Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Türkiye Cumhuriyeti), tên chính thức Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ, là một nước nằm trên cả lục địa Âu-Á phần lãnh thổ chính tại bán đảo Anatolia phía Tây Nam châu Á, một phần nhỏ diện tích ở vùng Balkan phía Đông Nam châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ có chung biên giới với: Bulgaria ở phía tây bắc; Hy Lạp phía tây; Gruzia, Armenia và phần Nakhichevan của Azerbaijan ở phía đông bắc; Iran phía đông; Iraq và Syria phía đông nam. Ngoài ra, nước này còn có biên giới với Biển Đen ở phía bắc; Biển Aegae và Biển Marmara phía tây; Địa Trung Hải phía nam.
Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ là một nước cộng hoà dân chủ, theo hiến pháp phi tôn giáo. Hệ thống chính trị của họ đã được thành lập từ năm 1923. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Liên Hiệp Quốc, NATO, OSCE, OECD, OIC, Cộng đồng châu Âu và đang đàm phán đề gia nhập Liên minh châu Âu. Vì có vị trí chiến lược ở giữa châu Âu và châu Á và giữa ba biển, Thổ Nhĩ Kỳ từng là ngã tư đường giữa các trung tâm kinh tế, và là nơi phát sinh cũng như nơi xảy ra các trận chiến giữa các nền văn minh lớn.
Vì có vị trí chiến lược ở điểm giao cắt giữa châu Á và châu Âu, Anatolia từng là cái nôi của nhiều nền văn minh từ thời tiền sử, những khu định cư thời đồ đá mới như Çatalhöyük (Pottery Neolithic), Çayönü (Pre-Pottery Neolithic A cho tới Pottery Neolithic), Nevali Cori (Pre-Pottery Neolithic B), Hacilar (Pottery Neolithic), Göbekli Tepe (Pre-Pottery Neolithic A) và Mersin.
Việc định cư ở Troia đã bắt đầu từ thời đồ đá mới và kéo dài tới Thời đồ sắt. Trong những bản ghi chép lịch sử, người Anatolia đã sử dụng các ngôn ngữ Ấn-Âu, Semitic và Kartvelian cũng như nhiều loại ngôn ngữ nhánh chưa được xác định chính xác khác.
Trên thực tế, vì sự lâu đời của các ngôn ngữ Hittite và Luwian trong hệ Ấn-Âu, một số học giả đã cho rằng Anatolia có thể là một trung tâm, từ đó các ngôn ngữ Ấn-Âu phát triển rộng ra xung quanh. Các tác giả khác lại cho rằng người Etruscan ở Ý cổ có nguồn gốc từ Anatolia.
Và những dân tộc đã định cư hay đã chinh phục Anatolia gồm người Phrygia, người Hittite, người Lydia, người Lycia, người Mushki, người Kurds, người Cimmeria, người Armenia, người Ba Tư, người Tabal, người Hy Lạp.
Người Turk đã chinh phục Anatolia ở thời nhà Seljuk trong Trận Manzikert và sự trỗi dậy của Đế chế Đại Seljuk trong thế kỷ 11 chấm dứt cùng với sự lớn mạnh của Đế chế Ottoman. Trong suốt 2 thế kỷ 16 và thế kỷ 17, ở đỉnh cao quyền lực của mình, Đế chế Ottoman chiếm cả Anatolia, Bắc Phi, Trung Đông, đông nam và Đông Âu cùng Caucasus.
Sau nhiều năm suy tàn, Đế chế Ottoman tham gia Thế chiến thứ nhất với tư cách đồng minh của Đức năm 1914, hoàn toàn bị đánh bại và bị chiếm đóng. Các cường quốc phương Tây tìm cách chia nhỏ đế chế này thông qua Hiệp ước về Cách đối xử (xem Sự trỗi dậy của Chủ nghĩa quốc gia thời Đế chế Ottoman). Với sự hỗ trợ của Đồng Minh, Hy Lạp chiếm İzmir theo quy định trong Hiệp ước.
Ngày 19 tháng 5 năm 1919 sự kiện này đã thúc đẩy sự hình thành một phong trào quốc gia dưới sự lãnh đạo của Mustafa Kemal Pasha, một chỉ huy quân sự, người đã trở nên nổi tiếng từ Chiến dịch Gallipoli. Kemal Pasha tìm cách huỷ bỏ các điều khoản trong hiệp ước do vua Mehmed VI đã ký tại Istanbul, hành động này đã huy động được mọi thành phần hưởng ứng trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cái sẽ trở thành Chiến tranh giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Kurtuluş Savaşı).
