Với rất nhiều màu sắc tươi tắn, nổi bật, hoa giấy được rất nhiều người ưa chuộng, dùng để tô điểm cho ngôi nhà và khu vườn của mình, giúp không gian thêm nhiều sức sống, tràn đầy sinh khí và năng lượng tích cực. Ít ai nghĩ đến khả năng sử dụng hoa giấy để làm thực phẩm.
Hoa giấy có ăn được không?
Câu trả lời là hoa giấy ăn được. Bạn có thể chế biến nó thành nhiều món ăn ngon và món ăn bài thuốc, có tác dụng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi sử dụng hoa giấy, bạn phải chắc chắn rằng hoa không bị phun thuốc, tốt nhất là dùng hoa nhà trồng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoa giấy có vị ngọt, chua chua và hơi đắng nhẹ, có thể chế biến thành các món lạ miệng như trà hoa giấy, hoa giấy chiên giòn.
Cách làm trà hoa giấy
Nguyên liệu gồm hoa giấy, chanh, đường, mật ong.
Cách thực hiện: Bạn đun hoa giấy với nước cho đến khi sôi., sau đó vắt thêm chanh, đường, mật ong vào nước hoa giấy để tạo thành thứ đồ uống ngon, lạ.
Cách làm hoa giấy chiên giòn
Nguyên liệu gồm hoa giấy, bột chiên giòn, hạt nêm.
Hoa giấy rửa sạch, nhúng vào bột chiên giòn. Cho 50gr bột chiên giòn vào tô rồi cho vào thêm 10ml nước lọc, khuấy đều cho đến khi bột tan và tạo ra hỗn hợp bột sánh mịn.
Bắc chảo lên bếp, cho vào khoảng 150ml dầu ăn, đun sôi. Khi dầu sôi, bạn nhúng hoa giấy đã rửa sạch vào hỗn hợp bột chiên giòn đã pha rồi cho vào chảo chiên, đến khi vàng giòn thì vớt ra, để ráo dầu là có thể thưởng thức.
Các bài thuốc từ hoa giấy
Theo Báo Dân tộc và Phát triển, hoa giấy còn gọi là bông giấy, biện lý. Các thầy thuốc y học cổ truyền cho biết, hoa giấy vị đắng, mặn, tính ấm, có tác dụng điều kinh, hòa huyết. Theo y học hiện đại, lá cây hoa giấy giúp kháng viêm, chống loét, kháng khuẩn... Sau đây là một số bài thuốc từ hoa giấy đơn giản và dễ thực hiện.
Trị ho
Hoa giấy có đặc tính long đờm, hỗ trợ thải chất nhầy từ đường hô hấp, từ đó thúc đẩy quá trình điều trị cơn ho. Để trị ho, bạn hãy nghiền một ít vỏ cây hoa giấy khô thành bột, trộn với nước sôi, để nguội và súc miệng. Nó có thể giúp làm dịu cổ họng.
Hạ sốt
Chiết xuất hoặc trà hoa giấy được chứng minh là có tác dụng hạ sốt hiệu quả. Các đặc tính giảm sốt có trong hoa giấy giúp cơ thể hạ nhiệt tự nhiên và nhanh chóng. Có thể dùng cách này để hạ sốt cho trẻ em vì ít có tác dụng phụ.
Để pha trà, bạn đun sôi 2 chén nước với 1 thanh quế trong 2 phút. Cho 1 chén hoa giấy tươi vào và đun sôi thêm 2 phút nữa rồi lọc lấy nước. Để tăng hương vị trà và tốt cho sức khỏe, có thể thêm mật ong khi uống.
Chữa rối loạn tiêu hóa
Các chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hay đầy hơi dạ dày cũng có thể được điều trị bằng nước sắc lá cây hoa giấy vì nó có công dụng kháng viêm, làm dịu đường ruột. Hãy đun sôi vài lá cây hoa giấy với 3 chén nước, đến khi còn lại phân nửa. Uống nước này với mật ong để chữa chứng khó tiêu.
Chiết xuất từ hoa và lá của hoa giấy có thể được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên chữa bệnh viêm ruột, bởi các hợp chất hóa học trong loại hoa này có tác dụng bảo vệ và làm dịu ruột.
Khử trùng
Hoa giấy có đặc tính khử trùng hiệu quả. Vì vậy, bạn có thể sử dụng dung dịch từ loài hoa này làm sữa rửa mặt, giúp da sạch sâu, ngăn ngừa mụn, hoặc dùng làm chất tẩy rửa vết thương. Đặc tính khử trùng của hoa giấy cũng giúp giảm viêm và giảm đau họng tức thì do dị ứng hoặc nhiễm trùng.
Giảm đau khớp
Một công dụng khác của hoa giấy là cải thiện tình trạng viêm nhiễm, phổ biến nhất là đau khớp ở người già. Vì vậy, loại hoa này được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên chữa đau khớp, giúp làm dịu cơn đau một cách hiệu quả.
Cân bằng cholesterol và huyết áp
Hoa giấy có thể được sử dụng như một thức uống tự nhiên để chữa bệnh cao huyết áp và điều hòa huyết áp. Hợp chất thu được từ hoa giấy khô có khả năng trì hoãn sự tích tụ mảng bám trong mạch máu. Ngoài ra, trà hoa giấy cũng giúp duy trì sự cân bằng của cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đau tim và đột quỵ.
Chữa khí hư ra nhiều
Bài thuốc chữa khí hư ra nhiều ở phụ nữ: Hoa giấy 10gr, hoa mào gà trắng 25gr, rau sam 15gr, sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần, uống liền trong 5 ngày.
Hoặc: Hoa giấy 15gr, vỏ quả lựu 10gr, đậu ván trắng 30gr, trắc bạch diệp 15gr, sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần. Cần uống trong 5 ngày.
Chữa kinh nguyệt không đều
Hoa giấy 15gr, cây ích mẫu 18gr, đậu đen 10gr, đường đỏ 30gr. Sắc uống ngày 1 thang, chia làm 3 lần, uống liền trong 5 ngày. Uống trước kỳ kinh nguyệt 7 ngày.
Chữa mụn nhọt chưa vỡ
Hoa giấy tươi 50gr, lá đại tươi 30gr, lá táo tươi 30gr, muối ăn 10 hạt. Tất cả rửa sạch, giã nhỏ cùng muối rồi đắp vào chỗ đau.
Chắc hẳn bây giờ bạn không còn thắc mắc hoa giấy có ăn được không. Hãy thử tham khảo các công thức trên nhé.