I. Lịch sử của biểu tượng lá phong tại Canada
Những cánh rừng phong với sắc đỏ vàng nổi bật từ lâu đã là một trong những hình ảnh xinh đẹp và ấn tượng nhất của đất nước Canada trong mắt bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, người dân tại xứ sở lá phong yêu mến loài cây này không chỉ bởi phong cảnh rực rỡ mà nó mang lại mỗi dịp thu sang mà còn bởi những giá trị về văn hóa, lịch sử và kinh tế của nó.
Cây phong đổi màu lá vào mùa thu, phủ lên đất nước Canada một chiếc áo đỏ
Tuy chỉ sở hữu 10 trên tổng số hơn 150 loài phong trên thế giới, nhưng người Canada lại rất biết cách khai thác và tận dụng loài cây hữu ích này. Bên cạnh việc mang lại vẻ đẹp, người dân Canada còn khai thác nhựa cây phong để làm siro và đường. Việc này được coi là một trong những truyền thống lâu đời tại đất nước này và đã xuất hiện từ những năm 1.700. Hiện nay, Canada sản xuất từ 70 - 80% lượng siro cây phong trên thế giới, mang lại lợi ích kinh tế lên đến 487 triệu CAD vào năm 2020. Lượng siro được sản xuất, bên cạnh việc xuất khẩu mang lại lợi ích kinh tế, còn được người dân Canada sử dụng để chế biến đồ ăn, làm thuốc, làm quà tặng,... Thậm chí cây phong và những sản phẩm được chế biến từ loài cây này còn được đưa vào các bài hát, thơ ca, tổ chức lễ hội thường niên.
Các lễ hội Siro cây phong được tổ chức thường niên tại Canada
Nhờ những giá trị to lớn về mặt văn hóa tinh thần, lịch sử và kinh tế, cây phong nói chung và lá phong nói riêng được người dân Canada yêu thích. Hình ảnh lá phong xuất hiện tại rất nhiều logo, biểu tượng văn hóa tại đất nước này. Từ những năm 1.800, lá phong đã xuất hiện như một biểu tượng:
- 1834: Lá phong là biểu tượng của Société Saint-Jean-Baptiste, một hiệp hội tôn vinh ngôn ngữ và văn hóa Canada thuộc Pháp.
- 1848: Tạp chí văn học hàng năm The Maple-Leaf gọi lá phong là “biểu tượng được chọn cho Canada”.
- 1850: Lá phong xuất hiện trên đồng xu Canada.
- 1868: Lá phong xuất hiện trên phù hiệu của tỉnh bang Quebec và Ontario.
- 1908: Lá phong xuất hiện trên bộ đồng phục của những vận động viên đại diện Canada tham dự Olympic London.
- 1914 - 1918 và 1939 - 1945: Lá phong xuất hiện trên trang phục và vũ khí của những người lính Canada tham gia Chiến tranh Thế giới thứ nhất và Chiến tranh Thế giới thứ hai.
- 1965: Thiết kế lá cờ với biểu tượng lá phong nằm chính giữa được chọn làm quốc kỳ chính thức của Canada.
Biểu tượng lá phong trên tiền xu
2. Ý nghĩa của biểu tượng lá phong trên quốc kỳ Canada
Lá cờ với thiết kế lá phong ở chính giữa với hai màu trắng đỏ được chọn làm quốc kỳ của Canada vào năm 1965. Theo quy định, chiếc lá phong cách điệu nằm chính giữa quốc kỳ là hình đối xứng dọc, có 11 đỉnh nhọn và có màu đỏ. Ở bản thiết kế ban đầu, chiếc lá phong trên quốc kỳ Canada có 13 đỉnh nhọn, đại diện cho 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ. Nhưng thiết kế này không dễ để nhận ra hình lá phong nếu nhìn từ xa hoặc cờ được treo trong điều kiện có gió. Vì vậy, lá cờ có thiết kế lá phong với 11 đỉnh nhọn đã chính thức được chọn làm quốc kỳ của Canada.
Quốc kỳ của Canada
Nếu màu trắng và đỏ trên quốc kỳ đại diện cho màu của tuyết và màu lá phong vào mùa thu, thì biểu tượng lá phong được người dân Canada coi là biểu tượng của sức mạnh, lịch sử và vẻ đẹp tự nhiên của đất nước này.
3. Thời điểm “vàng” để chiêm ngưỡng lá phong tại Canada
Mùa thu tại Canada bắt đầu vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm. Vào thời điểm này, những rừng phong bắt đầu đổi màu lá, từ màu xanh sang sắc đỏ vàng, tạo nên khung cảnh rực rỡ, ấn tượng và lãng mạn. Một vài địa điểm đẹp nhất để ngắm rừng phong lá đỏ tại Canada là:
Agawa Canyon
Dorset Lookout
Montréal
Nếu bạn yêu thích đất nước Canada và mong muốn được chiêm ngưỡng khung cảnh mùa thu đầy ấn tượng, rực rỡ và lãng mạn tại xứ sở lá phong, hãy tranh thủ quãng thời gian tháng 9, tháng 10 hàng năm nhé!