Con đường nào được trồng nhiều Hoa phượng nhất?
Tuyến đường Phạm Văn Đồng là trục đường chính nối liền từ cầu Rào xuống Đồ Sơn với chiều dài 20 km. Được mệnh danh là con đường trồng nhiều Hoa Phượng nhất, đẹp nhất của Hải Phòng với tổng số 3.599 cây. Hai bên đường còn được trồng đan xen một số loại cây khác như Long Não 1045 cây, Bằng lăng 746 cây, Săng lẻ 861 cây.
Màu hoa phượng đỏ đã làm nên một bức tranh thơ mộng đối với người dân TP Cảng. Không phải vô cớ mà ở nước ta, khi nhắc đến Hải Phòng người ta thường nhắc đến tên Hoa Phượng đỏ. Bởi từ lâu Hoa Phượng đỏ đã ghi tạc vào tâm hồn người Hải Phòng đi vào thơ ca tạo ấn tượng vô cùng đẹp đẽ.
Hoa phượng được người Hải Phòng gọi tắt là cây ba giăng (có thể hiểu “giăng” chính là “trăng”). Ba giăng ở đây là 3 mùa trăng (3 tháng). Loại cây này thường nở trong 3 tháng mùa hè (tháng 5, 6, 7) nên người ta còn gọi cây phượng là cây ba giăng. Thường thì người ta gọi nó là cây phượng vĩ bởi hoa của nó màu đỏ rực rỡ, nở xòe 5 cánh giống như đuôi chim phượng. Giờ đây, mỗi khi hè về, trùng với ngày kỷ niệm Hải Phòng giải phóng (13/5/1955) khắp các con phố của thành phố Cảng lại bừng nở sắc đỏ của Hoa phượng.
Bài hát quen thuộc gắn liền với TP Hải Phòng là bài hát nào?
Có lẽ ít người Hải Phòng nào lại không biết bài hát “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” của nhạc sĩ Lương Vĩnh (phổ thơ Hải Như):
"Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ
Ơi Hải Phòng thành phố quê hương
Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất/ Những hẹn hò bên bờ sông Lấp
Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm
Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên/Những cái tên nghe chẳng thơ đâu/Nhưng với ta vô cùng oanh liệt…”
Nó khắc họa tình yêu quê hương và nhịp sống hối hả của một thành phố công nghiệp cùng những địa danh thân thiết, niềm tự hào của người Hải Phòng về những chiến công cách mạng
Đi giữa thành phố Cảng rực rỡ hoa phượng đỏ trong những ngày cả nước sôi động cùng miền Nam đánh Mỹ, Hải Như xuất thần viết lên bài thơ “Thành phố Hoa phượng đỏ”. Hồi ấy, sự phân biệt trong quan niệm văn nghệ địa phương và văn nghệ Trung ương là rất lớn. Muốn phá bỏ khoảng cách đó, Hải Như nhờ Hội Âm nhạc Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin thành phố Hải Phòng mời một nhạc sĩ địa phương chưa mấy tên tuổi cộng tác với mình để phổ nhạc cho lời thơ. Được Hội và Sở giới thiệu, ông yên tâm giao bài thơ của mình cho nhạc sĩ Lương Vĩnh, một nhạc sĩ thuộc Đoàn Ca-Múa-Nhạc Trung ương đang đi thực tế sáng tác ở Hải Phòng. Và 3 tháng sau, bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” đã được hát thử lần đầu tiên tại trụ sở Đoàn Ca múa Hải Phòng ở Phố Ga (nay là phố Lương Khánh Thiện). Người hát là Lương Vĩnh với cây ghi-ta gỗ, khán giả là nhà thơ Hải Như, nhạc sĩ Lê Yên và chị Ngọc - diễn viên múa, vợ nhạc sĩ Lương Vĩnh. Ca sĩ Hoàng Thái (Đoàn Ca múa Hải Phòng) là người đầu tiên chính thức hát bài này trên sân khấu Hải Phòng đã gây xúc động lòng người. Và vào một chiều mùa hè năm 1971, nghệ sĩ Kiều Hưng lần đầu tiên hát bài này trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam và bài hát lập tức được đông đảo công chúng cả nước yêu thích. Hơn 50 năm đã qua, bài hát Thành phố Hoa phượng đỏ vang lên vẫn tràn đầy sức sống, tình yêu và niềm lạc quan cách mạng của những người thợ, người chiến sĩ trong cuộc đấu tranh chống xâm lược Mỹ.
Hoa Phượng đỏ, dần trở thành biểu tượng tự hào của người dân Hải Phòng trong ấn tượng và tình yêu của người dân nơi đây, cho nên:
Cây Phượng vĩ là một loài thực vật có hoa thuộc họ đậu, sống ở vùng cận nhiệt đới gió mùa. Cây phượng vĩ có thể sống ở nhiều vùng thổ nhưỡng khác nhau, kể cả ở nơi đất bạc màu và không dễ bị quật ngã bởi bão tố, phong ba do nó thuộc cây thân mộc, có thể cao lớn nhất đến 20 mét, tán lá xòe rộng như những chiếc dù lớn, rễ phượng vĩ cũng rất chắc khỏe nên có thể bám chặt vào đất, hứng chịu những phong ba bão táp. Người Hải Phòng được ví như cây phượng vĩ, có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh sống và luôn kiên cường đương đầu với thử thách, phong ba, xứng đáng với 4 chữ vàng mà Hồ Chủ Tịch từng phong tặng “Trung dũng - Quyết thắng”.
Năm 2012, sau khi tổ chức thành công Lễ hội Hoa Phượng đỏ lần thứ nhất, TP có chủ trương chọn một loài hoa làm biểu tượng của Hải Phòng. Ngành văn hóa-Thể thao-Du lịch đã xây dựng Đề án trình TP. Tuy nhiên, việc chọn biểu trưng hoa rất khó, bởi hoa phải đáp ứng nhiều tiêu chí và phải là loài hoa tiêu biểu, được đông đảo nhân dân thành phố yêu thích… Rất nhiều hoa có tính đặc trưng của Hải Phòng được Ban soạn thảo Đề án đưa ra và trưng cầu ý kiến của các cơ quan, ban, ngành liên quan và người dân. 15.000 phiếu thăm dò ý kiến đã được chuyển đi khắp nơi, và kết quả là có tới 97% số phiếu chọn Hoa Phượng đỏ là biểu trưng hoa của TP.
Hàng năm cứ vào dịp 13/5, Hải Phòng lại tổ chức Lễ hội Hoa Phượng đỏ như nhắc nhớ người dân TP Cảng không thể quên tên gọi của một thành phố rất đỗi thân quen và gần gũi “ TP Hoa Phượng đỏ”.
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/hoa-phuong-do-hai-phong-a19119.html