Đỗ Hà Cừ sinh năm 1984, tại Thái Bình, là một người khuyết tật vận động nặng, bởi di chứng của chất độc dioxin, do bố anh từng chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị.
Một người không tự chủ được trong việc sinh hoạt cá nhân, chưa qua trường lớp nào ngoài lớp nhà trẻ, không thể cầm một cuốn sách như người bình thường, nhưng những năm qua, anh đã thành lập không gian đọc Hy Vọng tại Thái Bình, đón hàng chục nghìn lượt bạn đọc, đồng thời kêu gọi hỗ trợ để thành lập rất nhiều không gian đọc do người khuyết tật quản lý trên cả nước.
Hành trình giàu nghị lực của Đỗ Hà Cừ được anh viết trong cuốn tự truyện dày gần 400 trang, do Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam liên kết ấn hành.
“Màu của hy vọng” được kể theo tuyến tính thời gian, từ lúc bố mẹ Đỗ Hà Cừ yêu nhau, lấy nhau, sinh con, cho tới lúc phát hiện ra con mình không bình thường, bắt đầu hành trình dài đằng đẵng gia đình đưa Cừ đi chữa trị khắp nơi, với những đớn đau dai dẳng trên cơ thể người con và trong trái tim người mẹ.
Trên hành trình ấy, có nhiều lúc Cừ cảm thấy bất lực, thậm chí có ý nghĩ tiêu cực, nhưng chính mẹ anh là người luôn bên cạnh, vực anh dậy, chắp cánh ước mơ, khát vọng trong anh. Nhờ mẹ hướng dẫn, dạy dỗ, anh học đọc, đọc nhiều sách, nỗ lực làm nhiều việc trên xe lăn, làm thơ, lập trang cá nhân trên Facebook, Zalo, trò chuyện với bạn bè khắp nơi… Không chỉ vậy, anh lập không gian đọc cộng đồng miễn phí và kêu gọi lập nhiều không gian đọc khác cho những người khuyết tật quản lý…
“Màu của hy vọng”, ngoài việc kể những việc mà Cừ đã làm được trong quá trình tự đọc, tự học, còn là lời tri ân những người đã giúp đỡ Cừ, trên hết, là hy vọng tiếp thêm động lực cho những người cùng cảnh khuyết tật, cho tất cả mọi người.
Về cuốn sách, tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương bày tỏ, “Màu của hy vọng” khơi gợi cảm hứng lớn lao cho nhiều người.
“Cho dù chủ định của Cừ khi viết ra cuốn sách này không phải là để nêu gương hay “dạy dỗ” bất cứ ai, tôi vẫn nghĩ rằng sau khi đọc xong cuốn sách này, bản thân tôi và nhiều người sinh ra khỏe mạnh, được học hành khác, sẽ giật mình khi nhận ra nếu chỉ sống cho mình thôi, chỉ tìm kiếm cuộc sống vinh hoa phú quý cho gia đình mình thôi thì thật là ích kỉ và thật sự chưa sống trọn vẹn đời sống con người”, tác giả Nguyễn Quốc Vương nhận định.
Cuốn tự truyện “Màu của hy vọng” được viết trong 5 năm. Tác giả phát hành trên trang Facebook cá nhân với tâm nguyện dùng số tiền thu được từ 1.000 cuốn sách in lần đầu để gây quỹ xây dựng các tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý.