Zona - giời leo
Bệnh giời leo (zona) là hiện tượng nổi các chùm bóng nước nhỏ trên da kèm theo tình trạng đau nhức, bỏng rát khó chịu ở khu vực tổn thương. Bệnh do virus Herper zoster gây ra. Ban đầu, khi tấn công vào cơ thể chủng virus Herper zoster sẽ gây ra bệnh thủy đậu trước. Sau khi thủy đậu được điều trị khỏi, các virus này có khả năng chuyển vào trạng thái “ngủ đông”. Sẽ tái hoạt động trở lại khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu hoặc khi xuất hiện nhân tố thích hợp, khiến trạng thái bệnh được kích hoạt.
Bệnh đặc trưng bởi phát ban da với mụn nước tập trung thành chùm, thường khu trú ở một khu vực trên cơ thể, phân bố theo khu vực chi phối của một hay hai dây thần kinh cảm giác. Thông thường phát ban xảy ra ở một dải rộng, đơn hướng, chỉ ở bên trái hoặc bên phải của cơ thể hoặc khuôn mặt. Nhiều nhất là ở cổ, ngực và thắt lưng.
Giời leo là một bệnh lành tính, không đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Tuy nhiên nếu không được kiểm soát tốt, virus có thể gây đau dây thần kinh kéo dài trong nhiều năm, kéo theo đó là nhiều biến chứng nguy hiểm khác như bội nhiễm vi khuẩn, liệt mặt, suy giảm thính giác và thị lực…
Bệnh giời leo (zona)
Triệu chứng và biến chứng
Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường là đau nhức, bỏng rát ở một nơi hoặc lan rộng với các mức độ khác nhau, có thể đau cực độ, liên quan đến dây thần kinh cảm giác. Có thể có sốt, mệt mỏi, đau đầu và giảm thính lực; dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Trong vòng 1-3 ngày sau đó, vết phát ban đỏ, mụn nước xuất hiện trên vùng da đau, tập trung lại thành đám. Các thương tổn mới tiếp tục xuất hiện trong vài ngày tiếp theo, trong vùng chi phối của các dây thần kinh bị ảnh hưởng. Người bệnh mang cảm giác đau rát, châm chích và ngứa. Các mụn nước sau đó có thể có mủ và đóng vảy tiết. Các mụn nước này tồn tại và vỡ dần, chảy dịch, đóng mài và lành sẹo dần trong vòng 2-3 tuần tùy vào thể trạng của người bệnh. Sau khi bệnh khỏi, một số người vẫn bị đau dây thần kinh nhiều, có thể kéo dài trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, gọi là đau mạn tính sau zona.
Tiến triển của bệnh thường lành tính, khỏi sau vài tuần. Tuy nhiên, cũng có thể xảy ra các biến chứng như: rối loạn cảm giác tại chỗ (tăng cảm giác đau dù kích thích rất nhỏ), trong quá trình điều trị nếu không có biện pháp giữ vệ sinh và phòng ngừa bội nhiễm thích hợp, khu vực bệnh có nguy cơ nhiễm khuẩn nhiễm nấm úc này, người bệnh có thể bị sốt lại và sốt cao hơn, vùng da bị zona sẽ bị mưng mủ và có thể làm lây lan ra nhiều vùng da khác. Nếu bị zona ở mắt, phải hết sức thận trọng vì có nguy cơ lan vào vùng củng mạc, giác mạc gây viêm loét giác mạc, hậu quả để sẹo giác mạc ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn và có thể gây mù lòa.
Biến chứng đáng lo ngại nhất của bệnh zona là đau thần kinh sau zona. Biến chứng này gặp khá nhiều ở người cao tuổi do sức đề kháng suy giảm và tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh zona có biến chứng zona thần kinh chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 1/3). Điển hình của zona thần kinh là đau nhức vùng da sau khi bị zona hàng tuần, hàng tháng, có khi kéo dài cả năm, mặc dù vùng da bị zona đó đã khỏi hoàn toàn. Chính vì đau nhức nhiều làm người mệt mỏi, ăn kém, lo lắng và gây rối loạn giấc ngủ kéo dài dẫn đến suy sụp cơ thể.
Phụ nữ mang thai bị zona trong những tháng đầu có thể gây nguy hiểm cho thai nhi. Thai nhi có thể bị thủy đậu trong giai đoạn cuối thai kỳ, tiến triển thành zona ở trẻ nhỏ.
Virus Herper zoster
Mủ chuối xanh có chữa được giời leo?
