Học tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào chúng ta cũng đều phải tuân theo quy trình: Nghe - Nói - Đọc - Viết. Hãy nhìn cách mà một đứa trẻ học ngôn ngữ chúng ta sẽ thấy.
Đầu tiên là bọn trẻ nghe người lớn nói chuyện (NGHE), sau đó bắt chước và nói lại những từ mà chúng nghe được (NÓI), có thể ban đầu những âm còn chưa rõ nhưng qua quá trình nghe nói hàng ngày bọn trẻ sẽ dần phát âm đúng hơn. Đến tuổi đến trường bọn trẻ mới tiếp xúc với việc đọc bảng chữ cái và sau đó là đọc đoạn văn (ĐỌC). Khi đã hoàn thiện các kỹ năng khác bọn trẻ mới được dạy cách làm một bài văn hoàn chỉnh (VIẾT).
LISTENING - NGHE
Nghe là một trong 2 kỹ năng bạn sẽ được kiểm tra khi làm đề thi TOEIC nên một số gợi ý dưới đây sẽ giúp ích cho bạn trong việc luyện thi TOEIC rất nhiều. Để việc nghe tiếng Anh trở thành một thói quen không mang tính chất gượng ép, chúng ta có thể bắt đầu nghe tiếng Anh thông qua những sở thích cá nhân như nghe nhạc, xem phim, hay xem những đoạn video clip bằng tiếng Anh trên mạng.
Lời khuyên cho bạn đó là bạn nên chọn những bản nhạc có giai điệu chậm và rõ lời. Còn phim hoặc clip thì phải những cái có phụ đề kèm theo. Bạn không cần phải hiểu tất cả những gì bài hát hay bộ phim đang nói về, điều mà bạn cần quan tâm là cách phát âm của những từ ngữ được sử dụng trong ca khúc hoặc bộ phim đó.
Ở bước này chúng ta không cần phải nghe hiểu, chủ yếu là để cho não của chúng ta tiếp nhận và làm quen những âm tiết trong tiếng Anh. Đây gọi là phương pháp nghe thụ động. Phương pháp này tiện lợi ở chỗ bạn có thể áp dụng nó bất cứ khi nào bạn muốn. Trên xe buýt đi học, đi làm hay lúc rảnh rỗi ở chỗ học, chỗ làm (với điều kiện công ty của bạn cho phép đeo tai nghe trong giờ làm việc), hay lúc đang làm vệ sinh nhà cửa hay nấu nướng gì cũng được. Chủ yếu là nghe để tai chúng ta quen với tiếng Anh chứ không cần phải hiểu. Cho nên bạn cứ tranh thủ mọi lúc trong ngày để chìm mình vào trong thứ ngôn ngữ này nhé, vì đây sẽ là tiền đề rất lớn để chúng ta có thể nghe nói tiếng Anh lưu loát sau này.
Bên cạnh việc nghe thụ động, chúng ta còn phải luyện lắng nghe chủ động nữa. Tuy nhiên việc lắng nghe chủ động chỉ tiêu tốn của bạn khoảng 30 phút một ngày thôi, nên bạn yên tâm sẽ không mất nhiều thời gian quá đâu nhé.
Vậy thế nào là lắng nghe chủ động? Chủ động ở đây có nghĩa là chúng ta chủ động lựa chọn một bài nghe có độ dài và độ khó phù hợp với trình độ của bản thân.
Nếu bạn là người hoàn toàn mới học tiếng Anh thì không nên lựa một bài nghe có chủ đề và từ vựng phức tạp, còn đối với những bạn đã có một lượng kiến thức nền thì nên nâng dần khả năng của bản thân bằng những bài nghe ở mức độ khó hơn. Tốt nhất bạn nên chọn bài nghe bạn có thể hiểu được 50% nội dung để từ đó bạn có thể học thêm từ vựng, lắng nghe thêm những từ mà trước đây chúng ta chưa biết hoặc biết nhưng phát âm sai.
Phương pháp nghe chủ động
- Bước 1: chọn bài nghe có phần nội dung
- Bước 2: tập trung lắng nghe mà không nhìn nội dung trước khoảng 2 lần
- Bước 3: lấy giấy viết ra ghi chú lại tất cả những gì bạn nghe được ở lần nghe thứ 3 và 4
- Bước 4: đọc lại phần ghi chú và tổng hợp lại nội dung của bài nghe theo cách bạn hiểu
- Bước 5: lấy phần nội dung của bài nghe ra và dò lại với những gì bạn nghe được, so sánh xem chỗ nào bạn đã nghe đúng và chỗ nào nghe sai, từ nào mới thì ghi chép lại để bổ sung từ vựng cho bản thân
- Bước 6: nghe lại cả bài với phần nội dung đầy đủ
- Bước 7: tập nghe không cần nội dung để xem xem bạn có nghe được nhiều hơn hay không
- Bước 8: sang ngày hôm sau, trước khi tập nghe bài mới hãy mở lại bài cũ nghe 1 lần xem bản thân hiểu được bao nhiêu phần, nếu khả năng bạn hiểu được nhiều có nghĩa là bạn đã làm đúng quy trình, còn nếu vẫn cảm thấy chưa hiểu hết, điều đó có nghĩa là bạn cần phải nghe nhiều hơn nữa để tai có thể quen dần với các âm các từ của tiếng Anh.
Như vậy nếu các bạn kiên trì tập nghe bị động và chủ động, chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, kỹ năng nghe tiếng Anh của bạn sẽ tiến bộ rõ rệt.
