Tham dự Lễ khai mạc Lễ hội có các đồng chí: Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; Nguyễn Văn Lộc, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Minh Thủy, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Bùi Thành Nhân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Trương Thị Bích Hạnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Lộc Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội; Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; lãnh đạo các tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Vũng Tàu… và các sở, ban, ngành đoàn thể trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo người dân địa phương.
Đây là sự kiện văn hóa có ý nghĩa quan trọng, với mong muốn góp phần xây dựng một thương hiệu mang tính chất truyền thống của địa phương, là dịp để quảng bá hình ảnh vùng đất, người Bình Dương và những sản phẩm trái cây đặc sản trên địa bàn tỉnh nói chung và vườn cây ăn trái Lái Thiêu nói riêng đến với du khách; đồng thời, thông qua các hoạt động của Lễ hội để giới thiệu hình ảnh tươi đẹp của vùng đô thị sinh thái Thuận An gắn với hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái vườn, góp phần phát triển loại hình du lịch sinh thái vườn của tỉnh. Qua Lễ hội cũng tạo điều kiện để các địa phương trong và ngoài tỉnh có cơ hội giao lưu, tìm hiểu, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương.
Đêm khai mạc với nhiều hoạt động đặc sắcPhát biểu khai mạc Lễ hội mùa trái chín năm 2024, đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội nhấn mạnh, trong những năm qua, bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bình Dương còn rất quan tâm đến việc giữ gìn và phát triển vườn cây ăn trái gắn với phát triển dịch vụ du lịch trên cơ sở tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, trong đó đã chú trọng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao và duy trì các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản truyền thống của các địa phương như: Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và đặc biệt là vườn cây ăn trái Lái Thiêu của thành phố Thuận An. Vì vậy, việc tổ chức Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 là một sự kiện khẳng định chủ trương đúng đắn trên của tỉnh. Bên cạnh phục vụ nhu cầu thưởng thức trái cây đặc sản của vùng đất Lái Thiêu trù phú, lễ hội sẽ nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc giữ gìn vườn cây, bảo tồn nguồn gen quý của các loại cây ăn quả; hướng đến mục đích khôi phục thương hiệu “vườn cây ăn trái Lái Thiêu” với bề dày truyền thống gắn với chiều dài lịch sử của tỉnh Bình Dương.
Cũng nhân dịp này, Ủy ban nhân dân tỉnh kêu gọi các hộ nông dân nhà vườn trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực để cùng với chính quyền địa phương tiếp tục duy trì, phát triển vườn cây ăn trái đặc sản quý báu của địa phương; đặc biệt, bà con cần thay đổi tư duy, hình thức kinh doanh, thân thiện trong phục vụ du khách góp phần giữ gìn và xây dựng một hình ảnh thân thiện, nhiệt tình, mến khách để ngày càng thu hút nhiều du khách đến với vùng đất Lái Thiêu nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.
Đêm khai mạc được diễn ra hấp dẫn với chương trình sân khấu hóa đặc sắc với chủ đề “Hương Sắc Bình Dương”, gồm 3 phần: “Bình Dương đất ấm - tình người”; “Lái Thiêu mùa hẹn” và “Bình Dương ngời sáng tương lai”. Mở đầu chương trình với phần hát múa “Xuôi Về Đất Thủ” sử dụng ngôn ngữ múa dân gian thể hiện hình ảnh đoàn người di cư về vùng đất mới, hình ảnh lao động khai hoang, vỡ đất đầy gian nan, vất vả nhưng tràn đầy niềm tin hướng đến tương lai. Tiếp theo là các tiết mục đơn ca, song ca và tốp ca nam nữ gồm: Các tiết mục: Tình Quê, Trên bến dưới thuyền, Cầu Ngang mùa hẹn, Múa Trái chín, Em là con gái Lái Thiêu…
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và các đại biểu tham quan gian hàng trái cây tại Lễ hội năm nayNgoài Chương trình văn nghệ, Lễ hội mùa trái chín năm 2024 với chủ đề: “Lái thiêu mùa hẹn” có khoảng 120 gian hàng trưng bày trái cây tạo hình nghệ thuật; bày trí trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây, cây giống cây ăn trái; trưng bày hoa lan, chim cảnh, bán sản phẩm gốm sứ, sơn mài và bày bán các món ăn, thức uống đặc trưng của Bình Dương, cũng như các vùng miền trên cả nước. thu hút hàng ngàn người dân, khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan,
Trước đó, nằm trong khuôn khổ của Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024, sáng ngày 15/6/2024 tại khu vực Cầu Ngang, phường Hưng Định, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương đã diễn ra Giải việt dã chủ đề "Cung đường mùa trái chín” thu hút gần 3.000 vận động viên là cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, học sinh, sinh viên và người dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Các vận động viên tham gia chạy bộ qua các cung đường thuộc phường Hưng Định, phường An Thạnh và xã An Sơn.
Lễ hội “Mùa trái chín” năm 2024 diễn ra từ ngày 15/6 đến hết ngày 22/6/2024, trong khuôn khổ của Lễ hội, diễn ra các hoạt động chính như: Lễ khai mạc; Hội thi “Duyên dáng Bình Dương”; Hội chợ Trái cây và Liên hoan Ẩm thực - Du lịch chủ đề: “Ngọt ngào Phương Nam”; Giải việt dã chủ đề: “Cung đường Mùa trái chín”; Hội thi ảnh đẹp mùa trái chín chủ đề: “Sắc màu quê hương”; Triển lãm Ảnh đẹp Du lịch Bình Dương; Liên hoan Đờn ca Tài tử Nam bộ và Chương trình ca nhạc hàng đêm, một số hoạt động bổ trợ khác và Lễ Bế mạc.
Với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng Lễ hội Mùa trái chín năm 2024 hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách trong và ngoài tỉnh những trải nghiệm thú vị về vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương và cảm nhận nét văn hóa, sự thân thiện, nhiệt tình, mến khách, hình ảnh người Bình Dương nghĩa tình, năng động-tài hoa, cởi mở, trọng tình và sáng tạo./.