Tụt núm vú (Inverted Nipples) có thể chỉ khiến hình dạng vú xấu đi hoặc khó khăn khi cho con bú. Tuy nhiên, đôi khi núm vú bị tụt cũng là dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư vú, áp xe, Paget,… Vậy núm vú bị thụt (tụt núm vú) là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán tụt núm vú như thế nào?
Núm vú bị thụt (tụt núm vú) là tình trạng gì?
Núm vú bị thụt là tình trạng núm vú bị tụt ra sau. Thật ra, có hai thuật ngữ để diễn tả tình trạng này, đó là núm vú co rút (retracted nipple) và núm vú lộn ngược (inverted nipple). Hai thuật ngữ này thường bị sử dụng lẫn lộn và đồng nhất với nhau nhưng thật ra cách dùng này không chính xác.
- Núm vú co rút chỉ những trường hợp có một vùng ở trung tâm núm vú bị kéo vào trong tạo thành một rãnh nhỏ.
- Núm vú lộn ngược dành cho những trường hợp toàn bộ núm vú bị kéo ngược ra sau, nhiều khi ra sau khỏi mặt phẳng của quầng vú. Cả hai tình trạng này đều có thể xuất hiện từ lúc mới sinh (bẩm sinh) hoặc mới mắc phải và có thể xuất hiện một bên hoặc hai bên.
Núm vú bị co rút hai bên, diễn ra từ từ hoặc kéo dài nhiều năm thường lành tính và có thể là một dạng biến thể bình thường của núm vú. Nhưng nếu một phụ nữ mới bị thụt núm vú một bên gần đây cần đi khám sớm vì nhiều khả năng có tình trạng viêm nhiễm hoặc nguy hiểm hơn là bệnh ác tính tiềm ẩn bên dưới. Những chẩn đoán hay gặp khi tụt núm vú một bên là giãn ống tuyến vú, viêm vú quanh ống dẫn sữa, lao vú, hoặc ung thư vú.
Trung tâm núm vú bị co rút đồng dạng tạo thành một rãnh nhỏ thường lành tính nhưng nếu toàn bộ núm vú bị thụt gây di lệch quầng vú thì thường là hậu quả của bệnh ác tính.
Để đơn giản và phù hợp thực tế trong đời sống hàng ngày, trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “tụt núm vú” tương đương với “núm vú lộn ngược” là tình trạng hay gặp và có ảnh hưởng đến chức năng cũng như thẩm mỹ nhiều hơn.
Nguyên nhân gây ra tình trạng tụt núm vú ở phụ nữ
Núm vú bị thụt do nhiều nguyên nhân. Tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng nghịch đảo này rất quan trọng vì một số thay đổi vô hại và số khác cần can thiệp y tế. [1]
- Chấn thương ngực: Chấn thương vú do phẫu thuật hoặc chỉ đơn giản do cho con bú
- Sẹo do ống dẫn sữa: xuất hiện do khi cho con bú làm thay đổi mô trong ống dẫn sữa khiến núm vú bị thụt vào trong.
- Biến chứng sau khi thu nhỏ ngực: các ống dẫn sữa dưới núm vú bị viêm sau phẫu thuật gây núm vú bị tụt.
- Nhiễm trùng và viêm: Các ống tuyến vú bị tắc, nhiễm trùng gây ra tình trạng đầu ti bị tụt. Bất kỳ ai có ngực đều có thể trải qua những thay đổi này, rủi ro còn tăng lên khi ở độ tuổi trước và sau mãn kinh.
- Chứng xuất thần ống tuyến vú: một hoặc nhiều ống dẫn sữa bên dưới núm vú bị tắc, gây nhiễm trùng khiến núm vú tụt.
- Vi khuẩn: chúng xâm nhập vào vú thông qua ống dẫn sữa hoặc vết nứt ở núm vú gây nhiễm trùng gây nên tình trạng kéo ngược vào trong.
- Áp xe dưới quầng vú: mủ tích tụ bên dưới quầng vú làm nhiễm trùng đảo ngược quầng vú.
- Ung thư vú:
- Một khối u tấn công ống dẫn sữa sau núm vú.
- Bệnh Paget: các tế bào ung thư tấn công một trong hai núm vú.
