Tại sao Nhật Bản lại được gọi là Xứ Phù Tang?

Một số tên gọi khác của Nhật Bản

Trong một văn tự cổ của Trung Hoa được viết vào đầu thế kỷ VII có đề cập đến Nhật Bản với tên gọi là “Nihon - 日本”, âm Hán Việt là “Nhật Bổn” hay “Nhật Bản”, với hàm ý về một đất nước nằm gần với Mặt trời. Đó cũng là tên gọi mà Thánh đức Thái tử Shotoku (574 - 662) đã dùng trong bức quốc thư gửi sang triều đình Trung Hoa, mở đầu cho chính sách cử người sang Trung Hoa học hỏi trong khoảng thời gian hơn 250 năm.

Lúc đó, Thái tử Shotoku, dù ở tư cách đại diện cho một tiểu quốc, đã viết rằng: “Thiên tử của Đất nước Mặt trời mọc kính gửi Thiên tử của Đất nước Mặt trời lặn”. Nếu xét về vị trí địa lý thì quả nhiên, phía Tây của Nhật Bản, nơi Mặt trời lặn là Trung Quốc và nhìn về phía Đông của Trung Quốc, nơi Mặt trời mọc sẽ thấy Nhật Bản. Chính vì lý do này mà hoàng đế nhà Tùy đã không thể chối cãi và đành phải nuốt giận. Mặt khác, những dòng chữ của Thánh đức Thái tử cho thấy phần nào ý thức về một quốc gia với nền văn hóa có tính tự chủ cao đã được thể hiện ở Nhật Bản từ rất sớm.

Cùng với cách viết giống nhau nhưng khác âm đọc, Nhật Bản hiện đại còn được biết đến với tên gọi “Nippon - にっぽん”. Nippon trở thành tên gọi chính thức của Nhật Bản từ năm 1934. Ngày nay, chúng ta có thể tìm thấy chữ Nippon trên những con tem hay trên những bộ đồng phục của các vận động viên thể thao khi họ tham gia trên đấu trường quốc tế.

Một điều khá thú vị là nếu theo ngôn ngữ phương Đông, tên gọi của Nhật Bản có nghĩa là “xứ sở của Mặt trời” thì vào thế kỷ XIII, nhà du hành người Ý - Marco Polo, khi đặt chân đến miền Nam Trung Quốc đã được người dân địa phương cho biết về một vùng đất nằm ở phía Đông gọi là “Ji-pang”. Ông đã giới thiệu về vùng đất này với độc giả châu Âu thời bấy giờ với tên gọi là “Cipangu” (phát âm là “Jipangu”) với ý nghĩa là “vùng đất của vàng”. Jipangu khi đọc sang tiếng Pháp là “Japon” và tiếng Anh là “Japan”.

Dù vậy, mãi cho đến năm 1543 mới diễn ra cuộc tiếp xúc trực tiếp của người châu Âu với Nhật Bản bằng sự kiện một chiếc thuyền Bồ Đào Nha trên đường đến Trung Hoa thì gặp bão, phải lánh nạn vào đảo Tanegashima của đảo quốc này. Ngay sau đó 6 năm, vào năm 1549, Francis Xavier bắt đầu truyền giáo tại Nhật Bản. Từ giữa thế kỷ XVI, Nhật Bản bắt đầu giao thương với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và Anh Quốc. Cứ như thế, thông tin về đất nước và con người Nhật Bản được các quốc gia châu Âu biết đến qua các thương nhân và các nhà truyền giáo đạo Cơ đốc.

Mặc dù, trên thực tế, người phương Tây không hề tìm thấy vàng bạc châu báu ở Nhật Bản như tên gọi của nó, song họ vẫn giữ cách gọi vốn đã được lưu truyền hơn 200 năm trước. Có lẽ, những giá trị mà Japan thể hiện với thế giới không chỉ dừng lại ở những giá trị về vật chất mà còn hướng đến các giá trị bền vững về tinh thần. Đó cũng là điều khiến Nhật Bản, trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử và thiên tai, vẫn chứng minh được sức sống tiềm tàng của mình chăng?

Link nội dung: https://melodious.edu.vn/xu-phu-tang-la-gi-a18572.html