Năm 1259, Mông Ca Hãn chết trận ở dưới núi Điếu Ngư, Mông Cổ lần nữa tấn công Nam Tống là vào năm 1268. Trong 9 năm này vốn dĩ là một cơ hội tốt để Nam Tống chỉnh đốn quân đội, nhưng cơ hội lớn này lại nằm trong tay Giả Tự Đạo, hơn nữa quân Mông Cổ đã vây khốn Tương Dương 5 năm, nhưng Giả Tự Đạo ‘nhìn như không thấy’.
Có 3 sự kiện thúc đẩy Mông Cổ tấn công Nam Tống, trong đó có 2 việc liên quan đến Giả Tự Đạo. Đây rốt cuộc là chuyện gì?
Giả Tự Đạo khi quân (dối vua), bắt giam sứ giả của Hốt Tất Liệt
Vào năm 1259, Giả Tự Đạo phụng mệnh cứu viện Ngạc Châu, sau đó ông và Hốt Tất Liệt đã ký một hoà ước ở dưới thành Ngạc Châu, nội dung chủ yếu là: Mỗi năm sẽ đáp ứng cho Mông Cổ 20 vạn lượng bạc, 20 vạn tấm lụa, sau đó lấy sông Trường Giang làm giao giới.
Thời ấy Hốt Tất Liệt vì để tranh vị với A Lý Bất Ca, cho nên vội vã trở về phương bắc. Hiệp nghị thời đó không phải là hiệp nghị ký kết chính thức, mà chỉ là hiệp nghị nói miệng. Cho nên sau khi Hốt Tất Liệt trở lại vùng Khai Bình đã phái Hác Kinh làm sứ giả đến Nam Tống thương lượng cụ thể về hiệp nghị này.
Giả Tự Đạo khi đó đã có quyền lực khuynh đảo thiên hạ, cho nên khi sứ giả đến diện kiến Giả Tự Đạo, Giả Tự Đạo còn không coi ra gì. Bởi vì vốn dĩ Giả Tự Đạo đã lừa Tống Lý Tông, nói rằng chính mình đã đánh bại quân Mông Cổ, nhưng hiện nay đột nhiên xuất sứ giả bên đó đòi tiền hàng năm, muốn cắt nhượng đất v.v. Giả Tự Đạo không biết làm sao? Thế là Giả Tự Đạo bắt Hác Kinh lại.
Trải qua một năm, Hốt Tất Liệt vẫn không thấy Hác Kinh trở về, ông cảm thấy rất kỳ lạ, không biết sứ thần có chuyện gì. Hốt Tất Liệt lại phái một sứ thần đến Nam Tống, sau đó đến đâu cũng hỏi Hác Kinh đã đi đâu, còn uỷ thác một quan viên của Nam Tống đi nghe ngóng.
Toàn bộ sự việc đã bị Giả Tự Đạo nghĩ cách che giấu, nhưng ‘giấy không gói được lửa’, sau này Hốt Tất Liệt cuối cùng cũng biết Hác Kinh bị Giả Tự Đạo bắt giam, ông vô cùng tức giận, liền hạ chiếu tấn công Nam Tống.
Còn có 2 sự việc nữa, một sự việc gọi là ‘Lý Đàn chi biến’, một sự việc nữa gọi là ‘Lưu Chỉnh chi phản’.
‘Lý Đàn chi biến’
‘Lý Đàn chi biến’ là gì? Đó là nước Kim có một người tên là Lý Toàn, ông là cha của Lý Đàn. Khi Lý Toàn ở nước Kim bị Mông Cổ đánh cho ‘một đường bại tẩu’, ông đã khởi binh. Lý Toàn nói: ‘Nước Kim dù sao cũng không được nữa rồi, hiện nay tôi muốn rời Kim để đầu quân cho Nam Tống’.
Ban đầu Nam Tống đối đãi với Lý Toàn rất tốt, nhưng Lý Toàn lại kỳ vọng rất cao vào Nam Tống kiểu như: ‘Tuy rằng Nam Tống đối đãi với tôi rất tốt, nhưng vốn dĩ tôi kỳ vọng họ đối xử với tôi tốt hơn nữa’. Do đó Lý Toàn tương đương với việc lúc đầu phản bội nước Kim, sau đó lại phản bội nước Tống, rồi đầu hàng Mông Cổ.
