Hướng nội là gì và hướng ngoại là gì hẳn chúng ta đều đã từng biết đến, thông qua các bài trắc nghiệm nghề nghiệp. Hai yếu tố này mô tả nơi một người lấy năng lượng, từ đó, đưa ra định hướng công việc cho người hướng nội hoặc hướng ngoại, mà có thể phát huy tiềm năng của họ.
Trong bài viết lần này, hãy cùng Cake tìm hiểu xem gần 50% dân số thế giới - người hướng nội là người như thế nào và những vị trí việc làm lý tưởng của nhóm đối tượng này nhé!
Hướng nội là nhóm tính cách tập trung vào suy nghĩ, cảm xúc bên trong, thay vì tìm kiếm sự hưng phấn, kích thích từ bên ngoài.
Người hướng nội trong tiếng anh là “Introvert”, trái ngược với “Extrovert” (người hướng ngoại). Những người này dễ dàng nạp lại năng lượng khi dành thời gian yên tĩnh một mình, nhưng cũng vì vậy mà thường bị gắn mác “trầm tính”, “nội tâm”, thậm chí “nhút nhát”, hoặc “thu mình”.
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu tâm lý học đã khẳng định người hướng nội không sợ đám đông, hay các hoạt động xã hội. Họ chỉ đơn giản là không có nhu cầu được chú ý, khẳng định bản thân.
Điều này xuất phát từ một trong những đặc điểm của người hướng nội là thích xây dựng quan hệ xã hội sâu sắc và có ý nghĩa.
Tất cả chúng ta đều mang những đặc điểm tính cách của người hướng ngoại và hướng nội, nhưng tùy theo mức độ, mỗi người sẽ có xu hướng thiên về một trong hai thái cực.
- Công việc đòi hỏi tư duy logic, khả năng sáng tạo, phân tích vấn đề,...
- Những nhiệm vụ đòi hỏi sự kiên nhẫn, cẩn thận, chi tiết (chẳng hạn như kế toán, kiểm toán hoặc viết lách).
- Tập trung vào một dự án hoặc đầu việc tại một thời điểm, thay vì đa nhiệm -multitasking.
- Tương tác 1-1, thay vì phát biểu trước đám đông.
- Yêu cầu khả năng lắng nghe tích cực, diễn đạt súc tích, thuyết phục.
- Giao tiếp xuất sắc bằng văn bản qua email, hoặc các kênh online khác.
- Cho phép làm độc lập, tự chủ thời gian (ví dụ: mô hình hybrid), ít tương tác trực tiếp với người khác.
- Môi trường làm việc yên tĩnh, có không gian riêng để tập trung tối đa.
Trên thực tế, không phải lúc nào cũng dễ dàng để tìm được công việc lý tưởng ngay từ đầu. Đừng lo lắng nếu bạn lỡ đi sai nhé!
Chỉ cần trang bị cho bản thân những hành trang cần thiết (ví dụ: CV chỉn chu, networking, kỹ năng chuyên môn,...) thì xin việc làm trái ngành cũng không "khó nhằn" như bạn nghĩ.
1. Content Writer/Copywriter
Những công việc viết lách nói chung là công việc phù hợp với người hướng nội, công việc mà có thể tận dụng được khả năng sáng tạo và niềm đam mê ngôn ngữ. Ngoài ra, con mắt “tinh tường” và thế giới nội tâm phong phú, là tài sản quý giá, giúp họ trở thành người kể chuyện lôi cuốn độc giả.
2. Dịch thuật
Một trong những đặc điểm của người hướng nội là khả năng tự nghiên cứu, do đó họ có thiên phú trong việc học ngôn ngữ mới. Mặt khác, công việc dịch thuật ít đòi hỏi giao tiếp và làm việc nhóm. Do đó, chỉ cần có đam mê, sự cẩn thận, nhạy bén, thì đây chính là lựa chọn phù hợp nhất.
3. Data Analyst
Bên cạnh khả năng quan sát, chú ý đến từng chi tiết, người hướng nội còn có tư duy logic, và tư duy phản biện. Nhờ vậy, những nhiệm vụ như phân loại, xử lý, phân tích, diễn giải số liệu,... sẽ không thể làm khó được họ.