Tới ngày 18 tháng 12 năm 1922 quân đội chiếm đóng phải rút lui và đất nước được giải phóng. Ngày 1 tháng 11 năm 1922 Đại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bãi bỏ chức danh vua Thổ, và cũng chấm dứt luôn 631 năm cai trị Ottoman.
Năm 1923 Hiệp ước Lausanne công nhận chủ quyền của nước Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ mới, Kemal được Quốc Hội trao tên tôn kính Atatürk (nghĩa “Cha của người Thổ”) và sẽ trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà. Atatürk tiến hành nhiều cuộc cải cách sâu rộng với mục tiêu hiện đại hoá đất nước và loại bỏ những tàn tích cũ từ quá khứ Ottoman.
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia Thế chiến thứ hai cùng với Đồng Minh ở giai đoạn cuối của cuộc chiến và trở thành một thành viên Liên Hiệp Quốc. Những khó khăn mà Hy Lạp phải đối đầu trong việc dẹp yên một cuộc nổi dậy cộng sản và yêu cầu của Liên bang Xô viết về việc thành lập các căn cứ quân sự ở Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ khiến Hoa Kỳ phải tuyên bố Học thuyết Truman năm 1947.
Học thuyết này đề ra các mục tiêu của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp và tiếp sau đó là viện trợ kinh tế cũng như quân sự ở mức độ lớn của Hoa Kỳ cho hai nước.
Sau khi tham gia với các lực lượng Liên Hiệp Quốc tại cuộc xung đột Triều Tiên, năm Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Tổ chức hiệp ước bắc Đại Tây Dương (NATO). Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp và tấn công quân sự vào Síp tháng 7 năm 1974 để trả đũa một cuộc đảo chính do EOKA-B của Hy Lạp tiến hành. Nền độc lập trên thực tế của Bắc Síp không được bất kỳ một nước nào chính thức công nhận trừ chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Giai đoạn thập niên 1970 và 1980 được đánh dấu bởi sự bất ổn và thay đổi chính trị nhanh chóng, nhưng cũng có những giai đoạn phát triển kinh tế. Một loạt những cú sốc kinh tế dẫn tới một cuộc tuyển cử mới năm 2002, khiến Đảng Công lý và Phát triển bảo thủ do cựu thị trưởng Istanbul, Recep Tayyip Erdoğan lãnh đạo lên nắm quyền lực.
Tháng 10 năm 2005, Liên minh châu Âu bắt đầu các cuộc đàm phán về việc gia nhập với Ankara và vì thế Thổ Nhĩ Kỳ hiện là một ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu.
Chính trị Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên hệ thống cộng hoà nghị viện đại diện dân chủ phi tôn giáo, theo đó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ là lãnh đạo chính phủ, và một hệ thống đa đảng. Quyền hành pháp thuộc về chính phủ. Quyền lập pháp thuộc cả chính phủ và Đại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Tư pháp độc lập với hành pháp và lập pháp.
Các mối quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự chính của Thổ Nhĩ Kỳ là với phương Tây và Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang trong quá trình gia nhập Liên minh Châu Âu, và họ đã ký kết thỏa thuận liên kết với khối này từ năm 1964, cũng như Liên minh Thuế quan từ năm 1996. Một trở ngại chính ngăn cản tham vọng gia nhập EU của họ là vấn đề Síp, một thành viên của EU mà Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận, nhưng họ lại ủng hộ “nước” Cộng hòa bắc Síp Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế.
Ankara đã nhiều lần bị hối thúc phải mở cửa các cảng của mình và công nhận Cộng hòa Síp nếu không sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong đàm phán. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ một thỏa thuận hòa bình năm 2004 do Liên hiệp quốc bảo trợ nhưng bị người Síp Hy Lạp phản đối, còn người Síp Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, vì thế phần Síp Hy Lạp đã được trao tư cách thành viên.
