Hệ thống phân loại thận ứ nước do Hiệp hội tiết niệu thai nhi (SFU) phát triển đã được đưa ra để đánh giá mức độ ứ nước ở thận, chia làm 4 cấp độ, từ nhẹ đến nặng. Trong đó, thận ứ nước độ 1 được xem là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận, dẫn đến tử vong. Vậy đâu là nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa thận ứ nước cấp độ 1? Bài viết này, BS.CKI Lý Minh Hoàng, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ giúp bạn hiểu thêm về bệnh thận ứ nước cấp độ 1.
Thận ứ nước độ 1 là gì?
Thận ứ nước độ 1 là cấp độ nhẹ nhất trong hệ thống phân loại cấp độ thận ứ nước. Ở giai đoạn này, thận giãn nở nhẹ do một phần nước tiểu bị tắc nghẽn tại niệu quản chính. Người bệnh thận ứ nước độ 1 vẫn có khả năng đi tiểu một cách bình thường, chính vì vậy nhiều người vẫn thường chủ quan đối với căn bệnh này. (1)
Thận ứ nước có thể có mức độ nghiêm trọng khác nhau. Thông thường, bác sĩ sẽ mô tả bệnh thận ứ nước ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng. Tương ứng với cấp độ 1, 2, 3 hoặc 4, thận ứ nước độ 1 độ giãn của thận rất nhỏ và độ 4 là độ giãn nở nghiêm trọng. Thận ứ nước có thể xuất hiện ở một thận hoặc cả hai thận.
Thận ứ nước được chia thành 5 cấp độ khác nhau, cấp độ càng cao, bệnh càng nặng, thận càng có nhiều tổn thương, quá trình điều trị và phục hồi chức năng thận càng khó khăn. Thận ứ nước cấp 1 và 2 được các bác sĩ đánh giá là nhẹ, dễ điều trị và phục hồi hoàn toàn chức năng của thận. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, thận ứ nước độ 1 nhanh chóng tiến triển xấu, gây suy thận và nhiều vấn đề sức khỏe tiết niệu - thận học khác.
Nguyên nhân thận ứ nước độ 1
Nguyên nhân gây thận ứ nước độ 1 là do tình trạng nước tiểu tắc nghẽn ở 1 hoặc 2 thận trong quá trình lưu thông, làm tăng áp lực nước lên thận, khiến thận giãn nở và sưng to, dẫn đến suy giảm chức năng, tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thận. Các nguyên nhân gây thận ứ nước được xác định do:
- Sỏi thận: Những viên sỏi thận tạo rào cản, ngăn dòng chảy nước tiểu qua các ống thận, niệu quản, khiến một phần hoặc toàn bộ lượng nước tiểu kẹt lại ở thận, làm thận ứ nước, tăng nguy cơ xuất hiện thêm nhiều sỏi.
- Tăng kích thước tuyến tiền liệt: Ở nam giới, hiện tượng tuyến tiền liệt mở rộng, phát triển lớn hơn hoặc phì đại tuyến tiền liệt xảy ra khi về già, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH),… gây bí tiểu lâu ngày rồi diễn tiến đến ngược dòng bàng quang niệu quản làm thận ứ nước và cuối cùng là suy thận.
- Các bệnh lý liên quan đến niệu quản: U nang (ác tính hoặc lành tính), u cơ bàng quang,…. làm tăng kích thước các cơ quan lân cận, chèn ép niệu quản khiến thận dễ ứ nước
- Bẩm sinh: Thận ứ nước cũng có thể xảy ra ở trẻ em trước và sau khi sinh, một số vấn đề bẩm sinh có thể là nguyên nhân gây thận ứ nước như hẹp niệu quản, các tổn thương, dị tật liên quan đến niệu đạo có thể gây tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu
- Ứ nước mãn tính do không kịp thời điều trị bệnh lý thận ứ nước độ 1 và 2, dẫn đến thận ứ nước đến độ 3 độ 4. Các trường hợp này ngay cả sau khi phẫu thuật khắc phục được tắc nghẽn niệu quản hoàn toàn thì thận vẫn sẽ ứ nước độ 1 vẫn kéo dài sau đó, do hình dạng của thận đã bị biến dạng không hồi phục được.