Mông Cổ dùng sách lược vỗ về đối với Lý Toàn, để ông ta chiếm cứ vùng Sơn Đông, sau đó phòng thủ vùng Hoài thuỷ. Sau khi Lý Toàn mất, người con trai Lý Đàn đã kế nhiệm địa bàn của phụ thân, sau đó Lý Đàn lại liên hệ với Nam Tống, nói rằng: ‘Năm đó cha tôi có lỗi với Nam Tống, hiện nay tôi muốn tạo phản Mông Cổ sau đó đầu hàng Nam Tống’.
Khi đó Hoàng đế Lý Tông rất cao hứng, cảm thấy như bánh từ Trời rơi xuống, ông khích lệ và khen thưởng thêm cho Lý Đàn, sau này Lý Đàn thật sự đã tạo phản Mông Cổ.
Đương nhiên Mông Cổ không thể dung thứ sự việc này xảy ra, cho nên kỵ binh Mông Cổ lập tức đi đánh Lý Đàn. Lý Đàn trụ không nổi, liền cầu cứu Nam Tống. Kết quả quân đội Nam Tống không dám tiến nhập vào Sơn Đông. Vào tháng 8 năm 1262, Lý Đàn đã thất bại sau đó tử trận.
Do đó Hốt Tất Liệt cho rằng Lý Đàn làm phản là do Nam Tống kích động, cho nên ông đã đem món nợ đó tính lên Nam Tống.
‘Lưu Chỉnh chi phản’
Sự kiện thứ ba thúc đẩy Mông Cổ tấn công Nam Tống chính là một người tên Lưu Chỉnh của Nam Tống đầu hàng Mông Cổ. Lưu Chỉnh là tướng quân tác chiến vô cùng dũng cảm, hơn nữa lại có nhãn quang chiến lược.
Lưu Chỉnh từng chỉ đem 12 người để đánh hạ một thành trì tên là Tín Dương. Cho nên sau này Lý Tông để ông làm phụ trách công tác quân sự vùng Tứ Xuyên, Lô Châu.
Người quản lý vùng Tứ Xuyên - Lã Văn Đức vốn là thân tín của Giả Tự Đạo, cũng là một người rất có năng lực, quân công cũng rất lớn.
Lã Văn Đức đố kỵ với Lưu Chỉnh, Lưu Chỉnh có kiến nghị gì thì ông không tiếp nạp, Lưu Chỉnh có công lao gì ông toàn bộ không báo cáo. Do đó mối quan hệ giữa Lưu Chỉnh và Lã Văn Đức vô cùng căng thẳng.
Lã Văn Đức sau này bổ nhiệm một người tên là Du Hưng làm Chế trí sử vùng Tứ Xuyên. Lã Văn Đức và Lưu Chỉnh là mối quan hệ cấp trên cấp dưới, quan hệ của 2 người vô cùng căng thẳng.
Lưu Chỉnh cho rằng sắp xếp này chính là để Lã Văn Đức chỉnh trị mình. Lưu Chỉnh bắt đầu khiếu nại lên triều đình nói rằng: ‘Có việc này việc kia, có người vu cáo tôi, việc này việc kia xử lý không công bình’.
Nhưng ông khiếu nại không có căn cứ rõ ràng, ánh mắt chỉ hướng về 2 cấp trên của mình, đây cũng là vấn đề quan hệ cá nhân, nếu tiếp tục sẽ bị xử tử. Lưu Chỉnh cảm thấy địa vị của mình rất nguy hiểm, cho nên sau này Lưu Chỉnh mang theo 15 quận của Lô Châu với 30 vạn nhân khẩu để đầu hàng Mông Cổ.
Lưu Chỉnh đã đề xuất 2 chủ trương có tính chiến lược cho triều Nguyên, gây tổn thất rất lớn đối với Nam Tống.
Chủ trương thứ nhất đề xuất vào năm 1267, khi đó Lưu Chỉnh nói với Hốt Tất Liệt rằng: ‘Nếu ngài muốn tiêu diệt Nam Tống thì đầu tiên phải tấn công Tương Dương’.