Triệu chứng núm vú thụt
Núm vú bị thụt vào trong hoặc đột ngột tụt vào trong, và có thể kèm các dấu hiệu:
- Núm vú bị đỏ.
- Một khối u phía sau núm vú.
- Núm vú bị chảy máu.
- Tiết dịch từ núm vú có màu trắng, xanh lá hoặc đen.
Ngoài ra, bệnh cũng xuất hiện những dấu hiệu ung thư cảnh báo như:
- Một khối u trong vú.
- Đau ở vú
- Sưng và tiết dịch núm vú
- Những thay đổi trên da như lúm đồng tiền, ngứa, bong tróc hoặc có vảy.
Điều quan trọng nhất là núm vú chuyển từ nhô ra ngoài và tụt vào trong nhanh như thế nào.
Các mức độ núm vú bị thụt
Có nhiều cách phân độ thụt núm vú. Bảng phân độ dưới đây được sử dụng rộng rãi hơn do tính đơn giản và khả năng ứng dụng lâm sàng để điều trị.
- Độ 1. Núm vú có thể được kéo ra bằng tay một cách dễ dàng và giữ được tình trạng nhô ra.
- Độ 2 (thường gặp nhất). Núm vú có thể được kéo ra bằng tay nhưng khó khăn hơn và không giữ tình trạng nhô ra mà có khuynh hướng đầu ti bị tụt lại vào trong. Đây là tình trạng thường gặp nhất trong thực tế.
- Độ 3 (ít gặp nhất). Núm vú rất khó hoặc không thể kéo ra bằng tay.
Núm vú bị thụt có sao không?
Không, nhiều người bẩm sinh đã có núm vú bị thụt. Tuy nhiên, một số trường hợp các chị em thấy gần đây đầu ti thụt thì nên đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú để được thăm khám và điều trị.
Yếu tố rủi ro tăng khả năng mắc bệnh thụt núm vú
- Giãn ống tuyến vú: các ống dẫn sữa đến núm vú có thể mở rộng hoặc bị tắc. Đây là tình trạng giãn ống tuyến vú, thường ảnh hưởng đến phụ nữ từ 45 -55 tuổi. [2]
- Nhiễm khuẩn (viêm vú): vi khuẩn có thể xâm nhập vào ống dẫn sữa và gây nhiễm trùng. Đây là tình trạng viêm vú quanh ống dẫn sữa, đặc biệt là phụ nữ mới sinh con hoặc đang cho con bú. Với những phụ nữ chưa sinh con, vi khuẩn vẫn có thể xâm nhập thông qua những vết nứt hoặc xỏ núm vú. Khi vú bị nhiễm khuẩn người bệnh sẽ có các triệu chứng như đau, đỏ, cảm giác nóng ở vú, tiết dịch núm vú có thể kèm máu, một khối u phía sau núm vú,… Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ siêu âm hoặc dùng kim để lấy tế bào từ khu vực bị nhiễm bệnh.
- Áp xe dưới quầng vú: nhiễm trùng xảy ra ở các tuyến dưới quầng vú và tạo thành một vùng chứa đầy mủ gọi là áp xe và có thể co rúm vú lại. Tình trạng này hiếm gặp, thường do hút thuốc, xỏ khuyên núm vú hoặc bệnh tiểu đường.
- Ung thư vú: người bệnh nhận thấy núm vú bị thụt, một khối u, độ dày trong vú, lúm đồng tiền, thay đổi da khác trên vú,…
- Bệnh Paget vú: đây là ung thư hiếm gặp xảy ra ở núm vú và quầng vú. Hầu hết, phụ nữ mắc bệnh này cũng bị ung thư trong ống dẫn sữa. Ngoài việc làm đầu ti bị thụt, bệnh còn gây đau, ngứa, bong tróc da và tiết dịch ở núm vú.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh nếu thấy bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng hoặc bất kỳ câu hỏi nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người sẽ khác nhau nên gặp bác sĩ để được khám và có phương án điều trị phù hợp nhất.
Làm thế nào để chẩn đoán tình trạng núm vú bị thụt?