Có thể nói Data Analyst là công việc phù hợp với người hướng nội, vì bản chất của vị trí này khá phức tạp, khô khan, chỉ phù hợp với những ai đủ kiên nhẫn, và tập trung cao độ.
4. Lập trình viên
Nghề lập trình đóng góp giá trị rất lớn cho hầu hết mọi lĩnh vực, từ y tế, giáo dục, đến môi trường, kinh doanh. Vì vậy, cơ hội việc làm IT không chỉ đa dạng, mà còn có mức lương cao và nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc. Nhiều vị trí cho phép làm từ xa (remote).
Nếu bạn thắc mắc “Người hướng nội nên làm nghề gì?” thì đừng bỏ qua công việc lập trình viên. Với những tố chất như độc lập, tư duy phân tích, kỹ năng giải quyết vấn đề, ra quyết định, tư duy sáng tạo, nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đánh giá cao người hướng nội đấy!
5. UI/UX Designer
UI (User Interface) liên quan đến thiết kế giao diện (bố cục, font chữ, màu sắc,...) của website, phần mềm,... Trong khi đó, UX (User Experience) là quá trình nghiên cứu hành vi người dùng để phát triển tính năng sản phẩm đáp ứng với nhu cầu.
Cả hai vị trí đều được xem là công việc dành cho người hướng nội, vì yêu cầu sự nhạy bén để thấu hiểu khách hàng, tính sáng tạo, thẩm mỹ, cùng khả năng tự nghiên cứu, cập nhật các xu hướng mới.
6. Kế toán
Tỉ mỉ, cẩn thận, chi tiết là những đặc điểm của người hướng nội, giúp họ có thể phát triển trong ngành kế toán. Tuy nhiên, công việc này lại đòi hỏi một số tố chất khác ít phù hợp hơn, như kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm,...
Do đó, kế toán có phải nghề cho người hướng nội hay không, còn tùy thuộc vào đam mê, văn hóa doanh nghiệp, và mức độ đáp ứng yêu cầu công việc với từng vị trí cụ thể.
7. Nhà tâm lý học
Với khả năng đồng cảm và thấu hiểu vốn có, những người hướng nội rất phù hợp để theo đuổi ngành tâm lý. Họ có thể đảm nhiệm vị trí trị liệu tâm lý tại bệnh viện, giảng dạy và nghiên cứu tâm lý tại trường đại học, chuyên gia tư vấn tâm lý ở các công ty,...
Tuy nhiên, đây chưa phải nghề nghiệp cho người hướng nội lý tưởng nhất, đặc biệt là những người “overthinking”, vì bạn sẽ cần giao tiếp trước đám đông, kỹ năng chịu áp lực, quản lý sức khỏe tinh thần xuất sắc, mới chịu nổi đặc thù công việc phải tiếp xúc với đủ loại cảm xúc tiêu cực của khách hàng.
8. Quản lý dự án
Một trong những công việc dành cho người hướng nội phải kể đến là Project Manager (quản lý dự án). Công việc này đòi hỏi kỹ năng lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, phát hiện và giải quyết rủi ro tiềm ẩn, soạn thảo, viết báo cáo,... Hầu hết người ở nhóm tính cách hướng nội đều có thể đáp ứng những yêu cầu này.
? Kết luận
Về cơ bản, hướng nội hay hướng ngoại cũng chỉ là hai khuynh hướng nạp lại năng lượng, tìm kiếm cảm hứng trong cuộc sống. Con người có vô vàn kiểu tính cách, từ dễ đến khó gọi tên. Do đó, danh sách công việc cho người hướng nội ở trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Để định hướng nghề nghiệp phù hợp, bạn nên căn cứ vào nhiều yếu tố khác, như sở thích, mục tiêu, điểm mạnh, điểm yếu,... Hãy dành thời gian cho bản thân và tìm kiếm việc làm phù hợp trên Cake nhé!
- Tác giả: Vera Le -