1. Dịch vụ tiêu dùng là gì? Ví dụ về dịch vụ tiêu dùng
Cơ cấu ngành dịch vụ được phân loại thành nhiều lĩnh vực và dịch vụ tiêu dùng là một trong số những lĩnh vực đó. Vì vậy, muốn hiểu được dịch vụ tiêu dùng là gì, ta cần phải định nghĩa được dịch vụ là gì.
Luật Giá 2012 quy định tại khoản 2 Điều 4 về khái niệm dịch vụ như sau:
Dịch vụ là hàng hóa có tính vô hình, quá trình sản xuất và tiêu dùng không tách rời nhau, bao gồm các loại dịch vụ trong hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Tiếp theo, về định nghĩa “tiêu dùng”: Có thể hiểu đơn giản tiêu dùng là quá trình con người sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm, các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống.
Tiêu dùng bao hàm mọi hoạt động mua sắm và sử dụng các sản phẩm hoặc dịch vụ phục vụ đời sống của con người như: đồ dùng gia đình, thực phẩm, áo quần, sản phẩm công nghệ, đồ điện tử, các gói chăm sóc sức khỏe, dịch vụ làm đẹp, du lịch,...
Tóm lại, là một thành phần của ngành dịch vụ, dịch vụ tiêu dùng cũng mang bản chất dịch vụ, có thể định nghĩa về dịch vụ tiêu dùng như sau: Dịch vụ tiêu dùng là hàng hóa mang tính vô hình, quá trình sản xuất và tiêu dùng gắn liền nhau, bao gồm các loại hình dịch vụ liên quan đến lĩnh vực tiêu dùng.
Một vài ví dụ về các loại hình dịch vụ tiêu dùng bao gồm có:
Các hoạt động bán buôn, bán lẻ
Các dịch vụ sửa chữa nhà, máy móc, ô tô, xe máy
Dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn
Các loại hình chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ, thể thao
Các dịch vụ cung cấp giải pháp giáo dục,...
2. Dịch vụ tiêu dùng bao gồm các nhóm ngành nào?
Dịch vụ tiêu dùng bao gồm rộng khắp các nhóm ngành phục vụ đời sống: bán buôn, bán lẻ; sửa chữa; du lịch, nhà hàng, khách sạn; chăm sóc sức khỏe; giáo dục; công nghệ; truyền thông…
Những lĩnh vực dịch vụ tiêu dùng có sự phát triển đáng chú ý ở Việt Nam hiện nay, có thể kể đến như:
Công nghệ:
Công nghệ dần trở thành lĩnh vực hàng đầu để phát triển các loại hình dịch vụ tiêu dùng từ cuối những năm 2000, khi cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ trên toàn cầu.
Các mô hình dịch vụ cung cấp giải pháp, xây dựng hệ thống thông tin, nguồn nhân lực về công nghệ ra đời và tăng lên mạnh mẽ ở mọi quốc gia, nhất là với một nước đang phát triển như Việt Nam.
- Du lịch, lữ hành:
Đời sống được nâng cao, khiến nhu cầu du lịch trong nước và quốc tế ở Việt Nam phát triển nhanh chóng. Chỉ riêng du lịch nội địa, các tour du lịch, các địa điểm nghỉ dưỡng được quy hoạch, xây dựng trên cả nước, ví dụ như: Đà Lạt, Sa Pa, Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội,...
Logistic:
Logistic là dịch vụ trọng yếu đối với tất cả các ngành sản xuất, giúp quá trình luân chuyển hàng hóa, vật liệu, sản phẩm, thông suốt cả trong nước lẫn quốc tế, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tiêu dùng.
Truyền thông - Quảng cáo:
Đây là ngành có tính cạnh tranh và không gian phát triển lớn, đáp ứng nhu cầu truyền thông, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến người tiêu dùng.
Những năm gần đây, dịch vụ truyền thông - quảng cáo có xu hướng kết hợp với các nền tảng công nghệ tổ chức livestream trên nhiều kênh mua sắm trực tuyến như TikTok, Shopee,... phần nào tối ưu hiệu quả truyền thông của các doanh nghiệp.