Nếu bạn mới bị thụt núm vú gần đây, ngoài việc khám lâm sàng đánh giá tình trạng tụt núm vú, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện một số cận lâm sàng để tìm nguyên nhân, ví dụ như siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú (nhũ ảnh) và chụp cộng hưởng từ (MRI). Nếu trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đó cho thấy có tổn thương thực thể bên dưới, có thể bạn sẽ cần phải được sinh thiết (chọc hút bằng kim nhỏ, sinh thiết kim lõi, sinh thiết bằng hút chân không…).
Cách điều trị núm vú thụt
Điều trị tụt núm vú có hai mục tiêu chính: điều trị nguyên nhân và sửa tụt núm vú.
- Điều trị nguyên nhân: tùy theo nguyên nhân là gì (viêm, khối u lành tính, khối u ác tính) mà bác sĩ sẽ lựa chọn cách điều trị phù hợp.
- Sửa tụt núm vú: Có nhiều kỹ thuật để sửa tình trạng núm vú bị thụt vào trong. Một số kỹ thuật có thể bảo tồn các ống dẫn sữa, nhưng những kỹ thuật khác triệt để hơn đòi hỏi phải hy sinh các ống này. Nhìn chung, những kỹ thuật bảo tồn ống dẫn sữa có tỷ lệ tái phát cao hơn những kỹ thuật cần phải cắt bỏ ống dẫn sữa.
Các câu hỏi liên quan đến thụt núm vú
1. Khi nào thì cần chỉnh sửa tụt núm vú?
Bạn có thể đến khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa ngoại vú bất cứ khi nào bạn cảm thấy lo lắng về hình dạng núm vú của mình, hoặc khi bạn chuẩn bị mang thai. Bạn nên tránh lúc mang thai và cho con bú vì bác sĩ sẽ không can thiệp trong thời gian này.
2. Sau khi điều trị, có ảnh hưởng đến việc cho con bú không?
Có. Tùy theo kỹ thuật chỉnh sửa có cắt bỏ ống dẫn sữa hay không, và mức độ cắt bỏ ít, hay nhiều, hay cắt bỏ hoàn toàn mà việc tiết sữa của bạn bị ảnh hưởng nhiều hay ít.
3. Bác sĩ chỉnh sửa tình trạng tụt núm vú bằng cách nào?
Có 3 cơ chế gây tụt núm vú vào trong:
- Thứ nhất: thiếu mô ở núm vú.
- Thứ hai: các ống dẫn sữa bị ngắn do bất thường trong quá trình hình thành núm vú ở giai đoạn phôi thai.
- Thứ ba: bất cứ tình trạng nào gây tăng mô sợi quanh các ống dẫn sữa gây co rút ống dẫn sữa.
Bác sĩ sẽ tác động vào một hoặc hai hoặc cả 3 cơ chế trên, thí dụ như cắt ngang các ống dẫn sữa bị ngắn, loại bỏ mô sợi bao quanh các ống dẫn sữa, di chuyển mô gần đó đến bên dưới núm vú.
4. Cuộc mổ có phức tạp và kéo dài không?
Hầu như tất cả các kỹ thuật sửa núm vú bị thụt đều là tiểu phẫu và có thể thực hiện với gây tê tại chỗ hoặc có tiền mê phối hợp nên cuộc mổ sẽ nhẹ nhàng và không mất nhiều thời gian.
5. Sau điều trị, tình trạng tụt núm vú có bị tái phát không?
Tất cả các kỹ thuật mổ để sửa tụt núm vú đều có nguy cơ tái phát. Nhìn chung, những kỹ thuật bảo tồn ống dẫn sữa sẽ có nguy cơ tái phát cao hơn các kỹ thuật cắt bỏ.
6. Sau mổ có để lại sẹo không?
Đa số kỹ thuật mổ được thực hiện qua đường mổ ở quầng vú - núm vú nên sẹo nhỏ và dễ che khuất, không ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
7. Sau điều trị, có bị giảm cảm giác ở núm vú không?
Thông thường đường rạch da sẽ nằm ở ranh giới của quầng vú - núm vú và không chiếm hết chu vi của quầng vú nên các dây thần kinh chi phối cảm giác và cơ ở núm vú vẫn được bảo tồn nên không bị ảnh hưởng nhiều đến cảm giác và phản ứng của núm vú khi bị kích thích.