Chính quyền Síp Hy Lạp đe dọa dùng quyền phủ quyết của họ nếu Ankara không đáp ứng các yêu cầu của EU, dù việc này đã bị coi là một hành động khó có thể xảy ra và có thể dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ sáp nhập phần phía bắc đảo Síp với đa số dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, ủng hộ nước này trong cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11 tháng 9. Tuy nhiên, chiến tranh Iraq đã gây ra nhiều phản ứng mạnh mẽ trong nước và vì thế nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã phải bỏ phiếu chống lại việc cho phép quân đội Mỹ tấn công Iraq từ Thổ Nhĩ Kỳ. Việc này đã dẫn tới một giai đoạn lạnh nhạt trong quan hệ hai nước, nhưng lại nhanh chóng qua đi cùng với những viện trợ gián tiếp về nhân đạo quân sự và các biện pháp ngoại giao.
Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt lo ngại về sự nổi lên của một nhà nước của người Kurd sau khi Mỹ tấn công Iraq. Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành một cuộc chiến chống lại cuộc nổi dậy của PKK, một nhóm du kích người Kurd đòi thành lập một quốc gia độc lập của người Kurd, cuộc chiến đã khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.
Vì thế Ankara đã gây áp lực với Mỹ kiểm soát chặt chẽ các trại huấn luyện du kích ở phía bắc Iraq, dù Mỹ tỏ ra khá miễn cưỡng vì ở đây vẫn yên ổn hơn miền bắc Iraq. Vì thế Thổ Nhĩ Kỳ phải cân bằng các áp lực trong nước bằng cách cam kết sát cánh với đồng minh mạnh nhất của mình.
Các quan hệ với nước Hy Lạp láng giềng vốn đã căng thẳng từ trong quá khứ, và nhiều lần đã cận kề tình trạng chiến tranh. Síp và những tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển Êgê (Aegean) vẫn là điểm bất đồng chính giữa hai nước. Síp tiếp tục bị chia thành Síp Hy Lạp phía nam và Síp Thổ Nhĩ Kỳ phía bắc, và các nỗ lực nhằm thống nhất hòn đảo này dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc vẫn chưa mang lại thành công.
Vùng biển Êgê, có tầm quan trọng chiến lược đối với tàu bè Thổ Nhĩ Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không chấp nhận 12 hải lý lãnh hải bao quanh hòn đảo. Dù sao những tranh chấp lịch sử giữa hai đối thủ cũng đã có phần giảm nhẹ, sau cuộc động đất có mức độ tàn phá lớn năm 1999 tại Thổ Nhĩ Kỳ, và sự giúp đỡ nhanh chóng của Hy Lạp quan hệ hai nước đã bước vào một giai đoạn ấm dần lên, với việc Hy Lạp ủng hộ tư cách ứng cử viên gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 23 tháng 5, 2006, một máy bay chiến đấu Hy Lạp và một của Thổ Nhĩ Kỳ đa va chạm vào nhau trên bầu trời phía nam vùng biển Êgê. Viên Phi công Hy Lạp thiệt mạng trong khi phi công Thổ Nhĩ Kỳ nhảy dù an toàn. Cả hai nước đã đồng ý rằng sự kiện này sẽ không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ của họ.
Các lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (tiếng Thổ: Türk Silahlı Kuvvetleri hay TSK) gồm Quân đội, Hải quân (gồm Không quân Hải quân và Bộ binh Hải quân) và Không quân. Hiến binh và lực lượng Phòng vệ bờ biển hoạt động trong khuôn khổ Bộ nội vụ trong thời bình và phụ thuộc vào Quân đội cũng như Hải quân. Thời chiến cả hai đều có chức năng bảo vệ pháp luật và quân sự.
Các lực lượng quân đội, với số binh lính lên tới 1.043.550[2] người, là đội quân đông thứ hai trong NATO sau Hoa Kỳ. Hiện tại, 36.000[3] quân đồn trú tại Bắc Síp được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận. Mọi nam giới là công dân Thổ phải phục vụ trong quân đội trong những thời hạn khác nhau từ 1 đến 15 tháng tùy theo trình độ giáo dục, vị trí công việc. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một thành viên của NATO từ ngày 18 tháng 2, 1952.
Năm 1998, Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo một chương trình hiện đại hóa quân đội giá trị khoảng $31 tỷ trong giai đoạn mười năm gồm xe tăng, máy bay trực thăng và vũ khí tấn công. Thổ Nhĩ Kỳ là bên đóng góp đứng hạng ba vào chương trình Máy bay tấn công chung (JSF), khiến họ có cơ hội phát triển và có ảnh hưởng tới việc chế tạo thế hệ máy bay tấn công tiếp theo của Hoa Kỳ.