Trong dân gian có nhiều phương pháp khác nhau để chữa trị bệnh giời leo, trong đó phổ biến một số phương pháp như dùng mủ chuối xanh, mủ điên điển, mực tàu… Một số nơi còn sử dụng nước tro, đất sét… để thoa lên khu vực bệnh nhằm làm khô bề mặt và chữa bệnh.
Vậy việc bôi mủ chuối xanh, mủ điên điển… có hiệu quả trong trường hợp bệnh giời leo hay không? Về nguyên tắc việc bôi các dạng mủ, nhựa này giúp tạo một bề mặt che phủ bên ngoài khu vực bệnh, nếu đảm bảo vệ sinh, không gây tổn thương, nhiễm trùng, nhiễm nấm… cũng ít nhiều có tác dụng che chắn, tạo nên tính hiệu quả bảo vệ, phòng ngừa tổn thương. Tuy nhiên quá trình thực hiện các thao tác bôi dễ gây tổn thương khu vực bệnh, cũng như yếu tố vệ sinh, phòng ngừa bội nhiễm khó đảm bảo, do đó nguy cơ làm bệnh diễn tiến nặng cao hơn. Người bệnh không nên tự ý nghe theo các phương cách điều trị được lưu truyền trên mạng xã hội, mà nên tuân thủ một số lưu ý như:
- Giữ cho vùng da bị viêm luôn sạch sẽ, khô ráo.
- Không kỳ cọ mạnh và để xà bông tiếp xúc vào vùng da đang bị viêm.
- Hạn chế dùng tay, vật cứng để gãi vì sẽ khiến mụn nước bị vỡ, dễ nhiễm trùng và tổn thương sâu hơn.
- Bổ sung các thực phẩm giàu kẽm, vitamin B, C và lysin như chuối, cá hồi, bưởi,…vào khẩu phần ăn.
Với những trường hợp nguy hiểm như: khu vực bệnh gần tai, mắt, diện tích bệnh lan rộng, diện tích lớn, khu vực bệnh bị nhiễm trùng, bội nhiễm hoặc người bệnh là đối tượng có điều kiện sinh lý đặc biệt như mắc AIDS, phụ nữ mang thai, người có hệ miễn dịch suy yếu… cần đến cơ sở y tế để đươc cán bộ có chuyên môn thăm khám chứ không nên tự ý điều trị tại nhà.
Chuối xanh
Thuốc trong điều trị giời leo
Chúng ta không thể hoàn toàn loại bỏ mầm virus ra khỏi cơ thể nên đồng nghĩa không thể trị dứt điểm bệnh. Thay vào đó các loại thuốc điều trị được sử dụng nhằm giảm đau, giảm thời gian kéo dài của đợt bệnh, chống bội nhiễm tổn thương da, phòng tránh các biến chứng nặng và đau sau zona.
Thuốc kháng virus: Nếu được sử dụng sớm trong 72 giờ đầu của bệnh, các thuốc kháng virus có thể làm giảm đau, rút ngắn thời gian bài xuất virut, giảm thời gian kéo dài bệnh, ngăn chặn sự hình thành tổn thương mới, đẩy nhanh tốc độ liền sẹo, giảm độ nặng của cơn đau cấp Các thuốc mới hơn như valaciclovir và famciclovir có hiệu quả tương tự hoặc vượt trội với độ an toàn và dung nạp tốt hơn.
Thuốc giảm đau: Những người bị đau nhẹ đến trung bình có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen để giảm đau. Đau sau zona có thể đáp ứng với các phương pháp điều trị như dùng lidocaine nhằm gây tê tại chỗ hoặc sử dụng các thuốc an thần, giảm đau mạnh theo sự chỉ định của bác sĩ. Các thuốc giảm đau không steroid và opioid thường không có tác dụng. Đau sau zona thường kéo dài, gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân nhưng lại rất khó kiểm soát và điều trị.
Giời leo có thể phòng được
Bệnh zona có thể được phòng ngừa bằng vắc-xin thủy đậu nếu vắc-xin được tiêm trước khi cá thể bị thủy đậu, do đó việc tiêm ngừa cho đối tượng trẻ em và người lớn chưa từng bị thủy đậu nên được thực hiện. Nếu như đã bị thủy đậu, vắc-xin phòng bệnh zona sẽ làm giảm nguy cơ phát triển bệnh zona, giảm mức độ nghiêm trọng nếu bệnh xảy ra và giảm nguy cơ biến chứng đau sau zona.
Đối với người đã từng bị thủy đậu, phải đặc biệt chú ý các biểu hiện sớm của bệnh, nên giữ gìn trạng thái sức khỏe tốt nhất, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc, giữ cho tinh thần vui vẻ thoải mái để phòng bệnh zona.
Chú thích ảnh:
Virus Herper zoster
Bệnh giời leo (zona)
Chuối xanh