Chủ trương thứ hai là: ‘Mông Cổ nếu muốn chiếm Nam Tống, nhất định phải huấn luyện thuỷ quân’. Thế là vào năm 1270, Lưu Chỉnh bắt đầu giúp Mông Cổ huấn luyện thuỷ quân, khi đó ông đã chế tạo 5000 chiếc thuyền, sau đó đã huấn luyện 7 vạn thuỷ quân.
Vào năm 1268, Hốt Tất Liệt đã xuất bộ binh trước để vây khốn Tương Dương. Tương Dương bị vây 5 năm. Ban đầu khi vây khốn Tương Dương, người lãnh binh tên là A Thuật. Cha của A Thuật là Ngột Lương Hợp Đài, cha của Ngột Lương Hợp Đài là Tốc Bất Đài, đây đều là những danh tướng của Mông Cổ.
Khi đó vây khốn Tương Dương từ năm 1268 đến 1270 nhưng không đánh hạ được. Tướng thủ thành Tương Dương là Lữ Văn Hoán cũng là một danh tướng. Khi Tương Dương đang khổ chiến, thì Giả Tự Đạo đang ở biệt thự cùng với mỹ nữ coi chọi dế, không đem tin tức ở Tương Dương báo cáo về Nam Tống.
Đến năm 1270, vì Tương Dương công lâu không hạ, Hốt Tất Liệt đã phái Thừa tướng Sử Thiên Trạch mang binh viện trợ quân Mông Cổ ở Tương Dương.
Khi đó Sử Thiên Trạch lại vây thêm một vòng nữa bên ngoài Tương Dương, khiến Tương Dương bị vây từng vòng từng vòng, triệt để cắt đứt liên lạc giữa Tương Dương với bên ngoài. Tương Dương lúc này hoàn toàn dựa vào lương thực có trong thành để tử thủ.
Đến tháng Giêng năm 1273, Phàn Thành đã công hạ, tướng thủ thành tuẫn quốc (hy sinh vì nước), mà Phàn Thành lại rất gần Tương Dương. Khi đó tướng thủ thành Tương Dương Lữ Văn Hoán mỗi lần đi tuần thành, đều hướng về phương nam khóc lớn, thống hận vì cứu binh không đến.
Sau này khi tức giận, Lữ Văn Hoán đã đem thành Tương Dương đầu hàng Mông Cổ. Cuối cùng Tương Dương cũng bị công hạ vào năm 1273.
Vào năm 1274, Hốt Tất Liệt bổ nhiệm Bá Nhan làm Trung thư hữu thừa tướng, thống lĩnh 20 vạn đại quân bắt đầu tiêu diệt Nam Tống, lần này chính là hạ quyết tâm tiêu diệt cho bằng được Nam Tống. Cũng trong năm 1274 này, Tống Độ Tông băng hà, con trai 4 tuổi là Triệu Hiển kế vị, đây là Tống Cung Đế trong lịch sử.
Quân đội Mông Cổ tiến công vô cùng nhanh. Đến tháng 11 năm 1275 đã tiến công đến Quảng Đức và Thường Châu. Nếu chúng ta xem bản đồ sẽ phát hiện lúc này quân Mông Cổ đã rất gần đô thành Lâm An ở Hàng Châu của Nam Tống.
Cuối cùng Hàng Châu cũng bị bao bây. Sau khi bị bao vây, Thái hậu cũng không có cách nào, đành phải đáp ứng việc hiến toàn bộ đất đai, chỉ cần bảo vệ được tông miếu họ Triệu. Tướng Mông Cổ - Bá Nhan liền đáp ứng.
‘Nhai Sơn hải chiến’: đoạn kết buồn cho ‘Lưỡng Tống phồn hoa’
Lời bạch: Tháng 2 năm 1276, Thái hoàng thái hậu và Tống Cung Đế Triệu Hiển dẫn văn võ bá quan đầu hàng triều Nguyên. Triều Nguyên lấy chiếu thư của Thái hoàng thái hậu đi thông báo cho tất cả quân để đầu hàng.
Sau đó quân Mông Cổ đến đô thành Lâm An cướp bóc đồ thư (sách vở) và cung nữ. Đến tháng 3, quân Mông Cổ đem tông thất, đại thần, học sinh ở Thái học bắt làm tù binh đến Bắc Thượng. Nam Tống như thế đã diệt vong chưa?