Theo truyền thống, các lực lượng vũ trang có vị thế quyền lực chính trị quan trọng, tự coi mình là người bảo vệ di sản của Atatürk. Họ đã thực hiện ba cuộc đảo chính trong giai đoạn 1960 và 1980, trong khi cũng có tác động quan trọng tới việc lật đổ chính phủ theo khuynh hướng Hồi giáo của Necmettin Erbakan năm 1997.
Thông qua Hội đồng an ninh quốc gia, quân đội gây ảnh hưởng tới chính sách về các vấn đề mà họ coi là mối đe dọa tới đất nước, gồm cả vấn đề liên quan tới cuộc nổi dậy của người Kurd, và Chủ nghĩa Hồi giáo.
Trong những năm gần đây, các cuộc cải cách đã được tiến hành để tăng cường sự hiện diện dân sự trong NSC và giảm bớt ảnh hưởng của giới quân sự nhằm đáp ứng tiêu chí Copenhagen của EU. Dù ảnh hưởng trong lĩnh vực dân sự đã giảm bớt, quân đội tiếp tục được quốc gia ủng hộ vai trò quan trọng của họ, thường xuyên được người dân coi là thể chế đáng tin cậy nhất.[4]
Tổng tư lệnh quân đội là Tổng tham mưu trưởng Hilmi Özkök. Địa lý
Lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ trải dài từ 36° tới 42° Bắc và từ 26° tới 45° Đông ở vùng Âu Á. Nước này gần có hình chữ nhất và rộng 1.660 kilômét (1.031 dặm). Diện tích Thổ Nhĩ Kỳ không tính các hồ là 814.578 kilômét vuôngs (314.510 dặm vuông), trong đó 790.200 kilômét vuông (305.098 sq dặm) ở bán đảo Anatolia (cũng được gọi là Tiểu Á) ở Châu Á, và 3% hay 24.378 kilômét vuông (9.412 sq dặm) nằm ở Châu Âu.
Nhiều nhà địa lý coi Thổ Nhĩ Kỳ theo chính trị là thuộc Châu Âu, dù đúng ra đó là một nước liên lục địa giữa Châu Á và Châu Âu. Biên giới trên bộ của Thổ Nhĩ Kỳ tổng cộng 2.573 kilômét (1.599 dặm), và đường bờ biển (gồm cả các đảo) tổng cộng 8.333 kilômét (5.178 dặm).
Nói chung Thổ Nhĩ Kỳ được chia thành bảy vùng: Marmara, Êgê, Địa Trung hải, Trung Anatolia, Đông Anatolia, Đông nam Anatolia và vùng Biển Đen. Vùng đất không bằng phẳng phía bắc Anatolia chạy dọc theo Biển Đen thành một dải dài và hẹp. Vùng này chiếm khoảng 1/6 tổng diện tích đất liền Thổ Nhĩ Kỳ. Theo xu hướng chung, vùng cao nguyên bên trong Anatolia dần có nhiều đồi núi hơn khi đi về hướng đông.
Thổ Nhĩ Kỳ tạo thành một cây cầu giữa Châu Âu và Châu Á, với đường phân chia hai châu lục chạy từ Biển đen (Karadeniz) từ hướng bắc xuống dọc theo eo biển Bospho (Istanbul Boğazı) qua eo Biển Marmara (Marmara Denizi) và Dardanelles (Çanakkale Boğazı) tới Biển Êgê (Ege Denizi) và Biển Địa Trung Hải (Akdeniz) về hướng nam.
Bán đảo Anatolia hay Anatolia (Anadolu) gồm một cao nguyên có độ cao lớn với những đồng bằng hẹp ven biển, nằm giữa Köroğlu và dãy núi Đông Biển Đen ở hướng bắc và Dãy Taurus (Toros Dağları) ở phía nam. Phía đông có nhiều núi non hơn, là nơi khởi nguồn của nhiều con sông như Euphrates (Fırat), Tigris (Dicle) và Araks (Aras), cũng như Hồ Van (Van Gölü) và Núi Ararat (Ağrı Dağı), điểm cao nhất Thổ Nhĩ Kỳ cao 5.137 mét (16.853 ft).
Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nơi phải chịu nhiều trận động đất mạnh. Bospho và Dardanelles đứng trên đường nứt gãy chạy xuyên Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc thành tạo Biển Đen.
