Hiện nay, khi đăng ký chọn ngành đại học, các bạn học sinh bị bối rối trước hai khái niệm ngành và chuyên ngành. Vậy chuyên ngành là gì? Ngành và chuyên ngành có khác nhau?
Các trường đại học sử dụng chuyên ngành để “đánh lừa” thí sinh thế nào? Cùng Navigates tìm hiểu ngày các thông tin trong bài viết sau để có thể chọn ngành đại học phù hợp.
Chuyên ngành là gì?
Chuyên ngành có thể hiểu là một mảng chuyên sâu của ngành đào tạo đại học.
Chuyên ngành (Specialization) là một hướng chuyên môn sâu của một ngành đào tạo/ một lĩnh vực cụ thể. Nói cách khác, một ngành đào tạo/ một lĩnh vực lớn sẽ được chia ra làm từng phần nhỏ, những phần nhỏ đó được gọi là chuyên ngành.
Thông thường, từ “chuyên ngành” tại Việt Nam được dùng để chỉ một hướng chuyên sâu trong một ngành đào tạo đại học. Như vậy, chuyên ngành sẽ là tập hợp những môn học, kiến thức, kỹ năng chuyên môn được cơ sở giáo dục lựa chọn để giảng dạy.
Các chuyên ngành không cố định, mà tùy vào chương trình giảng dạy của trường.
Ví dụ: Ngành đào tạo Truyền thông đa phương tiện có hai hướng chuyên ngành khác nhau. Báo chí phương tiện đào tạo về sáng tạo, thiết kế các ấn phẩm báo chí, truyền thông. Mỹ thuật đa phương tiện đào tạo về thiết kế đồ họa.
Ngành đào tạo là gì?
Ngành đào tạo là một lĩnh vực được giảng dạy trong trường cao đẳng, đại học.
Để hiểu rõ hơn chuyên ngành, ta cần đề cập tới ngành đào tạo.
Ngành đào tạo là một lĩnh vực khoa học, nghề nghiệp cụ thể được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng. Ngành cũng là tập hợp các môn học, kiến thức, kỹ năng như chuyên ngành. Tuy vậy, tập hợp này sẽ rộng hơn và nhiều hướng đi hơn so với chuyên ngành.
Một đặc điểm khác là ngành đào tạo sẽ được ghi rõ trên bằng tốt nghiệp đại học, được quy định cụ thể trong các Thông tư của Bộ Giáo dục và được các trường sử dụng để tuyển sinh. Mỗi ngành cũng có mã tuyển sinh đã được ấn định rõ ràng.
Ví dụ: Ngành Quốc tế họcmã ngành 7310601, ngành Điều dưỡng mã ngành 7720301, ngành Y khoa mã ngành 7720101,… Những thông tin này đều được quy định rõ trong Thông tư Quy định danh mục thống kê ngành đào tạo của Bộ Giáo dục.
“Cú lừa” chuyên ngành của các trường đại học
Nhiều trường đại học cố tình mập mờ khi thông tin về ngành và chuyên ngành, nhằm “đánh lừa” để thu hút thí sinh vào trường.
- Đại học cũng là một hình thức kinh doanh, có những trường đã làm mọi cách để tuyển càng nhiều thí sinh càng tốt. Các trường này tuyển sinh không rõ ràng, làm các bạn học sinh không phân biệt được đâu là ngành, đâu là chuyên ngành.
- Nhiều trường dùng tên chuyên ngành rất hoa mỹ để tuyển sinh như Văn học báo chí, Tiếng Anh báo chí, Trí tuệ nhân tạo,… Tuy nhiên, thí sinh sẽ học các ngành đào tạo hoàn toàn khác.
- Dù bạn học bất cứ chuyên ngành nào, bằng tốt nghiệp đại học vẫn chỉ ghi ngành đào tạo, gây khó khăn trong quá trình xin việc.