Sức khỏe, thẩm mỹ:
Chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ đang là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn nhờ sự đa dạng về dịch vụ, thu hút đông đảo người dùng: các khóa thiền, các gói gym, trị liệu tâm lý, trang điểm, làm móng...
3. Các nhóm ngành dịch vụ hiện nay ở Việt Nam
Ở Việt Nam, có thể tham khảo Danh mục xuất, nhập khẩu Việt Nam ban hành tại Quyết định 28/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để biết các nhóm ngành dịch vụ (được mã hoá bằng 04 chữ số):
Dịch vụ vận tải (2050)
Dịch vụ du lịch (2360)
Dịch vụ bưu chính - viễn thông (2450)
Dịch vụ xây dựng (2490)
Dịch vụ bảo hiểm (2530)
Dịch vụ tài chính (2600)
Dịch vụ máy tính và thông tin (2620)
Phí mua, bán quyền sử dụng giấy phép, thương hiệu, bản quyền (2660)
Dịch vụ kinh doanh khác (2680)
Dịch vụ cá nhân, văn hóa và giải trí (2870)
Dịch vụ Chính phủ, chưa được phân loại ở nơi khác (2910)
Dịch vụ Logistic (9000)
4. Vai trò của ngành dịch vụ
Trong tiến trình phát triển kinh tế hiện đại, dịch vụ đã và vẫn đang là thành phần mang đến những đóng góp vô cùng lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
4.1 Đối với sự phát triển kinh tế
Dịch vụ như chiếc cầu, kết nối bên bên bán và bên có nhu cầu sử dụng dịch vụ, giúp đẩy nhanh quá trình luân chuyển, cung cấp các sản phẩm hàng hóa, tiền tệ giữa các khu vực, vùng miền trong và ngoài nước.
Tại Việt Nam, ngành dịch vụ nắm giữ mắt xích quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam nhanh chóng hội nhập với quốc tế, góp phần đặc biệt trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
4.2 Đối với sự phát triển xã hội
Dịch vụ phát triển giúp mở rộng cơ hội việc làm, giải quyết vấn đề việc làm cho hàng triệu lao động.
Bên cạnh đó, cùng với tiến trình phát triển kinh tế, ngành dịch vụ liên tục hình thành nên các ngành, nghề đặc thù mới, đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao của con người đối với đời sống.
Sự phát triển của ngành dịch vụ tác động mạnh mẽ đến tư duy phát triển của người lao động, thúc đẩy họ liên tục nâng cao, đổi mới nhận thức để thích ứng với thị trường.
Nhờ ứng dụng công nghệ, ngành dịch vụ hiện nay giải quyết hầu như mọi nhu cầu mua sắm, chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi,... của con người nhanh chóng và dễ dàng.
5. Một số đặc trưng của ngành dịch vụ
Tương tự các khối ngành khác, ngành dịch vụ cũng có những điểm đặc trưng riêng.
5.1 Vô hình
Đặc điểm dễ nhận biết nhất và được nhắc đến trong hầu như mọi định nghĩa liên quan đến dịch vụ là tính vô hình. Các hoạt động hay sản phẩm dịch vụ là hàng hóa phi vật chất, không thể trải nghiệm hay nhận biết bằng các giác quan thông thường.
Ví dụ: Bạn chi trả học phí cho một khóa học vẽ, kiến thức được bên bán cung cấp cho bạn trong khóa học đó sẽ giúp bạn vẽ được các bức tranh. Kiến thức bạn được cung cấp kể trên là cái vô hình, bạn không thể xác định bằng cách nhìn, nghe hay chạm vào.
Quá trình bạn mua dịch vụ giáo dục là khóa học vẽ, đến khi ứng dụng các kiến thức học được tạo nên những bức tranh, đã thể hiện đặc tính vô hình của dịch vụ.
5.2 Không thể lưu trữ
Không như các ngành sản xuất khác, sản phẩm dịch vụ mang tính vô hình, nên việc lưu trữ loại sản phẩm này trong kho, bãi là điều hoàn toàn không thể.
Đặc điểm này vừa là điểm cộng, vừa là thách thức đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ.