- Mang thai: Sự phát triển của thai nhi trong tử cung có thể đè lên niệu quản, điều này làm hẹp niệu quản, có thể gây tắc nghẽn trong quá trình lưu thông nước tiểu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu dễ mắc thận ứ nước vì vi khuẩn gây viêm niệu quản dẫn đến phù nề và bế tắc niệu quản, khiến nước tiểu ứ đọng tại thận.
Dựa vào các nguyên nhân gây thận ứ nước và tình trạng bệnh hiện tại, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp, giúp thận nhanh chóng phục hồi chức năng.
Triệu chứng thận ứ nước cấp độ 1
Một số triệu chứng đặc trưng thận ứ nước cấp 1 bạn cần chú ý bao gồm:
- Cảm giác buồn nôn, nôn mửa: Dễ nhầm lẫn với tình trạng ốm nghén ở phụ nữ có thai, triệu chứng này cũng không phổ biến với tất cả người bị thận ứ nước cấp độ 1.
- Đi tiểu nhiều: Thận ứ nước cấp 1 khiến bạn cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên hơn, nhất là vào ban đêm. Nếu dạo gần đây bạn xuất hiện triệu chứng tiểu đêm bất thường, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra các vấn đề về sức khỏe thận.
- Cảm giác đau nhói nhẹ vùng hông và lưng dưới.
- Đi tiểu khó khăn, tiểu són hoặc đau khi đi tiểu.
Các triệu chứng thận ứ nước độ 1 có thể thay đổi theo thời gian và nguyên nhân gây bệnh. Thông thường, thận ứ nước cấp 1 có thể vô tình được phát hiện khi chụp CT scan hoặc siêu âm khi có dấu hiệu giãn nở từ 5 - 7mm ở thận. Một bên thận ứ nước cấp 1, các biểu hiện của bệnh không rõ rệt, người bệnh thường không cảm thấy sự khác biệt về chức năng thận, vì 1 bên thận còn lại vẫn hoạt động tốt để bù trừ.
Trong trường hợp cả 2 thận đều bị ứ nước, chức năng lọc máu bị ảnh hưởng, người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng rõ rệt hơn của bệnh. Suy giảm chức năng thận do thận ứ nước cấp 1 gây rối loạn chức năng lọc máu, mất cân bằng điện giải, lúc này bạn dễ nhận thấy các biểu hiện như đi tiểu nhiều hơn về đêm, đau nhức vùng hông, mệt mỏi,…
Nếu xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào của thận ứ nước cấp độ 1, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra, đánh giá tình trạng bệnh, nếu phát hiện thận ứ nước, ngay lập tức điều trị. Nếu không, tình trạng thận ứ nước có thể tiến triển nhanh và xấu đi, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng thận, viêm đài bể thận, nhiễm trùng máu,… Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh thận ứ nước cấp 1 không tự ý điều trị bệnh tại nhà, tránh làm tình trạng trầm trọng hơn.
Thận ứ nước độ 1 có nguy hiểm không? Ảnh hưởng sức khỏe ra sao?
Thận ứ nước độ 1 dù được đánh giá là mức độ nhẹ, tuy nhiên vẫn gây nguy hiểm với nhiều biến chứng, tác động tiêu cực đến sức khỏe thận và toàn bộ hệ tiết niệu. Thận ứ nước cấp 1 nếu không được điều trị kịp thời, có thể tiến triển xấu thành các cấp độ cao hơn, gây nhiều tổn thương cho thận, tiến triển thành thận ứ nước cấp 3 và 4 khó kiểm soát, gây tắc nghẽn nghiêm trọng ở thận, khiến thận sưng to hơn theo thời gian.
Khi lượng nước tích tụ ở thận quá cao, vượt quá sức chịu đựng của thận, thận giống như một quả bóng bị bơm căng, dễ bị tổn thương dẫn đến suy thận cấp. Thận ứ nước kéo dài khiến người bệnh đối mặt với các vấn đề nguy hiểm như hội chứng ure huyết cao, rối loạn điện giải, tổn thương vĩnh viễn nhu mô thận.