Giáo sư Chương giảng, tình cảnh Nam Tống diệt vong khá bi thảm. Tống Độ Tông không chỉ có một người con trai là Tống Cung Tông Triệu Hiển, ông còn có 2 người con trai của thứ phi, một là Triệu Thị 7 tuổi do Dương Thục phi sinh hạ, hai là Triệu Bỉnh 3 tuổi do Du Tu Dung sinh hạ.
Triệu Thị được phong làm Ích Vương, còn Triệu Bỉnh được phong làm Quảng Vương. Ích Vương phải chạy đến Phúc Châu, còn Quảng Vương phải chạy đến Tuyền Châu, cả hai chính là chạy từ Chiết Giang đến Phúc Kiến. Sau khi chạy đến Phúc Châu, Triệu Thị (con trai tuổi lớn hơn) kế vị làm Hoàng đế, lịch sử gọi là Tống Đoan Tông.
Sau khi những người còn lại trong tông thất đến được Phúc Kiến, Đoan Tông hạ lệnh phản công. Khi đó vua Tống mệnh lệnh cho một người tên là Trương Thế Kiệt phản công Chiết Giang, nhưng thất bại.
Ngược lại, quân Mông Cổ đã tiến thêm một bước xâm lấn về nam, công hãm được Kiến Dương của Phúc Kiến. Khi ấy Đoan Tông hễ thấy tình huống ở Phúc Châu khá nguy hiểm, ông liền chuẩn bị chạy về nam đến Tuyền Châu.
Chiêu phủ sử (tên chức quan) của địa phương Tuyền Châu tên là Phổ Thọ Khang, đây là một người ngoại tộc, không phải là người Hán. Phổ Thọ Khang vừa có tiền vừa có binh.
Tông thất nhà Tống cảm thấy nếu đầu hàng Phổ Thọ Khang thì tương đối an toàn, kết quả Phổ Thọ Khang đột nhiên phản loạn, đầu hàng Mông Cổ. Do đó triều đình lưu vong Nam Tống không còn đường nào, đành phải lên thuyền ra biến để đến Triều Châu của Quảng Đông.
Triều Châu cũng không ở lại lâu được, họ tiếp tục lênh đênh trên biển, lúc này đã là tháng 12 năm 1277. Chúng ta biết rằng thời tiết mùa đông rất lạnh, khi ấy trên biển vùng Phúc Kiến lại phát sinh gió bão, hơn một nửa số người của quân đội Nam Tống đã bị chết đuối vì gió bão quật đổ thuyền. Khi ấy Hoàng đế Đoan Tông cũng kinh hãi.
Vào năm sau, tức tháng 4 năm 1278, Đoan Tông sinh bệnh, sau đó bệnh mất ở trên hải đảo. Lúc này có một người tên là Lục Tú Phu nói: ‘Hoàng đế Độ Tông vẫn còn một người con trai đang ở cùng chúng ta, đó là Triệu Bỉnh.
Vì sao không lập cậu ấy làm Hoàng đế?’. Như thế Triệu Bỉnh được lập làm Hoàng đế, cải niên hiệu thành Tường Hưng. Lúc đó Triệu Bỉnh chỉ là đứa bé 6 tuổi, cũng là một tiểu Hoàng đế.
Vào tháng 6 năm 1278, chính phủ lưu vong đã đến Tân Hội của Quảng Đông, nơi này có một ngọn núi gọi là Nhai Sơn. Núi hai bên Nhai Sơn dốc đứng, giống như một cái cửa thời xưa với hai bên dựng đứng.
Lục Tú Phu xem xong địa lý nơi này, đã quyết định để toàn bộ số thuyền của Nam Tống đi vào Nhai Sơn, đây giống như một cái vịnh chắn gió.
Sau khi tiến vào, họ dùng toàn bộ thuyền lớn để phong kín lối vào của Nhai Sơn, như thế đảm bảo rằng quân Nguyên không tấn công được. Nhưng loại phòng thủ này không thể trụ lâu, bởi vì chỉ cần người ta đoạn đứt cung ứng thức ăn và nước uống thì sẽ chết đói chết khát ở trong vịnh đó. Nhưng lúc ấy Lục Tú Phu không nghĩ được nhiều như thế, có thể kéo dài được ngày nào thì tốt ngày nấy.