8. Có cách nào không cần mổ mà vẫn sửa được tình trạng tụt núm vú không?
Nếu bạn bị thụt núm vú mức độ nhẹ, bác sĩ có thể áp dụng các thủ thuật đơn giản không cần mổ để kéo núm vú ra. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát cao.
9. Nếu bị tụt núm vú bẩm sinh thì có thể điều trị ở độ tuổi nào?
Bất cứ tình trạng nào của núm vú cũng có thể thay đổi khi tuyến vú phát triển. Tuyến vú ở phụ nữ tiếp tục phát triển cho đến 18 tuổi. Do đó bạn nên đi khám nếu sau 18 tuổi mà tình trạng thụt núm vú vẫn không cải thiện. Thông thường, bác sĩ sẽ quyết định can thiệp khi bạn từ 18 - 21 tuổi trở lên.
10. Có thể sửa tụt núm vú cùng lúc với nâng ngực được không?
Nếu bạn không hài lòng về kích cỡ hay hình dáng của bầu ngực bên cạnh tình trạng tụt núm vú, hãy chia sẻ với bác sĩ về mong muốn của bạn. Sửa tụt núm vú có thể thực hiện cùng lúc với các phương pháp tạo hình hay thẩm mỹ khác trên tuyến vú như đặt túi ngực, treo vú chảy xệ, thu nhỏ vú phì đại…. Thật là một công đôi ba chuyện!
11. Thời gian hồi phục sau sửa tụt núm vú là bao lâu?
Rất ngắn. Bởi vì đây chỉ là cuộc tiểu phẫu và vô cảm bằng gây tê tại chỗ. Bạn có thể trở lại công việc hàng ngày ngay từ ngày đầu sau mổ. Việc chăm sóc vết thương cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần giữ khô vết thương trong vài ngày.
12. Sau khi sửa tụt núm vú, khi nào tôi có thể tập thể dục trở lại?
Bạn chỉ cần tránh những hoạt động gây ra sự cọ sát núm vú trong 2 tuần đầu (ví dụ như chạy bộ) để cho sự lành vết thương diễn ra tốt nhất. Còn những hoạt động khác có thể thực hiện ngay ngày đầu sau mổ. Bạn có thể dùng chất bôi trơn (thí dụ như thuốc mỡ Tetracyline) để thoa lên núm vú nhằm hạn chế ma sát.
13. Đầu ti bị thụt có vĩnh viễn không?
Tùy vào mức độ núm vú bị thụt mà có thể gây vĩnh viễn hoặc không. Các trường hợp lõm nhẹ, các chị em có thể khắc phục được tình trạng. Còn các trường hợp nặng, da vú bị hoại tử, viêm nhiễm bên trong, người bệnh cần đến thăm khám tại cơ sở uy tín để có phương pháp điều trị phù hợp.
14. Núm vú bị thụt có giảm độ nhạy cảm không?
Về cơ bản, mọi dây thần kinh mẫn cảm đều tập trung ở khu vực đầu ti. Khi núm vú bị thụt sẽ gây giảm độ nhạy cảm. Theo nghiên cứu, tỷ lệ hormone oxytocin giảm xuống 67.7% khi núm vú tụt từ 0.2 - 0.32cm. Như vậy, núm vú càng tụt sâu thì độ nhạy cảm càng giảm. Khi tụt quá mức sẽ gây ngứa, sưng, đau và tê liệt vú.
Việc chỉnh sửa núm vú thụt tương đối đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, bạn cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh để được đánh giá chính xác tình trạng và tư vấn đầy đủ trước khi can thiệp.
Núm vú bị thụt (tụt núm vú) bẩm sinh xảy ra ở khoảng 10% phụ nữ. Đây là tình trạng lành tính nhưng có thể ảnh hưởng đến việc cho con bú và thẩm mỹ. Tụt núm vú một bên mới mắc phải cần phải được thăm khám sớm để tìm nguyên nhân. Thông qua bài viết mong rằng các chị em phụ nữ hiểu được nguyên nhân, triệu chứng và nếu thấy dấu hiệu bất thường ở vú, hãy đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị phù hợp.