Điểm cộng: Các đơn vị cung cấp dịch vụ không cần phải bận tâm đến vấn đề kho bãi, điều kiện bảo quản, lưu trữ sản phẩm và có thể tận dụng chi phí vận hành kho bãi để nâng cao chất lượng dịch vụ bằng cách đầu tư vào hệ thống quản lý, nhân công,...
Thách thức: Nhu cầu sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng thường mang tính thời điểm, do đó, vào thời gian cao điểm, các đơn vị cung cấp dịch vụ buộc có sự chuẩn bị về nguồn lực để đáp ứng nhu cầu người dùng tăng cao; đồng thời, đối mặt với việc giải quyết, cân đối lại chi phí và nhân lực khi những thời điểm này qua đi.
Ví dụ: Vào các dịp lễ, tết, nhu cầu đi lại lớn, các công ty mua hộ vé máy bay, vé tàu, xe phải tăng cường hệ thống thông tin, nhân viên chăm sóc khách hàng để đảm bảo săn được vé rẻ cho khách, cũng như hỗ trợ khách hàng đổi trả vé, giải quyết các vấn đề phát sinh về hành lý, thủ tục với các đơn vị vận chuyển.
Khi lễ, tết hoàn toàn qua đi, nhu cầu đi lại giảm, các công ty mua hộ vé sẽ phải cân đối lại nguồn nhân lực và phương hướng hoạt động, hoặc kết hợp với các công ty du lịch tổ chức các tour du lịch giá rẻ trong năm để kích thích nhu cầu đi lại của khách hàng,...
5.3 Tính liên kết
Thông thường, các loại hình sản xuất sản phẩm hữu hình sẽ trải qua 3 quá trình cơ bản: sản xuất sản phẩm ở nhà máy, lưu kho sản phẩm, vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ.
Tuy nhiên, đối với ngành dịch vụ, quá trình sản xuất và tiêu thụ diễn ra một cách đồng thời, liên kết chặt chẽ với nhau dưới sự tham gia của khách hàng.
Ví dụ: Khi bạn đặt tiệc cho lễ cưới tại nhà hàng, sản phẩm bạn đang mua là dịch vụ cưới bao gồm không gian tổ chức ăn uống, bàn tiệc, MC tiệc cưới,...
Nhà hàng sẽ đảm bảo tổ chức cho bạn một buổi tiệc như ý, bằng cách cung cấp không gian tổ chức, nhân viên phục vụ,... giúp bạn lưu giữ kỷ niệm trong ngày trọng đại của mình.
Bạn sẽ phải tham gia vào quá trình hoạch định cho lễ cưới cùng các bộ phận liên quan của nhà hàng: xác định thời gian diễn ra buổi lễ, kịch bản xuyên suốt của lễ cưới, chọn món ăn,...
Đến đúng thời gian đã lên kế hoạch, lễ cưới của bạn diễn ra, tức là quá trình cung cấp dịch vụ của nhà hàng và quá trình tiêu thụ - trải nghiệm tham gia lễ cưới của các vị khách đồng thời diễn ra.
Quá trình này chứng minh sự kết nối chặt chẽ giữa phía cung cấp dịch vụ và người sử dụng trong sản xuất và tiêu thụ dịch vụ.
5.4 Chất lượng đa dạng
Sản phẩm được tạo ra bởi ngành dịch vụ thường không đồng nhất về chất lượng. Tùy vào người cung cấp, thời gian, địa điểm, mà dịch vụ được tạo ra sẽ khác nhau.
Hơn nữa, tùy mục đích sử dụng, mức độ kỳ vọng, mong muốn của người dùng, mà chất lượng dịch vụ được đánh giá đa dạng ở nhiều mức độ và khía cạnh.
Ví dụ: Khi bạn sử dụng các gói cước viễn thông tại các tỉnh, thành phố lớn, tốc độ mạng thường khá ổn định. Tuy nhiên, cùng một gói cước đó, khi bạn phải đi công tác đến các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, tốc độ truy cập mạng lại chậm hơn đáng kể, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm của bạn.
Hoặc ở 2 gói cước cùng băng thông, nhưng nhà cung cấp A lại cho bạn trải nghiệm truy cập ổn định hơn nhà cung cấp B.