Khi ấy triều đình đang lang bạt long đong, không nói gì nhiều về kỷ cương nữa, lễ tiết giữa quân thần cũng không chú ý nhiều như thế, nhưng Lục Tú Phu mỗi ngày vẫn mặc triều phục chỉnh tề, tay cầm ‘hốt bản’ (笏板: tấm thẻ mà quan ngày xưa hay cầm), cung cung kính kính mà đứng bên Hoàng đế, ban ngày xử lý quân vụ, ban đêm viết câu chữ trong điển của Nho gia là ‘Đại học’ để giảng đạo lý cho tiểu Hoàng đế nên trị quốc như thế nào.
Lục Tú Phu thường lấy triều phục lau nước mắt, đến nỗi triều phục ố vàng, người nhìn ông đều có một cảm giác đau thương, bởi vì Lục Tú Phu ‘biết mà không thể làm gì được’, chỉ cố gắng tận hết cái tâm mà thôi.
Thuỷ quân của triều Nguyên do một người tên là Trương Hoằng Phạm thống lĩnh đã phát động tấn công Nam Tống, trước đó quân Nguyên đã cắt đứt cung ứng lương thực nước uống của Nam Tống. Rất nhiều binh sĩ Nam Tống không có nước uống liền uống nước biển, nhưng sau khi uống liền nôn ra, cuối cùng mất nước mà chết.
Vào ngày 6 tháng 2 năm 1279, Trương Hoằng Phạm đã phát động cuộc tổng tấn công nhắm vào Nam Tống, hôm ấy trời giáng sương mù và mưa lớn, trong gang tấc cũng không thấy người. Sau đó Lục Tú Phu ngồi trên long chu (thuyền rồng) của Hoàng đế bắt đầu đột phá vòng vây.
Lục Tú Phu là một quan văn, khi đó còn có một võ tướng là Trương Thế Kiệt. Trương Thế Kiệt thấy được long chu đang đột phá ra ngoài, ông cũng lên thuyền chạy tới bên thuyền rồng.
Trương Thế Kiệt biết rõ Lục Tú Phu là một quan văn, ông mới hét to với Lục Tú Phu rằng: ‘Thuyền lớn của tôi còn có quân đội, hãy nhanh chóng đem Hoàng đế lên thuyền tôi’. Nếu lúc đó Hoàng đế lên thuyền của Trương Thế Kiệt, còn có thể bảo toàn mạng sống.
Kết quả, vì sương mù và mưa lớn nên Lục Tú Phu không thấy được người đang nói là ai, ông sợ quân Nguyên lừa, cho nên không để Hoàng đế lên thuyền khác. Như thế khi long chu xông ra bên ngoài thì bị thuyền của quân Nguyên bao vây từng đoàn từng đoàn.
Lục Tú Phu mới nói với tiểu Hoàng đế Triệu Bỉnh rằng: ‘Xã tắc đã đến bước này, bệ hạ nên lấy thân tuẫn quốc’. Thế là Lục Tú Phu ôm Hoàng đế nhảy xuống biển mà chết.
Trong trận ‘Nhai Sơn hải chiến’, số người nhảy xuống biển theo Hoàng đế có hơn mười mấy vạn quan binh.
Khi đó Trương Thế Kiệt vốn dĩ còn muốn đi tìm Thái hậu Dương Thị (họ Dương), tức mẹ của tiểu Hoàng đế, vì chỉ cần Dương Thị còn thì tương lai có thể tìm hậu duệ của họ Triệu, dựa vào chiếu thư của Thái hậu có thể lập Hoàng đế mới. Kết quả Dương Thị nghe tin Triệu Bỉnh nhảy xuống biển, bản thân cũng nhảy xuống biển mà chết.
Còn Trương Thế Kiệt cuối cùng đem một nhóm binh đột phá vòng vây nhưng lại gặp mưa to gió lớn, ông cũng chết đuối trong mưa gió. Như thế, tất cả quân đội của Nam Tống chỉ trong một trận chiến mà không còn một người. Nam Tống chính là diệt vong như thế…
Sau 7 ngày ‘Nhai Sơn hải chiến’, trên biển trôi nổi đầy thi thể của mấy chục vạn quân Tống, họ đều là kẻ sĩ trung nghĩa không muốn đầu hàng mà nhảy xuống biển ‘tuẫn tử’.
Nguyệt Hòa biên tập Theo DKN