Có một đường động đất chạy ngang phía bắc đất nước từ phía tây sang phía đông. Trong thế kỷ trước, đã có nhiều trận động đất xảy ra dọc đường đứt gãy này, tầm cỡ và vị trí của những trận động đất có thể được quan sát tại hình ảnh về Các đường nứt gãy và Động đất. Hình ảnh này cũng gồm một bản đồ tỷ lệ nhỏ thể hiện các đường nứt gãy khác ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Khí hậu Thổ Nhĩ Kỳ là khí hậu ôn hoà Địa Trung Hải, với mùa hè nóng và khô, mùa đông lạnh ẩm và dịu, dù các điều kiện thời tiết có thể khắc nghiệt hơn ở những vùng khô cằn bên trong.
Thổ Nhĩ Kỳ được chia thành 81 tỉnh (iller trong tiếng Thổ; số ít il). Mỗi tỉnh lại được chia thành tỉnh nhỏ (ilçeler; số ít ilçe). Tỉnh thường được đặt cùng tên với thành phố thủ phủ, cũng được gọi là các trung tâm tỉnh nhỏ; ngoại trừ Hatay (thủ phủ: Antakya), Kocaeli (thủ phủ: İzmit) và Sakarya (thủ phủ: Adapazarı). Các tỉnh lớn gồm: İstanbul 11 triệu, Ankara 4 triệu, İzmir 3.5 triệu, Bursa 2.1 triệu, Tỉnh Konya 2.2 triệu, Tỉnh Adana 1.8 triệu.
Thành phố thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ là Ankara, nhưng thủ đô lịch sử là İstanbul vẫn là một trung tâm văn hoá, kinh tế và tài chính quan trọng của đất nước. Các thành phố quan trọng khác gồm İzmir, Bursa, Adana, Trabzon, Malatya, Gaziantep, Erzurum, Kayseri, İzmit (Kocaeli), Konya, Mersin, Eskişehir, Diyarbakır, Antalya và Samsun. Ước tính 68% dân số Thổ Nhĩ Kỳ sống tại các vùng thành thị.
Kinh tế
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ là sự hòa trộn phức tạp giữa thương mại và công nghiệp hiện đại cùng với lĩnh vực nông nghiệp truyền thống trong năm 2005 vẫn chiếm tới 30% lực lượng lao động. Thổ Nhĩ Kỳ có khu vực kinh tế tư nhân mạnh và phát triển nhanh, nhưng nhà nước vẫn đóng vai trò quan trọng trong công nghiệp căn bản, ngân hàng, vận tải, và viễn thông.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nhiều cải cách trong thập niên 1980 nhằm mục đích biến nền kinh tế từ một hệ thống trì trệ, cô lập thành một nền kinh tế với lĩnh vực tư nhân chiếm phần trăm lớn hơn và dựa trên thị trường.
Những cải cách đã mang lại phát triển kinh tế cao, nhưng sự tăng trưởng này đã bị ngắt quãng bởi một cuộc khủng hoảng đột ngột và các khủng hoảng tài chính năm 1994, 1999, và 2001. Việc Thổ Nhĩ Kỳ không thành công trong nỗ lực theo đuổi cách cải cách kinh tế cộng với những khoản nợ lớn ngày càng tăng của lĩnh vực công cộng khiến lạm phát tăng cao, làm tăng tính bất ổn của kinh tế vĩ mô và một lĩnh vực ngân hàng yếu kém.
GDP trên đầu người từng đạt mức rất cao 210% ở thập niên bảy mươi. Nhưng không bền vững và đã giảm mạnh xuống còn 70% trong thập niên tám mươi và ở mức đáng thất vọng 11% những năm chín mươi.
Chính phủ Ecevit, lên nắm quyền từ năm 1999 tới 2002, đã tái khởi động các cải cách cấu trúc cùng lúc với các chương trình kinh tế đang thực hiện theo thoả thuận ký kết với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), gồm cả việc thông qua cải cách an sinh xã hội, cải cách tài chính công cộng, ngân hàng nhà nước, lĩnh vực ngân hàng, tăng tính minh bạch của lĩnh vực công cộng và cũng đưa ra các luật lệ liên quan nhằm tự do hoá lĩnh vực thông tin và năng lượng. Theo chương trình của ÌM, chính phủ cũng tìm cách sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái để kiềm chế lạm phát.
