm: 2 cỗ voi, 2 cỗ ngựa, đội thanh nữ mặc áo trắng khênh kiệu, đội nữ binh hộ giá mặc áo nâu, quấn xà cạp, vác gươm, hai đội nữ rước hai kiệu, đội mệnh bái mặc áo tế xanh có triện, đội nhạc công, xinh tiền, đội vác cờ súy, gươm trường, bát bửu, tán, lọng...cùng với người dân địa phương, hàng nghìn du khách trong, ngoài nước đã về đây tụ hội, dâng hương tưởng nhớ công lao chống giặc giữ nước của Hai Bà. Nét độc đáo nhất trong lễ rước kiệu Hai Bà ở Hạ Lôi, khác hẳn Hát Môn và Đồng Nhân, chính là nghi thức giao kiệu: Bắt đầu lễ rước kiệu, từ Đền ra, kiệu Trưng Trắc đi trước. Ra đến đường kéo quân để về đình làng, thì kiệu Trưng Trắc né sang để kiệu Trưng Nhị đi trước. Đến cổng đình, kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau. Hai bên nghênh đón hai Vua Bà, với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng. Trong đám rước tưng bừng, rộn rã tiếng chiêng, trống của phường bát âm, hai bên nam nữ hát đối, tương truyền bài hát có từ thời Hai Bà Trưng, cổ vũ quân sĩ đánh giặc. Cuộc tế lễ trang trọng diễn ra tại đình làng Hạ Lôi. Sáng mồng 6, vào chính hội, dân làng tiễn Hai Bà về kinh đô lên Đền. Và thứ tự rước kiệu ngược lại so với hôm về đình làng: Kiệu Thành hoàng và tướng Cốt Tung đứng hai bên sân bái Hai Bà về kinh, kiệu chị đi trước kiệu em; sau 2 lần giao kiệu ở cổng đình và đường kéo quân đến cổng Đền thì kiệu em né sang phải để kiệu chị lên trước vào Đền. Trong không khí linh thiêng của lễ hội, vị chủ tế trang trọng đọc lời thề của Hai Bà: “Thiếp là Trưng nữ dấy binh dẹp giặc, che chở dân lành, thu phục lại muôn vật cũ của tổ tông, không phụ ý trời, thỏa nguyện nơi đền miếu của bậc đế vương các đời, không phụ sự trông đợi của tổ phụ nơi chín suối”. Từ mồng 7 đến mồng 10 tháng giêng, là lễ viếng lục bộ nữ tướng, cầu phúc, yến hạ - khao quân, tạ lễ. Nhân dân Mê Linh và khách thập phương về dự lễ hội, hái lộc cầu may. Các trò chơi dân gian (đánh đu, đánh cờ người, cờ tướng, chọi gà, đấu vật) diễn ra náo nhiệt trong tiếng trống rộn rã. Ngày nay, quần thể di tích lịch sử quốc gia Đền Hai Bà Trưng cơ bản đã hoàn thành. Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích lịch sử văn hoá linh thiêng không chỉ của người dân Mê Linh mà còn với người dân cả nước. Đây là minh chứng cho tinh thần yêu nước, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Lễ hội là hoạt động tưởng nhớ công ơn Hai Bà, cũng là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Người Việt Nam xem Hai Bà là anh hùng của dân tộc nên đã lập đền thờ ở nhiều nơi.
Hai Bà Trưng
Mỗi lễ hội truyền thống là một cơ hội để người dân Việt trở về với cội nguồn, giáo dục thế hệ trẻ cách sống có đạo lý, góp phần bồi đắp những truyền thống văn hóa tốt đẹp. Cũng như thể hiện sự đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên các yếu tố kết nối cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/cac-le-hoi-van-hoa-o-viet-nam-a19144.html