SPEAKING - NÓI
Một trong những nỗi ám ảnh của chúng ta khi học nói ngoại ngữ là sợ nói sai, sợ nói dở, sợ nói không đúng ngữ pháp. Chúng ta không biết phải nói từ đâu, bắt đầu và kết thúc ra sao, giống như loay hoay giữa dòng nước mà không có cái phao nào để bám vào. Nếu đang trong tình trạng rối tung như vậy, việc đầu tiên cần làm là bình tĩnh ngồi xuống, xác định lại quy trình học tiếng Anh là gì.
Như đã đề cập ban đầu, quy trình học ngôn ngữ phải qua giai đoạn NGHE - NÓI - ĐỌC - VIẾT. Như vậy việc cần làm nhất của các bạn đang không có định hướng đó là quay lại học nghe.
Còn đối với các bạn đã qua quá trình học nghe được 1 vài tháng, đây chính là thời điểm tốt để các bạn tập kĩ năng Nói. Nghe được gì thì bắt chước nói lại y như vậy. Chúng ta cũng bắt đầu từ những bài nói đơn giản nhất về chào hỏi, trao đổi những thông tin cá nhân, giới thiệu bản thân, và dần dần nâng độ khó lên.
Tốt nhất là chúng ta cố gắng lắng nghe kỹ và nhại lại những gì được nghe. Ráng vận dụng trí nhớ để lặp lại, tuyệt đối không ghi chép và sau đó đọc lại những gì mình đã ghi. Một cách giúp chúng ta tự tin hơn đó là đứng nói chuyện trước gương. Hãy cứ lặp đi lặp lại những câu tiếng Anh căn bản trước gương, qua một khoảng thời gian ngắn bạn sẽ thấy không còn ngượng ngùng nữa.
Sau khi có thể nghe bập bẹ và nói bập bẹ, hãy mạnh dạn “quăng” bản thân vào một môi trường bắt buộc phải nói và nghe tiếng Anh. Ở đây các bạn có thể tham gia vào cộng đồng những bạn học tiếng Anh giao tiếp qua ứng dụng Skype. Có rất nhiều nhóm các bạn trẻ đã và đang rèn luyện nghe nói tiếng Anh qua kênh này, và các bạn có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin, và xin nick của nhau trên các diễn đàn học tiếng Anh lớn.
Thậm chí khi các bạn đã mở rộng được mối quan hệ trên Skype, có khả năng bạn được giao tiếp với những người bạn học tiếng Anh ở những quốc gia khác, hoặc may mắn hơn nữa thì bạn có thể kiếm người bản xứ nói tiếng Anh để luyện tập hàng ngày. Và chúng ta cần lưu ý rằng, nghe và nói không phải là những kỹ năng học một ngày một buổi mà có được, con đường duy nhất dẫn đến thành công chính là kiên trì luyện tập hàng ngày.
Khi bạn đã tự tin hơn một xíu với vốn tiếng Anh của bản thân và cảm thấy rằng việc chờ đợi đến mỗi tối mới được luyện tập nói tiếng Anh là quá lâu, và bạn muốn mình phải rèn luyện từng phút từng giây, thì đây chính là thời điểm bạn phải ép bản thân suy nghĩ mọi điều xảy ra xung quanh bạn bằng tiếng Anh và tập tự nói với bản thân mình về những điều đó.
Bạn đi trên đường thấy cái cây, bạn phải liên tưởng ngay tới từ vựng tiếng Anh của nó. Bạn đang nghĩ về những điều phải làm trong ngày mai, còn chần chừ gì mà không suy nghĩ mọi hoạt động bằng tiếng Anh. Suy nghĩ xong, việc kế tiếp chính là chuyển những suy nghĩ đó ra thành tiếng để chính bản thân bạn nghe.
Ban đầu sẽ không tránh khỏi trường hợp nói một cách ngập ngừng nhưng nếu bạn kiên trì lặp đi lặp lại những câu đơn giản thường dùng hàng ngày này, một ngày nào đó bạn sẽ phát hiện khi nói chuyện với người lạ bạn có thể thốt những câu đó ra một cách rất tự nhiên và trôi chảy. Bạn tin điều này đi nhé!
Và khi đã nhuần nhuyễn với những câu nói hay dùng hàng ngày bạn có thể nâng trình độ của mình bằng cách tập trả lời những câu hỏi dài hơn, khó hơn, cần phải suy nghĩ nhiều hơn, giống như những câu trong đề thi IELTS hay TOEFL chẳng hạn.
Và để chúng ta dùng được những từ, cụm từ giống với người bản xứ thì trong lúc học nghe và nói bạn cần phải chú ý cách nói chuyện của họ và lặp lại y chang nhiều lần (nhớ là nhiều lần nhé, vì nếu chỉ dùng lại một lần thì không chắc là bạn sẽ nhớ từ, cụm từ ấy đâu) thì tự nhiên khi bạn nói sẽ không còn giống kiểu dịch từng chữ từ tiếng Việt sang Anh nữa.
Quá trình tập luyện sẽ dài và gian khổ, nên quan trọng là các bạn phải kiên trì, nhẫn nại, tạo động lực cho bản thân và tập cách bớt trì hoãn nhé! Hãy cứ luyện tập dần dần ngay từ bây giờ, cho dù không đến được đích cuối cùng nhưng trên chặng đường luyện tập bạn cũng đã tích lũy được biết bao nhiêu kiến thức tiếng Anh bổ ích rồi, đúng không nào?
Cùng đón đọc phần II để tìm hiểu thêm về kĩ năng Writing và Speaking nhé!