Trong thập kỷ 1990, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trải qua một giai đoạn thay đổi chính phủ liên tục với các chính sách điều hành kinh tế kém cỏi, dẫn tới một chu trình phát triển-khủng hoảng lên tới đỉnh điểm ở cuộc khủng khoảng ngân hàng, kinh tế tồi tệ năm 2001 và một sự giảm phát kinh tế mạnh mẽ (GNP giảm 9.5% năm 2001) và thất nghiệp gia tăng.
Chính phủ buộc phải thả nổi đồng lira và đưa ra những chương trình cải cách tham vọng hơn, gồm một chính sách thuế rất chặt chẽ, thúc đẩy cải cách cơ cấu, và vay mượn IMF ở mức cao chưa từng thấy.
Các khoản vay lớn của IMF — với mục đích giúp thực hiện các cải cách kinh tế đầy tham vọng — đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ ổn định tỷ lệ lãi suất và tiền tệ ở mức yêu cầu khi vay nợ. Năm 2002 và 2003, các cải cách bắt đầu mang lại kết quả. Chỉ trừ một giai đoạn không ổn định trước khi xảy ra cuộc chiến Iraq, lạm phát và tỷ lệ lãi suất đã giảm rất nhiều, đồng tiền ổn định, và lòng tin bắt đầu quay trở lại.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức tăng trưởng bình quân 7.5% hàng năm từ 2002 tới 2005 - một trong những tỷ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới, có thể sánh với Trung Quốc và Ấn Độ. Lạm phát và tỷ lệ lãi suất giảm, đồng tiền ổn định, nợ chính phủ giảm ở mức có thể chấp nhận được, lòng tin của giới kinh doanh và người tiêu dùng đã quay trở lại.
Cùng lúc đó, sự bùng nổ kinh tế và dòng chảy đầu tư lớn đã góp phần làm tăng thâm hụt tài khoản vãng lai. Dù sự dễ bị tổn thương của kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm bớt, nó vẫn phải đối mặt với các vấn đề nếu xảy ra một sự thay đổi bất thường trong quan điểm của nhà đầu tư dẫn tới sự sụt giảm lớn về tỷ giá hối đoái. Tiếp tục thực hiện cải cách, gồm cả việc thắt chặt chính sách thuế, là việc làm chủ chốt nhằm duy trì tăng trưởng và ổn định.
Ngày 1 tháng 1 năm 2005 đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ bị thay thế bằng đồng Lira Mới Thổ Nhĩ Kỳ, với tỷ giá trao đổi 1 lira mới bằng 1.000.000 lira cũ. Điều này minh chứng cho sự ổn định có được của đồng tiền trong những năm gần đây và giúp thúc đẩy trao đổi, đầu tư và thương mại.
Thổ Nhĩ Kỳ tham gia một số hiệp ước đầu tư và thuế đa bên gồm với Hoa Kỳ, đảm bảo tự do di chuyển vốn bằng ngoại tệ mạnh và hạn chế đánh thuế hai lần. Sau nhiều năm có mức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở mức thấp, năm 2005 Thổ Nhĩ Kỳ đã thu hút được $9.6 tỷ FDI và hiện đang được dự báo thu hút được mức đầu tư tương đương trong năm 2006.
Những chính sách tư nhân hoá lớn, sự ổn định cần thiết cho quá trình đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, tăng trưởng nhanh và ổn định, thay đổi cơ câu ngân hàng, bán lẻ, viễn thông, tất cả đang góp phần vào sự tăng trưởng đầu tư nước ngoài.
Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc hợp lý hoá hành chính, chấm dứt cản trở đầu tư, tăng cường pháp luật về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, một số tranh cãi liên quan tới đầu tư nước ngoài ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số chính sách như thuế cao đánh vào các sản phẩm từ cola và những khe hở vẫn còn trong việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, đang cản trở đầu tư.
Uỷ ban tư nhân hoá Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành tư nhân hoá một loạt công ty nhà nước, gồm cả công ty rượu và thuốc lá và công ty lọc dầu. Năm 2004, Uỷ ban tư nhân hoá đã tư nhân hoá công ty điện thoại và một số ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. Chính phủ cũng cam đoan với Tổ chức thương mại thế giới về việc tự do hoá lĩnh vực viễn thông từ đầu năm 2004.
Nhân khẩu học
Việc sử dụng thuật ngữ “Người Thổ Nhĩ Kỳ” (tiếng Anh “Turkish” - một công dân Thổ Nhĩ Kỳ) theo quy định của hiến pháp khác biệt so với định nghĩa dân tộc (một dân tộc Thổ - ethnic Turk trong tiếng Anh). Tuy nhiên, đa số dân Thổ Nhĩ Kỳ là thuộc dân tộc Thổ.