Thận ứ nước kéo dài tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng đường tiểu. Nếu không được can thiệp điều trị bằng kháng sinh kịp thời, sẽ dẫn đến hàng loạt biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng lan rộng, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng toàn thân, suy thận cấp, nguy cơ tử vong tăng cao.
Thận ứ nước cấp 1 tuy nhẹ nhưng không nên chủ quan, cần điều trị bệnh càng sớm càng tốt, hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Can thiệp kịp thời giúp rút ngắn thời gian điều trị, phục hồi hoàn toàn chức năng thận, hạn chế tổn thương không đáng có cho thận, nhất là những tổn thương vĩnh viễn.
Xem thêm tình trạng Thận ứ nước độ 2 tại đây.
Khi nào cần liên hệ bác sĩ?
Đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán sớm, can thiệp điều trị kịp thời thận ứ nước độ 1 nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau đột ngột hoặc dữ dội ở bên hông hoặc lưng.
- Nôn mửa.
- Những thay đổi trong việc đi tiểu, như đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, đau khi đi tiểu hoặc có máu trong nước tiểu.
- Sốt trên 38.5 độ C.
Điều trị sớm thật ứ nước giúp hồi phục nhanh chức năng thận.
Phương pháp chẩn đoán thận ứ nước độ 1 như thế nào?
Thận ứ nước độ 1 được chẩn đoán bằng các phương pháp như khám lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về bất kỳ triệu chứng nào bạn đang gặp phải và kiểm tra khu vực gần thận và bàng quang xem có đau hay sưng không. Hỏi về bệnh sử của người bệnh và bệnh sử của gia đình người bệnh. Đối với nam giới, có thể cần khám trực tràng để xác định xem tuyến tiền liệt có phì đại hay không. Khám phụ khoa ở nữ giới để đánh giá xem có vấn đề gì với tử cung hoặc buồng trứng, gây áp lực lên đường tiết niệu hay không.
- Chẩn đoán hình ảnh: Kiểm tra hình siêu âm, CT hoặc MRI để chẩn đoán xem thận có bị tăng kích thước do ứ nước hay không.
- Xét nghiệm nước tiểu: Thu thập mẫu nước tiểu và phân tích tinh thể đá, vi khuẩn hoặc nhiễm trùng để đánh giá tình trạng thận ứ nước cấp độ 3 và 4, đánh giá mức độ nhiễm trùng tiết niệu.
- Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn bộ (CBC) có thể xác định xem có nhiễm trùng hay không. Các xét nghiệm chức năng thận, bao gồm creatinine, GFR ước tính (eGFR) và nitơ urê máu (BUN), cũng có thể được thực hiện để chẩn đoán tình trạng thận ứ nước.
Cách điều trị thận ứ nước cấp độ 1
Việc điều trị thận ứ nước độ 1 chính là điều trị nguyên nhân gây tắc nghẽn dòng chảy nước tiểu như nhiễm trùng, sỏi thận, hẹp niệu đạo,… Nếu người bệnh bị thận ứ nước do nhiễm trùng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh để khắc phục dần tình trạng nhiễm trùng.
Đối với sỏi, thuốc điều trị và kiểm soát lượng nước nạp vào có thể có thể loại bỏ sỏi thận ra khỏi cơ thể, trường hợp bị sỏi nặng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật lấy sỏi. Người bệnh thận ứ nước do bẩm sinh hoặc các vấn đề về hẹp đường tiết niệu có thể làm phẫu thuật, đặt sonde J.J.
Trong trường hợp thận ứ nước do tắc nghẽn nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ nước ra khỏi thận bằng cách:
- Đặt sonde tiểu (ống thông tiểu) để loại bỏ nước tiểu ra khỏi thận, bàng quang, giảm áp lực, sưng tấy ở thận, cách này thường áp dụng cho nam giới bị thận ứ nước do phình đại tuyến tiền liệt
- Đặt stent để dẫn nước tiểu từ niệu quản xuống bàng quang, nếu người bệnh vẫn đi tiểu được, không đau đớn
- Đặt ống dẫn lưu để dẫn lưu nước tiểu từ thận ra ngoài cơ thể
Điều trị thận ứ nước dựa trên nguyên tắc giải quyết tắc nghẽn nước tiểu càng sớm càng tốt, ngăn chặn tổn thương không đáng có hoặc bất kỳ tổn thương vĩnh viễn nào đối với thận, tránh trường hợp thận ứ nước trở nặng. Phần lớn người bệnh thận ứ nước giai đoạn 1 đều có thể phục hồi hoàn toàn chức năng thận sau thời gian điều trị.