- Hơn nữa, một số trường chỉ đào tạo chuyên ngành trong 1-2 năm cuối, khiến cho kỹ năng chuyên môn của bạn sẽ không được rèn luyện nhiều.
Ví dụ: Trong ngành Văn học, có trường đào tạo thêm chuyên ngành Văn học báo chí. Tuy vậy, bằng tốt nghiệp của bạn vẫn là bằng Văn học, kỹ năng báo chí mà bạn được giảng dạy cũng sẽ không bằng được sinh viên các ngành báo chí.
Sự khác nhau giữa ngành và chuyên ngành là gì?
Ngành và chuyên ngành có những đặc điểm khác nhau rất rõ ràng và dễ phân biệt.
Cách phân biệt ngành và chuyên ngành
Các bạn học sinh, thí sinh có thể tham khảo những cách sau để phân biệt rõ ngành và chuyên ngành:
- Xác định ngành mong muốn: Bạn cần chọn ra những ngành yêu thích nhất. Khi xác định được rõ ràng ngành muốn thi, việc tìm hiểu thông tin của ngành và chuyên ngành sẽ trở nên dễ dàng.
- Tìm hiểu danh mục ngành đào tạo: So sánh danh mục những ngành đào tạo của trường và danh mục thống kê của Bộ Giáo dục. Những ngành có trong danh mục của Bộ mới chắc chắn là ngành đào tạo đại học.
- Tìm mã ngành cụ thể: Các ngành đào tạo đều có mã ngành tương ứng, còn chuyên ngành thì không.
- Đọc kỹ khung chương trình của ngành: Mỗi ngành đào tạo đều có khung chương trình đào tạo cụ thể. Trong khung chương trình này, các chuyên ngành sẽ được quy định rõ ràng với các môn học tương ứng.
So sánh ngành và chuyên ngành
Ngành và chuyên ngành có những điểm khác biệt rất rõ ràng như sau:
Làm sao để chọn ngành và chuyên ngành hiệu quả?
Để chọn đúng ngành và chuyên ngành, chủ yếu bạn cần tham khảo kỹ chương trình đào tạo và đối chiếu với năng lực bản thân.
- Xem xét năng lực bản thân: Bạn cần hiểu rõ năng khiếu và mong muốn của bản thân, đối chiếu với cơ hội việc làm của ngành/ chuyên ngành mới có thể đưa ra được lựa chọn phù hợp.
- Ưu tiên chọn ngành trước chuyên ngành: Nên nhớ rằng ngành đào tạo được ghi rõ trên bằng tốt nghiệp, chuyên ngành thì không. Vì vậy, hãy chọn ngành đại học trước, sau đó dần định hướng chuyên ngành trong quá trình học.
- Tham khảo nội dung đào tạo: Một số ngành chỉ chia chuyên ngành cho có, nhưng một số rất ít trường (Đại học Văn hóa Hà Nội, ngành Đông phương học của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội,…) giảng dạy các hướng chuyên ngành rất chuyên sâu. Vì vậy, hãy xem kỹ khung chương trình để tham khảo việc đào tạo chuyên ngành như thế nào.
- Nhờ tư vấn: Bạn có thể tìm kiếm sự tư vấn của các chuyên gia hướng nghiệp, thầy cô giáo hoặc các anh chị tiền bối, đây là những người biết rất rõ về các ngành, chuyên ngành đại học.
Kết luận
Như vậy, bài viết đã trả lời câu hỏi “chuyên ngành là gì” cùng những cách để phân biệt ngành và chuyên ngành. Trên thực tế, có rất nhiều bạn thí sinh đã chọn sai trường, sai ngành đại học vì không hiểu rõ sự khác nhau giữa ngành và chuyên ngành. Hy vọng thông qua bài viết, bạn đã hiểu rõ về chuyên ngành và ngành đại học, để từ đó có thể chọn được hướng đi phù hợp trước kỳ tuyển sinh đại học.