Các nhóm thiểu số dân tộc gồm, bên cạnh các nhóm được xác định chính thức, Abkhazia, Albania, Ả Rập, Bosna, Chechen, Circassia, Grizia, Kabard, Kurd, Laz và Zaza.
Chính thuật ngữ “thiểu số” cũng vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm ở Thổ Nhĩ Kỳ, bởi vì Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ chỉ công nhận các công đồng được đề cập tới trong văn bản Hiệp ước Lausanne. Các cộng đồng thiểu số gồm Armenia,Hy Lạp, Hamshenis, Do Thái, Levant, Ossetians, Pomaks và Roma (Roma là tên gọi người Gypsy).
Cộng đồng dân tộc không phải Thổ lớn nhất là người Kurd, một nhóm dân tộc riêng biệt tập trung ở phía đông nam. Cuộc điều tra dân số năm 1965 cho thấy 7.1% dân số sử dụng tiếng Kurd làm ngôn ngữ chính và số người biết tiếng này chiếm 12.7% tổng dân số, nhưng có nhiều người Kurd nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Theo CIA fact book [6], 20% dân số được ước tính thuộc dân tộc Kurd. Tuy nhiên, không có những con số chính xác về số lượng người Kurd.
Vì Tây Âu ngày càng có nhiều nhu cầu về lực lượng lao động trong khoảng từ 1960 đến 1980 nhiều công dân Thổ Nhĩ Kỳ đã di cư sang Tây Đức, Hà Lan, Pháp và các nước Tây Âu khác, tạo thành một lực lượng đáng kể người Thổ ở nước ngoài.
Giáo dục
Giáo dục là bắt buộc và không mất tiền từ 7 đến 15 tuổi. Có khoảng 820 viện giáo dục bậc cao gồm các trường đại học, với tổng số sinh viên khoảng hơn 1 triệu người. 15 trường đại học chính nằm ở Istanbul và Ankara. Giáo dục cấp ba (đại học và cao đẳng) thuộc trách nhiệm của Ủy ban Giáo dục Cấp cao, và được chính phủ cấp ngân sách.
Từ năm 1998 các trường đại học được trao quyền tự chủ rộng lớn hơn và được khuyến khích tìm kiếm thêm ngân quỹ từ bên ngoài thông qua hoạt động hợp tác với các ngành công nghiệp.
Có khoảng 85 trường Đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có hai kiểu trường chính, trường nhà nước và tư thục. Các trường đại học nhà nước lấy học phí rất thấp còn trường tư có mức học phí rất đắt đỏ, có thể lên tới $15 000 hay thậm chí còn cao hơn. Tổng năng lực các trường đại học Thổ Nhĩ Kỳ là 300.000. Một số trường có mức tiêu chuẩn cao sánh ngang với các trường tốt nhất trên thế giới, trong khi đó những trường khác chỉ đạt mức trung bình vì thiếu ngân sách hoạt động.
Tuy nhiên, các sinh viên đại học là một thiểu số được ưu tiên ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các trường cung cấp các khóa đào tạo từ 2 đến 4 năm cho các sinh viên mới nhập trường. Đối với các sinh viên đã ra trường, thông thường họ đi học thêm hai năm nữa, theo kiểu thường thấy trên thế giới.
Ủy ban Nghiên cứu Khoa học và Kỹ thuật Thổ Nhĩ Kỳ điều phối các hoạt động nghiên cứu và phát triển cơ bản cũng như ứng dụng. Có 64 viện và các tổ chức nghiên cứu. Những mặt mạnh của cơ quan này là nông nghiệp, lâm nghiệp, y tế, công nghiệ sinh học, kỹ thuật hạt nhân, khoáng chất, vật liệu, IT và quốc phòng.
Văn hoá
Thổ Nhĩ Kỳ có một nền văn hóa rất đa dạng bắt nguồn từ nhiều yếu tố của Đế chế Ottoman, Châu Âu, và các truyền thống Hồi giáo. Vì Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển đổi thành công từ một nhà nước tôn giáo thời Đế chế Ottoman để trở thành một quốc gia hiện đại với một sự tách biệt rất rõ ràng giữa nhà nước và tôn giáo, nên sự tự do thể hiện nghệ thuật được tôn trọng rõ rệt.