Phương pháp phòng ngừa thận ứ nước cấp độ 1 tiến triển
Ngăn ngừa thận ứ nước cấp độ 1 tiến triển phụ thuộc vào điều trị kịp thời nguyên nhân gây thận ứ nước cấp 1. Điều trị sớm, khắc phục nguyên nhân giúp thận hồi phục nhanh chức năng. Đặc biệt lưu ý, các tình trạng khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh thận ứ nước có thể bao gồm: (2)
- Sỏi thận
- Tiền sử mắc ung thư ở đường tiết niệu
- Từng phẫu thuật trước đây trên đường tiết niệu
- Nhiễm trùng trong quá khứ ở đường tiết niệu như UTI
- Các cục máu đông
- Phì đại tuyến tiền liệt
- Mang thai, do tử cung của bạn gây áp lực lên xương chậu.
Một số câu hỏi liên quan
1. Thận ứ nước độ 1 có tự khỏi không?
Thận ứ cấp 1 ở trẻ nhỏ là tình trạng nhẹ, có thể tự khỏi, không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, đối với mọi đối tượng khác mắc thận ứ nước cấp 1 cần được theo dõi các triệu chứng, kiểm soát bệnh tật, tránh các trường hợp tiến triển nặng hơn. Tốt nhất, thận ứ nước cấp 1 vẫn nên được điều trị, càng sớm càng tốt để tránh biến chứng, rủi ro gây tổn thương thận.
2. Thận ứ nước độ 1 có nên mổ không?
Thận ứ nước cấp 1 còn nhẹ, chức năng thận nhìn chung chưa có sự thay đổi nhiều, có thể điều trị không cần phẫu thuật. Trong quá trình điều trị, cần thường xuyên theo dõi tình trạng diễn biến của bệnh, đánh giá khả năng hồi phục của thận.
Tuân thủ đầy đủ các chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả điều trị tốt nhất. Khi tình trạng ứ nước nặng hơn, chức năng thận bị suy giảm, trường hợp này bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật.
3. Thận ứ nước cấp độ 1 có chữa dứt điểm được không?
Thận ứ nước cấp độ 1 có thể chữa dứt điểm. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể tái phát sau điều trị, tiến triển thành mãn tính. Không ít trường hợp sau khi điều trị dứt điểm, thận ứ nước vẫn có thể tái phát ở mọi nhóm đối tượng, tình trạng thận ứ nước tái phát tiến triển nhanh và nặng hơn, nhiều biến chứng nguy hiểm.
4. Thận ứ nước cấp độ 1 khi mang thai có sao không?
Trong đa số trường hợp, thận ứ nước sẽ tự khỏi sau sinh vài tuần. Đa số các trường hợp thận ứ nước 1 bên không triệu chứng, không suy giảm chức năng thận có thể điều trị bảo tồn thành công.
Tuy nhiên, nếu sản phụ bị có triệu chứng như đau hông lưng nhiều, đau bụng nhiều không thể kiểm soát được bằng thuốc uống hoặc có viêm trên thận gây sốt, ứ nước cả 2 bên thận gây suy thận thì cần khám gấp để cân nhắc chỉ định phẫu thuật giải áp thận.
Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, BVĐK Tâm Anh TP.HCM với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, nhiều năm kinh nghiệm khám chữa bệnh liên quan đến sức khỏe tiết niệu, thận học, nam khoa, cùng với sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị hiện đại, sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời các nguyên nhân gây thận ứ nước cấp độ 1 và những vấn đề về sức khỏe thận khác.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh thận ứ nước độ 1. Tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa thận ứ nước độ 1 giúp bạn hiểu thêm về sức khỏe thận và có thói quen sống lành mạnh, bảo vệ thận.