Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư hạch
Chế độ sinh hoạt:
Điều quan trọng đối với người bệnh ung thư hạch là duy trì lối sống lành mạnh. Hoạt động thể chất thường xuyên để giúp cho hệ thống tim mạch khỏe mạnh và cơ bắp linh hoạt. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm bớt các vấn đề về hô hấp, táo bón và trầm cảm nhẹ. Nó cũng giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi. Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn trước khi bắt đầu một thói quen tập thể dục.
- Hoạt động thể chất chẳng hạn như bơi lội, khiêu vũ, làm việc nhà và làm vườn.
- Tập thể dục để cải thiện sức khỏe tim mạch, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ và đi xe đạp.
- Rèn luyện sức mạnh cơ bắp, bảo vệ khớp và giúp khắc phục tình trạng loãng xương.
- Các bài tập linh hoạt như duỗi cơ và yoga để cải thiện tầm vận động, cân bằng và ổn định.

Chế độ dinh dưỡng:
Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh có vai trò đặc biệt quan trọng trong và sau khi điều trị vì nó sẽ giúp duy trì sức khỏe và năng lượng cho cơ thể, chịu được các tác dụng phụ liên quan đến điều trị, giảm nguy cơ nhiễm trùng, chữa lành và hồi phục nhanh chóng hơn.
Nên có một chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, protein (thịt gia cầm, cá và trứng) và ngũ cốc nguyên hạt. Trong quá trình hóa trị và sau khi cấy ghép tế bào gốc, nên tạm thời tránh các loại trái cây và rau sống có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do số lượng bạch cầu thấp (được gọi là “chế độ ăn giảm bạch cầu trung tính”). Các thực phẩm bổ sung trong chế độ ăn uống nên được tư vấn bởi bác sĩ, cũng như việc sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào, vì chúng có thể cản trở việc điều trị hoặc có tác dụng phụ không mong muốn.
Phương pháp phòng ngừa ung thư hạch
Một số yếu tố lối sống có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển ung thư hạch. Các yếu tố sau đây đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư và các bệnh khác:
- Tránh các hoạt động làm tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS và viêm gan virus C;
- Tránh tiếp xúc không cần thiết với bức xạ;
- Bỏ hút thuốc lá;
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.