Trong những năm đầu của nền cộng hoà, chính phủ đã đầu tư nhiều khoản tài nguyên vào nghệ thuật, như hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc cũng như nhiều ngành khác. Điều này được thực hiện nhờ vào cả quá trình hiện đại hóa và việc sáng tạo một bản sắc văn hóa riêng. Hiện nay kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã phát triển tới mức đủ đảm bảo cho sự tự do sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ.
Vì nhiều yếu tố lịch sử còn đóng vai trò quan trọng trong việc xác định bản sắc Thổ Nhĩ Kỳ, văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ là một sự tổng hợp đáng chú ý giữa các nỗ lực rõ rệt nhằm trở thành “hiện đại” và tây phương Hoá, cộng với sự cảm giác cần thiết phải giữ lại truyền thống tôn giáo và các giá trị lịch sử.
Tôn giáo
Trên danh nghĩa, 99% dân số theo Hồi giáo. Đa số thuộc phái Hồi giáo Sunni. Khoảng 15-20% dân số là người Hồi giáo Alevi. Cũng có một thiểu số Twelver Shi’a nhưng có vai trò khá quan trọng, đa phần họ là con cháu người Azeri. 1% dân số còn lại, đa số là người Thiên chúa giáo (Hy Lạp chính thống, Tòa thánh Armenia (Gregoria), Chính thống Syriac, Molokans, Công giáo và Tin lành), Do Thái, Bahá’ís và Yezidis.
Không giống các nước có cộng đồng Hồi giáo đa số khác, ở Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã có truyền thống tách biệt giữa tôn giáo và quốc gia. Thậm chí nhà nước không có bất kỳ hành động/hay khuyến khích tôn giáo, nhà nước giám sát tích cực những lĩnh vực tôn giáo. Hiến pháp cấm phân biệt giữa các tôn giáo và thực hiện điều này rất chặt chẽ.
Hiến pháp Thổ Nhĩ Kỳ công nhận tự do tôn giáo cho các cá nhân, và các cộng đồng tôn giáo nằm dưới sự bảo vệ của nhà nước, nhưng hiến pháp cũng quy định rõ rằng tôn giáo không được can thiệp vào quá trình chính trị, ví dụ thông qua cách thành lập một đảng phái tôn giáo. Không đảng phái nào được tuyên bố rằng mình được hình thành để đại diện cho một niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, những sự nhạy cảm tôn giáo nói chung thường được thể hiện thông qua các đảng bảo thủ.
Trường đạo chính của Hồi giáo Sunni Hanafite phần lớn được nhà nước tổ chức thông qua Diyanet İşleri Başkanlığı (Bộ các vấn đề tôn giáo). Diyanet là cơ cấu chính của Hồi giáo được thành lập sau khi Ulama và Seyh-ul-Islam của chế độ cũ bị bãi bỏ.
Vì thế, họ kiểm soát mọi thánh đường Hồi giáo và các tu sĩ. Các thầy tế được đào tạo trong Imam Hatip school và trên lý thuyết nó thuộc sở quản lý các trường đại học. Sở này ủng hộ Hồi giáo Sunni và được phép đưa ra các phán quyết (Fatwa) về các vấn đề Hồi giáo. Một số người Hồi giáo Alevi chỉ trích sở này vì không ủng hộ đức tin của họ.
Thượng phụ Constantinople (Thượng phụ chính thống, Patrik) quản lý Nhà thờ chính thống Hy Lạp ở Thổ Nhĩ Kỳ và hoạt động như một lãnh đạo tinh thần đối với mọi Nhà thờ chính thống trên khắp thế giới, Armenia Patrik (Nhà thờ Armenia), trong khi cộng đồng Do Thái được lãnh đạo bởi Hahambasi, Lãnh tụ Do Thái ở Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều đóng trụ sở tại Istanbul. Dân Do Thái ở Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những cộng đồng Do Thái lớn nhất và mạnh nhất bên ngoài Israel.
Theo Wikipedia
>>> Tham khảo thêm:
Hướng dẫn e-Visa đi Thổ Nhĩ Kỳ (TNK)
Kinh nghiệm du lịch Thổ Nhĩ Kỳ
Vài lưu ý cơ bản cho người sắp đi Thổ Nhĩ Kỳ
Link nội dung: https://melodious.edu.vn/tho-nhi-ky-a18577.html