Cách đọc mới sẽ dần quen và trở lại bình thường trong 1-2 năm
Việc thay đổi cách đọc tên các nguyên tố Hóa học trong SGK môn Khoa học tự nhiên của lớp 7 và môn Hóa học lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới đang nhận ý kiến trái chiều.
Đại Đoàn Kết Online đã đăng tải bài viết “Nguyên tố Hóa học mỗi lớp đọc một kiểu: Giáo viên, học sinh có bị loạn?” phản ánh về việc không chỉ có học sinh, nhiều giáo viên cũng bối rối khi không phát âm chuẩn tên các nguyên tố hóa học theo chương trình sách giáo khoa mới hiện nay.
Theo đó, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên học sinh lớp 7 học môn Khoa học tự nhiên, học sinh lớp 10 học môn Hóa học theo chương trình SGK mới. Một trong những điểm mới đáng chú ý là tên gọi các nguyên tử, nguyên tố, hợp chất… được đọc bằng tiếng Anh theo danh pháp IUPAC (International Union of Pure and Applied Chemistry) thay vì đọc theo phiên âm tiếng Việt như trước đây.
So sánh bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học giữa chương trình cũ và chương trình mới, một số nguyên tố như Nitơ (N) sẽ đọc là Nitrogen; Đồng (Cu) đọc là Copper; Canxi (Ca) đọc là Calxium; Oxy (O) là Oxygen; Flo (F) là Fluorine; Nhôm (Al) là Aluminlum…
Về vấn đề này, theo giải thích của PGS. TS Đặng Thị Oanh, Trưởng tiểu ban Xây dựng và Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông môn Hóa học 2018, chương trình mới thay đổi danh pháp Hóa học (cách gọi tên) theo 4 nguyên tắc: Khoa học, thống nhất, hội nhập và thực tế.
Ở Việt Nam, danh pháp Hóa học không thống nhất ở các ngành như Y, Dược, Giáo dục và giữa các cấp học. Cách đây nhiều năm, Hội Hóa học Việt Nam có đề tài cấp quốc gia về Thuật ngữ và danh pháp Hóa học được Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam cho phép. Hội đã đề nghị với Bộ GDĐT cho sử dụng danh pháp Hóa học theo tiếng Anh trong đợt đổi mới SGK 2018 và được đồng ý.
Danh pháp Hoá học sử dụng theo khuyến nghị của Liên minh quốc tế về Hoá học thuần tuý và Hoá học ứng dụng IUPAC, có tham khảo Tiêu chuẩn Việt Nam. Tên 13 nguyên tố đã quen dùng trong tiếng Việt tiếp tục được sử dụng nhưng có kèm chú thích tiếng Anh, gồm: Vàng, Bạc, Đồng, Chì, Sắt, Nhôm, Kẽm, Lưu huỳnh, Thiếc, Nitơ, Natri, Kali và Thuỷ ngân. Hợp chất của các nguyên tố này cũng được gọi tên theo khuyến nghị của IUPAC.
Bà Oanh cho rằng, những học sinh bắt đầu học môn Hóa theo chương trình mới sẽ không có trở ngại do được học từ sớm. Nhưng những em lớp 8, 9 học theo chương trình 2006, năm nay lên lớp 10 và một số giáo viên lớn tuổi, đã lâu không dùng tiếng Anh, sẽ chưa quen cách đọc. Trong 1-2 năm, cách đọc mới sẽ quen và trở lại bình thường.
Còn theo PGS. TS Lê Kim Long, Chủ biên nội dung Hóa học trong môn Khoa học tự nhiên (bậc THCS) và Tổng chủ biên SGK Hóa học lớp 10 bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", các tác giả đã thực hiện hướng dẫn của chương trình mới về thể thức viết và gọi tên nguyên tố Hóa học.
Hiện nay, số người nói tiếng Anh trên thế giới chiếm đa số và phát âm không giống nhau vì thế, ông Long cho rằng, các thầy cô và học sinh cũng không nên quá chú trọng vào việc phát âm cho đúng, chỉ cần đủ hiểu là được. Nội dung học tập, năng lực và phẩm chất học sinh cần xây dựng và phát triển khi học Hóa học để sống và làm việc mới là quan trọng nhất.
Không thể áp đặt đa số theo thiểu số
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc thay đổi cách đọc tên các nguyên tố Hóa học trong SGK môn Khoa học tự nhiên của lớp 7 và môn Hóa học lớp 10 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Theo ông Thịnh, lâu nay bao thế hệ học trò vẫn quen sử dụng tiếng Việt với các nguyên tố Hóa học như: Đồng, Sắt, Nhôm… nhưng theo SGK mới thì những nguyên tố này đọc hoàn toàn khác Copper, Iron, Aluminium… rất khó đọc và phức tạp với đa số người dân.
Ông Thịnh nêu quan điểm: “Người Việt phải học tiếng Việt, nói tiếng Việt và giữ gìn, làm cho tiếng Việt trong sáng hơn. Hơn nữa số học sinh có điều kiện, nhu cầu du học nước ngoài sau bậc THPT và số học sinh đi thi quốc tế hàng năm là rất ít so với số học sinh bình thường. Thế nên, không thể lấy thiểu số để áp đặt vào đa số”.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh dẫn chứng về các bậc trí thức Việt Nam thời kỳ Pháp thuộc, họ tranh thủ Việt hóa tiếng nước ngoài và thay đổi dần cho sát với tiếng Việt. Thế hệ ông cùng nhiều giáo sư Hóa học khác vẫn sử dụng cách đọc các nguyên tố bằng tiếng Việt.
Có điều kiện được học tập, nghiên cứu tại nhiều nước trên thế giới, ông Thịnh cho biết, về các nguyên tố Hóa học trong bảng tuần hoàn, mỗi nước đều có cách đọc riêng theo tiếng của họ. Khi được cử đi nước ngoài, ông cũng như nhiều người khác mới bắt tay vào học tiếng các nước bạn và sau đó nhập cuộc ngay.
Ông Thịnh cho rằng, thay đổi cách đọc tên nguyên tố Hóa học không quan trọng bằng việc tìm giải pháp đưa Việt Nam trở thành nước văn minh, khoa học kỹ thuật tiên tiến để thu hút nhiều người nước ngoài đến học tập và nghiên cứu khoa học kỹ thuật của Việt Nam.
“Thực tế hiện nay, số người nước ngoài du học và nghiên cứu về khoa học kỹ thuật của nước ta rất ít. Đây là điều đáng suy ngẫm. Chất lượng chương trình, phương pháp dạy học mới là quan trọng chứ không phải ngôn ngữ hay cách đọc”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.